NIỀM VUI NHỮNG NGÀY LÀM “BỘ ĐỘI”
Nghĩ tới Giáo dục Quốc phòng – An ninh, có lẽ đối với các bạn sinh viên năm thứ nhất, các bạn chưa học môn học này và thậm chí là tôi trước khi vào Trung tâm dự học thì đó là một nghĩa vụ khủng khiếp. Thế nhưng trải qua những tháng ngày cùng với bạn bè, thầy cô trong “quân ngũ”, giờ đây khi đã vẫy tay chào tạm biệt lớp học, thao trường, tôi mới nhận ra những trải nghiệm đó thật là đặc biệt, thật khó diễn tả bằng lời.
Ta biết rằng Giáo dục Quốc phòng – An ninh là một môn học bắt buộc đối với sinh viên Đại học – Cao đẳng trên cả nước nói chung và sinh viên Đại học Thái Nguyên nói riêng. Nó là một trong những điều kiện quyết định để ra trường của sinh viên. Sinh viên muốn tốt nghiệp phải có chứng chỉ của học phần này. Trước đây, hồi còn học cấp 3, tôi đã được học sơ qua về môn Quốc phòng. Đối với tôi, đó là một môn học cứng nhắc, thiên về các động tác quân sự và không mang lại cảm giác thích thú, hào hứng cho một nữ sinh như tôi. Bước vào đại học, khi được biết sinh viên năm thứ hai phải học môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh trong năm tuần tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, tôi chẳng mấy vui vẻ, nhất là khi hình dung ra cảnh học tập và sinh hoạt hà khắc.
Thế rồi cái gì phải đến đã đến. Bước sang năm thứ hai, sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, tôi “có lệnh” tập trung, làm “bộ đội”. Những ngày đầu ở đây, tôi cảm thấy ngột ngạt, bế tắc vì chưa quen với những chế độ của Trung tâm. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi và bạn bè, ai nấy đều đếm từng ngày để mong được ra khỏi “cái trại” đó. Nhưng ở đời “mưa dầm thấm lâu”, ngày này qua ngày khác, chúng tôi đã quen dần. Những kỷniệm, niềm vui học tập và sinh hoạt bắt đầu xâm chiếm tình cảm của chúng tôi.
Ai cũng biết sinh viên là chúa thức khuya, dậy muộn. Vậy nên, phải dậy quá sớm quả là một điều vô cùng khó khăn với chúng tôi. 5h30’ - tiếng còi báo tập thể dục đã réo rắt thật đáng ghét vì nó đồng nghĩa với sự hối hả, vội vàng. Nghe còi, ai đều cập rập chuẩn bị quần áo, đồ dùng... và xuống sân tập trung thật nhanh, nếu không muốn bị “ phạt” – nỗi lo của sinh viên vì những hình phạt ở đây chẳng dễ chịu chút nào. Sau 15 phút tập thể dục, các bạn chỉ có 15 phút về phòng vệ sinh cá nhân trước lúc 6h, khi lại vang lên hồi còi thứ 2 tập trung đi ăn sáng. Ngày nào cũng như vậy, cảm giác kém thoải mái vì luôn phải bị quản thúc. Đó là lúc chúng tôi chưa ý thức được rằng chúng tôi cần rèn lối sống kỷ luật, khẩn trương, nề nếp.
Đến 6h30’, những lớp nào phải đi học thì tập trung thành hàng đi đến giảng đường hoặc thao trường, còn lớp nào hoạt động ngoại khóa thì chuẩn bị đồ dùng rồi tiến hành công việc của mình. Một lớp học trên giảng đường rất đông, khoảng hơn 100 sinh viên với bộ quân phục màu xanh lính rất trang nghiêm. Còn lớp học ngoài thao trường thì ít hơn khoảng 40 sinh viên một lớp.Các thầy giáo dạy chúng tôi đều là những sĩ quan quân đội . Các thầy dạy rất thực tế, dễ hiểu. Đôi khi tâm lý sinh viên chúng tôi căng thẳng vì nghĩ rằng các thầy sẽ rất nghiêm khắc, khắt khe. Không khí học tập có lúc nặng nề, u ám. Nhưng có lẽ chúng tôi đã nhầm. Trong một không gian rộng của lớp học, qua những lời bài giảng, các thầy giáo thường lấy những ví dụ minh họa, xen kẽ những câu chuyện thời lính, mở ra cho sinh viên một tầm hiểu biết rộng hơn và đặc biệt là những tiếng cười trong những câu chuyện hài hước mà ngày xưa trong quân ngũ , các thầy cũng như đồng đội của mình đã trải qua. Rồi 5 tiết học trôi qua rất nhanh. Ngoài bãi tập, thao trường, chúng tôi phải luyện tập các động tác với súng. Tuy mệt nhọc nhưng cũng rất vui với nhiều điều thú vị, mới mẻ.
