CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH BÀN VỀ CÔNG TÁC HỌC TẬP LÝ LUẬN TRONG TÁC PHẨM “DIỄN VĂN KHAI MẠC LỚP HỌC LÝ LUẬN KHÓA I TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC”
[ 12/10/2012 14:50 PM | Lượt xem: 2395 ]

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

BÀN VỀ CÔNG TÁC HỌC TẬP LÝ LUẬN TRONG TÁC PHẨM “DIỄN VĂN KHAI MẠC LỚP HỌC LÝ LUẬN KHÓA I TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC”

 

(Bài viết đăng trên mục Nghiên cứu - lí luận – thực tiễn, “ Thông tin nội bộ” của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, số tháng 08/2012)

 

                                   Th.S Cao Thị Phương Nhung

                                   Bộ môn Lí luận chính trị - Khoa KHCB

                                 Trường Đại học Khoa học – ĐHTN

 


Đất nước ta đang trong thời kỳ chuyển biến lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Bên cạnh những thành tựu rất to lớn và quan trọng mà chúng ta đạt được thì cũng có những khuyết điểm, sai lầm không thể phủ nhận khiến cho đất nước ta đứng trước các nguy cơ như: Chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ diễn biến hòa bình, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, nạn tham nhũng, tệ quan liêu, suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên,... Chính những điều này là một trong những nguyên nhân đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và giảm niềm tin trong nhân dân. Nghị quyết số 12 – NQ/TW – Nghị quyết hội nghị lần thứ 04 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” nêu rõ có ba vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay trong đó, vấn đề “kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Trong hoàn cảnh như vậy, việc chúng ta nhìn nhận lại công tác học tập lý luận trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa Đông – Tây, đặc biệt là đến với chủ nghĩa Mác – Lênin – “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất” và truyền bá, phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Người thực hiện được những điều đó là do Người đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của lý luận và công tác học tập lý luận.

Trong các tác phẩm đề cập đến công tác học tập lý luận của Hồ Chí Minh thì “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc” có thể coi là một trong các tác phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những đồng chí nào đã học tập lý luận, nhất là học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thì không thể không biết đến tác phẩm này.

Tác phẩm “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc” như một cẩm nang đối với người học tập và nghiên cứu lý luận. Xuyên suốt tác phẩm là những mong mỏi gửi gắm của Bác, đồng thời cũng là sự định hướng, nhiệm vụ mà Bác giao cho những người làm công tác tổ chức học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, những người học tập, nghiên cứu lý luận, đồng thời cũng là sự định hướng, hướng dẫn những đồng chí học tập, nghiên cứu lý luận sao cho khoa học, xác định động cơ và thái độ học tập đúng đắn. Có thể thấy trong tác phẩm Người chỉ ra năm vấn đề cơ bản là: Ai là đối tượng phải học tập lý luận chính trị đầu tiên? Học lý luận là học cái gì? Vì sao phải học tập lý luận, học để làm gì? Phương pháp học tập lý luận như thế nào thì có hiệu quả? Thái độ học tập lý luận phải ra sao cho đúng đắn?

Thứ nhất, ai là người phải học tập lý luận đầu tiên?

Người khẳng định đối tượng phải học tập lý luận đầu tiên chính là cán bộ cốt cán của Đảng. Người nhắc đi, nhắc lại tới 04 lần trong diễn văn điều đó. Vì:

Cán bộ cốt cán trong Đảng có trình độ lý luận tốt thì Đảng mới tự nâng cao mình lên được, mới hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp mà lịch sử dân tộc và nhân dân giao phó. Thời điểm lúc bấy giờ là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cán bộ cốt cán trong Đảng có trình độ lý luận tốt thì Đảng mới định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta, bớt mò mẫm, bớt phạm sai lầm, học tập sáng tạo kinh nghiệm của các nước anh, em.

Cán bộ cốt cán trong Đảng có trình độ lý luận ngày càng tốt thì Đảng mới ngày một mạnh, Đảng có mạnh thì mới giác ngộ được hàng chục triệu người. Hàng chục triệu người được giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo thì mới xây dựng được CNXH.

