Mời các bạn và các em đọc một bài viết “người thật việc thật” trên 100% của Nguyễn Hạnh Trâm, sinh viên Tiếng Anh K5 (khóa 2007-2011), ngành Phiên dịch, Khoa KHCB. Với lối kể chuyện tự nhiên, dí dỏm (thầy cô không cần sửa bài – thế mới hay chứ!), Trâm đã viết về những công việc vô cùng thú vị (và cũng nhiều trải nghiệm vã mồ hôi) mà em đã trải qua suốt chặng đường 5 năm qua sau khi ra trường.
Khoa KHCB muốn các bạn và các em chia sẻ, đặng trở thành sinh viên Tiếng Anh, thế hệ kế tiếp tại trường Đại học Khoa học, nơi Trâm đã từng rèn luyện và học tập.
______________
Chào các bạn,
Mình là Trâm, cựu sinh viên lớp tiếng Anh K5 của trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Mình đã có 4 năm học vô cùng vui với nhiều kỷ niệm cùng thầy cô, bè bạn dưới mái trường này. Thời sinh viên trôi qua rất nhanh và đến khi gần ra trường thì, cũng giống như bao bạn sinh viên sắp ra trường khác, mình bắt đầu lo lắng cho sự nghiệp của mình khi ra trường một ngày không xa.
Cho đến nay, mình đã đi làm được 5 năm và luôn cảm thấy lựa chọn học ngoại ngữ là một điều đúng đắn.
Để mình kể các bạn nghe chặng đường công việc của mình trong suốt 5 năm qua.
Mình bắt đầu đi làm từ tháng 2 năm 2011. Thời điểm đó mình đang trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp. Công ty đầu tiên là công ty may Shinwon của Hàn Quốc. Vị trí công việc của mình là một QA (Quality Assurance ). Nhiệm vụ chính là kiểm tra và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm may mặc từ công đoạn vật liệu thô cho đến thành phầm là chiếc áo, chiếc quần và nhiều thứ khác mà các bạn mặc trên người, làm bằng vải, có khách hàng đặt mẫu cùng số lượng cho công ty may.
Là một QA mình đồng hành cùng anh chị em công nhân tại tất cả các công đoạn. Cũng toát mồ hôi mỗi khi trời nắng như đổ lửa bên ngoài, cũng có hôm làm tăng ca đến 4 giờ sáng, và mỗi khi có cơ hôi thì cũng tham gia hội buôn dưa lê nói xấu những người mà anh chị em công nhân ghét.
Nhờ có công việc vất vả đầu đời, mình đã học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là về phong cách làm việc tại một nhà máy công nghiệp. Tất cả mọi người đều phải làm việc hết sức chăm chỉ để có sản phẩm hoàn thiện. Kết quả đạt được là sự kết hợp từ nhiều công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn có những nguyên tắc riêng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Mình còn rút ra được một điều thú vị là mấy anh chị Hàn Quốc ở đây không hề xinh đẹp như trong các bộ phim lãng mạn mà họ làm đâu. Có mấy mợ quản lý xưởng may cũng son phấn nhiệt tình mà không xinh bằng gái Việt để mặt mộc, cụ thể là có một bạn gái Việt tên Trâm. Mấy anh zai Hàn Quốc ở đây thì mình chỉ chấm được anh trưởng phòng nhân sự là nhan sắc khá nhất, còn lại, thua xa zai Việt Nam, cụ thể là chồng mình bây giờ.
Bên cạnh đó, các sếp Hàn Quốc hàng ngày hay yêu cầu phải li pót (report, báo cáo), làm gì cũng phải li pót. Hình như tiếng Hàn phát âm âm “R” như là âm “L” vậy. Cũng may, ở trường đại học, mình có được học môn ngữ âm âm vị học nên dù làm cho công ty Hàn 7 tháng, mình vẫn phát âm chuẩn từ report. Về sau làm cho công ty có nhiều người Úc, mình nói tiếng Anh họ vẫn hiểu.
Đến tháng 9 năm 2011 mình chuyển sang công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Vị trí công việc mới của mình là Thư ký hành chính An toàn của phòng HSS (Health – Safety – Security nghĩa là Y tế - An toàn – An ninh). Ở đây vô cùng nhiều người nước ngoài và không có ai phát âm từ Report là Li pót hết. Thật là tuyệt!
