Chương trình đào tạo Thư viện - Quản lý văn thư (ngành Thông tin - Thư viện) 2020
[ 19/02/2020 00:00 AM | Lượt xem: 822 ]

NGÀNH ĐÀO TẠO: THÔNG TIN – THƯ VIỆN

CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO: THƯ VIỆN – QUẢN LÝ VĂN THƯ

1. Thông tin chung

- Tên ngành (cấp bằng): Cử nhân Thư viện – Quản lý văn thư

- Mã ngành: 7320201

- Thời gian đào tạo: 4 năm

- Tổng số tín chỉ: 135

2. Mục tiêu đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Thông tin – Thư viện, chuyên ngành Thư viện – Quản lý văn thư trình độ cử nhân nhằm đào tạo các cán bộ Thư viện – Quản lý văn thư có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có kiến thức và kỹ năng tốt về nghiệp vụ Thư viện – Quản lý văn thư, có kỹ năng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực Thư viện, lĩnh vực văn thư, lưu trữ, văn phòng.

3. Mô tả khái quát về chương trình đào tạo

Với chương trình đào tạo tiên tiến, tham khảo từ nhiều trường đại học lớn trong nước và nước ngoài, sinh viên Thông tin Thư viện sẽ được trang bị hệ thống kiến thức và kỹ năng thực hành toàn diện nhất. Đặc biệt, chương trình đào được xây dựng với cơ cấu hợp lý, linh hoạt, phù hợp với chuyên ngành đào tạo là Thư viện – Quản lý văn thư, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Hướng tới việc đào tạo những nhà chuyên môn có kiến thức và kỹ năng tốt về nghiệp vụ thư viện và quản lý văn thư như: Nghiệp vụ thu thập, xử lí – phân tích- tổng hợp và phân phối thông tin; Triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong Thư viện điện tử - Thư viện số; Quản lý văn bản; Soạn thảo và ban hành văn bản quản lý; Tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ; Tổ chức công tác văn thư lưu trữ trong các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, xã hội; Quản lý văn bản số; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư.

Ngoài những học phần chuyên ngành Thư viện, sinh viên Thư viện – Quản lý văn thư sẽ được học các học phần chuyên ngành Quản lý văn thư với tỷ lệ Thư viện/ Quản lý văn thư là 50/50. Đây là điểm khác biệt đặc biệt của chương trình đào tạo ngành Thông tin Thư viện tại trường Đại học Khoa học so với các trường đã và đang đào tạo ngành Thư viện văn thư có bề dày lịch sử như Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nội vụ Hà Nội.

50/135 tín chỉ trong chương trình đào tạo có giờ thực hành. 7/135 tín chỉ dành cho thực tập chuyên môn năm thứ 3 và thực tập tốt nghiệp.

Ngay từ năm thứ nhất, thứ hai, sinh viên đã được rèn luyện thể lực thông qua học phần Giáo dục thể chất 1, 2,3; được rèn luyện ý chí và tác phong quân đội thông qua học phần Giáo dục quốc phòng, được tiếp cận các kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và một số kiến thức chuyên ngành.

Năm thứ ba, sinh viên được tìm hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên ngành, được thực hành các kỹ năng nghiệp vụ thư viện, nghiệp vụ quản lý văn thư; được lồng ghép đạo tạo các kỹ năng: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý và lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ.

Cuối năm thứ ba, sinh viên được đi thực tập chuyên môn 03 tuần (số tín chỉ: 03) tại các thư viện, trung tâm thông tin, các phòng hành chính văn thư tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Thái Nguyên như: Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên; Thư viện tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Thông tin – Thư viện các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên và phòng thư viện, văn thư của các trường cao đẳng: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế; Cao đẳng Thương Mại; các trường THPT: Chuyên, Lương Ngọc Quyến, Ngô Quyền, Dương Tự Minh, Chu Văn An; các trường THCS và Tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm thứ tư, sinh viên tiếp tục được hoàn thiện các kiến thức chuyên ngành, thực hành kỹ năng nghiệp vụ thư viện, văn thư. Cuối năm thứ tư, sinh viên được đi thực tập tốt nghiệp (04 tín chỉ) tại các đơn vị mà sinh viên đã thực tập chuyên môn năm thứ 3.

