Sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học - Công nghệ, sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên Internet ngày nay đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ảnh hưởng một phần không nhỏ tới ngành Thông tin Thư viện. Người cán bộ thư viện từ chỗ chỉ là người lưu giữ và cho mượn sách, báo nay đã trở thành chuyên gia xử lý, phổ biến, phân phối thông tin và cao hơn nữa là cung cấp tri thức theo yêu cầu. Vì thế, yêu cầu đối với người cán bộ thư viện không chỉ dừng ở mức hiểu biết nhu cầu của người dùng tin, đáp ứng nhu cầu tin của họ mà còn cần phải hiểu biết về nguồn tin, tổ chức nguồn tin và thành thạo công nghệ thông tin. Bởi vậy, nhu cầu về cán bộ thư viện cần được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp.
THÔNG TIN VỀ NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIỆN TẠI ĐÂY
SINH VIÊN NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIỆN SẼ ĐƯỢC HỌC NHỮNG GÌ?
Giai đoạn 2011 - 2018, bộ môn Thông tin Thư viện đào tạo trình độ đại học ngành Khoa học Thư viện, chuyên ngành Thư viện – Thiết bị trường học. Từ năm học 2018-2019, bộ môn Thông tin Thư viện lên kế hoạch đào tạo trình độ đại học ngành Thông tin Thư viện với 02 chuyên ngành: Thư viện – Thiết bị trường học và Thư viện – Quản lý văn thư.
Chuyên ngành Thư viện – Thiết bị trường học đào tạo những nhà chuyên môn có kiến thức và kỹ năng tốt về nghiệp vụ thư viện và thiết bị trường học như: nghiệp vụ thu thập, xử lí – phân tích- tổng hợp và phân phối thông tin; triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong Thư viện điện tử - Thư viện số; các cơ sở, nguyên tắc phân loại, sắp xếp đồ dùng dạy học và các dụng cụ thí nghiệm ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; quy trình lập kế hoạch mua sắm, trang bị các thiết bị dạy và học theo nhu cầu của trường học.
Chuyên ngành Thư viện – Quản lý văn thưđào tạo về nghiệp vụ thư viện và quản lý văn thư như: nghiệp vụ thu thập, xử lí – phân tích- tổng hợp và phân phối thông tin; triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong Thư viện điện tử - Thư viện số; quản lý văn bản; soạn thảo và ban hành văn bản quản lý; tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ; tổ chức công tác văn thư lưu trữ trong các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, xã hội; quản lý văn bản số; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư.
Song song với việc được cung cấp kiến thức, sinh viên ngành Thông tin Thư viện còn được chú trọng phát triển các kỹ năng bổ trợ như: kỹ năng tư duy logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian.
Đặc biệt, sinh viên Thông tin Thư viện được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại các thư viện, phòng thiết bị, phòng văn thư của các đơn vị có cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất, áp dụng các chuẩn mới nhất như: Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên, trung tâm Thông tin – Thư viện của các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên; các thư viện, phòng thiết bị, phòng văn thư của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Sinh viên thư viện thực hành thực tập tại Trung tâm Học liệu –Đại học Thái Nguyên
Sinh viên có thể tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ và thường xuyên tham dự các cuộc thi về lĩnh vực thư viện, thiết bị, văn thư trong và ngoài trường. Đó là những điểm mấu chốt không thể thiếu giúp sinh viên phát huy tối đa những tố chất, khả năng mà một người cán bộ thư viện cần phải có.
CỬ NHÂN NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIÊN RA TRƯỜNG SẼ LÀM GÌ?
Cơ hội việc làm cho những cử nhân Thông tin Thư viện hết sức rộng lớn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Thông tin – Thư viện có thể làm cán bộ thư viện, cán bộ thiết bị, cán bộ văn thư, quản trị thông tin, cán bộ thư viện – thiết bị, cán bộ thư viện – văn thư tại nhiều cơ quan, trong đó có thể kể đến như: các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã; các sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Phòng Giáo dục – Đào tạo các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.; các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các trung tâm Văn hóa – Thông tin của các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt, cử nhân thông tin thư viện hành nghề tốt tại các trung tâm thông tin, các viện nghiên cứu, viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; các thư viện công cộng: thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã, thư viện của lực lượng vũ trang; Công ty phát hành sách và thiết bị trường học; Văn phòng hoặc phòng hành chính của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; các trung tâm lưu trữ quốc gia; lưu trữ của ngành và cơ quan lưu trữ các địa phương; Các báo, tạp chí truyền thống, điện tử của các cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty liên doanh, công ty nước ngoài.
