ÔN CŨ KỂ MỚI MÙA TUYỂN SINH 2019 - TÂM TƯ CỦA TRÒ THƯ VIỆN
[ 05/07/2014 00:00 AM | Lượt xem: 1360 ]

TÂM TƯ CỦA TRÒ THƯ VIỆN

 

 Khoa khoa học Cơ bản nhận được bài viết của các em sinh viên ngành Khoa học Thư viện chia sẻ về những trăn trở, buồn vui và cả những tình cảm rất thật, rất chân thành đối với ngành nghề, với các cô phụ trách, với bạn bè và gia đình trong những năm đầu ở trường đại học. Những dòng viết hết sức trong sáng của các em đã phản ánh nỗ lực vượt bậc của những học trò trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn biết vươn lên với bao nghị lực, cố gắng vì một tương lai tốt đẹp. Sau đây, chúng tôi xin chân trọng giới thiệu chùm viết ba bài của các em. Chúc các em sinh viên ngành Khoa học Thư viện học giỏi, thành đạt và luôn giữ vững ngọn lửa quyết tâm của tuổi trẻ.

Tháng 05/2014

Khoa Khoa học Cơ bản

 

 

NHỮNG NGÔI SAO THẦM LẶNG

 

Đinh Thị Hoài – K9 Khoa học Thư viện

 

Lớp tôi, khi mới đầu vào năm nhất chỉ vẻn vẹn có 16 thành viên. Nhưng rồi, con số ấy cứ ngày một ít đi vì ngành học của chúng tôi không phải ngành “hot” như bao ngành khác. Chúng tôi là những thành viên của lớp Khoa học Thư viện K9. Nhìn lớp ngày một ít đi mà chúng tôi, cả sinh viên cũng như thầy cô không khỏi cảm thấy buồn lòng.

 Từng kỳ học qua đi, chúng tôi giờ đã là sinh viên năm thứ 3. Lúc này đây chúng tôi cũng chỉ còn lại 13 thành viên. Nếu đem con số ấy ra so sánh với con số 128 thành viên lớp Khoa học Quản lý, hơn 200 thành viên lớp Văn học thì chúng tôi chẳng bằng con số lẻ của các bạn. Cứ mỗì khi ai đó hỏi về lớp chúng tôi thì không ai muốn nói lớp tôi có bao nhiêu thành viên cả. Lớp ít - chúng tôi vấp phải không ít những thiệt thòi cũng như khó khăn.

 Cứ mỗi lần có hội thể dục thể thao, chúng tôi có đi cả lớp thì vẫn không có đủ quân số cho một đội bóng hay một tốp ca hát múa gì đó. Rồi chúng tôi lại phải liên kết, hợp tác với lớp khác cũng đồng cảnh với chúng tôi để thành một liên đội bóng cho có phong trào.

 Ấy thế mà cũng quen, cũng thành một niềm vui to lớn biết chừng nào! Cái tập thể  ấy đã cùng nhau đi qua  một chặng đường dài có biết bao nhiêu là kỉ niệm vui. Trong con người mỗi chúng tôi, ai cũng sống tình cảm. Chúng tôi dành cho nhau những sự quan tâm, sẻ chia tốt nhất có thể: dù ít mà đầy đặn!

Có những khi lên giảng đường chúng tôi lại mang những mẩu chuyện hài hước để xua đi cái vắng vẻ của một căn phòng rộng. Ngày này qua ngày khác, kỳ học này qua kỳ học khác chúng tôi đã vô tình xây dựng nên những thứ tình cảm vô cùng cao quý giữa thầy trò, giữa bạn bè, trường lớp. Và rằng, có lẽ thứ tình cảm ấy lớn gấp trăm ngàn lần con số 13 này.

 Khoa tôi, ngành học đã ít đến cả sinh viên học cũng ít. Nhưng gần như chưa khi nào 13 thành viên chúng tôi thấy đó là yếu điểm cả. Các thầy cô tận tâm tận lực và luôn sát cánh cùng chúng tôi mỗi kỳ thi, mỗi học phần. Những buổi gặp mặt, những buổi nói chuyện hay chào đón tân sinh viên,  tất cả thầy cô, cán bộ trong khoa đều có mặt để chia sẻ kinh nghiệm, để truyền cho nhau thêm sự tự tin, lòng yêu nghề.

Cũng không biết từ khi nào, chúng tôi trở nên yêu bạn bè, thầy, cô, trường lớp đến vậy. 

