Điều đầu tiên mà tôi muốn nói với các bạn sắp như tôi và sẽ như tôi đó là “Hãy sống sao cho có ý nghĩa và cho một thanh xuân rực rỡ, tươi đẹp”.
Tự thấy bản thân trưởng thành hơn sau bao nỗ lực
Thật vậy, với tôi, tôi luôn đặt ra cho mình những kế hoạch dài và ngắn hạn để có thể thực hiện một cách hiệu quả nhất. Còn nhớ ngày còn học cấp 3, khi mới vào lớp 10 thôi, tôi đã đặt mục tiêu là sẽ phấn đấu trở thành một cô kế toán tài năng như mẹ tôi vậy. Vì mục tiêu này mà tôi lao vào học tập và tìm mọi lý do để học. Gia đình tôi vẫn được đánh giá là khá giả hơn các bạn trong lớp, có thể vì thế mà tôi được các bạn cho là có điều kiện để học tốt, có điều kiện tham gia các lớp học thêm, lớp học nâng cao. Nhưng không tôi sẽ làm thay đổi cái nhìn ấy về tôi bằng việc tôi tự trau dồi kiến thức thông qua việc là lên thư viện và tự học. Với phương pháp này của tôi, tôi hài lòng lắm vì ôi… thư viện vừa sạch đẹp, yên tĩnh, mát mẻ lại vô cùng nhiều sách hay, cần gì cũng có, môn nào cần là có sách môn đó luôn. Cứ thế trôi đi, ngoài giờ lên lớp là tôi lại lên thư viện ngay, coi đó như một ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy.
Thấm thoắt cũng hết lớp 10, sang lớp 11 rồi, tôi gắn bó với cái phòng đọc, với các giá sách trên thư viện đến mức không thể không đến đó mỗi ngày, cô thủ thư cũng quý tôi lắm, cô luôn giúp tôi tìm sách tìm tài liệu tôi cần. Có lần tôi ngồi nói chuyện với cô thủ thư, cô vui tính, hiền hòa và yêu sách ghê gớm, cô nói cô có hẳn một bộ sách quý ở nhà, cô coi sách như đứa con tinh thần của cô, hàng ngày cô vẫn đọc sách đến khuya mới đi ngủ. Tôi xin cô có dịp tôi sẽ đến để chiêm ngưỡng bộ sách ấy mới được.Cứ như vậy, tôi với cô thủ thư thân thiết với nhau, cùng nhau nhận ra rằng chúng tôi yêu sách, yêu những con chữ trong sách, trân trọng kiến thức mà nhân loại để lại cho đời sau. Rồi cũng đến lúc tôi phải thừa nhận một điều rằng ước mơ trở thành cô kế toán của tôi đâu rồi, sao nó lại mờ nhạt đi như vậy nhỉ? À, thì ra tôi đã yêu sách, yêu tri thức nhân loại, yêu luôn cô thủ thư và ước muốn trở thành cô thủ thư thật rồi! Thật mới đúng là bản chất của tôi, tôi yêu sách và quyết định thay đổi mục tiêu là sẽ trở thành cô thủ thư để có thể thỏa mãn cơn khát sách, thỏa mãn đam mê đọc sách, tìm ra những tri thức mới, những thứ mà không gì có thể đánh đổi được. Ngay sau đó, tôi nói chuyện này với ba mẹ tôi, họ khá bất ngờ vì quyết định thay đổi nghề tương lai của tôi và tất nhiên họ cũng cho rằng đó là nhất thời. Nhưng rồi một tuần sau, rồi những tháng sau họ đã thấy được đam mê thực sự của tôi và cũng đồng ý để tôi lựa chọn con đường tương lai: làm một cô thủ thư đáng kính.
Chọn được cho mình con đường sẽ đi rồi, nhưng còn nơi chốn nào giúp tôi hiện thực hóa ước mơ ấy đây? Lại một lần nữa tôi phải đưa ra quyết định, đó là sẽ học ngành Thư viện ở ngôi trường nào. Tôi băn khoăn, tôi chia sẻ điều này với cô thủ thư trường tôi, cô nói tôi có thể chọn Đại học Khoa Học Thái Nguyên, đó là nơi sẽ đem lại cho tôi kiến thức nghề, đem lại cho tôi những thứ tình cảm thầy trò mà không phải nơi nào cũng có được. Và tôi, tôi vẫn do dự về ngôi trường xa xôi đó lắm.
Nơi giúp tôi hiện thực hóa ước mơ- Đại học Khoa học Thái Nguyên
Ngày đỗ đại học đã đến và cũng nhanh chóng đến lúc tôi chính thức nhập học, trước mắt tôi là ngôi trường Đại học Khoa Học Thái Nguyên, nơi tôi đặt niềm tim và hy vọng rất nhiều, mục tiêu của tôi là bốn năm nữa cũng tại nơi tôi đặt chân lần đầu đây sẽ là lúc tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp Đại học.
Chúng tôi - những tân sinh viên còn bỡ ngỡ, còn ngại ngùng và chút lo sợ khi xa gia đình người thân để đến học và sinh hoạt tại nơi xa lạ này. Ai cũng thấy sao mà nhớ nhà đến thế, sao mà muốn trở về nhà đến nhường nào, đứa khóc, đứa gọi điện í ới bố mẹ, cảm giác đến là khó tả. Tôi đang ngóng chờ xem thứ tình cảm đặc biệt là cô thủ thư trường tôi nhắc đến là gì, có gì khác biệt với nơi khác mà cô ấy lại ca ngợi đến vậy, phải chăng tôi không nhận ra ?
