NIỀM RIÊNG CỦA TÂN SINH VIÊN KHOA HỌC THƯ VIỆN
[ 05/01/2016 07:00 AM | Lượt xem: 695 ]

Nhớ ! Ngày hôm đó, tôi nhận được giấy báo nhập học. Chao ôi!. Một cảm giác đến kì lạ. Tôi muốn la hét thật lớn, cái điều mà tôi mong muốn lâu nay cuối cùng cũng thành sự thật. Tôi hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Có lẽ, do khoảng cách xa nên tôi nhận được giấy báo muộn. Tôi phải nhanh chóng thu xếp hành lí và đồ dùng cần thiết để lên trường. Trước ngày nhập học, bố mẹ có tổ chức cho tôi một buổi liên hoan nho nhỏ cùng những người trong gia đình, bạn bè của tôi đến chúc mừng. Bất chợt, cô tôi hỏi rằng: “Cháu học ngành gì?” Tôi trả lời: “Cháu học ngành thư viện cô ạ”. Cô tôi lắc đầu và nói: “Học ngành thư viện làm gì sau này ra trường khó xin được việc”, cảm xúc của tôi như lẫn lộn vừa vui vừa lo lắng. Tôi rất lo vì khi học xong không xin được việc làm, nhưng rồi vẫn cười và trả lời: “Vì cháu yêu sách, yêu những cuốn sách được xếp ngay ngắn trong phòng thư viện”. Vậy là tôi cười vui vẻ với cô trong khi trong lòng vẫn suy nghĩ những lời cô nói. Dù vậy, bố mẹ vẫn không đặt áp lực cho tôi ,cho tôi mọi quyền quyết định tương lai của mình. Buổi liên hoan kết thúc, mọi người ra về. Thực sự giờ đây tôi mới cảm thấy buồn, có một cảm giác lạ tôi không biết diễn tả như thế nào. Tối hôm đó, tôi nằm ngủ với mẹ. Tôi đã khóc cả đêm vì nghĩ đến việc ngày mai phải xa bố mẹ, em trai và tất cả những người thân quen tôi. Tôi chỉ ôm mẹ mà khóc. Mẹ ôm chặt tôi và tôi cảm nhận được những giọt nước mắt từ trong đáy lòng mẹ, mẹ cố không khóc và tỏ ra mạnh mẽ rồi nhẹ nhàng nói với tôi: “Cố gắng lên con gái, rồi sau này con cũng phải xa nhà thôi, nên hãy coi như đây là thử thách đầu tiên của cuộc đời con, mẹ tin ở con”. Câu nói ấy tuy đơn giản nhưng nó như một điều gì đó tác động mạnh mẽ tới chính tôi. Tôi cảm thấy thương mẹ. Rồi hai mẹ con nói chuyện. Mẹ dặn dò tôi đủ thứ: “Lên đấy nhớ ăn uống đầy đủ, học tập thật tốt và cẩn thận với môi trường trên đó,...” Tôi nằm nghe rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trước khi đi, tôi rất buồn nhưng cố gắng không để bất cứ một giọt nước mắt nào rơi, tỏ ra vui vẻ cho mọi người yên tâm.

Quãng đường dài từ Thanh Hóa lên đến Thái Nguyên khiến tôi thấy mệt và hồi hộp. Lần đầu tiên đến nơi đây - mảnh đất xa lạ với những đồi chè xanh mướt – trong tôi là một cảm giác khó diễn tả: một chút bình yên, một chút trong lành…. Đặt chân xuống xe, tôi nhìn mọi thứ thật xa lạ: con người, cảnh vật, … khiến tôi cảm giác sợ hãi. Tôi cầm túi và đi sau bố. Bố dẫn tôi đến cổng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Ấn tượng đầu tiên với tôi về ngôi trường này là phiến đá rất đẹp có ghi tên trường.


Các thầy cô giáo cùng các anh chị sinh viên ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ nên nhóm sinh viên mới chúng tôi hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng. Trái với cảm giác sợ hãi ban đầu, điều mà tôi ấn tượng ở tất cả mọi người khi nhìn thấy tôi là “một nụ cười tỏa nắng”, nụ cười của sự thân thiện. Vì tôi nhập học muộn, kí túc xá đã hết phòng nên tôi phải đi tìm phòng trọ để thuê. Công việc gia đình bận, bố không thể ở lâu với tôi nên ngày hôm sau bố đã phải về. Khi tiễn bố, không hiểu sao nước mắt tôi cứ rơi liên tục, đầu tôi như tối lại và nghẹn ngào, từng tiếng nấc một, từng tiếng một….Mặc cho mọi người nhìn tôi, tôi khóc như một đứa trẻ, tôi muốn bố ở lại đây với tôi nhưng không thể nói thành lời, tôi sợ nơi đây có một mình…nhưng rồi bố cũng phải về. Quay lại phòng trọ tôi vẫn không kìm được nước mắt .