Cán bộ cốt cán trong Đảng có trình độ lý luận tốt, thì Đảng có trình độ lý luận cao, lý luận khi ấy sẽ vạch cho Đảng con đường đúng đắn tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Thứ hai, trong diễn văn khai mạc, Bác đề cập đến việc học tập lý luận là học cái gì? Bác chỉ ra có hai thứ phải học:

Một là, học chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sau những thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người nhận thấy rằng nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, các phòng trào đấu tranh của nhân dân ta tuy nổ ra mạnh mẽ, anh dũng song tất cả đều thất bại vì các khuynh hướng, đường lối đấu tranh chưa phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Để giải quyết sự khủng hoàng đường lối, tổ chức của dân tộc, người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã tích cực tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn, các chủ nghĩa, học thuyết tiến bộ và đi đến kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” và vì vậy “để cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Lênin”. [1, 268]

Với vai trò quan trọng như vậy, người nêu ra việc học tập chủ nghĩa Mác – Lênin chính là nội dung đầu tiên trong chương trình nghiên cứu lý luận của các cán bộ cốt cán trong Đảng.

Hai là, học tập kinh nghiệm các nước anh, em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo.

Trước khi miền Bắc thực hiện thời kỳ quá độ lên CNXH, trên thế giới đã có rất nhiều nước, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu đi lên CNXH. Do đó việc học tập kinh nghiệm của các nước anh em sẽ giúp ta bớt mò mẫm. Tuy vậy, Bác cũng nhấn mạnh, chúng ta học tập nhưng không dập khuôn, máy móc, giáo điều mà phải học tập và áp dụng một cách sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Cái gì phù hợp thì ta áp dụng, cái gì không phù hợp thì ta phải bỏ đi.

Thứ ba, trong diễn văn khai mạc của mình bác giải thích vì sao phải học tập lý luận? học để làm gì?

Người nói: Học tập lý luận “là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”. [2, 494]

Đánh giá về Đảng ta Người thẳng thắn nói chỉ ra Đảng ta có rất nhiều ưu điểm,.... Tuy vậy, Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém. Chính điều này đã khiến cho Đảng ta khi đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, Đảng phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng.

      Học “chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”. [2, 499]

      Học để “đỡ bớt mò mẫm”, “đỡ phạm sai lầm”.[2,496]

      Học để “dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”. [2,496]

      Học để đảng viên và cán bộ “có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao”, “rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể”, “khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng”. [2,497]

      Khi bàn về tầm quan trọng của lý luận, người cùng không quên nhắc đến câu nói nổi tiếng của Lênin về vấn đề này: "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng" và "chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiên phong".[2,497]

Vì các lẽ đó, người đi đến kết luận, nhất thiết phải học tập nâng nâng cao trình độ lý luận. Thực tiễn cách mạng trong nước và các nước anh em đã cho thấy chỉ khi cán bộ cốt cán trong Đảng có trình độ lý luận cao thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp học tập lý luận như thế nào thì có hiệu quả.

      Người khẳng định nguyên tắc căn bản trước nhất là thống nhất lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” [2, 498]. “Lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng” [2, 498]; học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế. Điều đó có nghĩa là: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”[2, 249]. Người chỉ ra: “Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc”[2, 249]. “Phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo[...] Phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta[...] Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta[...]”[2,499]. “Phải liên hệ lý luận với thực tế công tác và tư tưởng của mình, để tự cải tạo mình, nâng cao sự tu dưỡng của mình về lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin”. [2,500].

Thứ năm, Người còn đề cập đến trong diễn văn là thái độ học tập lý luận ra sao là đúng đắn.

 Người đã vạch ra một thực tế là không ít cán bộ đảng viên có thái độ sai lầm đối với công tác nghiên cứu lý luận: “...nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hoà công tác và học tập. Hoặc là sau một thời kỳ học tập tại chức có cán bộ phàn nàn trước những khó khăn của việc đọc tài liệu, khó khăn đào sâu suy nghĩ, nhất là đối với những người trình độ văn hoá còn kém, ít quen đọc sách và suy nghĩ. Hoặc vì chúng ta đã áp dụng một số kinh nghiệm một cách thiếu sáng tạo, không có kết quả, cho nên thiếu tin tưởng đối với sự cần thiết phải học tập lý luận, học tập kinh nghiệm của các nước anh em, v.v.. Đó là những hiện tượng của chủ nghĩa kinh nghiệm cần phải khắc phục. Đó cũng là một số hiện tượng có tính chất chủ nghĩa xét lại, cần phải đề phòng, để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận hiện nay”[2,498].

