Vào Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó là một trong những con đường đưa bạn đến với một tương lai sáng lạn nhất nếu như bạn dám bước chân lên con đường ấy và dùng hết khả năng của mình để vượt qua tất cả những chướng ngại vật trên con đường mà bạn đã chọn. Và tôi tin rằng “ vào Đại học là một định hướng tốt cho tương lai”.
Thay vì định hướng cho con em mình vào một trường Đại học, Cao đẳng nào đó như những năm về trước thì trong những năm gần đây các bậc phụ huynh lại có xu hướng khuyên bảo con, em mình thi lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi về học nghề và đi làm lao động chân tay sớm. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Trước cổng trường THPT chờ con thi tốt nghiệp, một số bậc phụ huynh vẫn rỉ tai nhau: “ Bọn học Đại học có đứa có tận 2, 3 bằng; ra trường vẫn thất nghiệp đầy ra”. Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh không muốn cho con em mình thi Đại học nữa? Thực chất, lý do mà họ đưa ra không dựa trên một cơ sở khoa học nào hết mà chỉ là do họ nhìn nhận từ một số đối tượng nhưng với tình hình thực tế hiện nay thì đó cũng chính là một vấn nạn. Sinh viên ra trường thất nghiệp chính là một trong những nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh không muốn cho con theo học Đại học.
Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa đưa ra con số 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 3 tháng không tìm được việc làm. Có thể nói sinh viên và bài toán mang tên “ việc làm” vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý và chính bản thân người trong cuộc.
Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp giai đoạn 1989 - 2014
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết: “ kỹ năng của sinh viên mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có”. Sinh viên thụ động và lười khi không tự trang bị cho mình kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp. Đây là lý do khiến tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao vì không thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy “kỹ năng mềm” là gì? Đó chính là các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới vv.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do phụ huynh và học sinh thấy được lợi ích trước mắt của việc “ lao động sớm”.
Học sinh lao động sớm
Một bạn nam ở Hà Nội cũng có nguyện vọng học lên cao hơn nhưng bố mẹ bạn thì lại không ủng hộ. Mẹ bạn nói: “ Xã chúng tôi có nghề thủ công thêu may kết cườm, nó học xong thì về làm một tháng cũng được đôi ba triệu chứ tôi thấy nhiều đứa học Đại học xong mãi vẫn chưa có việc làm cũng phải nhận hàng thêu về làm thêm đó thôi”. Thực tế mà nói, hiện nay một số phụ huynh không cho con em mình đến trường không phải vì gia đình không có khả năng nuôi con ăn học , mà họ còn lo lắng nếu cho con học đến nơi đến chốn thì con sẽ làm được gì khi tỷ lệ thất nghiệp còn khá cao.
Dẫn giải từ những lý do khiến sinh viên thất nghiệp ở trên, chúng ta cũng có thể thấy được không có một nguyên nhân nào khác mà chính là do bắt nguồn từ bản thân người sinh viên. Sinh viên hiện nay đến trường rất thụ động. Với một môi trường gần như là tự học đó, các bạn trở nên rất lười biếng và ỷ lại vì các bạn nghĩ và cảm thấy rằng học Đại học sẽ không bị gò bó, ép buộc học và làm bài tập như ở những cấp dưới. Có thể nói, Đại học là một môi trường rèn luyện cho chính bản thân sinh viên về kỹ năng “tự” tốt nhất: tự học, tự chăm lo cho bản thân và cuộc sống, tự quản lý, tự làm việc...Ngoài ra, nó còn là nơi cung cấp cho sinh viên những kiến thức bổ ích nhất cho công việc sau này nhưng dường như có một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay lại coi đó là một môi trường để các bạn tự do vui chơi, đến giờ thì vào lớp, trong giờ thì làm việc riêng, ngủ gật và hết giờ thì uể oải ra về. Các bạn không cần quan tâm đến rằng mình nhận được gì sau mỗi giờ học.
