Đề tài: Một số phương pháp về việc giảng dạy tác phẩm kí hiện đại Việt Nam
A; LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
– Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, ngành giáo dục đã có những bước tiến khả quan trong cải cách giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở các cấp phù hợp với mục tiêu giáo dục, đào tạo. Thông qua các hội nghị chuyên đề môn Ngữ văn được Sở giáo dục , nhà trường tổ chức hàng năm, chúng tôi đã trao đổi, rút kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học. Nghị quyết hội nghị trung ương 8 khóa XI nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học”.
Một trong những bài học khó của chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông là: Các văn bản học như thơ ca, truyện ngắn, kịch và kí, trong khuôn khổ hạn hẹp, sách giáo khoa không thể trích toàn bộ văn bản văn học mà có chỗ đã lược bỏ (hoặc mỗi tác giả chỉ học một tác phẩm), phần chú thích nhiều khi không đầy đủ, điều đó gây khó khăn cho học sinh khi tiếp cận văn bản văn học ấy (hoặc phong cách sáng tác của tác giả ấy), nhất là đối với thể loại kí nói chung, kí hiện đại nói riêng. Trong bài viết này, tôi xin nêu ra một số ý kiến cùng trao đổi với đồng nghiệp về“Một số phương pháp dạy tác phẩm ký hiện đại Việt Nam”trong chương trình Ngữ văn 12 (ban cơ bản)
B; THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI CHỌN ĐỀ TÀI
I; Thuận lợi
– Trong sách giáo khoa ngữ văn 12 (ban cơ bản), có 2 tác phẩm chính khóa thuộc thể loại ký, đó là: “Người lái đò Sông Đà” của tác giả Nguyễn Tuân, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thông thường ta vẫn gọi “Người lái đò Sông Đà” của tác giả Nguyễn Tuân là tùy bút, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường là bút kí. Do vậy thể loại kí dùng để chỉ chung cho cả tùy bút và bút kí. Đây là 2 tác phẩm hay trong chương trình, hơn nữa thể loại này các em học sinh đã được học ở lớp 11 “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác, đọc thêm “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ. Vì vậy khi tiếp cận với 2 tác phẩm thuộc thể loại này, các em học sinh gặp nhiều thuận lợi trong việc đọc hiểu tác phẩm hơn.
II; Khó khăn
– Thực trạng cho thấy nhu cầu xã hội hiện nay, trào lưu học sinh dự thi vào các trường đại học thường chọn các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh (như học sinh các lớp 12A1,2,3,4 của trường THPT Trực Ninh) nên với môn Ngữ văn, các em không chú ý đầu tư học tập, không có hứng thú học tập. Vì lý do đó thầy cô cũng mất đi niềm say mê truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trong các tác phẩm là truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ thì việc truyền đạt tương đối thoải mái và các thầy cô cũng có những cảm hứng để truyền đạt, bởi vì những thể loại này “chất văn” “chất thơ” phong phú, đã làm cho thầy cô ít nhiều làm tốt được công việc của mình. Nhưng riêng đối với tác phẩm văn học viết theo thể loại kí thì ngược lại. Vì lẽ việc giảng dạy ký đòi hỏi người dạy phải bám chắc đặc điểm cơ bản của thể loại kí, đó là tính xác thực. Tác phẩm kí thường không hư cấu mà tác giả chỉ lựa chọn ngay những sự việc, những con người vốn đã có giá trị nổi bật trong cuộc sống để phóng bút. Nếu thầy cô chỉ thỏa mãn với kiến thức có sẵn trong bài văn thì khó mà giảng hay được, dẫn đến giờ học bài kí muôn thuở vẫn khô khan, học sinh khó tiếp nhận được văn bản. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng:Giảng dạy một tác phẩm kí là sự khó khăn, vất vả, công phu đối với giáo viên.
– Cả 2 tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là 2 tác phẩm kí dài, sách giáo khoa đã lược bớt nội dung ở một số đoạn văn, điều đó lại gây khó cho học sinh khi tiếp cận văn bản. Thời lượng số tiết dạy chính khóa cho 2 tác phẩm này ít (4 tiết), một số học sinh chưa quen phương pháp học mới, nhất là việc tự học, làm việc theo nhóm, thảo luận, thuyết trình, tìm tư liệu ở các nguồn, báo chí, intơnet…, một số học sinh còn thụ động, thiếu nhiệt tình, ỷ lại vào các thầy cô…
– Từ thuận lợi và khó khăn trên, tôi mạnh dạn đưa ramột vài phương pháp về việc dạy tác phẩm kí hiện đại Việt Namtrong chương trình Ngữ văn lớp 12, ban cơ bản, mà cụ thể là 2 tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của tác giả Nguyễn Tuân, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
C; NỘI DUNG ĐỀ TÀI
I; Cơ sở lý luận
Nghị quyết số 40/2000/QH 10, ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội khóa X đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông đã khẳng định, mục tiêu của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lần này là “xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam, tiếp cận trình độ phổ thông các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới” . Văn bản đồng thời yêu cầu “đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải quán triệt mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học quy định trong luật giáo dục, nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa; tăng cường thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học, coi trọng kiến thức xã hội nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Bảo đảm sự thống nhất kế thừa và phát triển của chương trình giáo dục”. Xét thấy việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, phải thực hiện đông bộ với việc nâng cấp, đổi mới trang thiết bị dạy học, đánh giá, thi cấp, đổi mới trang thiết bị dạy học, đánh giá thi cử. Đứng trước yêu cầu trên, là một giáo viên môn Ngữ văn, tôi có những suy nghĩ là làm sao để giờ học phải thực sự hấp dẫn, học sinh nắm vững bài học, thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tâm hồn, phát triển trí tuệ học sinh, biết cảm thụ được cái hay, cái đẹp, giá trị của mỗi tác phẩm văn học. Trên cơ sở đó, tôi xin đưa ra một số ý kiến để cùng chia sẻ, bàn bạc, trao đổi về việc dạy tác phẩm kí hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 12 (ban cơ bản), mà cụ thể là 2 tái phẩm; đọc hiểu văn bản chính khóa: “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 16