CHUYÊN ĐỀ KỸ NĂNG VIẾT MỞ BÀI TRONG VĂN NGHỊ LUẬN
Nhà văn Nga Macxim Gorki đã từng nói: “ Khó hơn cả là phần mở đầu, cụ thể là câu đầu, cũng như trong âm nhạc, nó chi phối giọng điệu của tác phẩm và người ta thường tìm nó rất lâu”. Với yêu cầu đặt ra của việc viết đoạn mở bài một cách nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu chức năng của nó làm cho không ít học sinh cảm thấy khó khăn.
* Mục đích:
Mục đích của mở bài là giới thiệu về vấn đề mà mình sẽ viết, thực chất là trả lời câu hỏi:Ở bài viết này, mình định viết về điều gì?
* Yêu cầu:
– Ngắn gọn:Phần mở bài quá dài dòng không những khiến học sinh mất thời gian mà còn khiến các em bị cạn kiệt ý tưởng cho phần thân bài. Trong phần này chỉ nên hé mở những gì mình định viết ở phần thân bài.
– Đầy đủ:Phần mở bài phải nêu được vấn đề cần nghị luận, phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính.
– Độc đáo:Phần mở bài phải gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu hoặc có những liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Bạn sẽ dễ chiếm cảm tình của người đọc bằng cách này nhất, bởi nó làm bạn nổi bật giữa hàng trăm bài văn khác.
– Tự nhiên:Phần mở bài cũng chỉ nên dùng các ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Bởi điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
– Tránh lạc đề:Nên nhớ đây là bài thi, nếu phần mở bài của bạn lạc đề thì không những mất điểm mà còn mất luôn cảm tình của người chấm!
Cấu trúc của một mở bài gồm 4 nội dung chính:
– Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài ý liên quan đến luận đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn dắt người đọc, người nghe vào nội dung bàn luận hay tình huống có vấn đề đặt ra ở đề bài. Điều quan trọng ở phần này là tạo được sự hấp dẫn, thu hút người đọc. (VD: Liên hệ bông hoa → ong bướm).
– Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, khái quát và chính xác. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết đề cập tới.
– Nêu giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ tư liệu nào (1 đề tài, 1 tác phẩm hay nhiều tác phẩm…)
– Nêu thao tác nghị luân chính của bài: Phân tích, bình luận, chứng minh, giải thích…
– Ngoài 4 nội dung chính vừa nêu trên, cấu trúc của một mở bài có thể có thêm một nội dung phụ, đó là: Nêu nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa của vấn đề đối với cuộc sống, xã hội, dòng văn học; với trước đó và đương thời… (phần này không nhất thiết phải có, tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể).
Cách xác định vấn đề
Bằng cách đặt và trả lời cho câu hỏi:Bài làm cần viết về cái gì?Từ đó xác định trọng tâm kiến thức cần nêu. Hãy dùng bút tô đậm những từ chìa khóa trong đề ra và lấy đó làm từ trọng điểm cho phần mở bài của mình.
Xác định vấn đề bàn luận là điều căn bản cốt yếu nhất vì nếu xác định sai thì coi như toàn bộ nội dung bài viết sẽ chệch hướng hoàn toàn, như vậy nghĩa là lạc đề. Muốn xác định được vấn đề thì phải tìm hiểu kỹ đề bài. Thông thường đề bài có hai dạng:
* Dạng nổi (Lộ thiên)
Dạng nổi là dạng đề mà các yêu cầu về nội dung, hình thức, cách thức, phương hướng, phạm vi, mức độ nghị luận được nêu ra trực tiếp và rõ ràng trong đề bài. Ở đề bài này vấn đề cần bàn luận đã có sẵn.
Ví dụ 1:Vai trò của biển với đời sống nhân loại.
Vấn đề trọng tâm đã được nói rõ ở đề bài đó là khẳng định vai trò quan trọng của biển đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Ví dụ 2:Tình yêu với biển đảo quê hương của thanh niên Việt Nam.
Vấn đề cần tìm đã rất rõ ràng, đó là tình yêu biển đảo của thanh niên Việt Nam.
Lưu ý: Nhiều khi đề có đoạn dẫn rất dài, hãy chú ý đọc kỹ để tìm vấn đề được chỉ rõ ngay trong đề. Ở những trường hợp này nhiều đề bài sau khi nêu nội dung (đoạn trích thơ, văn hoặc nhận định) thường có yêu cầu thí sinh phải làm rõ điều gì đó. Đấy chính là vấn đề cần lý giải.
