Ðổi mới thư viện điện tử thời 4.0
[ 08/08/2019 00:00 AM | Lượt xem: 191 ]

Trong thời đại công nghệ số, ngành thư viện có thêm nhiều cơ hội để phát triển, nâng cao vị thế, vai trò, trở thành môi trường học tập, trung tâm cung cấp kiến thức ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức khi các thư viện điện tử chưa thật sự biết tận dụng thuận lợi để vận hành, ứng dụng tiện ích tạo nên sức hút đối với độc giả nhất là giới trẻ.

Thời gian qua, dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và in-tơ-nét công cộng" đã trang bị gần 8.000 máy tính, máy chủ, máy scan, hỗ trợ các thư viện công cộng tại 40 tỉnh, thành phố xây dựng trang web; nhiều cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ các thư viện hệ thống trang thiết bị, máy tính hiện đại. Trên thực tế, nhiều thư viện đã vượt qua hình thức cung cấp thông tin, dữ liệu theo kiểu truyền thống, mở rộng thêm các chức năng như: sưu tập tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người sử dụng…

Có những thí dụ khá sinh động trong đổi mới thư viện điện tử. Chẳng hạn, một số thư viện xóa bỏ quy định về giờ giấc; bố trí khu vực cho sinh viên học xuyên đêm; triển khai ứng dụng mượn và đọc sách điện tử cài đặt trên mọi thiết bị; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để hài hòa giữa việc đọc và học. Trung tâm Thông tin thư viện, Ðại học Quốc gia Hà Nội mở cổng tìm kiếm tích hợp kho tài nguyên số nội sinh của thư viện bốn trường đại học của Việt Nam và Xin-ga-po; xây dựng được kho tài liệu số gồm 50.000 tài liệu có giá trị khoa học cao, bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, mỗi năm tăng thêm từ 8.000 đến 10.000 tài liệu mới. Một giáo viên ở Trường THPT chuyên Bến Tre sáng tạo số hóa tài liệu văn bản bằng cách chụp trang sách, chuyển định dạng PDF, đóng góp vào kho lưu trữ của trường nhiều tài liệu quý…

Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của người đọc. Khó khăn lớn nhất với thư viện điện tử ở Việt Nam hiện nay là làm thế nào để xây dựng nguồn dữ liệu phong phú, chính xác. Nhiều năm qua, việc bổ sung tài liệu cho thư viện điện tử luôn bị hạn chế. Gần 20% số thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại dù có cũng manh mún; khoảng 35% các thư viện phải mua hoặc thuê quyền sử dụng từ các đơn vị cung cấp trong nước, nước ngoài; 37% các thư viện được khảo sát chọn cách liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác. Ngoài ra, vấn đề bản quyền, an toàn bảo mật thông tin, độ tin cậy trong sạch của dữ liệu… đang khiến nhiều đơn vị quản lý thư viện điện tử loay hoay, chưa tìm được giải pháp.

Thực tế cho thấy, việc đổi mới thư viện điện tử trước hết cần được bắt đầu từ nhận thức đúng đắn về chức năng, vai trò của thư viện. Nhiều lãnh đạo các ngành, địa phương chưa hiểu đúng bản chất vấn đề; đội ngũ cán bộ thư viện chưa được trang bị đủ kiến thức; người đọc không tin vào độ an toàn dữ liệu hoặc thờ ơ trong tích lũy kiến thức; đầu tư chưa đồng bộ… là những nguyên nhân khiến thư viện điện tử bị nhiễu loạn, thậm chí ế ẩm giữa thời đại công nghệ số. Theo ý kiến của các chuyên gia, để ứng dụng hiệu quả thuận lợi của thư viện điện tử, đội ngũ những người làm thư viện cần mở rộng mô hình xã hội hóa, đa phương tiện; chủ động phối hợp, tương tác với giới nghiên cứu, nhà cung cấp giải pháp công nghệ; liên thông giữa các thư viện, nhà xuất bản nhằm xây dựng hệ thống thư viện điện tử tích hợp nhiều tiện ích cho người sử dụng, từng bước hội nhập với các mô hình thư viện tiên tiến trên thế giới. Việc thống kê, tìm hiểu tính đặc thù của từng thư viện điện tử từ môi trường ứng dụng, đối tượng sử dụng, nhân lực vận hành, mức độ đầu tư, cơ sở vật chất trang thiết bị… để định hướng việc hiện đại hóa cũng hết sức cần thiết. Ðể thư viện điện tử có sức sống với độc giả, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, dài hơi và cụ thể.

MAI LỮ

< http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38740002-%C3%B0oi-moi-th >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 36