Những người thầy người cô giống như những người thân trong gia đình

 đã mang thứ tình cảm ấy để bù đắp cho những thiếu thốn mà tập thể chúng tôi vấp phải. Thứ keo gắn kết ấy cứ dần bền chặt hơn, dần xích lại nhau hơn.

 Cũng là một sinh viên, cùng có những tư tưởng, tâm trạng, suy nghĩ giống nhau, nhưng thay vì ngồi chán ngán, lo sợ với suy nghĩ xin việc ở đâu khi ra trường thì tất cả 13 thành viên chúng tôi học tập hết mình, lỗ lực tích lũy cho bản thân một vốn kiến thức về chuyên ngành đã chọn lựa. Và rằng khi có tấm bằng trong tay, điều mà chúng tôi mang đến cho cuộc sống không phải vật chất, cũng không là địa vị danh vọng gì cao quý. Nó đơn giản chỉ là tri thức, là thông tin, là hành trang tất yếu cho con đường các bạn lựa chọn mà thôi.

 Không ai nói với ai nhưng chúng tôi đều tự hiểu rằng, sinh viên tốt nghiệp ra trường mấy ai là có chỗ đứng vững chắc cho mình. Chỉ có sự tự tin, sự cố gắng tích lũy bản thân thì mấy mong có thể đi lên.

 Khi cả xã hội chạy xô theo những ngành nóng, nghề hái ra tiền thì trái lại, những người thầy ấy lại lựa chọn con đường là mang đến cho xã hội một nguồn kinh tế tri thức dồi dào. Thầy cô đã truyền tải cho chúng tôi những thứ cao quý hơn nhiều vật chất - ấy là lòng yêu nghề, yêu tri thức. Tình yêu ấy không chỉ trên lý thuyết, không chỉ dừng lại trong lời nói mà là chính trong những ân cần nhỏ bé nhất mà chúng tôi nhận được.

 Cô Hiếu thì tuần này đi Vinh dạy liên thông, chưa hết tuần đã có lịch sẵn đi Sơn La, đi Hòa Bình công tác. Cứ cuốn theo công việc như vậy, lúc nào cũng công tác mà chưa khi nào cô bỏ bê lớp tôi. Cô Nguyệt, cố gắng học thêm đã đành, lại lịch công tác, lịch lên lớp chúng tôi nữa, mà vẫn sát sao tình hình lớp chúng tôi. Rồi cô Quyên,  cô giáo trẻ nhất khoa tôi, cũng vậy, lịch học thêm văn bằng, vừa làm công tác chủ nhiệm của hai tập thể lớp nhưng chưa khi nào cô quên buổi sinh hoạt lớp với chúng tôi. Từ Hà Nội về cũng không hẳn là quá vất vả, quá cao siêu, nhưng lòng nhiệt huyết, sự lo lắng cho chúng tôi lại lớn hơn, cao hơn rất nhiều.

 Tất cả thầy cô đã dùng sự ân cần, quan tâm khiến cho chúng tôi chẳng hề hấn gì nghĩ đến sự vắng vẻ của lớp mình nữa. Từng chút, từng chút một tình yêu với lớp, với nghề trong chúng tôi cứ lớn dần lên. Để rồi, ngày tháng qua đi, tập thể ấy trở nên đoàn kết, gắn chặt với nhau như một gia đình.

Cuộc sống này, không ai trong chúng ta khi sinh ra có quyền lựa chọn cho mình một vị trí cả. Song, chỉ là mỗi chúng ta, nếu yêu quý chính sự cố gắng, thành quả của bản thân mình thì ta sẽ có được những gì ta mong muốn. Điều mà ta quan tâm khi đến trường không phải chỉ để có được tấm bằng, mà đó là để ta học cách vươn lên trước mọi thử thách, vun đắp những tình cảm đẹp và biết trân trọng những gì ta học được từ đây. Tôi yêu sao lớp Thư Viện K9, những ngôi sao thầm lặng hôm nay đang hấp thu nguồn năng lượng tri thức và tình cảm quý báu ở Đại học Khoa học để tỏa sáng một tương lai đẹp đẽ ngày mai.


NGÀNH THƯ VIỆN CỦA CHÚNG TÔI

                                    Nguyễn Thị Kiều Hạnh – K9 Khoa học Thư viện

 

Tuổi 18 – cái tuổi đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người. Ở cái tuổi này người ta phải  đứng trước nhiều sự lựa chọn và quan trọng nhất đó là phải  lựa chọn ngành học quyết định tương lai của chính mình. Có người lựa chọn ngành học theo ham mê, sở thích của bản thân, có người lại lựa chọn theo sự định hướng của cha mẹ, mỗi người đều có một suy nghĩ, một hướng đi riêng.

