NGHỀ THƯ VIỆN- NGHỀ VĂN HÓA CAO QUÝ
[ 21/07/2019 00:00 AM | Lượt xem: 2811 ]

NGHỀ THƯ VIỆN - NGHỀ VĂN HÓA CAO QUÝ

Làm thế nào để gia tăng số lượng bạn đọc đến thư viện? Làm thế nào để sự nghiệp thư viện ngày càng phát triển? Đó là câu hỏi mà những người làm thư viện có lẽ ai cũng trăn trở, suy nghĩ trong quá trình công tác.

Thật vậy, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay thì việc đọc sách, báo, tin tức trên Internet là điều phổ biến. Những tiện ích của các phương tiện tra cứu thông tin hiện đại dễ dàng khiến người ta sao lãng hình thức đọc trên giấy. Hình ảnh thanh thiếu niên truy cập trên các Ipad, Smartphone, máy vi tính bây giờ là những tin tức hot, tin tức mang tính thời sự, những trò chơi hoặc những ca khúc trẻ của Hàn Quốc, Anh quốc… Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành thư viện nói riêng và ngành văn hóa nói chung. Do vậy, hơn lúc nào hết, văn hóa đọc đang được các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội nhất là thư viện phải tăng cường đề ra nhiều giải pháp, phương hướng, lên kế hoạch cụ thể nhằm phát huy vai trò nhiệm vụ của mình để thu hút đông đảo bạn đọc, đặc biệt bạn đọc là thanh thiếu niên.

Tuy nhiên để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thư viện đối với xã hội.

“Thư viện là gì? Làm thư viện là làm những việc gì, chỉ là giữ và cho mượn sách thôi à, vậy sao cần nhiều người làm thế lại còn tuyển người học chuyên ngành, đào tạo mất 4 năm như bao ngành khác v.v và v.v…? Đó là một loạt những câu hỏi mà tôi cần trả lời mỗi khi ai đó hỏi về nghề nghiệp của mình?”. Thoạt đầu cách đây 10 năm nếu gặp những câu thắc mắc như trên có lẽ tôi cũng chỉ trả lời như trong các tài liệu đã định nghĩa mà mình đã học: thư viện là nơi lưu trữ sách, báo, tư liệu, thư viện có vai trò, nhiệm vụ lưu trữ, giáo dục, định hướng người đọc, các dây chuyền trong công tác thư viện bao gồm bổ sung, xử lý tài liệu (phân loại, mô tả…), tổ chức kho, sắp xếp sách lên giá kệ và cuối cùng là phục vụ bạn đọc… Nghe những lời giải thích như vậy có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy mơ hồ và chưa hình dung hết được một công việc mà theo tôi đó là một nghề cao quý.

Trước khi thi vào ngành này tôi cũng đã tham khảo đôi chút. Tôi ngạc nhiên khi thấy rằng các nước phát triển họ rất quan tâm và chú trọng đầu tư hoạt động này. Đối với họ, khách du lịch đến tham quan một vùng, một quốc gia chỉ cần ghé vào thư viện là có thể đánh giá được trình độ văn hóa thậm chí có thể nhận xét được một phần nào đó sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Sự tò mò đã thôi thúc tôi, dẫn tôi bước vào thế giới của khoa học thư viện. Và tôi đã quyết định đến với ngành này.

Trải qua 4 năm đào tạo, không chỉ được các thầy cô truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn truyền cả lòng nhiệt huyết với nghề, bên cạnh đó khi ra trường cùng với những tháng ngày công tác tại Thư viện trường Dân tộc nội trú Phục Hòa -  Cao Bằng, tôi được các cô chú, anh chị đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ, tôi đã bổ sung thêm cho mình không ít kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp. Đôi lúc có người vẫn hỏi tôi nếu cho chọn lần nữa thì tôi sẽ chọn nghề gì. Câu hỏi đó gợn lên một chút suy nghĩ trong tôi “Sao có người vẫn còn nhìn nhận nghề thư viện là một nghề buồn tẻ, nhàn nhã? Phải chăng ai đó chưa hiểu hết được hoạt động thư viện là một hoạt động vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật, và bản thân mình hay những người làm công tác thông tin thư viện cần làm gì để mọi người nhận ra được vai trò cao quý và không kém phần thiết thực cụ thể trong xã hội?...”. Tuy nhiên tôi không buồn, bởi tôi nghĩ rằng trong xã hội còn nhiều những công việc khác vất vả đôi khi đồng lương còn thấp hơn so với nghề thư viện nhưng vẫn có người làm, vẫn có người cống hiến thì tại sao thư viện là một nghề thuộc ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, là hoạt động “đưa tri thức đến với nhân loại”, một nghề cao quý như vậy mà mình không góp sức dựng xây.