Buổi chiều hôm đó, tôi đến lớp học theo địa chỉ ghi trên giấy. Vào lớp thấy cái gì cũng mới cũng lạ: thầy cô, bạn bè, phòng học, sách vở và cả giờ học nữa. Giờ đây tôi mới thấu hiểu được cảm giác khi xa nhà mọi thứ xung quanh thật đáng sợ.

Rồi đến một hôm tôi đi học thể dục ,tình cờ thầy giáo hỏi cả lớp:

- Lớp mình có ai học ngành thư viện không?

Tôi trả lời và được thầy Cường chọn vào đội bóng đá nữ của Khoa Khoa học Cơ bản.



Vì tôi đam mê thể thao từ nhỏ nên tôi sẵn sàng đồng ý. Gặp các anh chị khóa trước tôi thấy ngại ngùng và bỡ ngỡ. Bắt đầu làm quen, nói chuyện nhưng vẫn còn chút e dè, và tôi bắt đầu tập buổi đá bóng đầu tiên của đời sinh viên.Những buổi tập tiếp theo tôi dần quen với các anh chị nên thấy anh chị thoải mái và rất hòa đồng. Tôi cũng dần thích thú với hoạt động này. Khi tập cùng các anh chị tôi được nô đùa với trái bóng như 1 đứa trẻ, những trận cười ròn rã. Khi đó, tôi thấy thoải mái vô cùng sau nhưng buổi học trên lớp vất vả. Khi những buổi tập kết thúc, về đến căn phòng, một mình, tôi thấy tủi thân, cảm giác nhớ nhà lại làm tôi khóc. Mới lên học, hơn thế nữa lại xa nhà nên bố mẹ và gia đình cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm tôi ,nhắc nhở và dặn dò rất nhiều điều. Nhiều lúc nói chuyện tôi muốn bật khóc và muốn về nhà ngay lúc đó. Những buổi đi học về muộn, một mình “tự nấu”, “tự ăn”, đôi khi tôi chán cảm thấy buồn không muốn ăn, tôi lại nhớ đến bữa cơm gia đình, những tiếng cười ròn tan với hàng loạt các câu chuyện phiếm đầy thú vị.

Thời gian cứ trôi dần, tôi đã quen với một vài người anh, chị khóa trên cùng xóm, tôi vui vẻ hơn, mất đi cách khoảng cách xa lạ và buồn chán. Rồi buổi họp lớp chuyên ngành đầy mong chờ cũng đến, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô giáo chủ nhiệm của tôi và các bạn cùng lớp. Lớp học ít người, chỉ có 13 sinh viên, thật trùng hợp khi chúng tôi cũng là sinh viên khóa 13. Mỗi người ở mỗi nơi nhưng giờ đã trở thành một gia đình. Cả cô và chúng tôi trò chuyện, cô hỏi thăm cuộc sống sinh họat của từng sinh viên và phổ biến những việc chúng tôi phải làm. Tôi cảm thấy rất vui khi được nói chuyện cùng cô và các bạn, mới gặp lần đầu còn chút e dè nhưng vẫn thoải mái để nói hết những suy ngĩ của mình .Cùng với đó là các thầy cô trong khoa của tôi, ai cũng gần gũi và nhiệt tình. Chương trình Chào tân sinh viên do Khoa Khoa học Cơ bản tổ chức đã chứng minh điều đó. Tôi được gặp các thầy cô trong Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Khoa và các anh chị, các bạn sinh viên ngành thư viện. Một buổi gặp mặt thật thú vị và nhiều cung bậc cảm xúc. Có lẽ đây là kỉ niệm khó phai trong lòng tôi cũng như các bạn tân sinh viên. Cảm ơn thầy cô, cảm ơn các anh chị đã cho chúng tôi sự chào đón gần gũi và thân thiện như một gia đình.

