Chuẩn nghiệp vụ thư viện trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế
[ 05/12/2018 00:00 AM | Lượt xem: 214 ]

 Trong thời đại bùng nổ thông tin với rất nhiều dạng thức khác nhau thì không thư viện nào có thể bổ sung được hết vốn tài liệu, tri thức của nhân loại. Vấn đề hợp tác, chia sẻ, mượn liên thư viện được đặt ra nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của Người dùng tin. Để có thể hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các thư viện cần phải: Áp dụng các chuẩn nghiệp vụ chung trong xử lý tài liệu/dữ liệu; Sử dụng hệ thống phần mềm quản trị dữ liệu hợp chuẩn quốc tế.

   Trong bài viết “Lựa chọn bộ giải pháp phần mềm quản trị học liệu phù hợp với mô hình trường Đại học Thông minh” đăng ngày 24/04/2018 trên Cổng thông tin điện tử của Học viện, Ban Tư liệu - Thư viện/Phòng Thông tin KHQS đã trình bày những tiêu chuẩn lựa chọn phần mềm phù hợp với Trường Đại học thông minh, CMCN 4.0 [1]. Bài viết này chỉ đề cập đến các chuẩn nghiệp vụ thư viện nhằm đảm bảo sự hợp tác, chia sẻ tài nguyên và tối ưu hóa kết quả thống kê, kết xuất thông tin.

   Các chuẩn nghiệp vụ sử dụng trong xử lý tài liệu thư viện

   Trong Hội thảo: “Hệ thống và Tiêu chuẩn cho Thư viện Việt Nam” [4], việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong hoạt động thông tin - thư viện đã được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và giám đốc các Thư viện, Trung tâm thông tin nhất trí tán thành. Các chuẩn đó được xác định là: Khổ mẫu trao đổi thư mục MARC21, Quy tắc biên mục Anh-Mỹ AACR2 và Khung phân loại Dewey (DDC). Các ý kiến đều thống nhất đánh giá ưu điểm của các chuẩn đã lựa chọn như sau:

   - Khổ mẫu trao đổi thư mục MARC21[5]: Năm 1960, Thư viện Quốc Hội Mỹ đã phát triển một khổ mẫu, phục vụ cho việc lưu trữ các thông tin biên mục về tài liệu trên băng từ máy tính. Khổ mẫu đó được đặt tên là Machine Readable Cataloging, gọi tắt là MARC (MARC21 là khổ mẫu MARC xuất bản lần thứ 21). Sự phát triển của MARC cho phép các thư viện trên toàn thế giới trao đổi dữ liệu với nhau; Quy định rõ các mã như: Nhãn trường, chỉ thị, trường con, các giá trị được mã hoá cho các yếu tố dữ liệu trong các biểu ghi thư mục. Đây là khổ mẫu được cộng đồng thông tin - thư viện sử dụng trên toàn thế giới. Đến nay, đã có một khối lượng khổng lồ các biểu ghi theo MARC21 hiện đang được lưu trữ trong các mục lục liên hợp của Hoa Kỳ (800 triệu biểu ghi), OCLC (Online Computer Library Center, 50 triệu biểu ghi), Thư viện Quốc hội Mỹ (20 triệu biểu ghi)... MARC21 đang trở thành một tiêu chuẩn quốc tế, được đa số các nước nói tiếng Anh sử dụng. Hầu hết các phần mềm quản trị thư viện trên thị trường hiện nay đều sử dụng khổ mẫu MARC21. Khi áp dụng khổ mẫu MARC21, các thư viện Việt Nam sẽ có điều kiện trao đổi dữ liệu biên mục với các thư viện lớn trên thế giới. Vì vậy, năm 2005 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7539: 2005 về Thông tin và tư liệu - Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu thư mục [3].

   - Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (AACR2)[7]: Năm 1967, Mỹ và Anh đã hợp tác biên soạn và xuất bản một bộ quy tắc chung gọi tắt theo tiếng Anh là AACR (Anglo-American Cataloguing Rules). AACR2 (AACR xuất bản lần thứ 2) ra đời vào cuối năm 1978; Được xuất bản bởi Hiệp hội Thư viện Hoa KỳCanada, Anh Quốc và các chuyên gia thông tin. Quy tắc được thiết kế để xây dựng danh mục thư mục tài liệu thư viện. Đây là bộ quy tắc nổi tiếng trên thế giới, được đánh giá là đã đặt nền tảng cho sự hợp tác biên mục tầm quốc gia và quốc tế. Với việc áp dụng AACR2, các thư viện Việt Nam dễ dàng hội nhập vào cộng đồng quốc tế, nhất là việc tiếp cận và trao đổi thông tin về thư mục trên internet. Tạo tiền đề quan trọng đi tới việc xây dựng các mục lục liên hợp quốc gia, đóng góp vào cơ sở dữ liệu thế giới, đáp ứng tốt nhu cầu tìm tin của bạn đọc.

   - Khung phân loại thập phân Dewey (DDC - Dewey Decimal Classification) [6]: Được xây dựng từ những năm 1870, dùng 10 chữ số Ả rập để phân loại, sắp xếp các bộ sưu tập tài liệu của thư viện. Với những ưu điểm vượt trội so với các khung phân loại hiện nay (cập nhật thay đổi liên tục trên các lĩnh vực tri thức của nhân loại, cấu trúc, ký hiệu, phân cấp rõ ràng), DDC đang trở thành một khung tiêu chuẩn quốc tế phục vụ việc tổ chức tri thức nhân loại trong các thư viện. Theo thống kê, hiện nay có hơn 200.000 thư viện của 135 quốc gia đang sử dụng DDC. Vì tính khoa học và thông dụng, đến nay DDC đã được dịch sang 30 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Gần đây, WebDewey - sản phẩm tiên tiến nhất của DDC đã được giới thiệu trên mạng internet như một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác phân loại của các thư viện.

   Ngày 23/7/2007, Vụ Thư viện/ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Công văn Số 2667/BVHTT-TV về triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ MARC21, AACR2, DDC trong các thư viện. Với những phân tích trên, có thể nói việc lựa chọn 03 chuẩn nghiệp vụ quốc tế MARC21, AACR2 và DDC áp dụng cho thư viện Việt Nam là một sự lựa chọn chính xác, khách quan và khoa học. Ba chuẩn nghiệp vụ này sẽ giúp cho các thư viện Việt Nam phát triển trong xu thế của CMCN 4.0 và thời kỳ hội nhập hiện nay.

   Thực trạng việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện tại Việt Nam

   Do đã được ban hành thành Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7539: 2005)[3] nên 02 chuẩn nghiệp vụ: Khổ mẫu trao đổi thư mục MARC21 và Quy tắc biên mục Anh-Mỹ (AACR2) đã được áp dụng hầu hết tại các thư viện Việt Nam.

   Riêng khung phân loại DDC vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được áp dụng rộng khắp tại các hệ thống thư viện. Theo thống kê [2], năm 2007 DDC đã được áp dụng đạt 97% đối với hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh; với hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành (khối thư viện đại học) thì một số trường đã áp dụng các phiên bản DDC tiếng Anh; DDC tiếng Việt, một số nơi đang sử dụng song song cả khung phân loại BBK (Nga) và DDC; một vài thư viện sử dụng bảng phân loại chuyên ngành (Thư viện Đại học Y- Dược đang dùng bảng phân loại NLM - National Library of Medicine của Thư viện Quốc gia Y học Hoa Kỳ). Một số ít thư viện còn sử dụng bảng BBK và Bảng phân loại thập tiến 19 lớp (do Thư viện Quốc Gia Việt Nam biên soạn); Thư viện Đại học Bách Khoa Hà Nội đang áp dụng Khung phân loại của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (LCC - Library of Congress Classification) ...

