NGƯỜI GIÁO VIÊN GÁNH HAI “TRÁCH NHIỆM”
[ 26/11/2015 07:00 AM | Lượt xem: 819 ]

Cách đây không lâu, trong một lần về thăm lại ngôi trường cũ, ngồi dưới hàng ghế đá được che bởi những tán lá bằng lăng tím, bất chợt từ đâu đó xa xa vang vọng lại qua tai tôi những câu hát trong bài hát Người thầy. Thì ra đó là tiếng hát của một nhóm các em học sinh đang chuẩn bị tiết mục văn nghệ cho ngày lễ khai giảng. “Người thầy… vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy. Để em đến bên bờ ước mơ, rồi năm tháng sông dài gió mưa, cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa…”. Một cảm giác thật lạ lùng đến nghẹn ngào thức tỉnh trong tâm trí tôi. Những câu hát đó đã làm cho tôi rơm rớm nước mắt khi nghĩ về cô giáo chủ nhiệm hiện tại của mình – người giáo viên mà bấy lâu nay tôi âm thầm ngưỡng mộ và biết ơn.

“Người thầy trong lòng tôi và cũng là người mà tôi muốn nhắc đến qua từng nét chữ trong đôi dòng tâm sự của mình chính là cô Hà Thị Thu Hiếu – Trưởng Bộ môn Thư viện – khoa Khoa học Cơ bản – trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên và đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp Thư viện K11 – nơi mà tôi đang theo học. “Cô ạ! Những lời em muốn nói với cô, những điều em muốn kể về cô cho mọi người nghe thì có nhiều lắm! Nhưngdù có nói đến đâu, nói nhiều như thế nào thì câu cuối cùng mà em muốn gửi đến cô vẫn là lời cảm ơn – một lời cảm ơn chân thành nhất”.

“Cô Hiếu” – tiếng gọi thân thương mà sinh viên lớp tôi dùng để gọi cô bấy lâu nay đã trở thành một cái tên rất đỗi quen thuộc và chứa đựng trong đó là những tình cảm dạt dào, thân quen. Tôi còn nhớ như in khi mới bước vào trường, trong buổi họp lớp đầu tiên, hình ảnh tôi nhớ về cô là một người giáo viên ngoài 40 tuổi với gương mặt hiền từ, phúc hậu hay mỉm cười. Trong buổi họp lớp ngày hôm đó, cô đã đến giao lưu, chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống mới xa nhà cũng như về ngành mà chúng tôi theo học. Tôi đã chú ý lắng nghe từng lời cô nói về thực trạng cũng như cơ hội việc làm của sinh viên ngành thư viện sau khi ra trường rất khả quan khiến cho chúng tôi cảm thấy vui và có động lực hơn hẳn. Hơn thế nữa, cô còn cho chúng tôi số điện thoại và nói rằng “nếu có vấn đề gì khó khăn, hãy gọi cho cô, cô sẽ cho lời khuyên và sẵn sàng giúp đỡ nếu có thể”. Chính những lời nói, những hành động đó của cô đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho tôi nói riêng cũng như các bạn sinh viên trong lớp nói chung có thêm tình yêu vào ngành, nghề hiện tại cũng như tương lai của mình.

 

Cô Hiếu luôn hòa mình với nhịp sống của sinh viên

 

