Đặtvấnđề
Ngày nay, sự phát triển công nghệ thông tin - viễn thông và sự gia tăng nhanh chóng các nguồn thông tin trên mạng Internet đã làm thay đổi thói quen dùng tin của sinh viên (SV). Phần lớn SV sử dụng Internet như nguồn thông tin chủ yếu và xem nhẹ các nguồn thông tin có giá trị cao của các thư viện đại học (TVĐH). Bên cạnh đó, nhiều SV gặp khó khăn trong việc đánh giá, chọn lọc và sử dụng thông tin một cách hợp lý để giải quyết các vấn đề trong học tập và nghiên cứu khoa học. Trước tình hình đó, các TVĐH đã tăng cường hoạt động đào tạo kiến thức thông tin (KTTT) nhằm trang bị cho SV những kỹ năng thông tin cần thiết để khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả nhất. Nhiều TVĐH trên thế giới đã phát triển đào tạo kiến thức thông tin trực tuyến (KTTTTT) như một phương thức để nâng cao hiệu quả đào tạo KTTT cho SV.
Trong những năm gần đây, nhiều TVĐH ở Việt Nam đã bắt đầu sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến để trang bị KTTT cho SV. Tuy nhiên, chương trình đào tạo KTTTTT của các TVĐH còn có nhiều hạn chế về nội dung cũng như hình thức đào tạo.
1.Xuhướng phát triển đào tạo kiến thức thông tin trực tuyến trong thư viện đại học trên thế giới
Với sự phát triển của Internet và sự gia tăng nhu cầu truy cập, chia sẻ thông tin từ xa một cách nhanh chóng và tiện lợi, từ đầu thế kỷ 21 nhiều TVĐH đã bắt đầu cung cấp các chương trình đào tạo KTTTTT nhằm đa dạng hoá phương thức học KTTT của SV.
Chương trình đào tạo KTTTTT là một môi trường học tập điện tử tương tác được xây dựng nhằm hỗ trợ SV nắm bắt KTTT một cách hiệu quả [2]. Các chương trình đào tạo KTTT trên trang web của các TVĐH thường trang bị cho SV các kỹ năng thông tin cần thiết và giới thiệu những khái niệm KTTT cơ bản cùng các nguồn thông tin quan trọng. So với các lớp tập huấn KTTT truyền thống, các chương trình đào tạo KTTTTT đem lại cho SV “thế hệ mạng” - là những SV ưa thích công nghệ và có kỹ năng sử dụng web thành thạo nhiều thuận lợi như: Cho phép SV chủ động sắp xếp việc học theo cách của mình; Dễ dàng học ngay những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi có nhu cầu; Cho phép SV có thể học đi học lại nhiều lần cho đến khi nắm vững kiến thức, kỹ năng cần thiết… Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo KTTTTT cũng đem lại nhiều thuận lợi cho nhân viên thư viện, đặc biệt là cơ hội phát triển sự hợp tác giữa nhân viên thư viện với các giảng viên để lồng ghép việc giảng dạy KTTT trong các môn học. Nhân viên thư viện có thể hợp tác với các giảng viên để cung cấp các hướng dẫn về cách tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin liên quan đến một chuyên đề cụ thể. Ví dụ, có thể chỉnh sửa chương trình đào tạo KTTTTT chung của thư viện (TV) thành chương trình thích hợp cho một môn học cụ thể bằng cách thêm vào các bước tìm tin và các nguồn thông tin liên quan đến môn học đó.
Hiện nay, nhiều TVĐH sử dụng chương trình đào tạo KTTTTT để bổ sung hoặc đôi khi thay thế cho các lớp tập huấn KTTT được tổ chức theo phương thức truyền thống. Dưới đây là ví dụ về chương trình đào tạo KTTTTT của một số TVĐH trên thế giới.
-Tại trường Đại học Texas, Austin, Hoa Kỳ, chương trình đào tạo KTTT dựa trên web được tích hợp trong các môn học của năm thứ nhất và trang bị cho SV các kỹ năng chọn lọc nguồn thông tin, tìm tin trong các cơ sở dữ liệu (CSDL) và đánh giá thông tin trên Internet [5].
-Trường Đại học Cranfield ở nước Anh cung cấp một chương trình đào tạo KTTTTT thú vị, hấp dẫn, riêng biệt nhằm trang bị cho SV kiến thức, kỹ năng thông tin cơ bản cũng như nâng cao. Mỗi modul đều kèm theo bài kiểm tra và các hoạt động để SV tự kiểm tra mức độ tiếp thu bài học và khả năng ứng dụng vào thực tế. Chương trình được thiết kế với hai mức độ là cơ bản và nâng cao. SV có thể xem lướt qua chương trình để tìm những gì mình cần hoặc có thể đi sâu hơn và học tất cả những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một người có trình độ KTTT cao [4].
