NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG
[ 24/10/2016 14:06 PM | Lượt xem: 342 ]

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người cũng từng bước được nâng cao. Một trong số đó là nhu cầu tìm kiếm thông tin phục vụ cho công việc, học tập cũng như cuộc sốnghàng ngày.Bởi lẽ đó, thư viện công cộng với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của bạn đọc đã và đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của văn hóa - xã hội.
Thư viện là một thiết chế văn hóa có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc sưu tầm, thu thập, lưu trữ, bảo quản lâu dài các xuất bản phẩm dân tộc nhằm phục vụ việc đọc và học tập suốt đời của người dân. Việc duy trì và phát triển hệ thống thư viện công cộng luôn là chủ trương của Đảng và Nhà nước,là hệ thống “xương sống” của hệ thông thư viện cả nước, được tổ chức theo đơn vị lãnh thổ nhằm tạo hành lang pháp lý cho các địa phương có căn cứ và cơ sở để tiến hành tổ chức, phát triển mạng lưới thư viện công cộng của địa phương.
Sự cần thiết của thư viện công cộng
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Để rút ngắn khoảng cách, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, con đường duy nhất của chúng ta là khai thác triệt để nguồn thông tin khoa học phong phú trên thế giới, vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của Việt Nam. Đảm bảo thông tin cho các tầng lớp nhân dân là sứ mạng của hệ thống các cơ quan thông tin – thư viện Việt Nam, trong đó có hệ thống thư viện công cộng.
Những năm gần đây, hoạt động của Hệ thống thư viện công cộng nước ta đã có những bước phát triển vững chắc cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới thư viện công cộng được mở rộng từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã phường.
Hướng tới đối tượng phục vụ đa dạng, nhiệm vụ của thư viện công cộng lại càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bao giờ hết. Có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là những người lao động và chuẩn bị tham gia lao động. Nhu cầu thông tin của họ gắn bó chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất. Khi nhu cầu thông tin của họ được thỏa mãn đầy đủ, đồng nghĩa với năng suất lao động xã hội có điều kiện được nâng cao hơn. Như vậy, thư viện công cộng chính là một trong những kênh thông tin quan trọng và thuận lợi giúp cho các tầng lớp nhân dân trong nước tiếp cận đến những nguồn thông tin phù hợp nhất với nhu cầu của họ, qua đó góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mỗi người dân.
Thư viện công cộng còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền phổ biến kiến thức về các loại hình nghệ thuật, là nơi gặp gỡ của các nhà văn, nhà thơ, các câu lạc bộ địa phương; góp phần giáo dục thẩm mỹ, xóa nạn mù chữ ở nhiều địa phương; đồng thời là công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc tự học của mỗi cá nhân, củng cố thói quen đọc sách của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, với lượng thông tin phong phú và có hệ thống, thư viện công cộng sẽ cung cấp cho người dân những tri thức phục vụ cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, tuyên truyền văn hóa và những thành tựu khoa học làm giàu cho đời sống tinh thần của mỗi người.
Nâng cao chất lượng hệ thống thư viện công cộng
Đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa – xã hội, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của hệ thống thư viện công cộng là vô cùng cần thiết.
Trước tiên, cần cải tiến các hình thức phục vụ trong thư viện theo hướng chất lượng và đa dạng hơn, phù hợp với tâm lý và tập quán của người dùng tin nhằm tạo điều kiện cho moi người dân Việt nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng tài liệu của thư viện công cộng.
Để thoả mãn nhu cầu tin của người đọc, những năm gần đây ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ đọc và mượn tài liệu, các thư viện cần phát triển nhiều dạng dịch vụ như dịch vụ tra cứu, tham khảo số, cung cấp thông tin chọn lọc, tra cứu trực tuyến, sử dụng tài liệu điện tử với các CSDL toàn văn (tài liệu số hoá), nhân bản tài liệu, khai thác internet, giải đáp thông tin qua điện thoại,…
Việc nâng cao chất lượng công tác phục vụ người đọc của người cán bộ thư viện cũng đóng vai trò không nhỏ. Cán bộ thư viện là lực lượng chủ chốt trong việc xây dựng phong trào đọc sách ở cơ sở và phong trào làm theo sách “người tốt, việc tốt”, “làm theo sách khoa học kỹ thuật”. Công tác đào tạo cán bộ thư viện cần tập trung vào đào tạo chuẩn các kỹ năng: Nhận dạng đúng các yêu cầu tin; truy cập thông tin có hiệu quả và đúng theo pháp lý; đánh giá thông tin và nguồn tin có phê phán; hiểu được các vấn đề về văn hoá, chính trị, xã hội, pháp lý và kinh tế trong việc sử dụng thông tin; có kỹ năng giao tiếp hiệu quả với đa dạng nhóm người dùng tin; có khả năng tra cứu thông tin trên mạng, sử dụng thành thạo các công cụ tham khảo, bao quát được các nguồn tin; có khả năng giải quyết các tình huống trong quá trình phục vụ người đọc. Có như vậy, họ mới thực sự trở thành người hướng dẫn, tư vấn cho người dân một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương cần triển khai những giải pháp hợp lý để đầu tư có hiệu quả việc phát triển cơ sở của hệ thống thư viện tại mỗi cơ sở thông qua việc đầu tư các trang bị cần thiết như: kệ sách, tủ, máy tính, mạng internet,…để góp phần thúc đẩy việc đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người đọc một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm và đầu tư đúng đắn của chính quyền và nhà nước, trong những năm tới, hệ thống thư viện công cộng tại nước ta sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng. Có như thế, thư viện công cộng mới thực sự trở thành "xương sống" của hệ thống thư viện cả nước, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý của nhà nước, vì một xã hội phát triển toàn diện, vững mạnh.



< http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=22956&sitepagei >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 37