Hai năm học đầu tiên, cô chỉ lên lớp với chúng tôi như một người giáo viên bộ môn vì lúc đó cô chưa nhận công tác chủ nhiệm lớp nhưng qua mỗi bài học, qua mỗi lời giảng của cô, tôi luôn cảm nhận được từ cô sự ấm áp, gần gũi và thân thương. Cứ mỗi khi bước vào giờ học, cô lại dành ra vài phút hỏi thăm tình hình của lớp và tạo thêm không khí cho những tiết học. Năm học đầu tiên, tôi gặp một chút khó khăn về trang cá nhân của mình. Đó là một sự cố không may và một phần cũng là do lỗi của tôi đã không vào kiểm tra khi nhận được tài khoản truy nhập. Tôi bị mất mật khẩu trang cá nhân, khi lấy lại được thì cũng là lúc tôi bước vào thi cuối kì. Ai đó đã vào và đăng kí thêm cho tôi 3 môn học khác không nằm trong chương trình học. Theo quy định, tôi phải nhận 3 điểm 0 từ 3 môn học đó, học lại và đóng học phí cho 9 tín chỉ của 3 môn. Lúc đó tôi rất bối rối và lo sợ, chạy đi chạy lại lên trường mà không giải quyết được. Thời gian đó tôi “mất ăn mất ngủ”, không dám nói với bố mẹ vì gia đình tôi rất khó khăn về kinh tế. Tôi đã từng nghĩ tới chuyện nghỉ học vì nếu biết được chuyện này, bố mẹ tôi sẽ chẳng thể nào lo học phí cho tôi được. Vào một buổi tối ngồi thu mình trong góc giường ở phòng trọ, tôi vừa nghĩ vừa khóc, bỗng… tôi nhớ đến cô, tôi đã cầm máy lên và gọi cho cô. Thật may mắn sao cô đã giúp tôi giải quyết chuyện này. Nói đến đây trong lòng tôi bỗng nhiên có một chút gì đó nặng trĩu, trong đầu tôi nhớ lại câu chuyện đó và đôi mắt tôi dường như có những giọt nước mắt đang “trực” trào ra. Tôi nhớ lại hôm cầm lá đơn trình bày đến nhờ cô giúp đỡ, cô đã một mình cầm đơn đi giải quyết giúp tôi. Ngay cả khi cô đang lên lớp, cô cũng dành ra chút thời gian đi từ tầng 2 giảng đường 3A lên phòng đào tạo tầng 3 nhà hiệu bộ để nộp đơn và trình bày về sự việc của tôi. Tôi đã từng nghĩ chuyện này không thể giải quyết được, tuy những môn học đó thật sự không phải do tôi đăng kí nhưng trên hệ thống đã hiện ra là do sinh viên đăng kí môn học thì dù tôi có nói, có giải thích như thế nào cũng không được. Tôi không có niềm tin, tôi cảm thấy suy sụp nhưng cô đã cố gắng hết mình để xin nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ cho sinh viên năm nhất như tôi và cuối cùng thì phòng đào tạo đã đồng ý. Tôi vui mừng và hạnh phúc biết bao. Niềm vui vỡ òa được thể hiện trên gương mặt tôi bằng những giọt nước mắt hạnh phúc. Không chỉ có tôi mà các bạn sinh viên trong lớp, trong ngành cũng được cô giúp đỡ rất nhiệt tình. Những lúc tôi gặp khó khăn nhất, cô luôn đến và giúp đỡ tôi như “1 vị tiên trong câu chuyện cổ tích”. Mọi chuyện xảy ra như một giấc mơ vậy. Năm thứ 3 của tôi có nhiều công việc, nhiều dự định nhưng kèm theo nó lại là những chuyện không may mắn đến từ phía gia đình. Bố mẹ tôi ở nhà ốm đau, bệnh tật không thể đi làm kiếm tiền trang trải và lo cho tôi ăn học. Năm nay tôi lại làm đề tài nghiên cứu khoa học. Tôi đã từng vui mừng và nhủ thầm rằng: “Không phải ai cũng được làm đề tài, mình đã đủ điều kiện làm thì phải cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt, để bố mẹ, thầy cô tự hào về mình”. Thế nhưng tôi cũng có chút lo ngại, chút trăn trở, suy nghĩ về kinh phí làm đề tài. Đã có lần tôi nghe một chị cùng xóm trọ nói rằng lớp chị đã có nhiều người hủy đề tài vì số tiền phải bỏ ra để làm rất lớn. Tôi thấy buồn vô cùng khi nghe tin này. Ngày hôm sau tôi đã đến gặp cô để hỏi và xin thôi không làm đề tài nữa. Cô rất ngạc nhiên khi nghe tôi trình bày lý do, sau đó cô đã giải thích rõ cho tôi hiểu về số tiền tôi cần bỏ ra để làm đề tài, nó không giống như những gì tôi đã nghe. “Kinh phí để làm đề tài nghiên cứu khoa học có thể lên tới số tiền lớn như lời chị hàng xóm đã nói với em nhưng nó tùy từng ngành. Có những ngành như ngành hóa, ngành sinh… phải mua thiết bị, hóa chất…thì đúng là nó lên tới số tiền như vậy. Nhưng với ngành thư viện mình thì tài liệu đã có sẵn ở thư viện trường, ở trung tâm học liệu…Đó là những nơi mà em có thể đến tìm hiểu để thực hiện đề tài của mình và em chỉ mất một số tiền nhỏ để in ấn. Hơn nữa, nhà trường sẽ hỗ trợ em một khoản tiền, tuy không nhiều nhưng nó sẽ góp phần nào giúp đỡ cho em. Khóa trước cũng đã có chị làm đề tài, em có thể hỏi và tham khảo ý kiến của chị ấy” – đó chính là những lời cô đã nói với tôi. Không biết các bạn sinh viên khác như thế nào nhưng riêng tôi, mỗi khi nhận được một công việc nào đó từ lớp, từ khoa, cô đều động viên tôi cố gắng, nó như 1 lời khích lệ, 1 nguồn động lực giúp tôi có tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 


