ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC THIẾT BỊ DẠY HỌC
[ 15/11/2018 00:00 AM | Lượt xem: 200 ]

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1. Giáo dục và đào tạo Việt nam đang thực hiện quá trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 40 của Quốc hội Khoá X; thực hiện Chương trình hành động Quốc gia Giáo dục cho mọi người giai đoạn 2003- 2015 và Chỉ thị 40 của Ban Bí thư trung ương ĐCS Việt Nam nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng một nền giáo dục hiệu quả.

Đặc biệt, ngày 13/6/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 711/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020”; đây là cơ sở pháp lý mới nhất, quan trọng nhất định hướng hoạt động cho các cơ quan quản lý, cho các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quá trình “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục Việt Nam.

Giá trị cốt lõi của quá trình “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục Việt Nam là đảm bảo cho thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng một nền giáo dục công bằng và có chất lượng. Quá trình đó lấy “đổi mới phương pháp dạy học” làm then chốt. Công tác thiết bị dạy học là một thành tố có ý nghĩa phương pháp luận của “đổi mới phương pháp dạy học”.

Nếu không có đội ngũ "viên chức làm công tác TBDH" có đủ năng lực, được chuyên nghiệp hoá thì các hoạt động 1, 2, 3 dù có làm tốt đến đâu cũng đều trở nên vô nghĩa.

          Người giáo viên cần sử dụng tốt TBDH để dạy tốt 1 môn học; còn người "viên chức làm công tác TBDH" cần hiểu biết (kể cả sử dụng) hệ thống TBDH của nhiều môn học để phục vụ có hiệu quả cho các giáo viên bộ môn khi lên lớp; hơn nữa họ còn có vai trò của người quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống TBDH trong toàn trường. Vì vậy không thể quan niệm họ là vai phụ của quá trình dạy học.

          Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin trao đổi về vấn đề "Xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức làm công tác TBDH".

2. Như chúng ta đều biết: Thiết bị dạy học (TBDH) hay đồ dùng dạy học (ĐDDH) là một bộ phận của cơ sở vật chất trường học, bao gồm những đối tượng vật chất được thiết kế sư phạm mà người giáo viên (GV) sử dụng để điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh (HS); đồng thời chúng là nguồn tri thức, là phương tiện giúp HS lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng, đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu dạy học.

Đặc biệt TBDH có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc là ở chỗ: nếu sử dụng TBDH có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nhất không những trong việc hình thành tư duy khoa học cho HS mà còn góp phần phát triển kỹ năng nghề nghiệp của chính người GV.

Cùng với Sách giáo khoa, Thiết bị dạy học là phương tiện lao động sư phạm không thể thiếu để GV và HS phối hợp tổ chức các hoạt động dạy học và tiến hành một cách hợp lý, có hiệu quả quá trình dạy học ở các môn học, cấp học.

Cách đây khoảng 30 năm, GS. TS. Hồ Ngọc Đại, trong một cuốn sách của mình, Ông đã viết: Thiết bị dạy học là “bộ đồ nghề của người giáo viên”.

Năm 1999, tại Dakar (Băng la đét), Unesco khuyến cáo: “Nói nâng cao chất lượng dạy học mà không làm tốt công tác TBDH thì chỉ là những lời nói xuông”.

Ngày nay, phải hiểu quá trình dạy học lấy các hoạt động dạy học- các tình huống dạy học làm trung tâm. Trong một giờ học, GV và HS hoạt động, tương tác với nhau trên cơ sở các hoạt động dạy học- các tình huống dạy học được lựa chọn chuẩn xác để hướng tới mục tiêu bài học. Sách giáo khoa và Thiết bị dạy học là nguồn lực để tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học- các tình huống dạy học.

3. Những năm qua nhà nước trung ương và các địa phương đã đầu tư lượng kinh phí rất lớn xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn với nhiều trang thiết bị hiện đại cho các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. hệ thống giáo dục phổ thông và hệ thống giáo dục mầm non với hy vọng nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo.

Nói riêng ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, cùng với lộ trình đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Chương trình giáo dục mầm non mới; Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư về hệ thống “Danh mục TBDH tối thiểu” cho giáo dục phổ thông và “Danh mục thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu” cho giáo dục mầm non (trước hết là phục vụ cho phổ cập mẫu giáo 5 tuổi); Kinh phí đầu tư là vô cùng lớn.

Trong khi đó các nhà trường trong hệ thống giáo dục phổ thông tuy đã có cố gắng, nhưng việc phát huy hiệu quả (giáo dục và kinh tế) của hệ thống TBDH còn hết sức hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là các trường chưa có “viên chức làm công tác TBDH” có năng lực, được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Về nhân sự, do lịch sử của công tác tổ chức cán bộ để lại, ở nhiều trường phổ thông “viên chức làm công tác TBDH” còn chưa được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở mức tối thiểu.

Trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua, nhất là trong quá trình thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020”, nhằm “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục Việt Nam; vấn đề đổi mới phương pháp dạy học là một thành tố có ý nghĩa quyết định của cả quá trình. Đổi mới phương páhp dạy học sẽ không thể thành công nếu thiếu hệ thống TBDH có chất lượng và thiếu đội ngũ "viên chức làm công tác TBDH ở các cơ sở giáo dục và đào tạo".

Đây đang là vấn đề bức xúc, nóng bỏng của ngành GD&ĐT đang được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

II. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚMG CHỈ ĐẠO VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO- BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC TBDH Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

1. Các văn bản quản lý nhà nước

          1.1. Thông tư liên Bộ số 35/TTLB-BGDĐT-BNV, ngày 23/8/2006: Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo Thông tư này "viên chức làm công tác TBDH ở các cơ sở giáo dục phổ thông" đã được định biên, là viên chức không thể thiếu ở các trường học.

          1.2. Văn bản số 4089/BGD ĐT-TCCB, ngày 19/4/2007 Quy định về tiêu chuẩn, tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ "viên chức làm công tác TBDH ở các cơ sở giáo dục phổ thông".

          1.3. Quyết định số 74/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 05/12/2007 về việc ban hành "Chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức làm công tác TBDH ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Để có thể làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo- bồi dưỡng cần nắm được và tuyên truyền, thông báo rộng rãi thêm một số văn bản quản lý nhà nước sau đây:

          - Quyết định số 78/2004?QĐ-BNV, ngày 03/11/2004 về việc ban hành "Danh mục các ngạch công chức viên chức",

          - Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ ban hành "Chế độ tiền lương",

          - Thông tư số 07-BNV về "Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập".

          Để mọi người thấy được rằng:

- Người có bằng TCCN, học chương trình bồi dưỡng 152 tiết, sau khi được cấp Chứng chỉ có đủ điều kiện được xét tuyển dụng (hoặc thi tuyển) vào biên chế nhà nước ngạch Kỹ thuật viên (tại các trường Tiểu học- mã ngạch viên chức 13.096),

- Người có bằng CĐ, học chương trình bồi dưỡng 192 tiết, sau khi được cấp Chứng chỉ có đủ điều kiện được xét tuyển dụng (hoặc thi tuyển) vào biên chế nhà nước ngạch Kỹ thuật viên (tại các trường THCS- mã ngạch viên chức 13a.095),

- Người có bằng ĐH, học chương trình bồi dưỡng 192 tiết, sau khi được cấp Chứng chỉ có đủ điều kiện được xét tuyển dụng (hoặc thi tuyển) vào biên chế nhà nước ngạch Kỹ thuật viên (tại các trường THPT- mã ngạch viên chức 13.095),

Như vậy, nếu học bồi dưỡng và có Chứng chỉ cơ hội việc làm được rộng mở hơn.

3. Theo Thông tư 35, chỉ tính đối với hệ thống các trường phổ thông công lập trong cả nước cần có khoảng 30.000 "viên chức làm công tác TBDH" (tính toán, tổng hợp từ nguồn Thống kê GD&ĐT 2010- Bộ GD&ĐT),

          3.1. Vài nét hiện trạng công tác quản lý đội ngũ Viên chức làm công tác TBDH tại các địa phương:

- Hiện nay nhóm nguồn nhân lực này của hệ thống GDQD về cơ bản chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho định hướng "đổi mới căn bản và toàn diện" của Ngành.

- Nhìn chung các cơ quan QLGD cấp trung gian và CBQL cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ, nhận thức chuyển biến còn quá chậm trong công tác xây dựng và phát triển nhóm nguồn nhân lực là Viên chức làm công tác TBDH.

- Nhìn chung các cơ quan QLGD cấp trung gian (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT) rất lúng túng, thiếu định hướng trong việc xây dựng kế hoạch hình thành và phát triển nhóm nguồn nhân lực là Viên chức làm công tác TBDH. Vì vậy việc chuẩn hoá cho số Viên chức TBDH hiện có tại các cơ sở giáo dục rất chậm. Có rất ít các cơ quan QLGD chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng chuẩn hoá Viên chức TBDH.

- Những người đi học bồi dưỡng hiện nay chủ yếu do nhu cầu cá nhân trong việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển để được tuyển dụng làm Viên chức, nên họ chỉ đăng ký học mỗi khi có đợt tuyển dụng của các địa phương.

         - Theo ý kiến từ các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, số viên chức đã tuyển dụng trước đây, do lịch sử để lại, hầu hết tuổi đời cao và về chuyên môn, nghiệp vụ không đạt chuẩn; số viên chức tuyển dụng mới được theo chuẩn chỉ  mới tiến hành được 3 năm nay và nhiều nơi không có nguồn để tuyển.