Đứng trước những sự lựa chọn lớn lao trong  cuộc sống, chúng ta thường băn khoăn do dự. Chuyện chọn nghề, chọn ngành, chọn trường học không đơn giản như mỗi sáng nghĩ xem hôm nay mặc chiếc áo màu gì hay ăn gì cho bữa trưa, việc lựa chọn một con đường để đi – một ngành nghề để theo đuổi là cả vấn đề cần nhiều trăn trở. Cảm giác hoang mang khi đứng trước quyết định đời mình không chỉ của riêng ai mà nó là tâm lý chung của hầu hết các bạn thí sinh đồng trang lứa khi một mùa tuyển sinh đại học bắt đầu.

Cũng trong tâm trạng chung ấy, tôi đã có quãng thời gian băn khoăn về lựa chọn của mình. Ngày tôi đăng kí nguyện vọng vào ngành Khoa học Thư viện của trường Đại học Khoa học là ngày mà tôi cảm thấy khó khăn và dài nhất trong cuộc đời mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đăng kí ngành học mà chưa bao giờ được nghe nói đến. Thế mà, 

tôi đã chọn, đã quyết định bước chân vào con đường mang tên Thư viện.

Trở thành sinh viên là điều tôi hằng mơ ước. Nhưng ngày nhập học tôi lại không cảm thấy vui mà thay vào đó là sự lo lắng và hoang mang. Tôi chuẩn bị hành trang mà trong lòng còn chứa nhiều câu hỏi: Không biết mình sẽ bắt đầu như thế nào? Sẽ được học ra sao? Khi tốt nghiệp ra trường công việc có ổn định hay không? Tôi không thể khiến những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu óc mình, nó lấn át đi tất cả những niềm vui, niềm hạnh phúc mà tôi đang có lúc ấy.

Ngành thư viện, thực sự không phải là một ngành “hot”  như quan niệm của nhiều người. Nghĩ đến ngành thư viện, người ta chỉ nghĩ đến một thư viện với toàn sách là sách và một nhân viên thư viện suốt ngày cặm cụi bên những cuốn sách đó. Họ gắn cho nhân viên thư viện là những người khó tính, khó gần. Mỗi khi có ai hỏi tôi học ngành gì, tôiđều trả lời học ngành Thư viện. Nhưng ngay sau đó tôi lại nhận được sự thất vọng khi ai cũng đều hỏi ngành Thư viện là ngành gì? Hay làm thư viện thì cần gì phải học tới trình độ đại học. Nhiều khi, tôi thực sự thấy buồn và đã có tư tưởng từ bỏ.

Nhưng trong quá trình học tập rèn luyện tại nhà trường, tôi thực sự đã có những thay đổi cách nhìn nhận về ngành học của mình. Trong thời đại mà công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, nền kinh tế tri thức đóng vai trò chủ đạo quyết định sự phát triển mọi mặt của xã hội thì thư viện và thông tin trong thư viện ngày càng có vai trò quan trọng. Thư viện hiện nay không chỉ là nơi lưu giữ sách, mà nó trở thành trung tâm thông tin. Ở đó, thông tin không chỉ được lưu giữ mà còn được xử lý, lựa chọn và cuối cùng là đến với người dùng tin. Thư viện đang từng bước, từng bước phát triển , thay đổi từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi quá trình, từ chuyên môn nghiệp vụ đến phục vụ độc giả.

Đặc biệt, vai trò của người cán bộ thư viện ngày càng trở nên quan trọng và có nhiều thay đổi. Họ không chỉ đóng vai trò là người lưu giữ sách vở thông thường trong thư viện nữa mà họ còn phải trở thành một chuyên gia thông tin, am hiểu nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khoa học. Các kĩ năng tìm kiếm, xử lý, phân tích và đánh giá thông tin là những kĩ năng cần thiết và đặc biệt quan trọng đối với cán bộ thư viện trong thời đại ngày nay.

Thư viện ngày càng có thế đứng và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khối lượng thông tin và tri thức đang không ngừng được mở rộng hiện nay, ngành thư viện là một ngành có đầy triển vọng. Giờ đã là năm thứ ba tôi học tập và tìm hiểu về ngành thư viện, tôi tin chắc rằng mình đã đi đúng đường và tôi sẽ cố gắng vững vàng bước đi trên con đường ấy. Tôi chợt nghĩ đến câu nói: “ Không phải nghề nghiệp làm danh dự cho con người mà chính con người làm danh dự cho nghề nghiệp”. 