Mình đã rèn luyện được nhiều kỹ năng làm việc quý báu, học được phong cách làm việc chuyên nghiệp từ nhiều nhân viên người nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau như Úc, Phi, Anh, Đức, vv. Hầu hết nhân viên người nước ngoài đều cố gắng học hỏi văn hóa Việt để làm việc với nhân viên người Việt Nam được dễ dàng, thuận tiện hơn. Nhiều lãnh đạo người nước ngoài có kỹ năng mềm rất tốt, tạo cho nhân viên cấp dưới cảm giác được tôn trọng và trở nê tự tin để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ngày còn đi học, mình từng được học môn giao thoa văn hóa, mình đã thấy ấn tượng nhiều về cách sinh hoạt, ẩm thực, nói năng của người Anh, Mỹ. Mình học được cách dùng dao dĩa cũng nhờ môn này. Nên giờ mình rất thích ăn mỳ Ý vì ăn món này thì sử dụng được kỹ năng dùng dao dĩa (hơi hơi không liên quan đến chủ đề thì phải). Ra trường đi làm thì mình cảm thấy thật sự phê trước phong cách lịch thiệp và ngôn ngữ vô cùng lịch sự của mấy anh cao to đẹp trai người nước ngoài. Vẻ đẹp trai của các anh ấy thì phải nói là đẹp tự nhiên không cần son phấn, mạnh mẽ nam tính chứ không cần phải có hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú như mấy anh Hàn Quốc.
Điểm thú vị mình rút ra được ở đây, lại điểm thú vị ngoài lề nữa, mấy anh zai Tây rất khoái xài nước hoa thơm nồng. Chắc họ muốn che đi mùi cơ thể không được thơm của họ. Đặc biệt mấy anh Ấn Độ vì ăn nhiều cà ri nên cả tấn nước hoa cũng không át được mùi. Chẳng bù cho anh zai Việt, cụ thể là chồng mình, không cần nước hoa cũng có mùi cơ thể quyến rũ, thông mũi mát họng, sảng khoái dài lâu.
Mình gắn bó với dự án Núi Pháo được gần 4 năm thì chia tay.
Tháng 6 năm 2015 mình đến làm phiên dịch lắp máy cho dự án Thủy điện Nậm Xá ở Mường La thuộc công ty xây dựng Lam Sơn, một công ty Việt Nam.
Làm công việc phiên dịch trong giai đoạn lắp máy của thủy điện trong khi mình chưa từng có tí hiểu biết gì về lĩnh vực này. Nhưng mình vẫn dịch tốt và có em công nhân còn thổ lộ rằng “Chị đi rồi, phiên dịch mới đến, tụi em chẳng hiểu gì.” Có lẽ vì mình vốn là sinh viên ngoại ngữ, học ngoại ngữ thì đòi hỏi phải đọc nhiều, nghe nhiều để hiểu nhiều và phải có lòng tự tin để thực hành tiếng, nên mình rất tự tin. Thậm chí, trong điệu kiện làm việc không có mạng internet, không sóng điện thoại, mà khi rời dự án thủy điện, mình đã lập được hẳn 1 bộ từ điển về lĩnh vực thủy điện có hình ảnh minh họa do chính tay mình chụp ở mọi ngóc ngách, mọi chi tiết mình gặp ở nhà máy. Mình đã tặng nó cho một số em công nhân ham học hỏi ở đây và cho bạn phiên dịch mới để bạn đó có thể làm quen với công việc nhanh hơn. Ngoài ra, giờ mình còn có thể tóm tắt sơ đồ hoạt động của một nhà máy thủy điện trong vòng 2 nốt nhạc.
Nếu bạn đã từng đi trên con đường dẫn đến những thủy điện nhỏ cỡ 10 Megawatt như thủy điện Nậm Xá và sống và làm việc tại công trường nơi đây vài tháng, bạn sẽ có đủ bản lĩnh đi bất kỳ đâu. Vào mùa mưa, con suối hiền lành thành con sông dữ dội như cụ Nguyễn Tuân tả con sông Đà mùa lũ năm xưa. Muốn đi qua suối, phải đi trên chiếc máy xúc bánh xích. Vì bánh xích mới bám được vào nền đá của suối và không bị sóng dữ lật đổ, vừa đi vừa lấy gầu xúc đá xung quanh để đắp bồi cho đáy cao hơn để bánh xích bám vào. Khi qua được suối dữ rồi thì đến lượt đi đường. Đường thực chất là lối mòn nay cũng bị biến thành suối vì nước lênh láng. Ô tô không thể đi được vì đường lở và lầy lội. Khéo léo thì đi được bằng xe máy hoặc đi bộ. Mình đã trở thành cô gái mạnh mẽ hơn nhiều sau vài tháng thử thách ở đây.
