Đề số 1. Phân tích Bức tranh rừng xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành. Liên hệ bức tranh thiên nhiên Việt Bắc qua đoạn thơ sau:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
(Tố Hữu)
Xem thêm: Các dạng đề so sánh
HƯỚNG DẪN
I. MỞ BÀI: nêu tác giả tác phẩm/hình tượng rừng xà nu (hoặc mở bài gián tiếp)
II. THÂN BÀI
1. Khái quát:
Ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965, có thể nói Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành là tác phẩm văn học hay nhất viết về con người Tây Nguyên, con người miền Nam thời đánh Mỹ. Cùng với “Cánh chim Chơ – rao” của Thu Bồn, “Hòn đất” của Anh Đức, “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi… “Rừng Xà Nu” đã hòa quyện tạo thành một bản hợp xướng về vẻ đẹp của nhân dân miền Nam anh hùng đã đứng lên trong lửa đạn để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc quê hương. Rừng Xà Nu đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ 1965, sau được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”
Với kết cấu độc đáo – truyện lồng truyện, Nguyễn Trung Thành đã mang đến cho người đọc hình tượng những cây xà nu vạm vỡ, sinh sôi nảy nở không ngừng hoà vào bóng dáng của nhân vật chính – nhân vật Tnú. Hai hình tượng song hành ấy đã tạo nên bản trường ca bất tận về con người Tây Nguyên anh hùng, nghĩa hiệp, quả cảm mà cũng giàu tình nghĩa.
2. Cảm nhận (làm rõ các luận điểm sau)
2.1. Hình tượng Rừng Xà Nu là một sáng tạo độc đáo của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Đây là một hình tượng nghệ thuật có sức khái quát bao trùm lên toàn bộ tác phẩm:
Trong tác phẩm này nhà văn đã trên dưới 20 lần nhắc đến xà nu. Xà nu luôn hiện diện trong từng lời kể của nhà văn tạo nên sự sinh động, chân thực và khơi gợi nguồn cảm hứng dạt dào cho cả nhà văn và bạn đọc. Nhiều từ ngữ được lặp lại trong những câu văn giàu sức sống: rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, lửa xà nu… Không phải ngẫu nhiên mà có một câu văn được lặp lại gần như nguyên vẹn đến hai lần ở phần đầu phần kết thúc tác phẩm: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đây là một điệp khúc trầm hùng làm nền cho toàn bộ câu chuyện. Đặc biệt là khi xà nu tách ra thành cây thì nó gắn liền với đời sống con người. Còn khi hợp lại thì nó trở thành rừng, thành đồi, hòa kết thành một quần thể bền vững như bức thành đồng kiên cố trùng điệp, vô tận bảo vệ buôn làng Xôman.
2.2. Rừng xà nu gắn bó máu thịt với dân làng Xô Man trong đời sống vật chất cũng như tinh thần:
-Phân tích làm rõ
2.3. Bằng bút pháp miêu tả, nhân cách hóa – Nguyễn Trung Thành đã mang đến cho người đọc hình ảnh Tây Nguyên hoang sơ kỳ vĩ và sự mất mát đau thương mà cây xà nu phải gánh chịu. Những mất mát đau thương ấy của cây xà nu cũng chính là những mất mát đau thương của nhân dân miền Nam trong những ngày quê hương bị giặc giày xéo.
– Phân tích làm rõ
2.4. Vượt lên trên mất mát đau thương, rừng xà nu sinh sôi nảy nở không ngừng với bản năng sinh tồn mãnh liệt. Chính nhà văn đã để cụ Mết khẳng định sức sống ấy như một chân lý: “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố chúng nó giết hết được cả rừng xà nu này”
Bằng thủ pháp nghệ thuật tương phản, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi bật sự hùng vĩ cao thượng, man dại của xà nu. Tương phản với từ “ngã gục” – chỉ sự hủy diệt. Nguyễn Trung Thành đã đặt vào đó một hệ thống từ ngữ chỉ sự sống: sinh sôi, nảy nở, khỏe, mọc lên, lao thẳng, phóng lên, vượt lên, ưỡn, che chở… Hệ thống ngôn ngữ này giúp nhà văn sáng tỏ được sức sống hoang dại, mãnh liệt của cây rừng xà nu – đó là thứ thiên nhiên hoang sơ của Tây Nguyên ngàn đời. Trong bức tranh ấy sự sống lấn át cái chết; sự sinh sôi lấn át sự hủy diệt. (Bài của Ths Phan Danh Hiếu) Bên cạnh những động từ mạnh tạo nên hàng loạt những cảm giác mạnh, tác giả cũng không quên lồng vào đó những tính từ để miêu tả sức sống của loài cây: tràn trề, ngào ngạt, long lanh, mỡ màng… tất cả đã tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời nên thơ, tráng lệ.
