SINH VIÊN VỚI CUỘC SỐNG XA NHÀ
[ 01/04/2015 07:00 AM | Lượt xem: 9101 ]


Nói đến sinh viên tức là nói đến một thế hệ trẻ đầy sức sống và sáng tạo.Họ nắm trong tay tri thức của thời đại, chìa khóa mở ra cánh cửa cho tiến bộ xã hội. Họ với nhiệm vụ tiếp thu tri thức, lãnh hội tri thức để trở về quê hương lập nghiệp. Bước chân vào môi trường Đại Học là điêu thách thức với tôi nói riêng và tất cả các bạn sinh viên nói chung. Sinh viên từ các tỉnh khác nhau về đây đều xây dựng những hoài bão lớn lao, mang trong mình bao thổn thức về cuộc sống của " một sinh viên xa nhà ".





Sinh viên sống xa nhà luôn gặp phải rất nhiều khó khăn cũng như cuộc sống đầy ắp những lo toan buồn phiền. Kết thúc 12 năm miệt mài trên ghế nhà trường, 12 năm phổ thông thầy cô luôn theo sát từng bước đi trên con đường học vấn của bạn để giúp đỡ. Nhưng với việc học lên đại học, cao đẳng hay học nghề thì môi trường cũng như cách học sẽ khác biệt hoàn toàn, không  có cảnh bạn ở lại lớp chép phạt vì không thuộc bài! Giờ đây việc học là việc bạn phải tự lo. Xa nhà là cuộc sống tự do, không còn lo lắng về giờ giấc, về những lí do để đi chơi cùng bạn bè, không phài nghe những lời phàn nàn khi dậy muộn, Sống xa nhà điều thiếu thốn nhất là về mặt tinh thần và tình cảm của gia đình. Tuy nhiên, thời gian sống cùng gia đình, không ít người không biết quý trọng, thường hay cằn nhằn, tỏ ra khó chịu trước sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, đến khi phải rời xa vòng tay của gia đình rồi lại thèm cái cảm giác được quan tâm, được yêu thương, được nghe những lời nhắc nhở ấy từ bố mẹ, và cả những cuộc tranh cãi với anh chị em trong nhà. Sống ở một môi trường mới tuy phải xa bố mẹ, xa gia đình bị thiếu thốn về mặt tinh thần, tình cảm nhưng bù lại các bạn  có thầy cô giáo, những người luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên bạn khi gặp khó khăn, khuyên răn những điều hay lẽ phải trong cuộc sống và giúp đỡ bạn tiến bộ từng bước trong học tập. Và có cả những người bạn mới sẽ cùng sẻ chia những  chuyện vui, buồn cùng với bạn, chăm sóc bạn khi ốm đau.






Sống xa nhà sinh viên không những bị thiếu thốn về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất nữa, nhất là với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện về kinh tế nên phài tự mình lo toan tất cả: từ những bữa cơm hàng ngày, đồ dùng sinh hoạt - phải lo từng gói bột giặt, gói muối, gói đường, hay từng chai nước rửa chén. Do vậy có rất nhiều sinh viên tìm việc kiếm thêm tiền như : đi dạy kèm, bán hàng thuê, tiếp thị, hay thậm chí rửa chén đĩa cho những nhà hàng, quán ăn để trang trải một phần sinh hoạt phí, vừa đỡ được cho gia đình phần nào đó và cũng là một cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm sống và làm việc cho bản thân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng như vậy, bên cạnh những sinh viên tốt, cố gắng nỗ lực vươn lên trong nhiều mặt thì xen vào đó là một bộ phận sinh viên còn nhiều mảng tối trong lối sống. Một số người cố cho " bằng bạn bằng bè " khi thấy bạn mình có xe máy đi học, quần áo hàng hiệu, hay có điện thoại đời mới, vậy là chấp nhận làm những việc sai trái để đổi lấy những tiện nghi vật chất đó. Sống xa nhà gắn liền với nhiều cạm bẫy, đó là sự đua đòi, đó là lối sống thụ động, hưởng thụ, đó là sự lười biếng trong học tập và lao động, là những suy nghĩ và hành động thiếu lành mạnh chỉ do những điêu ấy thôi nhưng nó có thể  bị lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo mà dẫn đến mất tự chủ, không điều khiển được bản thân và cuối cùng là dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Sống xa nhà phải biết tự sắp xếp công việc, tự làm mọi thứ, tự ra quyết định và phải tự có trách nhiệm với những gì mình làm. Đừng nên thấy thất bại rồi buông xuôi, đổ lỗi tại hoàn cảnh hay người khác, vì bởi bạn là người điều khiển cuộc sống của chính mình, do vậy hãy có trách nhiệm với nó. Trách nhiệm không chỉ ở việc học, việc làm với cuộc sống mà còn là trách nhiệm với chính bản thân, trách nhiệm với gia đình,và với những người thân vẫn đang ngày đêm trông ngóng, nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng ở nơi bạn.

Sinh viên với cuộc sống xa nhà có thể mang đến nhiều điều thú vị cũng như không ít trở ngại và khó khăn. Và việc sống xa nhà nó sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm và bài học mà không bao giờ đọc được trên sách vở mà phải qua quá trình trải nghiệm với chính nó thì chúng ta mới có thể hiểu và “lớn nổi thành người”.

 

Bài và ảnh:  Hoàng Phương Liên – Lớp K12 KHTV

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 10