Từ tháng 11 năm 2015 đến nay, mình tạm thời từ bỏ sự nghiệp đi làm dự án xa xôi để về Hải Phòng làm nhân viên quản lý hồ sơ tại công ty xây dựng cầu đường Sumitomo Misui của Nhật.
Dự án mà công ty mình đang xây là cây cầu vượt biển ở Cảng nước sâu Lạch Huyện. Mỗi nhịp cầu gồm có 19 đốt dầm. Để làm được một đốt dầm thì phải làm khung thép, đổ bê tông, bơm vữa, xong đâu đấy thì đến đoạn căng kéo cáp. Khi làm cầu, người ta sẽ xếp 19 cái đốt này thẳng hàng bằng cách treo lên một cái cầu cẩu rồi luồn dây cáp qua căng lên một phát là thành cầu như kiểu ngày xưa chơi đồ hàng hay lấy chỉ xâu hạt cườm vậy.
Cứ xong mỗi một đốt dầm cầu là phát sinh cả tá biên bản nghiệm thu. Trước đó, các bạn kỹ sư trẻ măng đã phát yêu cầu công việc, rồi nay làm biên bản nghiệm thu để mình tập hợp đi gặp các đồng chí giám sát để xin chữ ký mang về rồi có đội khác tiếp nhận hồ sơ mà tính toán khối lượng hoàn thành rồi đòi tiền về cho công ty tiêu hàng tháng.
Điểm thú vị mình rút ra được là công ty tuyển rất nhiều người trẻ. Có bạn kỹ sư thế hệ 9X vừa ra trường trẻ măng, mặt búng ra sữa. Các bạn đó đều năng động và có thể sử dụng tiếng Anh đủ để hiểu yêu cầu công việc từ cấp trên. Nhờ đó mà cây cầu đang được xây với tiến độ chóng mặt mà chất lượng rất đảm bảo.
Người Nhật làm việc vô cùng chăm chỉ và ưa thích sự gọn gàng. Anh sếp mình người Nhật, đi làm và đi về không bao giờ đúng giờ, làm việc quần quật từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm không hết việc. Mình là nhân viên tài năng và gương mẫu đi làm đúng giờ, về cũng đúng giờ, làm việc quần quật từ 8h sáng đến 5h30 chiều cũng không hết việc.
Các bạn trẻ nếu muốn làm việc với người Nhật, hãy rèn luyện đức tính chăm chỉ và tìm hiểu về phương pháp tổ chức môi trường làm việc 5S (phiên âm tiếng Việt là “Năm ét”) để biết ăn ở và làm việc gọn gàng, ngăn nắp như người Nhật.
Các bạn đang và sắp làm sinh viên ngành tiếng Anh của trường Đại học Khoa học hãy tự tin vào sự lựa chọn của mình. Dù bạn lựa chọn học dưới mái trường nào, ngành học nào, cũng cần lựa chọn với một niềm tin và đam mê của chính bạn. Và khi đã chọn được cho mình một tập thể lớp với bạn bè và các thầy cô, hãy biết yêu thương và trân trọng. Tình cảm của các bạn sẽ làm tăng nhiệt huyết của thầy cô và như thế bài giảng của thầy cô sẽ có thêm nhiều lửa truyền cho các bạn. Một ngày nào đó ra trường và đi làm rồi, các bạn sẽ nhận thấy những bài học đã qua thật vô cùng đáng quý. Bạn sẽ chỉ ước rằng một năm có vài dịp 20 tháng 11 để tỏ lòng biết ơn thầy cô.
Mình đi làm, lâu lâu có người hỏi “Em học tiếng Anh ở đâu thế?”, có anh zai người Mèo trên thủy điện vùng sâu vùng xa còn hỏi “Em đi du học nước nào mà tiếng Anh giỏi thế?” "Em chỉ học ở trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đó anh.”
Hải Phòng 5/3/2016
Những hình ảnh tươi mới của Hạnh Trâm:
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 18