VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA THƯ VIỆN CÔNG CỘNG CƠ SỞ TRONG VIỆC THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
[ 10/06/2019 00:00 AM | Lượt xem: 409 ]

Thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã hội thông tin, trong đó thông tin và tri thức ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhiều người cho rằng khả năng khai thác và sử dụng thông tin là tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong thời đại ngày nay. Hoạt động thông tin – thư viện, nhất là thư viện công cộng cơ sở, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của bạn đọc ở các cấp huyện, xã phường vùng sâu, vùng xa vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội, trong đó có sự nghiệp xây dựng nông thôn mới

TheoPháp lệnh thư viện, thư viện công cộng do Ủy Ban Nhân Dân các cấp thành lập, có đối tượng phục vụ là toàn bộ cư dân địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của các thư viện công cộng là thỏa mãn nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Trong thực tiễn, đây là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp vì đối tượng phục vụ của thư viện công cộng đa dạng và có thể phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Theo lứa tuổi, người sử dụng thông tin của thư viện công cộng bao gồm cả thiếu nhi và người lớn. Theo nghề nghiệp, họ là những người trực tiếp tham gia hoạt động lao động sản xuất ở tất cả các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Như vậy các thư viện công cộng có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là những người lao động và chuẩn bị tham gia lao động.

Trước hết cần phải nhận thức rõ nhu cầu thông tin: Nhu cầu thông tin là đòi hỏi khách quan của cá nhân hoặc một nhóm người đối với việc tiếp nhận và sử dụng thông tin/ tài liệu. Nhu cầu thông tin – một nhu cầu tinh thần của con người – thường nảy sinh và phát triển trong quá trình con người tham gia các hoạt động sống khác nhau, nhằm giải quyết yêu cầu của các hoạt động đó. Hoạt động càng phức tạp, nhu cầu thông tin càng phát triển. Điều kiện xã hội diễn ra, các hoạt động thay đổi cũng làm nhu cầu thông tin biến đổi theo… Nhu cầu sử dụng thông tin trong các thư viện công cộng không chỉ đa dạng theo các nhóm người mà còn luôn biến đổi dưới tác động của các nhân tố xã hội khác nhau. Nhu cầu thông tin của họ gắn bó chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất và các hoạt động xã hội khác. Người công nhân sẽ có ham muốn tìm kiếm thông tin để cải tiến kỹ thuật, cải tiến quy trình lao động sản xuất nhằm đạt được năng suất lao động cao hơn, người nông dân cũng say mê học hỏi kinh nghiệm trồng trọt nếu muốn tăng năng suất cây trồng trên mảnh đất của mình, các em học sinh tìm hiểu sách tham khảo để hỗ trợ việc học tập của mình được tốt hơn... khi nhu cầu thông tin của họ được thỏa mãn đầy đủ, đồng nghĩa với năng suất lao động xã hội có điều kiện được nâng cao hơn, kết quả học tập cũng đạt được tốt hơn… Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tỉnh ta đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì hơn lúc nào hết việc cung cấp thông tin qua Sách – Báo… để giúp người dân có điều kiện tốt hơn trong việc tìm hiểu tri thức, tìm hiểu khoa học khoa học kỹ thuật … nhằm áp dụng vào cuộc sống là việc làm cấp thiết nhất đối với các thư viện công cộng cơ sở.