Tôi hy vọng rằng, những sinh viên của ngành Thư viện trường Đại học Khoa học nói chung sẽ tự hào hơn, tin tưởng hơn vào ngành nghề mình đã lựa chọn và hãy cùng nhau làm rạng danh cho ngành Thư viện.

 

 

TÂM SỰ MỘT SINH VIÊN THƯ VIỆN NĂM ĐẦU

 

Trần Thị Như – K11 Khoa học Thư viện

 

Một năm học sắp trôi qua rồi, nó cũng đánh dấu khoảng thời gian mà tôi rời xa gia đình, xa quê hương, bạn bè để học tập nơi đất khách quê người. Bước chân vào giảng đường đại học và giờ đây ngồi trong căn phòng trọ này, tôi cảm nhận được rằng, một cô gái sinh viên năm thứ nhất như tôi cần phải nỗ lực thật nhiều.

 Tôi sinh ra trên vùng đất mỏ, cách Thái Nguyên – nơi mà tôi đang học hơn  200 cây số. Nó quả là một khoảng cách khá xa. Năm ngoái, tôi thi đỗ vào trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, tôi vui lắm, tôi cũng nhìn thấy cả niềm vui trên khuôn mặt gầy của bố mẹ tôi nữa nhưng nó cũng hằn lên cả những nếp nhăn của nhiều đêm lo lắng, suy nghĩ. Gia cảnh nhà tôi chẳng khá giả gì, bố mẹ đều làm nghề nông, em gái tôi thì học trường dân lập nên cũng khá tốn kém. Cuộc sống mưu sinh đã vất vả, giờ lại phải nuôi tôi đi học xa, gánh nặng ngày càng đè lên đôi vai bố mẹ tôi. Nhưng tôi biết bố mẹ không bao giờ để cho chị em tôi phải thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa.

Kể từ khi biết tin tôi đỗ đại học, tôi thấy bố mẹ tôi bận rộn hơn, vất vả hơn, tôi thương bố mẹ lắm. Còn bố mẹ tôi thì luôn trông mong vào tôi, muốn tôi phải học thật giỏi để sau này không phải khổ như bố mẹ nên mẹ đã nói với tôi rằng: “ Chỉ cần con học hành cẩn thận, giỏi giang, mẹ ở nhà ăn muối cũng lo được cho con học.” Lúc ấy tôi đã khóc, quyết tâm học cho thật giỏi để không làm mẹ tôi buồn nhưng tôi cũng sợ mẹ tôi cực nhọc, lại không dám ăn uống.

Vài ngày sau đó, tôi bước chân lên đường, đến với mảnh đất nuôi dưỡng cho tương lai của tôi. Những ngày đầu mới lên, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ và em gái. Cái cảm giác mà có lẽ chưa bao giờ tôi trải qua. Có những đêm nhớ mẹ quá, nghĩ đến hình ảnh vất vả trưa hè của bố mẹ, tôi vừa khóc vừa gọi mẹ cứ như một đứa con nít vậy.

 Tuần đầu tiên đi học, tôi hào hứng lắm, có những lúc tôi bất chợt mỉm cười và nghĩ rằng “ mình là sinh viên rồi sao?”. Đó đã niềm mong ước từ nhỏ của tôi. Nghĩ mà buồn cười lắm, lúc trước, khi còn ở nhà, tôi và em gái lúc nào cũng chành chọe nhau, mẹ tôi bảo hai chị em cứ như “ chó với mèo” ấy. Nhưng mà khi nghĩ  đến lúc đi học đại học xa nhà, tôi lại muốn tiết kiệm tiền mẹ cho hay đi làm thêm để mỗi lần về trở em đi mua đồ mà nó thích.

  Những ngày được nghỉ học trở nên thật dài với tôi. Đến nơi xa lạ tôi chẳng giám đi đâu, suốt ngày ở lì trong phòng, hết học bài lại nghe nhạc, đọc sách rồi đi ngủ. Cứ nghĩ mọi chuyện tuần hoàn như vậy, buồn nhưng nhẹ nhàng, thanh thản. Vậy mà có ngờ đâu bao nhiêu chuyện ập xuống đầu tôi.