Những tin nhắn động viên mang “sức mạnh tinh thần”

 

Thật sự, tôi cảm thấy trong lòng mình nhẹ nhõm hơn hẳn sau khi nghe những lời cô nói. Những khi tôi gặp trở ngại hay có những suy nghĩ buồn phiền, cô luôn là người lắng nghe và cho tôi lời khuyên. Tôi hiểu được sự đồng cảm, thông cảm với sinh viên từ cô. Gia đình tôi ở quê gặp chuyện không may, cô hỏi thăm, động viên tôi vượt qua hay những khó khăn ở trong lớp, cô cũng chính là người âm thầm giải quyết giúp tôi.

Đã có những lúc tôi ngồi suy nghĩ về cô, về những việc cô đã làm cho tôi cũng như các bạn sinh viên khác, bất giác tôi thấy chạnh lòng, nước mắt lại trào ra. Có những suy nghĩ tôi chưa bao giờ nói hay dám nói ra vì tôi sợ sẽ bị người khác hiểu nhầm hay coi đó là một suy nghĩ thiển cận nhưng nghĩ về nó, tôi không thể nào kìm nén được lòng mình. Người ta nói và bản thân tôi cũng thấy như vậy rồi, ở mỗi cơ quan, mỗi công ty hay bất cứ một nơi nào khác, mỗi lần có việc gì khó khăn cần phải nhờ vả ai đó giúp đỡ, người ta đều có quà mang đến để cảm ơn, để hậu tạ. Thật ra có nhiều người nghĩ về điều đó nhưng cũng có những người thì lại không hề quan tâm đến. Tôi đã nghĩ, nghĩ rất nhiều…Đến bây giờ tôi đã thật sự hiểu được rằng cô giáo tôi là một người giáo viên đến giảng đường hoàn toàn vì sinh viên. “Cô ạ! Em đã khóc khi viết lên những dòng tâm sự của mình! Em không biết các thầy cô sẽ nghĩ ra sao, nghĩ như thế nào khi em nói đến vấn đề này. Em sợ em nói không được gãy gọn, không được rõ nghĩa sẽ khiến mọi người hiểu nhầm ý em nhưng em mong cô hãy hiểu cho tấm lòng của em. Em không biết làm gì ngoài nói 2 từ cảm ơn cô mỗi khi cô giúp đỡ em 1 việc gì đó. 20/10, 20/11 em không có quà, không có hoa để mang đến tặng cô, thật sự trong lòng em cũng rất buồn…Em đã nghĩ đến cô rất nhiều nhưng em không thể nói ra được những gì em nghĩ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để bố mẹ em và đặc biệt là cô – người đã nâng đỡ em trên giảng đường Đại học có thể tự hào về em. Em đã tự hứa với lòng mình rằng mình phải thật sự cố gắng, sau này phải thành đạt để có thể trở lại đền đáp công ơn của cô” – đó là những gì em nghĩ.