Thư viện xã Bờ Y - Ngọc Hồi Kon Tum


Hiểu rõ vai trò, vị trí của mình, trong những năm gần đây, hoạt động của Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Kon Tum đã phát triển thêm một bước mới cả về số lượng và chất lượng: Bao gồm 01 thư viện cấp tỉnh với 150.000 bản sách- báo- tạp chí, 40 máy tính phục vụ bạn đọc; 09 thư viện cấp huyện với 62.000 bản sách và 90 máy tính phục vụ bạn đọc; 52 thư viện cấp xã với 59.000 bản sách và 45 máy tính phục vụ bạn đọc; 70 điểm bưu điện văn hóa xã với 45.000 bản sách và 80 máy tính để phục vụ bạn đọc; 97 tủ sách/ phòng đọc sách ở thôn làng và các đồn Biên Phòng… Có thể thấy, tổng số bản sách hiện có trong hệ thống thư viện công cộng tỉnh Kon Tum đã trên 300 nghìn bản. Tính trung bình mỗi thư viện có khoảng 2000 bản sách. Các hình thức phục vụ cũng đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với tâm lý và tập quán của người dùng tin. Bình quân lượt bạn đọc hàng năm của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Kon tum là trên 200.000 lượt bạn đọc. Mọi người dân trong tỉnh, từ thành phố đến nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng tài liệu của thư viện công cộng. Có thể nói Thư viện công cộng tỉnh Kon Tum đã và đang trở thành trung tâm văn hóa và thông tin của tỉnh, của huyện, của xã phường nói chung.
Điển hình hoạt động tốt nhất là hệ thống thư viện công cộng huyện Đắk Hà, thư viện huyện có trụ sở hoạt động khang trang với hơn 20.000 bản sách phục vụ trên 100 lượt bạn đọc mỗi ngày; 08/08 xã có thư viện hoạt động tốt và được huyện bổ sung sách cho các thư viện xã thường xuyên hàng năm, 97 thôn, làng có tủ sách và huyện Đắk Hà là huyện có xã đầu tiên trong cả nước đạt đủ 19 tiêu chí Xây dựng nông thôn mơi.
Các thư viện công cộng của chúng ta tuy đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên hoạt động của thư viện cộng cộng tỉnh Kon Tum vẫn còn một số tồn tại và thực trạng như sau:
Qua công tác phục vụ tại các thư viện công cộng cho thấy: Tỷ lệ bạn đọc tại thư viện có sự chệnh lệch rất lớn giữa các nhóm bạn đọc, bạn đọc là công chức viên chức, nông dân, cán bộ kỹ thuật chưa nhiều, trong khi bạn đọc là thiếu nhi, học sinh, sinh viên, người về hưu chiếm tỷ lệ rất cao. Hiện tượng này có thể được nhìn nhận ở hai khía cạnh: Hoặc là thư viện chưa đủ sức thu hút, hấp dẫn những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất, hoặc là nhu cầu thông tin của họ còn quá thấp.
Theo chúng tôi, nguyênnhân của hiện tượng nêu trên nằm cả ở hai yếu tố: Sức hút của thư viện và nhu cầu của người sử dụng thông tin. Các thư viện công cộng của chúng ta tuy đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng điều kiện vật chất còn hạn chế do điều kiện kinh tế của tỉnh còn nghèo, mặt khác nhận thức của các cấp lãnh đạo ở một số địa phương chưa đúng mức.Hoạt động thư viện đem lại lợi ích xã hội, lợi ích tinh thần rất lớn nhưng nó đang được coi là hoạt động thứ yếu. Thực tế trong một số huyện, xã, có thư viện cũng tốt mà không có thư viện cũng không sao (hiện tại còn 02 huyện chưa có trụ sở dành cho thư viện huyện hoạt động -huyện Đăk Tô và huyện Tumrông), mới có 52 xã, phường/102 xã, phường có thư viện. Trong khi chính quyền một số địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động thư viện, từ địa điểm, trụ sở, đến kinh phí và con người thì ở một số địa phương khác người lãnh đạo dễ dàng ra quyết định dời chuyển thư viện khỏi vị trí trung tâm của địa phương cho một đơn vị kinh tế tiếp quản để đến một địa điểm không thuận lợi về giao thông, xa khu dân cư... Chính vì vậy, đa số các thư viện công cộng đều thiếu thốn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách dành riêng cho phục vụ thư viện mà hầu hết là cán bộ huyện, xã, phường kiêm nhiệm, dẫn tới đối tượng phục vụ chỉ thu hẹp ở một nhóm nhất định.
Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận rõ tỉnh ta là một tỉnh phần lớn là nền sản xuất nhỏ manh mún của nền kinh tế tiểu nông. Do sự chi phối của sản xuất nhỏ, của tư duy tiểu nông nên nhu cầu thông tin của xã hội chưa thực sự phát triển. Nhiều người cho rằng đọc sách chỉ là để giải trí, chỉ để lấp đầy thời gian nhàn rỗi. Hiện tượng đó không chỉ phổ biến trong các tầng lớp nông dân mà còn ngay cả ở một bộ phận trí thức. Nhiều sinh viên ở một số trường không hề đọc bất cứ tài liệu tham khảo nào ngoài bài giảng của thầy. Một số giáo viên rất ít đến thư viện đọc tài liệu…
Trước tình trạng trên, với tư cách là một trung tâm văn hóa thông tin của tỉnh, của huyện, của xã- phường. Thư viện công cộng tỉnh Kon Tum phải có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu thông tin lành mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh,nhất là ở các vùng nông thôn.Phải làm cho Sách - Báo là phương tiện hữu hiệu để người dân áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của họ. Nhiệm vụ đó chỉ có thể giải quyết tốt nếu các thư viện công cộng từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của mình theo hướng phù hợp với nhu cầu, tâm lý và tập quán canh tác sản xuất của mỗi địa phương trong tỉnh và cần làm tốt một số việc như sau:
1. Bổ sung vốn tài liệu cho các thư viện- ngoài số lượng tài liệu- tỷ lệ môn loại, cần chú ý tới sự phù hợp của vốn tài liệu với nhu cầu sản xuất của mỗi địa phương.
2. Có kế hoạch đi kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, khảo sát các hoạt động của thư viện và nhu cầu thông tin ở mỗi địa phương trong tỉnh. Nên chú trọng biên soạn và phổ biến các thư mục chuyên đề gắn liền với những yêu cầu phát triển sản xuất ở địa phương. Phát triển các hình thức phục vụ ngoài thư viện tức là luân chuyển sách thích hợp với điều kiện của mỗi huyện mỗi xã, phường để mỗi người dân đều có cơ hội tốt nhất tiếp cận và sử dụng sách của thư viện. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc sách bởi đây là những hình thức hoạt động đặc thù của các thư viện công cộng nhằm kích thích, định hướng, phát triển nhu cầu đọc, nhu cầu tìm tin lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời thu hút lôi kéo họ sử dụng tài liệu của thư viện.
3. Lãnh đạo địa phương cần phải quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho thư viện công cộng, đồng thời tăng cường xã hội hóa hoạt động thư viện.
4. Nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ thư viện công cộng. Ngoài trình độ nghiệp vụ vững vàng, trình độ tin học, cán bộ thư viện công cộng cần phải được trang bị và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thích hợp. Đây là kỹ năng nền tảng để có thể đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động thư viện, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin, định hướng đọc, định hướng nhu cầu tìm tin của mọi người tại các thư viện công cộng.

Với tinh thần nỗ lực vươn lên không ngừng, phát huy thế mạnh, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, các thư viện công cộng ở tỉnh Kon Tum sẽ thực sự trở thành những trung tâm văn hóa và thông tin không thể thiếu của mỗi huyện, mỗi xã phường trong tỉnh. Hoạt động thư viện công cộng sẽ góp phần to lớn hơn nữa trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn tỉnh ta đang thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới và hướng tới một xã hội học tập (Một xã hội học tập chỉ có thể được hình thành trên cơ sở mỗi người trong xã hội đó đều có nhu cầu tìm hiểu, học tập, tiếp thu thông tin và tri thức) để Sách – Báo và nghề thư viện sẽ được tôn vinh và trở thành một nghề cao quý, đáng trân trọng hơn trong xã hội chúng ta.


< http://thuvienkontum.vn/vi/news/Tin-tuc/VI-TRI-VAI-TRO-CUA-T >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 24