Với chương trình đào tạo tiên tiến, tham khảo từ nhiều trường đại học lớn trong nước và nước ngoài, chúng tôi hứa hẹn sinh viên Thông tin Thư viện sẽ được trang bị hệ thống kiến thức và kỹ năng thực hành toàn diện nhất.
CỰU SINH VIÊN NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIỆN NÓI GÌ?
Nguyễn Thị Diễm Ly - Cựu sinh viên khóa 8 ngành Thông tin Thư viện – Cán bộ Thiết bị trường học Trường THCS Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
“Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, được học tại trường đại học có thế mạnh về nghiên cứu khoa học của Tỉnh - Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, rồi lại được làm việc tại chính quê hương thân yêu của mình là niềm hạnh phúc lớn với tôi. Rất nhớ những ngày theo học ngành Thông tin – Thư viện tại Trường: Thầy cô ân cần quan tâm đời sống của sinh viên, say sưa truyền thụ kiến thức, nhiệt tình chia sẻ các kỹ năng; Bạn bè thân thiện, luôn bên nhau lúc buồn cũng như khi vui; Môi trường học tập và thực hành chuyên nghiệp, … Cảm ơn thầy, cô, bạn bè. Tất cả đã dạy tôi biết yêu đời, yêu người, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.
Đinh Thị Hoài – Cựu sinh viên khóa 9 ngành Thông tin Thư viện – Giảng viên Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
“Mỗi người đều có cho bản thân mình một niềm đam mê, một khát khao cháy bỏng để có thể phấn đấu, theo đuổi nó đến cùng và mong có được thành công. Con đường đến thành công sẽ không dễ dàng cho bất cứ một ai. Bạn có nghĩ giống tôi không ?
Nếu như nhìn vào tôi, hiện tại cũng như quá khứ của mình thì tôi chưa có được sự thành công nào đáng kể cả. Tôi vẫn là người chưa sự nghiệp, chưa học vị gì đáng để nói cả. Thế nhưng, điều tôi cho rằng tôi thành công nhất chính là sự chiến thắng bản thân, chiến thắng sự rào cản của chính gia đình, bạn bè khi tôi quyết định theo học ngành Thông tin – Thư viện tại trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, cái ngành mà cha mẹ tôi, bạn bè tôi cho rằng nghèo nàn, cho rằng buồn tẻ nhất. Tôi vẫn có một đam mê rằng tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng, tôi sẽ làm cho mọi người thấy tôi đúng. Chính bởi điều đó, suốt quá trình 4 năm đại học, tôi đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tu dưỡng rèn luyện dưới sự chỉ bảo của các thầy, cô trong bộ môn Thư viện cũng như trong Khoa Khoa học Cơ bản. Kết quả tôi nhận được từ sự cố gắng đó chính là sự thành công nhỏ của tôi. Một tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại ưu là cả một quá trình của tôi, nó chứa đựng cả những niềm vui, những nỗi buồn suốt 4 năm trời. Nhưng tôi vẫn tin nó là một thành công nhỏ để bước đến thành công lớn hơn trong cuộc đời.
Điều mà bản thân mình dành hết sự cố gắng để có được sẽ là một thành công chính đáng, tôi cũng mong những ai có nguyện vọng theo một ngành nghề nào đó thì hãy vững tin vào sự lựa của mình. Dù là ai, làm công việc gì thì cũng đều là con người có thành công.”