Ngày sinh hoạt công dân đầu khóa, ai cũng háo hức và ngây dại, xen chút là lo sợ vì nghĩ rằng đại học sẽ phải là người lớn, phải tự lập hơn rất nhiều. Thế nhưng, tất cả mọi suy nghĩ ấy đều được xóa tan khi chúng tôi được nghe một giọng nói ấm áp, vô cùng thân quen, vô cùng yêu thương từ cô hiệu trưởng nhà trường - GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn. Tôi nhận ra Cô giống như mẹ tôi: dịu dàng, ân cần, đằm thắm mà sao lại quá đỗi gần gũi, chẳng như một nhà lãnh đạo. Giọng Cô sao ấm áp đến vậy, đi vào trái tim những đứa ngây dại như tôi, vỗ về an ủi ngày đầu tiên đến trường… Cô nhắc chúng tôi là phải học tập tốt, sinh hoạt điều độ, cố gắng đam mê nghiên cứu để có thể đóng góp cho quê hương đất nước, báo đáp công ơn cha mẹ. Cô còn nói nếu các em cố gắng, các em hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng thời gian bốn năm học xuống còn ba năm, có thể nhanh chóng có được bằng tốt nghiệp mà vẫn đảm bảo lượng kiến thức. Cô còn căn dặn chúng tôi nhiều lắm, cô truyền cho chúng tôi thứ tình cảm như gia đình vậy - à thì ra đây là thứ tôi đang ngóng chờ - thứ tình cảm đặc biệt không phải nơi nào cũng có.
Thời gian đầu học tập và sinh hoạt chúng tôi có chút khó khăn vì chưa quen lối sống xa nhà tự lập và học theo tín chỉ, nhưng rồi cũng không sao, các thầy cô trong nhà trường, đặc biệt là các thầy cô bên Đoàn trường luôn hỏi han động viên chúng tôi, thăm hỏi khu ký túc xá chúng tôi, đảm bảo an ninh trật tự tốt lắm, ai cũng yên tâm. Còn các thầy cô gia đình Khoa Học Cơ Bản thì tuyệt vời lắm, chẳng khác gì một gia đình cả, từ việc học hành, thi cử, ốm đau các thầy cô luôn bên cạnh. Tôi đến từ một nơi xa xôi và mỗi lần đến trường là một chặng đường dài trên xe, phải chung chuyển xe vài lần mới đến nơi - quê hương Điện Biên, nhưng đổi lại tôi chẳng ngại việc đó, tôi luôn có các thầy cô bên cạnh, dịp Tết còn được các thầy cô hỗ trợ vé xe về quê, thật chẳng có gì đáng quý hơn tình cảm này.
Những “Người cha thứ hai” của tôi
Chính những tình cảm sâu sắc ấy đã là động lực cho tôi sức mạnh và nghị lực để học tập không mệt mỏi, tôi cũng đã chứng minh cho bản thân tôi, người thân của tôi, bạn bè của tôi thấy tôi có thể tự lực phấn đấu theo đuổi đam mê, và hơn bao giờ hết, kết quả đạt được ngày hôm nay của tôi là sau ba năm học tôi đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình Đại học chuyên ngành Thư viện - Thiết bị trường học tại trường Đại học Khoa học Thái Nguyên với tấm bằng loại ưu. Một kết quả tôi cho rằng xứng đáng, tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tự tạo cho mình mục tiêu, phương hướng để có thể hoàn thành nhiệm vụ này. Tôi tự thấy tự hào vì những điều mình có, kết quả này còn là sự mong mỏi của cha mẹ, của thầy cô trong nhà trường, tôi mong nó sẽ báo đáp được sự mong mỏi ấy của mọi người.
Chụp ảnh kỉ yếu cùng các cô
Còn một điều tôi tự hào nữa đó chính là được thầy cô tin yêu và cho tôi cơ hội đứng trong hàng ngũ của Đảng - với trách nhiệm cao cả, linh quang và đầy hãnh diện. Biết rằng tôi còn phải cố gắng hơn nữa, sống sao cho có ý nghĩa hơn nữa để xứng đáng với lòng tin của các thầy, các cô nơi đây.
Giây phút đăng quang vinh dự, tự hào
Hôm nay là một ngày đánh dấu cán mốc vô quan trọng trong cuộc đời tôi – ngày tôi nhận tấm bằng Đại học trên tay- lời hứa ba năm trước tôi đã hoàn thành, thậm chí còn vượt mục tiêu, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm nhưng cũng nuối tiếc lắm. Rồi sau này tôi có may mắn gặp những gia đình như gia đình Khoa Khoa Học Cơ Bản nữa hay không, có thêm một lần nữa được sống giữa tình yêu bao la này nữa hay không?
Cầm tấm bằng trên tay, tôi mông lung bao cảm xúc, không muốn xa nơi này, nơi đã cho tôi quá nhiều tình thương, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi để tôi trưởng thành hơn, nơi mà có thứ tình cảm rất riêng không đâu có được, nơi mà muốn đến rồi lại chẳng muốn rời, thật khó tả.
Nhưng cuộc đời là vậy, may mắn gặp được các thầy cô nhưng cũng vẫn phải nói lời tạm biệt, tôi chỉ muốn gửi tới các quý thầy cô nơi đây những tình cảm sâu sắc nhất, trân quý nhất từ sâu trong lòng tôi, mong các thầy cô luôn mạnh khỏe và công tác tốt, luôn tâm huyết với nghề, luôn trao tình yêu với thế hệ sau và sẽ có thêm nhiều trái ngọt. Tự hứa với lòng mình rằng sẽ không phụ sự tin yêu của các thầy cô, không phụ “tình yêu rất riêng”, chỉ TNUS mới có !
Nguyễn Thu Hương -
Lớp Thư viện và Thiết bị trường học K14
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 35