Chương trình huấn luyện KTTT trên trang web Thư viện trường Đại học Trung Quốc của Hồng Kông (Chinese University of Hong Kong) có 7 module bao gồm: Các loại hình nguồn thông tin và các đặc trưng của chúng; Các chiến lược tìm tin hiệu quả; Sử dụng mục lục TV; Sử dụng các CSDL khoa học; Sử dụng Internet; Đánh giá các nguồn thông tin và trích dẫn các nguồn thông tin. Mỗi modul bao gồm các chuẩn đầu ra, nội dung cốt lõi, những quan niệm sai lầm và một bài kiểm tra mẫu. Chương trình cũng bao gồm các hoạt động có tính tương tác cao như trò chơi, hỏi và đáp… nhằm tăng sự hấp dẫn của quá trình học và giúp SV ứng dụng và nhớ những khái niệm đã được học [3].
Mặc dù có sự khác biệt về nội dung, phương thức đào tạo và cách trình bày, các chương trình đào tạo KTTTTT đều tuân theo các tiêu chuẩn về KTTT cho SV đại học của Hiệp hội thư viện đại học và nghiên cứu Hoa Kỳ (Association of College and Research Libraries - ACRL).
Nhìn chung, các chương trình đào tạo KTTTTT của TVĐH rất hữu ích đối với SV, giảng viên và nhân viên TV. Tuy nhiên, các chương trình này cũng có nhiều hạn chế như thiếu sự hấp dẫn, sử dụng nhiều văn bản, được trình bày như những bài học độc lập, thiếu sự kết nối với các môn học, thiếu tính tương tác… Vì vậy, các TVĐH trên thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm các giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên và tạo thêm nhiều tiện ích, tính năng nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo KTTTTT. Đặc biệt, nhiều TVĐH quan tâm đến việc kết hợp chương trình đào tạo KTTTTT với các lớp học KTTT truyền thống nhằm giúp các chuyên gia TV thực hiện đào tạo KTTT sâu hơn cho cộng đồng người dùng tin trong trường đại học [1].
2. Pháttriểnđàotạokiếnthứcthôngtintrựctuyến trong các thư viện đại học ở Việt Nam
Hiện nay phần lớn các TVĐH ở Việt Nam chỉ cung cấp trên trang web TV các hướng dẫn và hỗ trợ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện như cách sử dụng OPAC, cách tìm tin trong các CSDL, cách sử dụng dịch vụ tra cứu... Chỉ có một số TVĐH cung cấp chương trình đào tạo KTTTTT như: Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội với “Hệ thống kiểm tra kỹ năng sử dụng TV” cho phép SV làm bài kiểm tra trắc nghiệm kỹ năng sử dụng TV; Trung tâm Học liệu Đại học Huế với chương trình “Phổ cập thông tin” bao gồm các nội dung như: Phương pháp tìm kiếm thông tin trên mạng và đánh giá; Hướng dẫn bước đầu thực hiện đề tài nghiên cứu; Hướng dẫn cách lập danh mục tài liệu tham khảo…[10].
Các hướng dẫn sử dụng TV và chương trình đào tạo KTTTTT của các TVĐH ở Việt Nam có một số điểm chung như sau:
1-Nội dung đơn giản, tập trung chủ yếu vào cách tìm kiếm thông tin bằng các nguồn tin hoặc công cụ tìm tin có tại các TV như OPAC, các CSDL hoặc mạng Internet. Không chú trọng các kỹ năng thông tin khác như cách xác định nhu cầu tin, đánh giá các nguồn thông tin, sử dụng thông tin hợp lý…;
2-Hình thức đào tạo không đa dạng, chủ yếu là cung cấp các bài học lý thuyết về KTTT. Thiếu các hình thức có tính tương tác cao và lôi cuốn người sử dụng như bài tập trực tuyến, bài kiểm tra trắc nghiệm, trò chơi, hỏi – đáp,…;
3-Hình thức trình bày đơn điệu, chủ yếu ở dạng văn bản, thiếu sự hấp dẫn đối với người sử dụng.
Để phát triển các chương trình đào tạo KTTTTT nhằm hỗ trợ SV học và ứng dụng các kiến thức, kỹ năng thông tin một cách thuận tiện và đạt hiệu quả cao, các TVĐH ở Việt Nam có thể áp dụng một số giải pháp như sau:
* Tăng cường nội dung đào tạo:Để trang bị cho SV những kiến thức và kỹ năng thông tin cần thiết, chương trình đào tạo KTTTTT cần tập trung vào những nội dung sau:
- Kỹ thuật tìm tin và đánh giá thông tin
+ Chiến lược tìm tin: Các chiến lược tìm tin cơ bản, cách xây dựng một chiến lược tìm tin.
+ Kỹ thuật tìm tin: Cách tìm theo từ khoá, tìm theo chủ đề.
+ Các công cụ tìm tin: Cách sử dụng mục lục thư viện, CSDL, OPAC, các loại tài liệu tra cứu, Internet…
+ Đánh giá thông tin: Cách đánh giá và chọn lọc các kết quả tìm được, các tiêu chí đánh giá các nguồn thông tin.
- Cách tổ chức và trình bày thông tin
+ Cách trích dẫn thông tin.