Bùi Thùy Dương – Cựu sinh viên khóa 11 ngành Thông tin Thư viện – Cán bộ thư viện Trường Tiểu học Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
“Sắp 01 năm ngày tốt nghiệp đại học, ký ức trong tôi vẫn vẹn nguyên. Đây là những giờ học thú vị, mỗi bài giảng đều là tâm huyết của từng thầy, cô trong bộ môn Khoa học Thư viện. Kia là những buổi thực tập, thực hành nghề tại Trung tâm Học liệu, tại Thư viện Trường. Đây là những rưng rưng khi thầy, cô hỏi thăm, chia sẻ, răn dạy, chỉ bảo. Kia là những trận bóng đá gay cấn đến thót tim. Đây là những ngày thức thâu đêm chuẩn bị cho ngày Hội Văn hóa đọc. Kia là những giờ trải nghiệm. Học tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, tôi không chỉ được rèn nghề mà còn được rèn đức, rèn thể lực, rèn kỹ năng, ... Tôi may mắn hơn nhiều bạn, ra trường được đi làm ngay. Bạn đọc của tôi là các em học sinh tiểu học, ngây thơ, trong veo, ham đọc sách, cho tôi tiếng cười mỗi ngày đến Trường. Trân trọng lắm, quá khứ và hiện tại, để chắp cánh cho tương lai. Tôi yêu Thầy cô, yêu ngành học mình đã chọn lựa, yêu mái Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên – mái trường tôi gắn bó 4 năm tuổi thanh xuân của mình. Tôi yêu Trường Tiểu học Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang) – nơi có những bạn đọc đáng yêu như những “thiên thần”.
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN HỌC BẠ THPT NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIỆN NGAY TẠI ĐÂY
-------------------------------------------
Những năm gần đây, Du lịch trở thành một trong những ngành “công nghiệp không khói” lọt top mười ngành “hot” nhất không chỉ trên thế giới mà còn tại Việt Nam. Nhân sự trong ngành được hưởng mức lương đáng mơ ước cùng môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp đang ngày càng trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Ước mơ của các bạn trẻ với một công việc luôn được đi đây đi đó, lại vừa có những khoản thu nhập cực khủng sẽ trở thành sự thực nếu các bạn biết nắm bắt cơ hội.
THÔNG TIN VỀ NGÀNH NGÔN NGỮ ANH – CHUYÊN NGÀNH TIẾNG ANH DU LỊCH TẠI ĐÂY
TIẾNG ANH – TIÊU CHÍ BẮT BUỘC VÀ CŨNG LÀ ĐIỂM CỘNG QUYẾT ĐỊNH MỨC LƯƠNG
Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, chỉ tính riêng 10 tháng năm 2016, nước ta đón hơn 8 triệu lượt khách quốc tế. Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam đang phát triển bùng nổ và Việt Nam đang thu hút được lượng khách du lịch nước ngoài ngày càng lớn, chiếm tỷ lệ cao hơn so với khách nội địa. Để có thể “thâm nhập” hoặc tìm được vị trí tốt với mức lương cao trog thị trường việc làm rộng lớn với vô vàn cơ hội này, bạn cần trau dồi ngoại ngữ ở mức độ lưu loát, đặc biệt là tiếng Anh.
Trên thị trường hiện nay, các hướng dẫn viên du lịch lưu loát tiếng Anh được “săn đón” khá nhiều. Họ không chỉ làm cho công ty, mà còn có nhiều cơ hội cộng tác bên ngoài, mở rộng phạm vi làm việc hơn so với nhóm thiếu ngoại ngữ còn lại. Bên cạnh đó, mức thu nhập của 1 tour-guide bình quân sẽ là 20 đô la/ ngày, riêng đối với những đoàn khách nước ngoài thì thu nhập của hướng dẫn có thể lên đến 50 đô la/ ngày.
CỬ NHÂN NGÔN NGỮ ANH – CHUYÊN NGÀNH TIẾNG ANH – DU LỊCH ĐƯỢC HỌC NHỮNG GÌ?
Trước nhu cầu xã hội, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã triển khai đào tạo chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh Du Lịch. Chương trình kỳ vọng cung cấp nguồn tài nguyên chuyên nghiệp cho ngành Du lịch: các phiên dịch viên, biên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, quản lý hoặc nhân viên tại các công ty, các cơ sở dịch vụ du lịch và lữ hành. Nhân sự này sẽ được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và nghiệp vụ du lịch, có năng lực làm việc tại các công ty, các cơ sở dịch vụ du lịch lữ hành trong và ngoài nước.
Trường Đại học Khoa học luôn coi đây là một trong những ngành đào tạo chiến lược và dành những nguồn lực tốt về đội ngũ, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.
