GIA ĐÌNH VỚI GIÁO DỤC NHÂN CÁCH CHO THẾ HỆ TRẺ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ - ĐHTN, số tháng 8/2012, số đặc biệt kỉ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Khoa học)
Tóm tắt: Với xu hướng xã hội hóa hiện nay, giáo dục con người không còn là chức năng, vai trò, nhiệm vụ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả gia đình (GĐ), nhà trường và xã hội. Song với những đặc trưng riêng có của mình, thông qua thời gian, môi trường, nội dung và phương pháp giáo dục thì GĐ đã thể hiện là lực lượng giáo dục, môi trường giáo dục đầu tiên và cũng là quyết định nhất đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các bậc ông bà, cha mẹ muốn thực hiện tốt vai trò là nhà giáo dục đặc biệt quan trọng của mình đối với trẻ thì không chỉ quan tâm xây dựng kinh tế gia đình mà còn phải trau dồi kiến thức mọi mặt, tạo lập môi trường sống lành mạnh cho trẻ, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình với nhà trường và các đoàn thể xã hội khác, bản thân ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học cho con cháu noi theo.
Từ khóa: Gia đình, giáo dục, phương pháp giáo dục, nội dung giáo dục, thế hệ trẻ, nhân cách. |
Gia đình (GĐ) là một cộng đồng người được hình thành trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục, quan hệ quần tụ trong một không gian sinh tồn… mà ở đó các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau bởi trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi về kinh tế, văn hoá, tình cảm và theo những chuẩn giá trị nhất định, được dư luận, xã hội ủng hộ, được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ [6, 90-91].
Giáo dục gia đình (GDGĐ) là một bộ phận của hệ thống giáo dục xã hội, gồm toàn bộ những tác động của GĐ đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết là trẻ em.
Nhân cách như là toàn bộ những đặc điểm cùng với những phẩm chất tâm lý cá nhân có tác dụng quy định giá trị và hành vi xã hội của một con người.
Với xu hướng xã hội hóa hiện nay, giáo dục con người không còn là vai trò, nhiệm vụ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội [5, 74] nhưng với những đặc trưng riêng có của mình, GĐ thể hiện là cộng đồng có vai trò đặt biệt quan trọng trong giáo dục nhân cách con người. Trong phạm vi bài viết này, tôi tập trung nghiên cứu vai trò giáo dục nhân cách của gia đình đối với thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay. Bởi vì, thế hệ trẻ (ở đây tôi quan niệm là lứa tuổi dưới 18) là lứa tuổi đang chủ yếu chịu sự nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục của GĐ, lứa tuổi chưa được pháp luật quy định trách nhiệm nghĩa vụ công dân, có những đặc trưng nổi bật là: tâm, sinh lý, thể chất và nhân cách phát triển chưa hoàn chỉnh; tính hiếu động và phản xạ nhanh, ưa chuộng những điều mới lạ; được giáo dục bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa GĐ, nhà trường và xã hội, trong đó GĐ là thiết chế có vai trò giáo dục nhân cách thế hệ trẻ quan trọng nhất.
Nếu như giáo dục của nhà trường nằm trong khuôn khổ nhất định về không gian (học tại một địa điểm duy nhất là trong trường), về thời gian (12 năm phổ thông,...), chủ thể giáo dục là giáo viên, người được giáo dục là học sinh, giáo dục chủ yếu có tính chất một chiều là giáo viên đối với học sinh; giáo dục của các cộng đồng xã hội là sự giáo dục lẫn nhau của cá nhân với cá nhân trong một tổ chức với những mục đích và chức năng nhất định như: Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên,... Ở đó, mỗi người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quá trình giáo dục, thì giáo dục GĐ lại khác. Không giống với các môi trường giáo dục trên, có thể nói GĐ là thiết chế giáo dục quan trọng nhất, không thể thay thế. Trước hết được thể hiện ở thời gian, môi trường, chủ thể tham gia. GDGĐ được thực hiện ở mọi chu trình của đời người. Mục đích giáo dục của GĐ và của xã hội có sự thống nhất căn bản với nhau. Tuy nhiên, mục đích của giáo dục GĐ có tính linh hoạt hơn, thay đổi theo sự biến đổi và phát triển của đứa trẻ, theo sự vận động và phát triển của xã hội, phụ thuộc vào chính cuộc sống của GĐ và những định hướng của nó. Mỗi GĐ trước hết là một tổ chức giáo dục. Mỗi người lớn trong GĐ là những nhà giáo dục đầu tiên và nhà giáo dục thường xuyên đối với thế hệ trẻ. Với những đặc trưng nổi bật của mình, thế hệ trẻ chính là giai đoạn quan trọng nhất cho sự hình thành nhân cách mỗi con người và cũng là giai đoạn trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ GĐ mặc dù GDGĐ cho đến nay chưa có chương trình cụ thể nhất định, được soạn một cách khoa học, kỹ lưỡng như giáo dục nhà trường, mà phần lớn là tùy thuộc vào trình độ văn hóa GĐ của các bậc cha mẹ. Điều này được thể hiện trong cả nội dung và phương pháp giáo dục của GĐ.