Năm học này tôi thấy sức khỏe của cô đã yếu đi nhiều! Một mình cô phải đảm nhiệm không biết bao nhiêu là việc. Với riêng lớp tôi, cô đã lên lớp tới 3 môn học, ngoài ra còn những khóa dưới nữa. Không những thế cô còn nhận rất nhiều công việc cho khoa, cho trường rồi chạy đi chạy lại các tỉnh để dạy cho các lớp liên thông. Những công việc đó đã lấy hết thời gian của cô để chăm sóc cho gia đình và bản thân. Thế nhưng cô vẫn luôn và cố gắng dành thời gian để quan tâm tới lớp. Những chương trình của lớp, của khoa như tổ chức Giải bóng đá nữ, Chào tân sinh viên… dù ốm đau, bệnh tật, lên lớp giảng dạy cả ngày nhưng cô vẫn tranh thủ bớt chút thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của mình để đến dự, đến cổ vũ.

 

Cô giáo tôi “trẻ trung” bên đội bóng đá nữ của lớp




Nụ cười chào đón tân sinh viên


Dạo này cô ốm nhiều lắm, nghe tin cô đi viện chữa bệnh suốt, tôi thấy buồn và lo lắng cho cô nhưng không biết làm gì để giúp đỡ cô cả. Chỉ mong sao cô sớm khỏi bệnh, luôn khỏe mạnh để đến lớp giảng dạy và luôn vui vẻ cùng với chúng tôi.

Trong giờ học, thỉnh thoảng tôi hay nhìn lên khuôn mặt cô, tôi thấy lòng mình vui mỗi khi nhìn thấy cô nở nụ cười. Cách đây gần 2 tuần, trong 1 lần đi thực hành, tôi có thấy 1 nhóm các bạn sinh viên tổ chức viết lời tri ân gửi đến các thầy cô giáo nhân ngày 20 - 11. Các bạn trong lớp bảo tôi ra viết nhưng tôi đã không ra và nói với các bạn rằng: “Nếu chỉ được viết trong một mảnh giấy nhỏ như thế kia thì sẽ chẳng đủ được những điều tớ muốn viết” – và đó chính là sự thật những gì tôi nghĩ. Và hôm nay đây tôi muốn thông qua bài viết của mình, chia sẻ về suy nghĩ, về cảm xúc của tôi với người giáo viên mà tôi vô cùng biết ơn – một “người mẹ” của tôi khi tôi ở nơi đất khách quê người này. Tuy khoảng thời gian ở lại trường không còn nhiều nhưng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hết mình để rèn luyện, để học tập thật tốt, để cô giáo tôi được vui và tự hào về tôi.

“Cô ạ! Những tháng ngày vừa qua đối với em là những tháng ngày vô cùng đáng nhớ. Đến nay em đã đi được hơn ½ chặng đường học tập rồi. Cuộc sống sinh viên chất chứa bao niềm vui, bao nỗi buồn, thành công có, khó khăn có. Khoảng thời gian ở nơi đây là những giây, những phút em ghi nhớ nhất. Những lời cô dạy, những việc cô làm cho em chắc chắn em sẽ không bao giờ quên được vì đã từ lâu rồi em luôn coi cô như “người mẹ” thứ 2 của em. Mỗi lần nhìn lên gương mặt cô em đều thấy lòng mình nhẹ nhõm và có chút gì đó thân thương, gần gũi. Cảm ơn cô đã quan tâm, chỉ bảo cho em không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống của em. Cảm ơn cô! Em cảm ơn cô rất nhiều!”

Nếu như trang giấy là đơn vị của một cuốn sách, là đơn vị để đo lời văn của một tác phẩm thì tôi ước gì lúc này có một vật thể nào đó có thể đo được những suy nghĩ, những tình cảm của tôi dành cho “người mẹ thứ 2” của mình. Thời gian có thể trôi đi trong lặng lẽ nhưng những tình cảm của tôi dành cho cô, những tình cảm của cô dành cho sinh viên sẽ chẳng thể nào mất đi theo nhịp chảy của thời gian được. Nếu như có một điều ước, tôi muốn mang điều ước đó đến cho người giáo viên của mình vì tôi biết chắc chắn rằng cô giáo của tôi sẽ ước một điều thật giản dị cho những người sinh viên – vì đó là niềm hạnh phúc của cô!

 



Tập thể lớp Thư viện K11 sẽ luôn ở bên cô

 

“Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp” -Alexander the Great

  Bài, ảnh: Trần Như - Thư viện K11

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 14