+ Cách tổ chức thông tin và lập danh mục tài liệu tham khảo.
+ Cách tổng hợp thông tin.
- Cách sử dụng thông tin hợp lý
+ Đạo văn: Cách nhận biết và tránh đạo văn.
+ Luật bản quyền và luật sở hữu trí tuệ.
- Các nguồn tài nguyên thông tin và sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện
+ Giới thiệu các nguồn tài nguyên thông tin của TV hoặc TV có thể truy cập;
+ Hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện.
Chương trình đào tạo nên chú trọng các kỹ năng ứng dụng lý thuyết vào thực tế với nội dung cụ thể, phù hợp với người dùng tin. Không nên đưa vào chương trình những nội dung quá tổng quát hoặc quá chuyên sâu, không cần thiết cho người dùng tin. Tốt nhất nên xây dựng các chương trình với nội dung ở hai mức độ khác nhau là cơ bản và nâng cao nhằm thoả mãn nhu cầu của những người dùng tin có trình độ KTTT khác nhau. Đặc biệt, các TV cần thường xuyên cập nhật nội dung chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu của người dùng tin.
* Đa dạng hoá phương thức đào tạo:Để tạo tiện ích và hứng thú cho người sử dụng, các TVĐH cần đa dạng hoá cách thức chuyển tải nội dung đào tạo. Bên cạnh các bài học lý thuyết, các TV nên áp dụng các phương thức khác như sau:
Định hướng vấn đề: Hướng dẫn người sử dụng các kỹ năng thông tin thông qua việc giải quyết một vấn đề thực tế, ví dụ như cách xác định yêu cầu tin và tìm tin trong một CSDL cụ thể để thực hiện một báo cáo chuyên đề hay làm một đề tài nghiên cứu khoa học;
-Các hình thức học tập tích cực với các bài tập trực tuyến, thi đố, trò chơi…;
-Mô phỏng tình huống: Hướng dẫn cách thực hiện một số thao tác hoặc công đoạn cụ thể, ví dụ thao tác gia hạn mượn tài liệu, đăng ký sử dụng dịch vụ mượn liên TV, các bước tạo một danh mục tài liệu tham khảo…
-Đổi mới hình thức trình bày: Để tăng sức hấp dẫn, thu hút người sử dụng, các TV cần:
+ Tăng cường sử dụng hình ảnh, đồ hoạ, âm thanh, phim ảnh… để trình bày và minh hoạ các chương trình đào tạo KTTTTT.
+ Thiết kế giao diện thân thiện để thu hút người sử dụng tham gia các chương trình đào tạo.
* Tăng cường tiện ích cho người sử dụng:
-Đặt các chương trình đào tạo và hướng dẫn sử dụng ở vị trí dễ nhìn thấy trên trang web TV;
-Hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm những nội dung cần thiết theo nhiều cách khác nhau như tìm theo chủ đề, tìm theo từ khoá;
-Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với người sử dụng;
-Cung cấp nhiều hình thức trợ giúp người sử dụng;
-Có nhiều hình thức để người sử dụng phản hồi ý kiến đánh giá hoặc đề xuất về chương trình đào tạo.
Kếtluận
Sự phát triển mạng Internet đã mở ra cơ hội mới để đa dạng hoá phương thức đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo KTTT cho SV đại học. Để phát triển các chương trình đào tạo KTTT trực tuyến một cách hiệu quả, các TVĐH ở Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế của TV cũng như nhu cầu của người dùng tin là SV.
TÀILIỆU THAM KHẢO
1.Abby Kasowitz.InformationLiteracyInstructioninHigherEducation: Trens and Issues.http://www.ericdigests.org,truy cập ngày 13/01/2014.
2. Lai Fong Li, Shirley Leung.PromotingInformationLiteracySkillsthroughWeb-basedInstruction: The Chinese University of Hong KongLibrary Experience // Library Management. – 2007. - Vol. 28, No. 89. - P. 531-539.
3.Shiao-Feng Su, Jane Kuo.DesignandDevelopmentof Web-based Information Literacy Tutorials//Journal of Academic Librarianship. – 2010. - Vol. 36, No. 4. - P. 320-328.
4.http://www.cranfield.ac.uktruy cập ngày 28/12/2013.
5.http://www.lib.utexas.edutruy cập ngày 28/12/2013.
6.http://www.cukh.edu.hktruy cập ngày 13/01/2014.
7.http:// libguides.sjsu.edu/tutorials truy cập ngày 13/01/2014.
8.http://www.lic.vnu.edu.vntruy cập ngày 13/01/2014.
9.http://www.lrc.ctu.edu.vntruy cập ngày 13/01/2014.
10.http://www.lrc-hueuni.edu.vntruy cập ngày 13/01/2014.
11.http://www.lirc.udn.vntruy cập ngày 13/01/2014.
12.http://www.vnulib.edu.vntruy cập ngày 13/01/2014.
________________
TS. Ngô Thanh Thảo
Khoa Thư viện - Thông tin học, trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 3. - Tr. 3-6.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 5