Về nội dung, giáo dục của GĐ là giáo dục toàn diện. Bao gồm cả giáo dục đạo đức, lao động, học tập văn hoá và rèn luyện tính tự lập cho trẻ, giáo dục thể chất, thẩm mỹ, giới tính, tình yêu và hôn nhân cho thế hệ trẻ.
Trước hết là giáo dục đạo đức: Trong GDGĐ, đây là nội dung quan trọng nhằm xây dựng ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình cảm đạo đức, rèn luyện thói quen hành vi đạo đức và để mỗi thành viên trong GĐ được sống trong môi trường chan chứa tình thương, đậm tính nhân văn. Giáo dục đạo đức là giáo dục lòng kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, sự thông cảm sâu sắc với điều kiện, hoàn cảnh, đời sống của GĐ bằng cách công khai sự thu nhập, chi tiêu chính đáng của bố mẹ, để trẻ biết sống “tùy gia phong kiệm”, tạo nên một không khí hòa thuận, ấm cúng trong đời sống GĐ, biết vâng lời và biết hoàn thiện công việc một cách vui vẻ khi bố mẹ sai bảo, có ý thức trách nhiệm đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa anh chị em ruột thịt. Từ đó là cơ sở giúp trẻ hình thành những phẩm chất đạo đức tốt như: lòng nhân ái, tính khiêm tốn, tính chân thực trong quan hệ đối nhân xử thế với mọi người ngoài xã hội.
Thứ hai là giáo dục học tập văn hóa, giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập cho trẻ. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, học tập văn hóa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Học tập văn hóa sẽ góp phần phát triển toàn diện nhân cách con người. Giáo dục học tập có nội dung toàn diện, nhằm trang bị những tri thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật, nhằm mở rộng sự hiểu biết, rèn luyện năng lực tư duy khoa học, óc phân tích và kỹ năng vận dụng những tri thức vào cuộc sống. Do đó, cùng với giáo dục ở nhà trường, giáo dục đức tính siêng năng học tập trong GĐ là hết sức quan trọng. Các bậc cha mẹ cần giúp con trẻ xác định đúng mục đích, động cơ, thái độ học tập đúng đắn, rèn luyện cho các em ý thức tự giác, lòng say mê học tập. Trong chừng mực có thể được, cha mẹ dạy con cái về kiến thức văn hóa và văn hóa ứng xử. GĐ cần dành cho con trẻ những điều kiện thuận lợi nhất cho học tập, đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc học tập của con cái, luôn tạo ra "không khí học tập", phải tôn trọng việc học, giờ học của con.
Bên cạnh giáo dục học tập văn hóa thì giáo dục lao động cũng là một nội dung quan trọng không thể thiếu. Giáo dục lao động không chỉ là rèn thói quen lao động, quý trọng thành quả lao động mà còn để phát triển cho trẻ em năng lực và kỹ năng ở những lĩnh vực khác nhau, góp phần hình thành nhân cách, phát triển những tình cảm đạo đức và niềm tin của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng phải quan tâm đến việc đánh giá đúng mức kết quả lao động của con cái thì giáo dục lao động mới có hiệu quả cao, khích lệ trẻ tích cực trong lao động.