Người chỉ ra cần phải có thái độ học tập lý luận đúng đắn như sau:

Một là, Phải khiêm tốn, thật thà: Không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Không ai có thể hiểu biết tất cả mọi vấn đề. Do vậy, trong quá trình học tập lý luận phải khiêm tốn, không được kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn. Phải thường xuyên nghiên cứu thấu đáo bài giảng của các giáo sư bạn, học tập họ. Cái gì biết thì nói là biết, cái gì không biết thì nói là không biết. Không nên gian dối, không được cái gì không biết lại nói là biết hay vì kiêu ngạo mà không chịu học hỏi.

Hai là, Phải tự nguyện, tự giác: Trong học tập lý luận phải chủ động đề ra kế hoạch và hoàn thành kế hoạch học tập một cách khoa học. Phải thấy học tập lý luận là trách nhiệm của bản thân cần hoàn thành mà chịu khó, tích cực, không nản chí, dễ chán nản hay lùi bước khi gặp khó khăn, vướng mắc.

 Ba là, Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng: Học tập lý luận không phải là học vẹt, thuộc lòng câu chữ và tin hoàn toàn vào những điều ghi trong sách, vở mà với bất cứ vấn đề gì phải đặt ra câu hỏi là “vì sao?’”, phải suy nghĩ cho chín chắn, phải kiểm nghiệm trong thực tiễn xem có đúng như vậy không? Áp dụng như thế có phù hợp với điều kiện cụ thể không? Nếu bản thân chưa giải thích được vấn đề thì phải đem ra thảo luận cùng người khác cho vỡ lẽ.

 Bốn là, Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hoà: Học lý luận không thể chung chung, không thể điều hòa các quan điểm lý luận khác nhau với nhau mà phải đem ra xem xét, thảo luận, tìm hiểu, chỉ ra quan điểm đúng sai, đầy đủ hay chưa đầy đủ, khoa học hay chưa khoa học. Phải bảo vệ những gì được coi là chân lý. Không được đại khái, qua loa, điều hòa cho xong. Không được ngại đấu tranh để bảo vệ chân lý.

Năm là, Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình: Có câu “học thầy không tày học bạn”. Trong học tập lý luận phải học tập cả người thày và người bạn của mình, phải giúp đỡ lẫn nhau trong qua trình học tập. Thấy mình sai phải mạnh dạn thừa nhận và sửa chữa, thấy bạn sai phải mạnh dạn góp ý, phê bình. Việc góp ý, tự phê bình và phê bình phải trên tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới. Không được xuất phát từ sự đố kỵ, chia rẽ đoàn kết nội bộ.

Sáu là, Phải dần dần xây dựng các thái độ học tập khiêm tốn, thật thà; tự nguyện, tự giác; nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng bảo vệ chân lý; có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hoà; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập. Có nghĩa là các thái độ đó phải trở thành một thói quan hằng ngày của mỗi người. Chỉ như vậy, việc học tập lý luận chính trị mới đạt hiểu quả cao.

 “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc” đối với những ai đã, đang và sẽ học tập lý luận mà muốn học tốt phải coi nó như một cẩm nang gối đầu giường. 55 năm đã trôi qua  kể từ khi Người đọc Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc (07/09/1957 – 07/09/2012), tác phẩm vẫn giữ nguyên những giá trị  ấy.

Tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn: định hướng đúng đắn cho cả những người làm công tác tổ chức học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng như những người học tập, nghiên cứu lý luận về động cơ, thái độ, kỹ năng và phương pháp học tập; là “bảo bối” giúp Đảng và nhân dân ta thực hiện thời kỳ quá độ đi lên CNXH không bị lầm đường lạc lối, mạnh dạn nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình mà sửa

chữa, thay đổi.

Tác phẩm đặc biệt có ý nghĩa đối cán bộ giảng dạy và học tập lý luận ở các trường chính trị các cấp. Vì cán bộ, đảng viên cốt cán của Đảng có học tập lý luận khoa học, hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm các nước anh em, vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn phù hợp với từng nhiệm vụ, từng giai đoạn cách mạng mới dẫn dắt dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.




TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 


 

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 26