   Đối với khối thư viện của lực lượng vũ trang hiện nay vẫn chưa áp dụng rộng rãi khung DDC vào phân loại, biên mục tài liệu do DDC còn một số hạn chế trong các mục  (cần phải mở rộng hơn mới tương thích) về khoa học quân sự, lực lượng vũ trang hoặc do chưa có đủ kinh phí, nguồn nhân lực để triển khai …

   Thư viện Học viện KTQS hiện nay đã sử dụng 02 chuẩn nghiệp vụ MARC21 và AACR2, riêng khung phân loại vẫn đang sử dụng khung BBK (Nga). Do không được cập nhật thường xuyên nên đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện những bất cập (chưa có phân loại phù hợp) khi xử lý tài liệu thuộc một số ngành khoa học mới (công nghệ thông tin, chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh điện tử, vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử….). Với những trường hợp như vậy, cán bộ thư viện thường phải tự phát sinh thêm chỉ số phân loại. Ví dụ: Tác chiến điện tử đưa vào T92 (Xibecnetic quân sự, Vô tuyến điện tử quân sự. Các phương tiện kỹ thuật chỉ huy); Trí tuệ nhân tạo tự phát sinh chỉ số phân loại mới là F813; Phần mềm máy tính, vi rút đưa về F973.2-018 (Lập trình cho máy tính và thiết bị tính điện tử hoạt động ngắt quãng)... Hoặc bắt buộc hoặc phải đưa tài liệu vào những phân loại lớn hơn, phân loại chung. Việc này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tìm tin, kết xuất thống kê và làm giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên.

   Trong bối cảnh Học viện KTQS đang định hướng phát triển theo mô hình trường Đại học Nghiên cứu, Đại học thông minh, Thư viện Học viện cần phải đầu tư, nâng cấp phần mềm quản trị dữ liệu hợp chuẩn quốc tế, đồng thời áp dụng chuẩn nghiệp vụ DDC trong biên mục tài liệu và đồng bộ 03 chuẩn MARC21, AACR2, DDC đối với các CSDL (tài liệu in, tài liệu số). Như vậy, Thư viện Học viện KTQS mới hợp tác, chia sẻ được tài nguyên, cho phép mượn liên thư viện; từ đó có thể bắt kịp với sự phát triển của hệ thống thư viện trong nước và chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tư liệu - Thư viện/Phòng Thông tin KHQS (2018).“Lựa chọn bộ giải pháp phần mềm quản trị học liệu phù hợp với mô hình trường Đại học Thông minh”, Website Học viện Kỹ thuật Quân sự, http://mta.edu.vn/Default.aspx?tabid=1253itemID=21337&view=Details

2. Nguyễn Ngọc Bích. “Thực trạng việc phổ biến và áp dụng DDC tại các Thư viện Việt Nam”, Thư viện Tỉnh Lào Cai, http://thuvientinhlaocai.vn/nghiep-vu/tai-lieu-nghiep-vu/347-thực-trạng-việc-phổ-biến-và-áp-dụng-ddc-tại-các-thư-viện-việt-nam.html

3. Bộ Khoa học và Công nghệ (2005). “Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7539: 2005 về Thông tin và tư liệu - Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu thư mục”, Văn bản pháp luật, https://vanbanphapluat.co/tcvn-7539-2005-thong-tin-va-tu-lieu-kho-mau-marc-21-cho-du-lieu-thu-muc

4. Phạm Thế Khang. “Áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế ở Việt Nam”, Thư viện Quốc gia Việt Nam, http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ap-dung-cac-chuan-nghiep-vu-quoc-te-o-viet-nam.html

5. Khổ mẫu trao đổi thư mục (MARC21): https://www.loc.gov/marc/bibliographic/

6. Khung phân loại thập phân Dewey (DDC): https://www.oclc.org/en/dewey.html

7. Quy tắc biên mục Anh-Mỹ (AACR2): http://flis.edu.vn/bo-quy-tac-bien-muc-anh-my-rut-gon-1988-the-concise-aacr2-1988-revision/963

Ban Tư liệu - Thư viện/P8

< http://mta.edu.vn/Tin-t%E1%BB%A9c/ArticleID/4834/Chu%E1%BA%A >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 18