Thứ ba là giáo dục thể chất và thẩm mỹ: Thể hệ trẻ là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ nhất tất cả các cơ quan, chức năng sinh lý của cơ thể, có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các giai đoạn sau của cuộc đời. Giáo dục thể chất cho trẻ ở trong GĐ, trước hết các bậc cha mẹ phải quan tâm đến sự ăn uống khoa học, tập thói quen cho trẻ vệ sinh thân thể thường xuyên để cho cơ thể sạch sẽ. Động viên khuyến khích trẻ thực hiện chế độ thể dục buổi sáng, tham gia các hoạt động thể thao phù hợp với sở thích, nhu cầu, nhằm phát triển năng khiếu các cá nhân. Giáo dục con em ý thức phòng, chữa bệnh nhằm giữ gìn bảo vệ sức khỏe. Việc giáo dục thể chất cho trẻ cũng gắn liền với việc tổ chức vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, tham quan du lịch theo điều kiện hoàn cảnh của từng GĐ.
Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ thì việc thưởng thức cái đẹp của con người ngày càng cao, trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống hàng ngày. Con người tiếp thu cái đẹp đầu tiên chính là ở trong GĐ. Có thể nói những mầm mống của cái đẹp được tiếp nhận ở trong GĐ là nền tảng để xây dựng cái đẹp của cả cuộc đời. Giáo dục thẩm mỹ ở trong GĐ, trước hết phải quan tâm giáo dục những hành vi trong nếp sống lịch sự, văn minh. Ngoài ra, tùy hoàn cảnh GĐ mà các bậc cha mẹ lựa chọn phương tiện phù hợp giúp các em phát triển những năng khiếu thẩm mỹ chuyên biệt về ca nhạc, hội họa, điêu khắc... làm cho thẩm mỹ nhân sinh ngày càng thêm phong phú hơn.
Thứ tư là giáo dục giới tính (GDGT), tình yêu và hôn nhân cho thế hệ trẻ: Theo A.Ma-ca-ren-cô: "GDGT được xem là một trong những vấn đề khó nhất của khoa học giáo dục"[4, 110]. Ông còn cho rằng, chưa một vấn đề nào lại bị người ta làm cho trở thành rắc rối và chưa có vấn đề nào có nhiều ý kiến sai lệch như vấn đề này.
GDGT là một bộ phận khăng khít của giáo dục nhân cách. Có thể hiểu giáo dục giới tính là hệ thống các biện pháp tâm sinh lý nhằm giáo dục thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn đối với các vấn đề giới tính. Tuổi chưa thành niên có những biến đổi đặc thù về tâm, sinh lý. Những biến đổi đó có thể coi là bước bứt phá về giới tính, đưa các em ra khỏi thế giới tuổi thơ để bước vào thế giới người lớn. Nhiệm vụ của GDGT là giúp trẻ có được kiến thức về cơ thể, sinh lý, tình dục, cơ quan sinh sản, qúa trình sinh sản, sức khỏe sinh sản, giúp trẻ chủ động được mối quan hệ qua lại giữa hai giới, có nhu cầu, nguyện vọng hành động phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. GDGT cần có nội dung phù hợp với từng lứa tuổi, mức độ hiểu biết của các em. Cha mẹ phải là những người có trách nhiệm đầu tiên trong việc GDGT cho trẻ. Vấn đề GDGT chỉ có thể thực hiện có hiệu quả khi các bậc cha mẹ có kiến thức đầy đủ, đúng đắn về giới tính.
Về phương pháp, giáo dục của gia đình được thực hiện kết hợp nhiều phương pháp khác nhau:
Thứ nhất là phương pháp nêu gương: Cha mẹ là những người đầu tiên trẻ tiếp xúc từ khi chào đời và có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách trẻ. Hành động đầu của trẻ chính là bắt chước những hành động của cha mẹ. Vì vậy muốn trẻ hình thành và phát triển những nhân cách tốt, cha mẹ nhất thiết phải là những người đầu tiên gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với GĐ và xã hội để con cái học theo. Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong GĐ phải thể hiện ngay trong nếp sống hàng ngày. Chính những điều này trực tiếp tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của trẻ. Sự gương mẫu của bố mẹ là cơ sở tạo nên uy tín làm tăng thêm lòng kính trọng, thương yêu, tin cậy, tự giác theo những điều cha mẹ sai bảo, khuyên nhủ cho con trẻ. Ở tuổi thanh thiếu niên, vai trò gương mẫu của bố mẹ có ý nghĩa quan trọng hơn cả vì giờ đây các em có thể phân biệt đánh giá được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Do đó cha mẹ phải làm gương sáng cho con trong cách ứng xử cũng như lối sống. Vấn đề gương mẫu của bố mẹ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục GĐ được coi như một chân lý giản dị, sáng rõ như ban ngày. Không có gì có thể tác động lên tâm hồn non nớt của trẻ mạnh bằng quyền lực của sự làm gương và giữa muôn vàn tấm gương thì không gì gây ấn tượng sâu sắc và bền chặt bằng sự mẫu mực của bố mẹ.