Ví dụ:Hãy phân tích đoạn Mỵ ở nhà thống lý Pá Tra để thấy được nỗi đau và sức sống tiềm tàng của người phụ nữ mèo vùng Tây bắc.
Vấn đề đã rất rõ: Thể loại phân tích vấn đề để nêu bật 2 nội dung đề yêu cầu: Nỗi đau khổ và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mỵ.
* Dạng chìm
Dạng chìm là dạng đề trong đó người ra đề không cho dữ kiện rõ về các yêu cầu của nội dung cũng như cách thức, phạm vi… nghị luận. Bởi thế người viết phải phân tích, tổng hợp, khái quát nội dung vấn đề từ chính nội dung của đoạn văn, đoạn thơ, hoặc tác phẩm, câu trích…
Ví dụ:Biển đảo quê hương hôm nay với thanh niên Việt Nam.
Đề bài đưa ra một vấn đề “nóng” hiện nay, để làm rõ vấn đề cần có suy nghĩ: Biển đảo quê hương hôm nay có vấn đề gì? Vì sao phải đặt vấn đề đó hôm nay? Trách nhiệm của thanh niên với biển đảo…
Chú ý: Học sinh khi đọc đề cần xác định thật rõ ràng những yêu cầu của đề theo hướng:
– Về nội dung, cần xem yêu cầu vấn đề cần nghị luận có giới hạn ở đâu? Giai đoạn nào? Tác phẩm hay đoạn nào? Đề tài gì? Chủ đề gì?
– Về hình thức, cần quan tâm đến kiểu bài mà đề yêu cầu: Phân tích, bình luận, bình giảng… hay đi kèm 2 kiểu bài hoặc tổng hợp các kiểu?
Các cách mở bài
– Mở bài trực tiếp có hai cách: Mở thẳng vấn đề và mở trực tiếp có thêm phần dẫn dắt (thời gian, không gian và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm).
– Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, mở bằng cách nêu sự kiện, con số….
GS Nguyễn Đăng Mạnh tổng kết: “Các cách mở bài khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt. Phần nêu vấn đề và phần giới hạn vấn đề thường không thay đổi, viết mở bài theo kiểu gì thì ai cũng phải nêu được phần này. Nói gọn lại cứ thay đổi phần dẫn dắt ta sẽ có một mở bài mới”.
Một số mẫu mở bài ứng dụng từ thực tế
Đặt vấn đề (mở bài) trực tiếp – trực khởi
* Mở thẳng vấn đề
– Dẫn dắt ngắn gọn bằng câu văn liên quan trực tiếp tới vấn đề.
– Nêu rõ vấn đề định bàn luận.
– Nêu giới hạn vấn đề.
Ví dụ:Phân tích nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A phủ ” của Tô Hoài.
Mở bài:Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A phủ ”(1). Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường(2). Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài(3).
Phân tích:Bài làm trên thực hiện giới thiệu luôn vấn đề: Mỵ là nhân vật trung tâm trong(câu 1)và xác định giới hạn nghị luận đó là bi kịch và sức sống tiềm tàng của Mỵ (câu 2), phạm vi tư liệu và thao tác nghị luân chính trong bài viết(câu 3).
* Mở trực tiếp có thêm phần dẫn dắt
– Dẫn dắt bằng cách nêu bối cảnh làm vấn đề xuất hiện như: thời gian, không gian, địa điểm xảy ra sự kiện liên quan đến tác phẩm/vấn đề; xuất xứ của tác phẩm văn học….
– Nêu rõ vấn đề định bàn luận.
– Nêu giới hạn vấn đề.
Ví dụ, với đề bài trên ta thêm câu dẫn để thành MB mới như sau:
Một trong những thành công của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là nghệ thuật xây dựng nhân vật, trong đó tiêu biểu là nhân vật người phụ nữ miền núi. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A phủ ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo với số phận đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ cũng tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
* Ưu điểm và hạn chế của cách mở bài này :
– Ưu điểm:
+ Đi thẳng ngay vào bài nên tránh được sự lan man, xa đề hoặc lạc đề.
+ Dễ vận dụng đối với các học sinh có kỹ năng lập luận yếu.
+Tiết kiệm được thời gian suy nghĩ cho người viết.