 Chỉ vì sơ ý không quan tâm đến trang mạng cá nhân của mình mà tôi gặp biết bao nhiêu chuyện rắc rối, bao nhiêu sự cố gắng học tập vì lỗi cẩu thả của tôi mà tưởng như trở thành vô ích. Nhưng rất may mắn cho tôi là đã được các cô giáo trong Khoa giúp đỡ. Hết lần này đến lần khác tôi đều nhờ vả, gửi gắm chuyện của mình với hai cô. Thật lòng nhiều lúc tôi định buông xuôi, mặc kệ nó và cho qua đi, năm sau thi lại trường khác vậy. Vì làm phiền hai cô nhiều tôi thấy trong lòng không vui, tôi sợ nhỡ đâu làm ảnh hưởng gì đến hai cô, tôi cảm thấy ngại lắm.

 Cô giáo tôi – một người giáo viên chủ nhiệm còn rất trẻ chính là động lực lớn thứ hai cho tôi cố gắng vươn lên. Tại sao ư? Tại vì tôi rất biết ơn cô. Thời gian vừa qua cô đã vất vả vì tôi quá nhiều. Cô vừa lo đi học cao học ở xa lại vừa lo chuyện ở nhà cho tôi. Quả thật tôi thấy mình làm mất khá nhiều thời gian và làm ảnh hưởng đến công việc của cô. Nhưng cô chẳng bao giờ trách móc hay bỏ mặc tôi cả. Cô luôn cố gắng để trở thành người lái đò thật giỏi không chỉ cho tôi mà còn cho những sinh viên của mình qua sông an toàn. Cô đã giúp đỡ tôi hết mình như thế thì tại sao tôi lại phụ công cô được chứ. Tôi phải học giỏi, phải vươn lên để cô không bao giờ buồn và thất vọng về tôi. Cuộc sống và công việc học tập của tôi còn có nhiều khó khăn lắm nhưng 

Nghĩ đến mẹ, đến cô và nhất là tương lai của mình tôi lại tự dặn lòng mình cố gắng vươn lên 

vì tôi biết xa xa nơi đây, trong căn nhà nhỏ bé của mình, lúc nào mẹ tôi cũng nhớ và luôn đặt niềm hy vọng vào tôi.

 Kể từ ngày tôi đi học, bố mẹ tôi phải bỏ cả giấc ngủ trưa để đi làm thuê cho người ta, tôi nghe mẹ kể mà đau lòng lắm. Tôi lo lắng cho gia đình tôi. “ Bố mẹ ơi! Bố mẹ ở nhà có ăn uống đầy đủ không mà sao lúc nào cũng dặn con ăn uống cho đủ, thích ăn gì thì mua, đừng có nhịn ăn”. Lúc biết tin tôi ốm, mẹ tôi cả đêm không ngủ, lòng lo cho tôi rồi cũng ốm theo mà không dám bỏ tiền ra mua thuốc. Nhiều lúc tôi muốn bỏ học về nhà với mẹ lắm nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì làm như thế càng có lỗi với bố mẹ hơn. Biết điểm thi, tôi hi vọng mình được học bổng, tôi muốn mang số tiền về cho mẹ, muốn nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, đầy tự hào trên khuôn mặt của mẹ tôi. Trước đây, tôi thật ngốc nghếch, những ngày lễ chỉ biết xin tiền mẹ mua quà tặng cô giáo mà tôi chưa từng nghĩ đó cũng là ngày của mẹ và chưa bao giờ tôi tặng quà cho mẹ mình. Nghĩ đến đây nước mắt tôi rơi nhiều lắm. “Mẹ ơi! Con xin lỗi, con sai rồi... Mẹ.....mẹ tha lỗi cho con”.

 Càng ngày tôi càng thấy mình trưởng thành hơn. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để những người xung quanh tôi luôn vui và tự hào về tôi và hơn nữa là cho chính cuộc sống của tôi. Tôi sẽ nỗ lực thật nhiều để cho mọi người biết và hiểu được rằng: “Hôm nay tôi tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về tôi”. Có lẽ đó là một thử thách lớn nhưng tôi tin “không có gì là không thể”.

  Cuộc sống có nhiều bộn bề, lo toan và đôi khi ta phải vấp ngã nhưng chỉ cần một khi chúng ta đã quyết tâm thì chúng ta sẽ đứng lên được và vượt qua được thôi đúng không? Các bạn sinh viên à! Hãy cố gắng lên vì tương lai phía trước của chúng mình nhé! Tôi tin là các bạn cũng giống như tôi, đều mong muốn 1 cuộc sống thật tươi đẹp phía trước. Vì vậy, hãy cùng tôi cố gắng nha!

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 23