Vượt rào kẽm gai
Còn với hoạt động ngoại khóa, đó là một hoạt động bổ ích, giúp cho sinh viên rèn kỹ năng thao tác. Không những thế, nó còn góp phần làm cho trung tâm trở nên xanh – sạch – đẹp bằng đôi tay của chính những sinh viên mặc áo lính.
“Sinh viên bộ đội”sửa sang “doanh trại”
Tuy mệt nhọc một chút thôi nhưng ai nấy cũng cảm thấy vui vì thành quả mà chính đôi tay mình gây dựng nên. Ngoài giờ học, lao động, trung tâm còn tổ chức cho chúng tôi cùng xem phim ngoài trời. Đó là những trích đoạn phim lịch sử, những bộ phim thời chiến tranh bom đạn mang nhiều ý nghĩa, mãi còn đọng lại trong lòng người dân Việt. Chúng tôi còn tham gia các hoạt động văn nghệ - thể thao vào mỗi chiều đi học về để nâng cao sức khỏe, tinh thần cho bản thân.
Chào mừng ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh 26/03,“ gia đình” Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của chúng tôi cũng rất nhộn nhịp, tưng bừng với các tiết mục văn nghệ mang đầy ý nghĩa. Những hoạt động đó tuy không hoành tráng nhưng ấm áp và ghi dấu mãi trong chúng tôi.
Chào mừng ngày 26/03
Trong phút giây yên tĩnh nghĩ về những khoảnh khắc đã qua trong Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, tôi thấy lòng chợt xao xuyến và cả bật cười. Nhớ lại lần sinh viên lớp tôi bị phạt chỉ vì tranh nhau gói bim bim trong giờ tự học mà lũ con gái lớp tôi bị thầy quản lý khung thổi còi bắt xuống sân tập trung. Thầy phạt chúng tôi đứng nghiêm trong 30 phút và hình phạt là với một bao bim bim cay, chúng tôi phải ăn hết trong vòng 5 phút. Tối hôm đó cả thầy, cả trò đều không thể nhịn được cười và kết quả là thầy đã tha cho chúng tôi. Có thể nói, đó là một kỷ niệm thật vui. Nhớ lần tôi giả vờ ốm không dậy học bài bị thầy đi kiểm tra và phát hiện ra, xấu hổ thật nhưng đó cũng là một bài học trong suốt quá trình học tập tại trung tâm của tôi. Quy định thì vẫn là quy định, không thể làm sai được nhưng chúng tôi nhận ra là các thầy cũng đã rất tâm lý với chúng tôi. Kỷ niệm có nhiều nhưng cũng chẳng thể nào kể hết. Tôi chỉ biết rằng tôi đã yêu nơi này. Những khoảnh khắc ấy chắc sẽ theo tôi đi suốt thời sinh viên sôi nổi và cả năm tháng khi chúng tôi trưởng thành.
“ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – Đại học Thái Nguyên” – cái tên đó bây giờ đã rất quen thuộc trong trí nhớ của tôi. Đó chính là “ ngôi nhà’ vô cùng thân thương và đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Kết thúc khóa học tại đây, tôi cảm thấy có đôi chút nỗi buồn vì phải xa Trung tâm, xa các thầy giáo đáng kính vô cùng thân thiết.
Theo dòng chảycuộc đời, sẽ còn nhiều thế hệ sinh viên Đại học Khoa học nhập học tại đây và tôi muốn nhắn với các bạn rằng: “ Đừng bao giờ ngại học Quân sự nhé, chỉ có 5 tuần thôi, các bạn hãy cố gắng và ngôi nhà này sẽ mang đến tình thương yêu và những điều tuyệt vời nhất cho các bạn”.
Bài và ảnh: Trần Thị Như – Lớp KHTV K11
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 19