SINH VIÊN ĐANG SỐNG RA SAO?
[ 13/03/2018 00:00 AM | Lượt xem: 615 ]


Những năm gần đây xã hội đang thay đổi từng ngày với một tốc độ chóng mặt. Xã hội bị chi phối bởi những luồng tư tưởng từ khắp nơi xâm nhập. Và một xã hội phát triển cũng làm thay đổi về tư tưởng và lối sống của nhiều người. đây, chúng ta cùng bàn về lối sống của sinh viên ngày nay.

Trước hết, nói đến sinh viên tức là nói đến thế hệ đang nắm trong tay tri thức cùng với những hiểu biết về tiến bộ xã hội. Họ là thế hệ cho tương lai vô cùng quan trọng được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và được đào tạo về chuyên môn, đạo đức một cách toàn diện nhất. Nhưng không phải sinh viên viên nào khi bước ra khỏi ghế của giảng đường cũng đều đã trang bị được cho mình những kiến thức và kinh nghiệm sống tốt nhất, đặc biệt một bộ phận sinh viên đã rơi vào lối sống thực dụng, ham chơi công nghệ hóa mà quên mất đi ước mơ và mục đích đến trường của mình hoặc đến kì học cuối cùng mới nhận ra rồi mới cố gắng thì đã quá muộn và không đạt được kết quả mong đợi. Thật may mắn, vẫn có nhiều sinh viên có những suy nghĩ đúng đắn, có những kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm sống tuyệt vời do họ đã tự ý thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc học tập, một phần không thể thiếu họ có được sự chỉ bảo tận tình và sát sao trực tiếp của các thầy cô ở trường và sự quan tâm của gia đình.

Một số khảo sát về thực trạng sinh viên cho thấy quá nhiều sinh viên không tự tin vào bản thân, ngại ngùng khi phải đứng lên và trả lời trước đám đông, thụ động trong học tập. Đi làm thêm quá nhiều, dạy kèm, bán hàng , tiếp thị dẫn đến lơ là học tập, thời gian học thêm và tự học ở nhà bị rút ngắn, hoặc họ không theo nổi chương trình học đại học bị buộc thôi học. Tuy nhiên đó không phải là lý do chính, vì có những sinh viên vừa học vừa làm thêm nhưng kết quả học tập vẫn đạt điểm cao. Nguyên nhân ở đây là do sinh viên không chịu tìm tòi đọc sách, tài liệu phục vụ cho chuyên môn của mình (mặc dù nhiều thầy cô lên lớp đã chỉ dẫn những tư liệu, đầu sách cần thiết cho sinh viên tìm kiếm tham khảo) và tâm lí quen với việc “đọc - chép”, từ đó dẫn đến thực trạng thụ động trong học tập. Thực tế trên cho thấy bên cạnh chương trình học tập đại học hiện nay vốn đã nặng nề, thì công cụ để truyền tải kiến thức hiện nay cũng chưa lấy gì làm hài lòng. Số sinh viên tìm đến thư viện không nhiều, chỉ lác đác vài bạn vào những ngày thường và có nhỉnh hơn một chút khi mùa thi đến.

Thư viện vắng vẻ

Ai cũng biết rằng trách nhiệm của người sinh viên đến giảng đường là để học hỏi, tìm kiếm một ngành nghề nào đó cho cuộc sống tương lai, hoặc để tự nâng cao kiến thức hiểu biết, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra: chỉ có 30% trong số họ thực hiện được công việc này. Đây là nhóm sinh viên có thái độ sống tích cực, năng động, có chí hướng và say mê học tập, số còn lại thì họ bị chi phối quá nhiều bởi những tư tưởng ngoài luồng cả tích cực và tiêu cực. ( ví dụ như: game, mạng xã hội, tình cảm, học tập, vật chất vv...) khiến họ nảy sinh tư tưởng thư giãn rồi quá đà tiếp xúc và với những tiêu cực khiến việc học tập bị sa sút tinh thần trở nên cực đoan, chán nản.

Phòng game luôn hết chỗ

Để có động cơ tích cực học tập, người học phải tự ý thức được hoặc cần được giúp đỡ để nhận thức được rằng học trước hết là cho bản thân mình và chính mình là người phải biết cách biến kiến thức chung của nhân loại thành tài sản riêng. Ngược lại, việc dạy cần hướng vào phát triển cá nhân sao cho cá nhân đó thấy hứng thú học tập vì biết rằng mình có thể áp dụng những kiến thức thu được ở trường học vào công việc ngoài đời và trong suốt cả cuộc đời của họ, nên gia đình cần phải hết sức quan tâm sát sao đến việc học tập và sinh con cái một cách khéo léo sao cho bản thân họ không cảm thấy bị áp lực. Đồng thời, quá trình đào tạo đại học phải giúp sinh viên biết rèn luyện việc tự học và duy trì việc học suốt đời, chứ không chỉ dừng lại sau khi tốt nghiệp đại học hoặc chỉ học khi đến trường học. Muốn vậy, phương pháp giảng dạy phải hướng tới trang bị cho người học cách học để họ có thể cập nhật kiến thức thường xuyên và liên tục. Đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm phát huy mạnh mẽ là tính chủ động của người học. Hơn nữa, để dạy và học có hiệu quả thì việc khai thác triệt để công nghệ thông tin truyền thông trong quá trình dạy và học là hết sức cần thiết trong thời đại ngày nay.

Mấy dòng bàn luận, tham góp như vậy, mong rằng sinh viên chúng ta ai còn mơ màng, chưa chú tâm vào việc học và hành cho đời mình cũng nên chia sẻ và thay đổi kịp thời.

Bài và ảnh: Dương Trọng Huấn – Lớp TADL K15


Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 26