Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân tại các địa phương trong đó có các xã tại tỉnh Thái Nguyên. |
Học sinh khai thác trang thiết bị dự án tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên.
Bước 1 của Dự án BMGF-VN “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” được triển khai tại 12 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh. Trong số 637 điểm tiếp nhận dự án trong bước 1, hệ thống thư viện công cộng có 332 điểm, gồm 12 thư viện cấp tỉnh, 109 thư viện cấp huyện và 193 thư viện cấp xã với tổng số máy tính được trang bị là 2.475 máy. Tại Thái Nguyên đã có 35 điểm thư viện và bưu điện được tiếp nhận dự án, trong số đó có 12 thư viện xã và 18 bưu điện văn hóa xã. Tổng số máy móc thiết bị được dự án trang bị cho Thái Nguyên là 210 bộ máy tính và hệ thống mạng internet băng thông rộng. Theo ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án BMGF-VN, chính việc triển khai xuống cấp xã, nhất là tại các xã vùng sâu vùng xa đã làm nên sự khác biệt của dự án tại Việt Nam so với các quốc gia khác đang cùng triển khai chương trình Thư viện toàn cầu do Quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ . Vì dự án đã tác động trực tiếp đến người dân vùng nông thôn, nơi còn thiếu nhiều thông tin, đời sống còn khó khăn.
Trước khi tiếp nhận dự án BMGF-VN, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng ở cấp xã của Việt Nam còn khá nhiều bất cập do cơ sở vật chất nghèo nàn, dịch vụ cung cấp chưa phong phú, đa dạng, vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân ở địa phương còn hạn chế. Trong khuôn khổ dự án, mỗi thư viện công cộng cấp xã được trang bị 5 máy tính có kết nối mạng internet, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, sử dụng các dịch vụ liên quan đến internet của người dân. Để tiếp nhận dự án, các địa phương đã bố trí nguồn vốn đối ứng để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thư viện công cộng, tạo điều kiện cho việc lắp đặt và vận hành hệ thống máy tính và internet, đồng thời bổ sung số lượng sách, báo phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân.
Theo thống kê chỉ trong vòngy 3 năm, hệ thống gần 200 thư viện cấp xã tại 12 tỉnh đã có cơ sở vật chất khá hiện đại được hình thành. Đây là một kết quả đáng ghi nhận vì trong bối cảnh trước đó việc xây dựng hệ thống thư viện ở cấp xã, nhất là các xã vùng sâu vùng xa là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức của các địa phương vài ngành văn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau 1 năm triển khai dự án BMGF-VN, hệ thống thư viện công cộng tuyến xã tại 12 tỉnh đã mang một diện mạo mới. Sự đổi thay của các thư viện xã không chỉ ở không gian vật chất với nhà cửa khang trang, máy móc hiện đại, mà còn ở các dịch vụ ngày càng đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu hướng “nghe – nhìn” hiện nay, ở khả năng quản lý, phục vụ người dân ngày càng chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ thư viện sau khi tham gia các khóa đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ dự án. Cùng với chính sách miễn phí truy cập, người dân địa phương, nhất là tại các điểm vùng sâu vùng xa đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, từ đó cải thiện được cuộc sống của bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội. Đó chính là đóng góp quan trọng nhất của dự án BMGF-VN trong quá trình phát triển hệ thống thư viện tại Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020, đó là đưa thư viện công cộng trở thành “trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, thân thiện, bình đẳng, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân ở địa phương”.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 8