Xà nu còn là loài cây ham ánh sáng. Dưới ngòi bút Nguyễn Trung Thành loài cây xà nu bỗng sáng ngời bởi những câu văn dạt dào chất thơ. Chỉ với mấy chữ: “phóng lên rất nhanh” – nhà văn dường như đã cho người đọc thấy được sự khao khát mãnh liệt của loài cây trong cuộc đấu tranh sinh tồn đi tìm ánh sáng của tự do giữa bao la Tây Nguyên. Xà nu đón lấy “thứ ánh nắng từ trên cao rọi xuống từng luồng lớn thẳng tắp vô số những hạt bụi vàng bay ra từ nhựa cây thơm mỡ màng”. Câu văn không chỉ dạt dào chất thơ mà còn dạt dào cả ánh sáng, màu sắc và lắng đọng cả hương thơm. (Bài của Ths Phan Danh Hiếu) Cây ham ánh sáng chính là loài cây yêu tự do như con người Xô man yêu tự do, yêu mảnh đất truyền thống ngàn đời của họ.
Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành không quên nhắc đến sức sống hoang dại, mãnh liệt của thế hệ những cây xà nu trưởng thành. Đó là những thân cây xà nu như thấu hiểu sứ mệnh của mình đã “vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”. Những thân cây bị thương cũng nhanh chóng lành lặn “như những con chim đã đủ lông mao lông vũ”; “những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng”. Cả cánh rừng ấy thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã đứng lên đưa vồng ngực của mình mà “ưỡn” mà “che chở cho cả dân làng”.
2.5. Hình tượng Rừng Xà Nu còn là biểu tượng cho những thế hệ con người Xô man.
Rừng xà nu có ba thế hệ xà nu tiêu biểu cho ba thế hệ con người Xô man. Cụ Mết là biểu tượng cho truyền thống, là thế hệ cây xà nu đại thụ; Tnú – Mai – Dít là thế hệ cây xà nu trưởng thành; Heng – thế hệ xà nu măng non. Hình ảnh người và cây quyện hòa vào nhau tạo nên một dàn hợp xướng bất tử, dạt dào sức sống Tây Nguyên. Nỗi đau của cây cũng là nỗi đau của con người: một cây ngã xuống, ta ngỡ như một con người Xô man ngã xuống. Phải chăng những mất mát đau thương của cây xà nu cũng là mất mát đau thương của con người nơi đây: anh Xút bị giặc treo cổ, bà Nhan bị giặc chặt đầu, mẹ con Mai bị sát hại bằng một trận mưa roi sắt, hai bàn tay Tnú bị giặc đốt cụt… (Bài của Ths Phan Danh Hiếu) Vượt lên bi kịch đau thương, con người Xô man thế hệ này tiếp nối thế hệ khác tạo thành một đội ngũ trùng điệp đứng lên bảo vệ dân làng. Anh Xút, bà Nhan hi sinh thì có Mai và Tnú trưởng thành nhanh chóng thay thế nhiệm vụ cách mạng. Mai ngã xuống khi tuổi xuân còn nồng nàn hạnh phúc thì Dít như cây xà nu phóng lên rất nhanh để tiếp nối chị. Nhà văn còn hé lộ thế hệ thứ ba – thế hệ của những thằng bé Heng chưa lớn lên nhưng đã trở thành những người chiến binh nhỏ tuổi đầy quả cảm. Có thể nói: âm vang Tây Nguyên từ ngàn xưa vang vọng chảy vào dòng máu của cụ Mết, cụ Mết chảy vào Tnú, Tnú chảy vào Mai, Mai truyền cho Dít, Dít truyền qua Heng, Heng truyền vào những cây xà nu con “mới nhú lên khỏi mặt đất đã nhọn hoắt như những mũi lê”. Đó cũng chính là chân lý “một cây ngã cả rừng cây lại mọc”; là hình ảnh “bốn nghìn năm đất nước – năm tháng nào cũng người người lớp lớp” (Nguyễn Khoa Điềm) – thế hệ này ngã xuống thế hệ khác đứng lên dệt nên bài thơ huyền thoại:
Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua
(Hoàng Trung Thông)
2.6. Nghệ thuật:
– Trần thuật hấp dẫn, dựng cảnh sinh động
– Ngôn ngữ sử thi lãng mạn hào hùng
– Bút pháp miêu tả, nhân cách hóa, so sánh, tượng trưng, giọng văn tha thiết, trang nghiêm, hùng tráng.
3. Bức tranh rừng xà nu liên hệ so sánh Việt Bắc (Liên hệ đoạn thơ trong Việt Bắc – Tố Hữu)
3.1. Giới thiệu tác giả Tố Hữu và Việt Bắc
3.2. Điểm giống
– Cùng thể hiện tình yêu thiên nhiên của hai tác giả
– Thiên nhiên tươi đẹp mà cũng đau thương, anh dũng; thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ mà cũng rất nên thơ
– Sự đồng lòng đánh giặc, bảo vệ con người
3.3. Điểm riêng của thiên nhiên Việt Bắc
– Thiên nhiên Việt Bắc gắn bó hài hòa với con người; cùng chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung “Nhớ khi giặc đến giặc lùng/Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây”.
– Con người và thiên nhiên tạo thành một thế trận trùng điệp dồn kẻ thù vào “lũy sắt dày”, vào “mênh mông bốn mặt sương mù”.
– Thiên nhiên là hậu phương vững chắc và cũng là người bạn chiến đấu của con người.
* Nghệ thuật: Thể thơ lục bát truyền thống, phép tu từ nhân hóa, hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình.
III. KẾT BÀI: Đánh giá nâng cao vấn đề.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 15