ĐỂ ƯỚC MƠ TRỞ VỀ HIỆN THỰC
Trần Thị Như – cô sinh viên ngành KHTV K11 với bao hoài bão trên giảng đường đại học, tại Đại học Khoa học Thái Nguyên, cùng với các bạn trẻ cùng trang lứa đã sắp tốt nghiệp, sắp bước vào đời và sống cuộc sống tự lập cả về đời tư và sự nghiệp. Đã đến lúc nghĩ nhiều về “ước mơ” của một học trò và “hiện thực” cuộc sống. Xin trân trọng giới thiệu cùng các độc giả bài viết này.
- Khoa KHCB -
“Mỗi buổi sáng, bạn có hai sự lựa chọn: tiếp tục ngủ để theo đuổi “giấc mơ” hoặc tỉnh dậy và bước đi để thực hiện “ước mơ”” – châm ngôn đó có thể tạm coi là một “định lý” của riêng tôi mà trong suốt bốn năm đại học tôi đã dùng để đánh thức não bộ của mình. Vậy còn bạn thì sao? Các bạn có đang nghĩ như tôi hay các bạn đã có một định hướng khác cho tương lai của riêng mình? Và đâu mới là một suy nghĩ đúng đắn? Hãy cùng tôi phân tích điều đó nhé!
“Ước mơ” và “Giấc mơ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Ước mơ” là một điều gì đó vượt ngoài tầm với, nó là khát vọng, là những điều tốt đẹp mà con người muốn đạt được. Còn “giấc mơ”, nó là những trải nghiệm, những ảo tưởng trong trí óc của con người khi ngủ.
Nói về ước mơ thì ai trong mỗi chúng ta cũng đều có những ước mơ của riêng mình. Ước mơ làm cho con người sống có mục đích và nghị lực. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn khi ta nuôi dưỡng ước mơ. Nó giống như một mục tiêu, một cái đích mà hằng ngày bản thân mỗi người luôn cố gắng bước từng bước một để chạm đến nó. Người biết ước mơ là người có khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp nhưng liệu chỉ ước mơ trong đầu thôi thì đã đủ chưa? Biết ước mơ là phải biết hành động. Nếu không hành động thì ước mơ sẽ mãi chỉ nằm trong bộ não của bạn mà thôi. Tôi có thể lấy một ví dụ như thế này: Bạn có một ước mơ là sau này sẽ trở thành một nhà kinh doanh tài ba. Vậy làm thế nào để bạn đạt được điều đó? Trước mắt hãy ngừng nghĩ đến việc đặt ra thời gian để biến ước mơ đó thành hiện thực. Điều bạn cần làm là chia nhỏ hai mươi tư tiếng mỗi ngày để thực hiện từng bước một trên con đường trở thành nhà kinh doanh. Bạn không thể chỉ đến lớp mỗi ngày như bao bạn bè khác, bạn cũng không thể sau giờ học chính lại ăn, ngủ, đi chơi. Tất nhiên những điều đó đều cần để duy trì cuộc sống tươi đẹp của bạn nhưng nó nên giới hạn lại trong một khoảng thời gian nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với trước đây. Cái bạn cần làm thêm đương nhiên là đọc thêm sách về ngành nghề bạn đang mơ ước, tập trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày và đôi khi là những giây phút lau vội giọt mồ hôi rơi khi công việc nặng nhọc mệt mỏi; những giọt nước mắt khi áp lực chồng chất. Ước mơ giống như những bông hoa hồng, để hái được nó thì không ít lần bạn phải chịu gai đâm. Ước mơ không thể trở thành hiện thực trong một, hai ngày hay vài tháng mà nó đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực với khoảng thời gian tính bằng năm. Có những người đạt được ước mơ của mình trong vài năm nhưng cũng có người qua cả nửa đời người mà chưa có được điều đó. Vì sao ư? Tất cả phụ thuộc đến chín mươi phần trăm vào sự quyết tâm và năng lực thật sự của bạn. Còn mười phần trăm có thể là do may mắn, do điều kiện vật chất hay những yếu tố tác động khác…Không một ai trên Thế giới này có thể điều khiển, có thể làm chủ bản thân bạn nếu như bạn biết hành động cho ước mơ của mình nhưng nếu bạn chỉ biết nghĩ về nó mà không xây dựng nó thì bạn sẽ không bao giờ thành công được. “Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”. Đó là một câu nói đã khắc ghi trong trí óc của tôi kể từ khi tôi đọc được nó trong một cuốn sách khi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất. Câu nói đó đã đi theo tôi đến tận bây giờ và nó chính là động lực thôi thúc tôi vươn lên để chạm đến ước mơ của mình.