Chương trình giảng dạy của chuyên ngành Tiếng Anh du lịch được xây dựng khoa học và tiên tiến, chú trọng khai thác phát triển năng lực của người học và có sự tham khảo các chương trình tiên tiến của các trường Đại học hàng đầu trong nước và một số trường uy tín của quốc tế.
Điểm khác biệt trong chương trình đào tạo chuyên ngành Tiếng Anh Du Lịch so với các chuyên ngành du lịch khác là người học được đẩy mạnh việc làm chủ khả năng sử dụng ngoại ngữ song hành với các nghiệp vụ du lịch. Vì thế, ngoài nghiệp vụ du lịch – lữ hành, năng lực ngoại ngữ là chìa khóa then chốt để người học mở ra những cơ hội việc làm trong tương lai và đón nhận những thành công trên con đường theo đuổi mơ ước của bản thân.
Nhà trường luôn đặc biệt quan tâm tới hoạt động kết nối với các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nên sinh viên của trường luôn có cơ hội thực tập, làm việc và nhận học bổng hỗ trợ trong suốt quá trình học tập và được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
CƠ HỘI RỘNG MỞ CHO CỬ NHÂN NGÀNH TIẾNG ANH DU LỊCH
Nếu đam mê làm việc trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, sinh viên ngay từ khi đang học tập tại Nhà trường có thể ứng tuyển làm phiên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Anh, nhân viên lễ tân, nhân viên văn phòng, nhân viên marketing cho các dự án du lịch, nhân viên phòng vé, điều hành tour, trợ lý trưởng các bộ phận hoặc giám đốc tại các công ty du lịch - lữ hành, các cơ sở dịch vụ du lịch, các nhà hàng, khách sạn lớn hoặc các khu nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, khi ước mơ của công dân toàn cầu theo chủ nghĩa xê dịch “chưa thành” do các điều kiện về sức khỏe, thời gian hoặc gia đình, các sinh viên học chuyên ngành này cũng có thể đón nhận cơ hội làm việc tại các trung tâm văn hóa, sở, ban ngành từ trung ương đến địa phương, hoặc giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học phù hợp với chuyên ngành, làm nghiên cứu viên nghiên cứu, bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch Việt Nam tại các viện nghiên cứu. Việc lựa chọn làm dịch thuật, nhân viên nghiệp vụ tại các doanh nghiệp cũng là một lựa chọn hấp dẫn.
Là người có nhiều hoài bão ước mơ, bạn hãy sẵn sàng đón nhận những thử thách để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Chúng ta tin vào điều người Anh đã nói:“There’s a will (wheel), there’s a way”- Nơi nào có chí, nơi đó có con đường - Bánh xe lăn đến đâu là niềm vui lữ hành ở đó.
CẢM NGHĨ CỦA CỰU SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH – TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC
Em Bùi Thị Hương - cán bộ sở Ngoại Vụ Hà Giang, cựu SV K5B:"Trường ĐHKH là cái nôi tri thức giúp mình có được thành công như ngày hôm nay. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn Ngữ Anh tại trường, với sự tận tâm, dìu dắt nhiệt tình của các thầy cô và chương trình đào tạo bài bản của nhà trường, mình hoàn toàn tự tin trong công việc và sẵn sàng thử thách ở các vị trí khác nhau."
Em Mai Ngọc Anh -Quản lý đánh giá nhà máy,Công ty: WAYNE VIETNAM CO., LTD, cựu SV K5B:"Thành tựu của chúng tôi ngày nay không tự nhiên mà có, nó là quá trình dài tích lũy kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm. Kiến thức là những gì được lĩnh hội tại môi trường ĐHKH đầy năng động, giảng viên tuy trẻ nhưng có chuyên môn giỏi và tâm huyết nghề, họ là những người thực sự truyền cảm hứng và giúp chúng tôi vươn xa trong thế giới bên ngoài”.
Phạm Ngọc Thu - Tiếp viên Trưởng - Đoàn tiếp viên, Tổng công ty hàng không Vietnamairlines, cựu SV K5B: “Ngôn ngữ Anh- ĐHKH : nơi ở đó, tôi không chỉ được học chuyên môn để có thể tự tin giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, mà còn được trang bị thêm rất nhiều kỹ năng cần thiết khác, để có được ngày hôm nay! Xin cảm ơn các thầy cô rất nhiều! ”Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 17