– Hạn chế: Ít tạo được ấn tượng lôi cuốn người đọc.
Đặt vấn đề (mở bài) theo cách gián tiếp – lung khởi
Theo kết luận của GS Nguyễn Đăng Mạnh, có thể rút ra kết luận bản chất của một mở bài hay hoặc không hay theo lối viết mở bài gián tiếp phụ thuộc hoàn toàn vào cách dẫn dắt. Và đây chính là những lời mở đầu sớm nhất của mở bài, nó thường gây khó khăn cho học sinh. Dưới đây chúng tôi trình bày một số cách mà học sinh dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao.
Học sinh chỉ việc sử dụng theo công thức: (1) Đoạn dẫn + (2) Nêu vấn đề + (3) Giới hạn vấn đề + (4) Thao tác nghị luận chủ yếu + (5) Nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa.
Lưu ý: Sau đoạn dẫn thì 4 nội dung còn lại không nhất thiết phải xếp theo trình tự như đã nêu trên.
(1) Đoạn dẫn mở bài theo tư liệu tác giả
Yêu cầu: Nêu tên tác giả, vị trí tác giả trong nền văn học hoặc phong cách, đề tài tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách(1).
Tô Hoài là một tác giả văn học nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8 và đồng thời cũng là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong số rất nhiều tác phẩm giá trị của ông có tập “Truyện Tây Bắc” mà trong đó ấn tượng nhất vẫn là “Vợ chồng A phủ”. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(2) Đoạn dẫn mở bài theo lối quy nạp
Yêu cầu: Tìm một vấn đề mang tính chất chân lý là tiền đề để khẳng định vẫn đề.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách(2).
Thời gian không ngừng trôi và bốn mùa luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực… thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một tác phẩm nghệ thuật như thế. Một trong những lý do làm cho tác phẩm sống mãi là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Mỵ. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(3) Đoạn dẫn mở bài theo lối so sánh hai vấn đề tương tự
Yêu cầu : Tìm 1 vấn đề tương tự (đề tài, chủ đề, hình ảnh , tác phẩm…) làm cầu nối so sánh với vấn đề của đề bài để tạo đoạn dẫn.
VD1thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách(3).
Khi đọc “Mùa lạc” của Nguyễn Khải ta gặp nhân vật Đào, cô gái có quá khứ đau thương nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ khi đón nhận cuộc sống mới và những con người mới. Nhưng đau thương hơn và sự vươn dậy quyết liệt hơn phải kể đến nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A phủ ” của nhà văn Tô Hoài. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn.
VD2Đề ra: Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Có thể mở bài như sau:
Viết về nỗi khốn cùng của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng có lẽ ít ai còn có thể vượt qua được “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Viết về sự lưu manh tha hóa của con người có lẽ khó còn ai có thể sánh ngang với Nguyên Hồng trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Nhưng phải đến khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trong trang sách của nhà văn Nam Cao người ta mới thấy hết được cái khốn cùng, cái lưu manh, cái bi kịch bất hạnh của con người. Bi kịch sinh ra làm người mà bị xã hội từ chối quyền làm người.
(4) Đoạn dẫn mở bài theo lối so sánhhai vấn đề đối lập
Yêu cầu : Tìm 1 vấn đề đối lập tạo thế bắc cầu để giới thiệu vấn đề cần bàn.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách(4).
Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn… Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy nay lại trỗi dậy mạnh mẽ đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nữ nhân vật văn học tiêu biêu biểu là Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
(5) Đoạn dẫn mở bài dựa vào lời đánh giá ấn tượng của một tác giả.
Yêu cầu : Lấy 1 đánh giá của một tác giả uy tín có nội dung trùng với vấn đề đã xác định làm điểm tựa để phát triển tiếp.
VD thêm đoạn dẫn vào ví dụ trên để có 1 mở bài gián tiếp theo cách(5).
Khi nhận định về nhân vật Mỵ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Mỵ là linh hồn của truyện Vợ chồng A Phủ”. Mỵ là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình ảnh Mỵ là hình ảnh của người phụ nữ Mèo đầy bi kịch trong xã hội thực dân phong kiến miền núi, nhưng đồng thời trong Mỵ tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ vươn dậy làm chủ số phận của mình, đặc biệt khi gặp ánh sáng Đảng soi đường. Để thấy rõ điều này chúng ta cùng đi vào phân tích nhân vật Mỵ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 16