Sinh viên ngủ gật trong giờ học
Vâng, đứng dưới một góc nhìn toàn diện thì chúng ta có thể thấy được những tri thức mà thầy cô đem lại cho các bạn qua mỗi bài giảng cùng với sự lĩnh hội, luyện tập thực hành với những tri thức đó chính là những mắt xích nhỏ đưa bạn đến với công việc đúng với ngành nghề sau này mà bạn chọn. Nếu như bạn bỏ qua, không tiếp nhận nó thì chắc chắn rằng bạn sẽ có những lỗ hổng về kiến thức chuyên môn, không có kinh nghiệm về ngành nghề của mình. Vậy thử hỏi nhà tuyển dụng có nên tuyển một nhân viên không có kỹ năng và kiến thức hay không? Thậm chí nếu bạn có tấm bằng đạt loại khá, giỏi mà thực chất lại không biết gì về công việc mình sẽ làm thì liệu họ có còn tin tưởng bạn nữa?
Vì thế, theo tôi, việc sinh viên thất nghiệp có thể do nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là do năng lực và kỹ năng của họ chưa đủ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên xem xét lại việc cho con theo học Đại học. Nếu các em có nguyện vọng học thì phụ huynh nên hướng cho các em theo học ngành nghề mà các em thích. Và bản thân các em, nếu đã xác định học thì hãy học theo một cách đúng nghĩa, còn nếu chỉ xác định đi học cho vui thì các em nên dừng lại. Cánh cửa Đại học luôn chào đón các em, nó có thể mở ra cho các em một tương lai tươi sáng nếu như các em hiểu và biết tôn trọng những phút giây ở nơi đây nhưng ngược lại, nếu như các em không biết quý trọng thời gian học tập thì các em sẽ không có được một kết quả như mong đợi mà còn làm tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của gia đình.
Bản thân tôi hiện là sinh viên năm 3 ngành Khoa học thư viện của trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên – một ngành có tỷ lệ sinh viên theo học ít nhất trong trường. Quá trình học tập từ lúc chọn ngành, chọn trường, thi Đại học và đến nay tôi đã đi được ½ quãng đường; thật sự có nhiều vất vả, gian lan nhưng được sự giúp đỡ của các thầy cô và đặc biệt là nghị lực của bản thân, tôi đã thu được rất nhiều kiến thức bổ ích và những kết quả xứng đáng. Chặng đường phía trước sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều nhưng tôi luôn tự nhủ lúc nào mình cũng phải “ cố gắng”. Mỗi người có một sở thích riêng nhưng qua bài viết này tôi muốn gửi gắm một lời nhắn nhủ rất chân thành đến các bậc phụ huynh, các bạn học sinh chuẩn bị kết thúc cấp 3, các bạn đang có định hướng thi Đại học và tất cả các bạn sinh viên rằng: “Đừng bao giờ ép buộc bản thân phải làm những điều mà mình không thích và giảng đường Đại học cũng chỉ là một điểm nút hướng tới một tương lai tươi sáng mà thôi. Nếu bạn không ngại gian khổ xây đắp từng đoạn đường từ điểm nút đó đến tương lai thì chắc chắn bạn sẽ có được thành công. Nhưng ngược lại, nếu bạn cứ mãi ỷ lại, lười biếng và thụ động thì điểm đến mà bạn hằng mơ ước sẽ còn rất xa và chông chênh khó đến”.
“ Quyết định là do bạn”
Mỗi sự lựa chọn đều có hai mặt của nó nhưng dù lựa chọn con đường nào thì yếu tố quan trọng và cần nhất vẫn là sự cần cù, chịu khó học hỏi, rèn luyện của chính bản thân mỗi người. Hãy lựa chọn cho mình một điểm đi thích hợp nhất và làm tất cả những gì tốt nhất có thể để đến được cái đích mà bạn mong muốn. Chúc các bạn thành công!
Bài và ảnh: Trần Thị Như – Lớp KHTV K11
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 38