ĐỒNG VĂN ƠI - HẸN GẶP LẠI !
[ 11/04/2019 00:00 AM | Lượt xem: 440 ]

.
Mời em lên miền cao Nguyên Đá.

...Vui đón mừng lễ hội Mời em lên thăm Hà Giang.....
Núi rừng biên cương mênh mông mù sương.
Mời em lên thăm Đồng Văn.....
Uốn lượn đèo ngang trong tầng mây vờn bay ngàn hoa.

( Ngô Sỹ Ngọc )

Hà Giang tươi đẹp chào đón chúng tôi dưới ánh nắng xuân dịu dàng và ngọt ngào như cánh đồng hoa tam giác mạch, nở rộ bên triền núi chênh vênh…

Sau một tháng thực tế tại điểm địa đầu Tổ quốc - Đồng Văn, Hà Giang , giây phút xe lăn bánh trở về Thái Nguyên khiến tất cả chúng tôi cảm thấy thật sự lưu luyến và xúc động. Quãng thời gian thực tập đã đem đến vô vàn những trải nghiệm bất ngờ và cảm xúc mới lạ đối với tôi và các bạn sinh viên lớp Tiếng Anh Du Lịch Khóa 14 - Khoa Khoa Học Cơ Bản - Trường Đại Học Khoa Học Thái Nguyên.

Nhóm Phố Cổ Đồng Văn may mắn được thực tế chuyên môn tại Phòng Văn hóa - Thông tin Huyện Đồng Văn- Tỉnh Hà Giang và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ tại cơ quan. Bên cạnh đó, nhóm còn thay phiên nhau trực tại điểm Khu Phố cổ Đồng Văn và hướng dẫn các du khách tham quan xung quanh khu vực trung tâm huyện. Phố cổ Đồng Văn là một trong số những Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cấp Quốc gia đặc biệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận vào năm 2009. Toàn bộ khu vực này xưa kia là nơi giao thương và buôn bán thuốc phiện sầm uất nhất vùng biên ải phía Bắc Việt Nam. Phố cổ Đồng Văn là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa và cư dân vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Phố Cổ bao gồm Khu chợ đá và Khu nhà cổ được xây dựng liên tục từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, còn bảo tồn đến tận ngày nay, tạo nên một tổ hợp các công trình kiến trúc cổ độc đáo.




Khu phố cổ Đồng Văn

Bên cạnh nét rêu phong cổ kính của Khu phố cổ là sự tồn tại bền bỉ của di tích Đồn Cao - một di tích lịch sử độc đáo có từ thời Pháp thuộc ở miền Bắc Việt Nam. Đồn được thực dân Pháp xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên đỉnh núi đá vôi cao nhất Đồng Văn (1.213m so với mực nước biển), kề cận Phố cổ Đồng Văn nhằm mục đích khống chế toàn bộ khu vực này. Tường thành của đồn được xây bởi đá vôi Trùng thoi, tất cả các lỗ châu mai được bằng đá vôi vân đỏ. Dọc theo tường thành cổ là 97 bậc thang dẫn lên nóc đồn được xây dựng bằng đá vôi Trùng thoi - loại đá di sản của Công viên địa chất. Ngày nay, từ nóc Đồn Cao Đồng Văn, ta sẽ quan sát được toàn bộ bức tranh hùng vĩ và diễm lệ của khu vực Đồng Văn. Nhóm đã có những trải nghiệm trực tiếp vô cùng thú vị và ý nghĩa khi cùng nhau chinh phục đỉnh núi cao nhất Đồng Văn, giới thiệu cho du khách Quốc tế và du khách trong nước 2 ngôi nhà cổ 100 năm tuổi của gia đình bà Hoàng Thị Tân và quán Phố Cổ coffee.

Di tích Đồn Cao – Đồng Văn

Tại nơi làm việc, nhóm có cơ hội được tham dự chương trình Kỉ niệm 63 năm ngày Phụ nữ Việt Nam do đơn vị tổ chức. Ngọn lửa trại nồng ấm và bữa cơm thân mật đã xóa tan tiết trời lạnh giá của miền núi cao sơn cước, hòa tan cùng với không khí của buổi tối ấy là những bài hát đặc biệt dành tặng riêng cho phái nữ do các chú, các anh tại cơ quan trình bày. Người vùng cao luôn khéo léo và giỏi múa hát: “ sỏi đá cũng nở hoa” chính là những danh xưng xứng đáng nhất dành cho họ.

Đan xen cùng những công việc hàng ngày, nhóm còn được tham gia vào các hoạt động ý nghĩa do Đoàn thanh niên huyện Đồng Văn tổ chức như đốt lửa trại,thi kéo co, nhảy bao bố, mở đường nông thôn mới vv… Thật may mắn và vinh dự khi nhóm được trở thành một phần của tuổi trẻ Đồng Văn cùng chung tay xây dựng quê hương , đất nước giàu đẹp hơn.

Đêm hội văn nghệ Ngày hội Thanh niên Đồng văn 2019

Chuyến đi đã thực sự để lại trong lòng mỗi thành viên những cảm xúc khó tả và đặc biệt như là một bài học đầu tiên trong cuốn hành trang chập chững vào nghề… Tuy gặp một chút khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ bản địa nhưng nhóm đã nhận được sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình không chỉ tại cơ quan mà còn cả những người dân bản địa nơi đây. Những lời chỉ dẫn tận tình,những món ăn, nông phẩm do các anh chị,cô chú đồng nghiệp và gia đình chủ nhà chia sẻ đã giúp các thành viên trong nhóm vơi đi nỗi nhớ nhà để chuyên tâm vào nhiệm vụ được giao. Thời gian sống, học tập và làm việc tại Đồng Văn không quá nhiều nhưng đủ để nhóm cảm nhận được tất cả những tình cảm ấm áp nhất mà người dân đã ưu ái dành cho nhóm. Những cái bắt tay,những ánh mắt trìu mến hay lần vẫy chào mến khách chính là hình ảnh vô cùng thân thiện mà cả nhóm nhận được dù ở bất cứ nơi nào, bất cứ đâu tại Đồng Văn. Bài học đắt giá về những lỗi sai cơ bản khi lần đầu tiên dẫn khách tham quan tại điểm hay phát âm Tiếng Anh sai khiến du khách khó hiểu,sự vụng về trong kĩ năng giao tiếp,ứng xử với khách là những điều mà cả nhóm cần rút ra kinh nghiệm sau chuyến đi thực tế lần này.

Có lẽ “ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” và tình cảm dành cho mảnh đất Đồng Văn cũng thật đặc biệt như cách mà người dân chào đón chúng tôi trong những ngày học tập và làm việc và cả lúc tạm biệt nơi này.

Dưới đây là một số hình ảnh của nhóm sưu tầm được trong chuyến trải nghiệm thực tế dài 31 ngày tại Đồng Văn - Điểm hẹn tình yêu và nỗi nhớ …












Bài và ảnh: Minh Nguyệt và nhóm thực tập lớp TADL K14,

tại Khu Phố Cổ Đồng Văn, Hà Giang.

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 16