Thứ hai là phương pháp khuyên bảo, thuyết phục: Là phương pháp dùng lời diễn giải, khuyên bảo, phân tích nhằm khai sáng những tri thức đạo đức giúp cho trẻ nhận thức được ý nghĩa cá nhân, ý nghĩa xã hội, sự cần thiết phải thực hiện hành vi đạo đức trong cuộc sống hàng ngày. Diễn giải, thuyết phục chính là để khai sáng nhận thức cho trẻ, giúp chúng hiểu một cách thấu đáo, sâu sắc cái lợi, cái hại, có lý, có tình những việc cần làm, những việc nên tránh, chứ không phải là hành động theo cảm tính.
Diễn giải, thuyết phục của cha mẹ trong GĐ chính là để cung cấp cho trẻ những kinh nghiệm quý báu được nhân loại đúc kết thành những quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực trong đời sống. Diễn giải, thuyết phục bằng lời để khai sáng, thúc đẩy hành vi tốt đẹp cho trẻ ở trong GĐ là cơ sở, nền tảng thúc đẩy hành vi tốt đẹp cho trẻ ở bên ngoài xã hội. Do đó, sự khuyên bảo, thuyết phục, trên tinh thần gần gũi, quan tâm chia sẻ, trao đổi với con là phương pháp hữu hiệu giúp cha mẹ thực hiện tốt vai trò giáo dục nhân cách cho con của mình.
Thứ ba là phương pháp rèn luyện thói quen: Trong cuộc sống của con người có những động tác được lặp đi, lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen của người đó. Việc sử dụng những thói quen tốt và những thói quen xấu ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người. Cha mẹ cũng chính là những người đầu tiên giúp trẻ hình thành những thói quen này. Việc rèn luyện để cho trẻ có thói quen và hành vi tốt được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo lứa tuổi, hoàn cảnh và điều kiện sống trong từng GĐ. Song muốn rèn luyện cho trẻ bất kỳ thói quen, hành vi nào cha mẹ phải làm cho trẻ hình dung được những thao tác cụ thể và cần thiết tiến hành các thao tác đó một cách chính xác, ngắn gọn, rõ ràng, có hệ thống để các em dễ bắt chước, tránh tình trạng khi gần hình thành thói quen lại phải điều chỉnh, sửa sai từ đầu sẽ khó sử chữa. Việc rèn luyện thói quen cho trẻ ở trong GĐ cần tiến hành bền bỉ, liên tục, kiên trì không nóng vội, phải thông qua một chế độ được quy định chặt chẽ, rõ ràng, hợp lý từ khi chưa có ý thức tự giác của cá nhân đến tự giác, từ khi chưa có sở thích biến thành nhu cầu, tiến đến tự rèn luyện, tự giáo dục của cá nhân. Đây là con đường cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Thứ tư là phương pháp khen thưởng: Cha mẹ là những người đầu tiên giúp trẻ hình thành những phẩm chất đạo đức, thói quen tốt và cũng là những người đầu tiên khen thưởng chúng khi chúng làm tốt một điều gì đó. Khen thưởng là hình thức biểu thị sự đồng tình, sự đánh giá tốt đẹp về những cố gắng, những thành tích mà trẻ thực hiện được. Điều này giúp trẻ vui mừng, sung sướng và tiếp tục thực hiện những hành vi tốt. Song, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý rằng, không phải bất cứ việc biểu dương khen thưởng nào cũng có tác động tích cực. Ý nghĩa giáo dục của việc khen thưởng càng lớn, khi khen thưởng không chỉ đơn giản đánh giá kết quả mà cũng nêu bật được sự nỗ lực cá nhân và cả động cơ, phương thức hoạt động. Mục đích của khen thưởng luôn luôn đòi hỏi trẻ phải cố gắng hơn, nỗ lực bản thân hơn nữa trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Thứ năm là phương pháp kỷ luật, trừng phạt: Cha mẹ là những người trừng phạt, kỷ luật trẻ đầu tiên nhằm điều chỉnh, uốn nắn những hành vi sai lạc đối với trẻ, làm tổn hại đến lợi ích chung của GĐ, tập thể hay cộng đồng xã hội. Những hình thức này là các mức độ tác động đến nhân cách của trẻ, biểu hiện thái độ không đồng tình, lên án, phản đối, phủ nhận của cha mẹ đối với những hành vi, hành động của trẻ trái mục đích, yêu cầu theo định hướng phát triển nhân cách chính đáng. Thậm chí có khi dùng đến roi vọt chỉ vì một mục đích là giúp cho trẻ nhận thức đầy đủ, sâu sắc các mức lỗi lầm, sai phạm nghiêm trọng của mình đó gây tác hại không những cho chính bản thân mà cả người khác. Tất nhiên khi các bậc cha mẹ phải dùng đến các biện pháp trừng phạt, kỷ luật là điều bất đắc dĩ. Trừng phạt trẻ, cha mẹ không nên thực hiện trong cơn bực tức. Trong những trường hợp như vậy có thể dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại, khó lường được.