Mặc dù là đơn vị sự nghiệp, thu nhập khá khiêm tốn trong xã hội, nhưng những người làm công tác thư viện chúng tôi cảm thấy tự hào và quý trọng nghề hơn bao giờ hết. Bởi thứ nhất, đó là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa cha ông: những trang văn, áng thơ, những di sản phi vật thể: tư liệu Hán Nôm, những phát minh khoa học, những phong tục tập quán, những hình ảnh: bản đồ chiến thuật, chiến lược trong kháng chiến chống ngoại xâm, v.v… đều được tập hợp trong kho tàng tri thức này.

Thứ hai, thư viện là nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý hiếm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như: lịch sử, địa lý, chính trị, khoa học tự nhiên và xã hội với số lượng và loại hình phong phú, đa dạng do đó nơi đây còn được ví như trường học để mọi người đến tham khảo, nghiên cứu, học tập.

Thứ ba, đó là nơi thư giãn, giải trí vô cùng bổ ích. Sau những phút giây lao động, học tập, thời gian rảnh rỗi chúng ta có thể đến thư viện tìm đọc những mẩu chuyện cười, những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay những bài thơ, bài ca dao để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bản thân. Đây cũng là nơi hướng mọi người đến giá trị chân thiện mỹ qua những tác phẩm Hạt giống tâm hồn, Tấm lòng cao thượng, Vượt lên chính mình…

Đối với cán bộ thư viện, hoạt động trong môi trường này, chúng ta được tiếp xúc với nhiều đối tượng bạn đọc, được trao đổi thông tin để biết họ cần tài liệu nào, thư viện đã đáp ứng hay chưa đáp ứng được gì cho bạn đọc, cảm xúc và mong muốn của họ khi sử dụng các dịch vụ của thư viện. Với những đối tượng khác nhau có những chia sẻ khác nhau giúp cán bộ thư viện trở nên năng động, linh hoạt và có thêm kỹ năng tìm hiểu về tâm lý của con người.

Trước đây, thư viện được biết đến như một nghề văn hóa bình lặng, những cán bộ thư viện được ví như những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa đó. Nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học, của xã hội, thư viện đang chuyển mình, khoác lên mình một tấm áo mới – hoạt động trong ngành thư viện mang màu sắc phong phú và sinh động hơn, cán bộ thư viện không còn thụ động là chỉ ngồi cho bạn đọc mượn trả tài liệu mà phải luôn luôn sáng tạo, linh hoạt, đưa ra các giải pháp để thu hút lượt bạn đọc cũng như làm tăng vòng quay lượt mượn tài liệu. Với phương châm “Sách đi tìm người” công tác luân chuyển tài liệu không còn dừng lại ở những khu vực đông dân cư hay thành thị mà được mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hải đảo.

Thư viện thông tin không chỉ là một ngành mang tính khoa học mà đó còn là cả một nghệ thuật. Các dây chuyền trong hoạt động này liên quan, bổ trợ nhau, nếu làm không tốt một công đoạn nào thì những công đoạn tiếp theo sẽ bị vướng mắc và khi đó hiệu quả trong phục vụ sẽ bị hạn chế. Ví như công tác bổ sung không phù hợp với nhu cầu thực tế hay cán bộ xử lý tài liệu biên mục sai thông tin tài liệu thì việc tổ chức kho và phục vụ bạn đọc gặp khó khăn, và một lẽ nào đó vô tình chúng ta làm cho những cuốn sách đó “ngủ yên” trên giá. Vâng, có tìm hiểu, đi sâu học hỏi và hơn hết là phải tâm huyết với nghề thư viện, chúng ta mới cảm nhận được cái hay, cái đặc thù và đầy ý nghĩa của ngành này - Một ngành đóng vai trò không nhỏ cho sự tiến bộ của xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng ấy, tập thể cán bộ thư viện trường Dân tộc nội trú Phục Hòa chúng tôi luôn nêu cao tinh thần phấn đấu, tự rèn luyện, trau dồi bản thân và nhiệt huyết trong công tác phục vụ, chúng tôi không cho phép mình làm giảm số lượng bạn đọc đến sử dụng thư viện, cố gắng tăng cường vòng quay của tài liệu, tạo niềm tin nơi bạn đọc để nâng cao uy tín của thư viện mình. Tất cả đều nỗ lực để không chỉ thu hút bạn đọc hiện tại mà còn thu hút được cả bạn đọc tiềm năng. Đó cũng là mong ước, là nguyện vọng của những người làm nghề văn hóa nói chung và nghề thư viện nói riêng.

Thư viện viên: Đàm Việt Chinh


< http://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/tintv/Lists/Posts/ >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 28