4. Chuẩn đầu ra

4.1. Chuẩn đầu ra về kiến thức

* Kiến thức chung

– Nắm vững kiến thức cơ sở về những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng trong Thư viện – quản lý văn thư

– Biết và hiểu được các kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, nhà nước và pháp luật, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước;

– Có khả năng sử dụng ngoại ngữ cơ bản với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

* Kiến thức ngành

– Nắm được, hiểu rõ và biết cách triển khai nghiên cứu nhu cầu tin, người dùng tin và am hiểu cách thức tổ chức phục vụ người dùng tin với nhiều đối tượng khác nhau;

– Hiểu rõ được các phương pháp và cũng như các yêu cầu đối với tổ chức hoạt động của các hệ thống thư viện, hệ thống văn thư lưu trữ trong các cơ quan nhà nước, các công ty tư nhân;

– Có kiến thức chuyên sâu về năng lực thông tin để trở thành những những chuyên gia về tư vấn và hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin cho người dùng tin;

– Nắm vững các kiến thức nghiệp vụ chuyên môn quản lý văn thư ,tổ chức quản lý và vận hành tốt các phòng thư viện, phòng hành chính văn thư trong các trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường

4.2. Chuẩn đầu ra về kỹ năng nghề nghiệp

– Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế .

– Biết cách xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiên kế hoạch nghề nghiệp cho cá nhân trong lĩnh vực Thư viện – quản lý văn thư tại cơ sở

– Vận dụng thành thạo, linh hoạt các kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực Thư viện – quản lý văn thư vào các công việc cụ thể: thu thập, phân loại, xử lý, lưu trữ, phục vụ và khai thác thông tin, tài liệu, tổ chức quản lý, sử dụng, phục vụ thông tin, tài liệu;

– Biết cách tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công cụ phần cứng và phần mềm trong trong lĩnh vực Thư viện – quản lý văn bản số;

5. Vị trí việc làm

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Thư viện – Quản lý văn thư có thể làm cán bộ thư viện, cán bộ văn thư, cán bộ quản trị thông tin, cán bộ lưu trữ, cán bộ văn phòng, cán bộ thư viện – quản lý văn thư, tại:

- Các Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học; các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

- Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp.

- Các Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Phòng Giáo dục – Đào tạo các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa – Thông tin của các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

- Các trung tâm thông tin, các viện nghiên cứu, viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

- Các thư viện thuộc loại hình thư viện công cộng: thư viện quốc gia; thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thư viện thành phố trực thuộc tỉnh, thư viện quận, huyện, thị xã.

- Các thư viện của lực lượng vũ trang.

- Các công ty phát hành sách và thiết bị trường học.

- Làm chuyên viên, các cán bộ tại các trung tâm thông tin, văn phòng tại các công ty doanh nghiệp, làm quản trị thông tin trong các loại hình doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty nước ngoài.

- Lãnh đạo hoặc phụ trách bộ phận văn phòng tại các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.

- Thư kí văn văn phòng hoặc trợ lí hành chính tại Văn phòng của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; các chương trình, dự án.

- Cán bộ, nhân viên văn thư, lưu trữ tại Văn phòng hoặc Phòng hành chính của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; các Trung tâm lưu trữ Quốc gia; lưu trữ của ngành và cơ quan lưu trữ các địa phương.

- Giảng viên tại các cơ sở đào tạo về văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng bậc trung cấp, cao đẳng và một số trường đại học.

- Nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu về công tác văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng.

- Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty liên doanh, công ty nước ngoài.

Tên một số cơ quan, ban, ngành mà sinh viên có thể xin việc sau khi ra trường:

o Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học; các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

o Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp.

o Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các Phòng Giáo dục – Đào tạo các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

o Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa – Thông tin của các thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã.

o Các trung tâm thông tin, các viện nghiên cứu.

o Các thư viện công cộng: Thư viện quốc gia, Thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã, ...

o Thư viện của lực lượng vũ trang.

o Công ty phát hành sách và thiết bị trường học.

o Doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty liên doanh, công ty nước ngoài, …


Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 12