          Phân tích ý kiến của các cơ quan QLGD và CBQL cơ sở giáo dục, ta thấy:

          - Giáo viên các bậc học cấp học, ngành học thực sự có nhu cầu về kiến thức và kỹ năng sử dụng, khai thác bộ TBDH mà nhà trường đã được trang bị và các thiết bị dạy học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống TBDH hiện có góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

          - Các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân rất cần có "viên chức làm công tác TBDH" được đào tạo, bồi dưỡng một cách chuyên nghiệp, nhu cầu này thực sự cấp thiết, thường xuyên và rộng lớn của toàn hệ thống.

          Nếu thoả mãn được 2 nhu cầu cơ bản trên, ta sẽ đạt mục tiêu kép: Vừa nâng cao hiệu quả kinh tế từ hệ thống TBDH đã được trang bị, vừa nâng cao được chất lượng dạy học.

          3.2. Thử xem khả năng đáp ứng hiện nay:

          a. Về bồi dưỡng: Hiện nay có 21 cơ sở đào tạo trong cả nước được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ "bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cấp Chứng chỉ cho "viên chức làm công tác TBDH ở cơ sở giáo dục phổ thông". Các cơ sở đào tạo nói trên bắt đầu tổ chức bồi dưỡng từ 2008, theo Chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quiyết định số 74/2007/QĐ-BGDĐT.

          Số lượng người được bồi dưỡng trong 5 năm qua, theo tổng hợp trong Báo cáo của Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục là rất khiêm tốn.

          b. Về đào tạo:

          - Trước đây, một số Trường CĐSP địa phương được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ TCCN ngành Thư viện- Thiết bị trường học, không đào tạo chuyên ngành Thiết bị trường học. thời lượng đào tạo về Thư viện thường chiếm 70% toàn bộ Chương trình; với chỉ tiêu đào tạo hàng năm khoảng 100 sinh viên. Loại hình đào tạo này chỉ phù hợp đối với viên chức làm công tác TBDH ở trường Tiểu học có quy mô loại 2, loại 3 (theo Thông tư 35). 

          - Trường Đại học sư phạn Hà Nội được Bộ GD&ĐT cấp mã ngành đào tạo (C65) trình độ Cao đẳng ngành Công nghệ thiết bị trường học tháng 12/2005. Chỉ tiêu đào tạo 60 sinh viên/năm, được thực hiện từ năm học 2006- 2007. Hầu như không năm nào đạt chỉ tiêu tuyển mã ngành này.

          - Gần đây, một số trường CĐSP địa phương được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo ngành Thiết bị trường học trình độ Cao đẳng (Chương trình không đồng nhất với Chương trình được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho ĐHSP) với chỉ tiêu hàng năm khoảng 100 sinh viên.

          Như vậy, số lượng học sinh, sinh viên được đào tạo ngành Thiết bị trường học hàng năm khoảng 1.000 người. Nếu duy trì quy mô đào tạo như nói trên thì phải tổ chức đào tạo trong 30 năm mới đáp ứng nhu cầu.

          Rõ ràng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhóm nguồn nhân lực làm công tác TBDH trong hệ thống giáo dục phổ thông nói riêng và trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung đã trở thành một nhu cầu rất cấp thiết của GD&ĐT.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

1. Giải pháp đổi mới công tác quản lý của Bộ GD&ĐT:

          1.1. Đối với các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, cần được nhận xét, đánh giá hàng năm. Có hình thức động viên khuyến khích các cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ.

          1.2. Bộ cần có giải pháp mạnh để nâng cao nhận thức của các cấp quản lý trung gian:

          - Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, Diến đàn chuyên ngành nhằm khẳng định và làm rõ các văn bản QLNN của Bộ GD&ĐT và của liên Bộ nhằm làm cho các cơ quan quản lý cấp trung gian và CBQL cơ sở giáo dục thấy rõ vai trò của đội ngũ viên chức này trong phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

          - Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục, chủ trì tổ chức các lớp thí điểm thực hiện Chương trình bồi dưỡng theo quyết định 74, để từ đó có kế hoạch chỉ đạo, bổ sung, sửa đổi Chương trình.

          - Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục chủ trì tổ chức Hội thảo thường niên nhằm tạo môi trường cho các cơ sở trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau, thoả thuận liên kết tạo sức mạnh của cả khối.

          - Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục chủ trì tổ chức xây dựng Chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức làm công tác thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TCCN, CĐ, ĐH và dạy nghề)

2. Về chế độ, chính sách

          2.1. Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục xây dựng đề án, kế hoạch trợ giúp về vật chất, kinh phí cho các cơ sở được Bộ giao nhiệm vụ; giúp các cơ sở có điều kiện tốt hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

          2.2. Với vai trò và tầm quan trọng của người "viên chức làm công tác TBDH" Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu đề xuất tên gọi của loại viên chức này là "Giáo viên thực hành" và họ cần được hưởng các chế độ, chính sách của một ngạch giáo viên mới- "Giáo viên thực hành" của hệ thống giáo dục quốc dân.

< http://hiephoithietbigd.edu.vn/367/news-detail/373923/ket-qu >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 8