Tôi được biết Trường Đại học khoa học luôn nổi tiếng với các hoạt động văn hóa thể thao như: giải bóng đá Đại học Khoa Học, giải bóng bàn khoa Khoa học Cơ bản mở rộng, những lời tri ân thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam của khoa Luật…….Mọi hoạt động của nhà trường diễn ra sôi nổi với sự tham gia nhiệt tình của tất cả sinh viên trong trường. Với khoa Khoa học Cơ bản, lượng sinh viên rất ít nên mọi hoạt động gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên qua một thời gian luyện tập do thầy Cường chỉ dẫn đội bóng nữ của khoa cũng được thỏa mình trong vòng quay của trái bóng. Với sự nỗ lực rất lớn của cả đội, chúng tôi ra sân với tinh thần chiến đấu hết mình để mang vinh quang về cho cái tên “Khoa học Cơ bản”. Trên sân mọi người luôn động viên nhau đoàn kết, đôi khi gặp chấn thương nhưng điều đó cũng không thể đánh mất ngọn lửa đang bùng cháy trong tim cả đội. Cuộc thi kết thúc, tuy rằng chúng tôi không đạt được kết quả cao nhưng đã cố gắng hết sức mình. Đây thật là một hoạt động bổ ích cho chúng tôi rèn luyện sức khỏe và gắn kết toàn thể thành viên lại với nhau….Và cứ thế tôi dần dần bớt đi nỗi lo sợ, bớt đi sự cô đơn khi phải xa nhà .

Mọi hoạt động của nhà trường được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các bạn sinh viên. Tôi không thể nào quên buổi tập văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo việt nam 20-11 của các cô, các anh chị và các bạn trong khoa. Tuần đó, chúng tôi nỗ lực không ngừng nghỉ để luyện tập cho thành công. Vì vừa tập lại ôn thi nên chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Tuy nhiên, với sự tận tình và động viên của các thầy cô, chúng tôi càng cố gắng hơn. Tôi còn nhớ rất rõ một buổi tập của các cô và sinh viên. Vì chiều phải chạy thử chương trình nên chúng tôi phải tập từ sáng đến trưa không về nhà, các cô đã gọi cơm hộp cho cả cô và sinh viên ăn. Nhìn các cô vừa mệt vì phải lên lớp, tập hát cả buổi rồi giờ ăn cơm hộp cùng sinh viên tôi thấy thương các cô vô cùng. Tôi nhớ đến những bữa cơm gia đình. Thật xứng đáng với sự nỗ lực trong suốt quá trình luyện tập, tiết mục của khoa đã đạt giải ba. Đó không phải là giải thưởng cao nhất song với tôi, điều đó thực sự có ý nghĩa. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những kỉ niệm này.

Trong suốt quá trình tiếp xúc với mọi người và môi trường nơi đây, tôi thấy thầy cô rất gần gũi và nhiệt tình với sinh viên luôn tạo điều kiện cho chúng tôi học tập, tham gia các hoạt động bổ ích. Nhưng có một điều riêng khiến bản thân tôi cảm thấy buồn, chắc mọi người ai cũng biết, là sự kì thị phân biệt với người Thanh Hóa. Nhiều lúc đi học về tôi gặp nhiều trường hợp nói không hay về người Thanh Hóa. Lúc đấy tôi cảm thấy chạnh lòng và không hiểu tại sao mọi người lại như vậy. Nhưng với tôi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sinh ra ở vùng đất xứ Thanh, và tôi xem Thái Nguyên như quê hương thứ 2 của mình, xem những thầy cô như người thân, xem bạn bè như anh chị em.

Quen dần với cuộc sống tại nơi này, giờ đây tôi cũng không còn cảm thấy buồn nữa vì bên cạnh tôi lúc nào cũng có sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè. Vậy là đã 4 tháng xa nhà… thời gian trôi thật nhanh. Lúc này, có lẽ áp lực lớn nhất với tôi không phải là nỗi buồn xa nhà mà là kì thi sắp tới. Thấp thỏm để chờ lịch thi, hồi hộp và lo lắng ôn thi. Là sinh viên khóa mới nên chúng tôi cần học hỏi rất nhiều để thích nghi với cách làm việc qua hệ thống IU.

Đến với Trường Đại hoc Khoa học, dù thời gian chưa nhiều nhưng ngôi trường đã đem đến cho tôi rất nhiều kỉ niệm đẹp. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô.

Bài: Nguyễn Thị An – Khoa học Thư viện K13

 

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 12