Với chủ đề “giấc mơ”, Hermann Hesse đã từng nói rằng: “Bạn phải tìm được giấc mơ của mình…nhưng không giấc mơ nào tồn tại vĩnh viễn, mỗi giấc mơ lại có giấc mơ khác theo sau, và người ta không nên bấu víu lấy một giấc mơ nhất định”. Bạn biết đấy, giấc mơ của mỗi người đều tự đến và tự đi, nó chỉ tồn tại trong thời gian chúng ta nhắm mắt nghỉ ngơi. Nếu như vào một buổi sáng, khi ánh nắng chói chang xuyên qua ô cửa chiếu vào phòng làm bạn chợt tỉnh giấc, và ngay lúc này bạn thấy loáng thoáng trong đầu về giấc mơ đêm qua, nó là một giấc mơ đẹp khiến bạn không muốn đánh mất, vậy bạn sẽ ngủ tiếp để nghĩ về giấc mơ đó hay bạn sẽ tỉnh dậy để làm những công việc khác? Cách đây 3 năm, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã chọn phương án là ngủ tiếp và có những lúc tôi đương nhiên biến giờ ăn trưa của mọi người thành “giờ bình minh” của mình. Một khoảng thời gian sau thì tôi đã chọn phương án thứ hai là thức dậy. Chắc các bạn cũng đang thắc mắc về sự lựa chọn của tôi đúng không? Khi chọn phương án ngủ tiếp để đi tìm những giấc mơ, tôi cảm thấy một ngày trôi qua thật nhanh và tôi chẳng làm được gì nhiều trong một ngày như thế bởi tôi chỉ có buổi chiều và một phần buổi tối để thực hiện công việc của mình. Ngoài sự thừa cân và uể oải, tôi còn thấy hiệu quả công việc của mình giảm sút đáng kể, đôi khi quá nhiều việc khiến tôi không biết nên làm việc nào trước và cứ như thế tôi không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Còn nói về giấc mơ thì tôi chỉ có được nó trong giấc ngủ mà thôi chứ không thể nào mang nó ra ngoài cuộc sống được. Khi thay đổi sang phương án thứ hai, điều mà tôi nhận được hoàn toàn ngược lại với phương án thứ nhất, tôi có nhiều thời gian để làm điều mình thích, tôi đến thư viện nhiều hơn, đọc nhiều sách hơn, trải nghiệm nhiều hơn và kết quả học tập cũng như kinh nghiệm của tôi cũng đi lên nhanh chóng. Các bạn thấy đấy, thời gian không chờ đợi và cho không bất kì ai cả, hãy biết tận dụng thời gian để làm những việc bổ ích và để xây dựng cho một “công trình” mà bạn đã đặt ra, đừng cứ chạy theo những thứ không tồn tại mang tên “giấc mơ” nhé!
Mọi quyết định và sự lựa chọn đều nằm trong tay bạn, hãy suy nghĩ thật đúng đắn trong mọi vấn đề, mọi công việc để có được thành quả như ý muốn. Thành quả được đánh đổi bằng thời gian và chính sự nỗ lực của bản thân bạn chứ không phải bằng những “giấc mơ”. Hy vọng qua bài viết của tôi, mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ có được những quyết định thật đúng đắn cho tương lai của mình.
Bài: Trần Như – Khoa học Thư viện K11
Ảnh: Sưu tầm
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 44