Trong quá trình giáo dục trẻ, gia đình sử dụng phối hợp tất cả các phương pháp giáo dục trên chứ không dùng duy nhất một phương pháp giáo dục nào cả. Việc sử dụng các phương pháp trên phù hợp với từng trẻ, từng hoàn cảnh giúp gia đình giáo dục trẻ hình thành những phẩm chất tốt.
GĐ tuy không phải là thiết chế duy nhất thực hiện vai trò giáo dục trẻ nhưng thông qua các nội dung giáo dục tương đối toàn diện và sử dụng phối hợp nhiều phương pháp giáo dục, vừa là sự kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, vừa là tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá giáo dục nhân loại, quá trình giáo dục lại được thực hiện trong suốt cuộc đời mỗi người thì GĐ đã thể hiện là lực lượng giáo dục quan trọng nhất, là môi trường giáo dục đầu tiên và cũng là quyết định nhất đối với sự hình thành nhân cách của trẻ [3, 89]. Do đó mỗi gia đình cần ”nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa,...”[2, 116].
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, các bậc ông bà, cha mẹ muốn thực hiện tốt vai trò là nhà giáo dục đặc biệt quan trọng của mình đối với trẻ thì không chỉ quan tâm xây dựng kinh tế gia đình mà còn phải trau dồi kiến thức mọi mặt, bản thân phải là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học cho con cái noi theo; tạo bầu không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và các tổ chức xã hội trong giáo dục nhân cách cho thệ hệ trẻ. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta cũng phải quan tâm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu: xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững – đây là cơ sở cho việc nâng cao vai trò của giáo dục gia đình. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã chỉ rõ: ”Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Đảng và Nhà nước phải chú ý xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”[1, 15].
...........................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật, HN.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, HN.
[3]. Đặng Cảnh Khanh – Lê Thị Quý (2009), Gia đình học, NXB Chính trị - Hành chính, HN.
[4]. A. Ma-ca-ren-cô (1978), Nói chuyện về giáo dục gia đình, NXB Kim Đồng, HN.
[5]. Hồ Chí Minh (1995), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, HN.
[6]. Lê Thi (1994), Gia đình Việt Nam, các trách nhiệm, các nguồn lực trong sự đổi mới của đất nước, NXB Khoa học xã hội, HN.
Summary:
FAMILY AND PERSONALITY EDUCATION FOR YOUNG GENERATION
IN VIET NAM TO DAY
|
M.A Cao Thi Phuong Nhung – University of Sciences – Thai Nguyen University Email: nhung.dhkhtn@gmail.com; Tel: 097 7749 339
|
Under today’s social trends, human education is no longer a function, role and task of a specific individual, but the responsibility of the whole family, schools and society. However, with its own characteristics, through the functionality, content and methods of family education, the family has demonstrated as the most importance educational force, the first education environmental and the most decisive for the formation and development of human personality, especially for young generations. With the development of modern society, parents and grandparents who want to perform the roles as specially important educators for their children and grandchildren should not only care about economic development but also improve knowledge of all aspects to make good examples of ethics and self-learning for their young generations to follow. Combine education in the family, at school and in other social groups.
Key words: Family, Education, Method of Education , Content of Education , the youth, personality.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 17