Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” là hoạt động thường niên của Bộ Giáo dục – Đào tạo kết hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức dành cho sinh viên và giảng viên trẻ trong cả nước. Hoạt động này không chỉ dành được sự quan tâm của các giảng viên và sinh viên có tinh thần say mê nghiên cứu khoa học và khát khao chinh phục những chân trời mới. Từ khi ra đời đến nay, giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” đã góp phần không nhỏ vào việc khuyến khích, thúc đẩy, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học trong cả nước. Và trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên không phải là ngoại lệ với hiệu ứng tích cực đó.
Tiếp nối truyền thống sinh viên nghiên cứu khoa học những năm trước, trường Đại học Khoa học đã tiến hành gửi một số đề tài thuộc các nhóm ngành Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội tham gia xét giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, say mê khoa học, 03 công trình nghiên cứu của sinh viên trường Đại học Khoa học đạt giải thưởng. Trong đó, có 01 đề tài thuộc ngành Khoa học Sự sống đạt giải Ba và 02 đề thài thuộc nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn của sinh viên lớp Văn K7 thuộc Khoa Văn – XH đã đạt được số điểm từ 90 trở lên, giành quyền báo cáo trước Hội đồng Khoa học cấp Bộ tranh giải Nhất – Nhì toàn quốc,
Ngày 1/12/2012 vừa qua nhóm tác giả của 02 công trình cùng giảng viên hướng dẫn là TS. Phạm Thị Phương Thái đã tham gia báo cáo trước Hội đồng khoa học cấp Bộ để tiến hành tranh giải với một số công trình khác. Với tinh thần tự tin, bản lĩnh khoa học, 02 công trình khoa học của sinh viên Khoa Văn – XH được hội đồng chấm giải đánh giá rất cao. Chung cuộc, trường Đại học Khoa học đã vượt lên trên 4 trường đại học (Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Vinh) để giành cú đúp ngoạn mục là giải Nhất và Nhì toàn quốc. Cụ thể:
- Công trình “Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ - tỉnh Thái Nguyên” của nhóm sinh viên Đào Quỳnh Anh – Vũ Thị Mùi – Nguyễn Thị Mùi giành giải Nhất: Công trình này nghiên cứu một cách đồng bộ, hệ thống về cách thức tổ chức tang lễ của người Sán Dìu phạm vi huyện Đồng Hỷ trong tương quan so sánh với một số địa phương khác. Đặc biệt, tính mới của công trình đã phân tích và giải mã hệ thống tranh thờ trong tang ma của người Sán Dìu dưới góc độ tín ngưỡng tâm linh và biểu tượng văn hóa.
- Công trình “Từ câu hát Sịnh ca đến sắc thái đa diện của người Cao Lan” của sinh viên Hoàng Thị Âu giành giải Nhì: Áp dụng hướng nghiên cứu liên ngành, công trình đã tái hiện lịch sử tộc người Cao Lan với những nét đặc trưng về cuộc sống vật chất và thế giới tinh thần qua câu hát Sịnh ca. Có lẽ đóng góp đáng ghi nhận của công trình là đã chuyển dịch hơn 40 khúc hát từ tiếng Cao Lan sang tiếng Kinh dưới dạng văn vần dưới sự giúp đỡ của nghệ nhận dân gian người Cao Lan Sầm Dừn.
Hai công trình này đã tham góp một tiếng nói quan trọng vào việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian nhóm dân tộc Cao Lan – Sán Chay trong khu vực trung du – miền núi phía Bắc. Đây không chỉ là một kết quả đáng tự hào về khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên mà còn là tạo bước đột phá quan trọng, mở ra cơ hội, niềm hy vọng mới về chất lượng nghiên cứu khoa học của trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên./.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 18