Cánh phượng và hoa bằng lăng bắt đầu chớm nở. Cái nắng oi ả của buổi ban trưa, tiếng ve kêu râm ran ngoài hè, những cơn mưa rào bất chợt, tiếng ếch kêu râm ran…tất cả tạo nên một mùa hè thật sinh động. Hạ đến thật rồi.
Sắc hạ
Nhanh thật! Vậy là năm hai đại học của tôi đã kết thúc. Một mùa hè nữa đang tới nhắc nhở tôi bao kỷ niệm.
Tôi nhớ như in những mùa hè thời thơ ấu của mình.
Trong làng, tôi có rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhóm chúng tôi chơi thân với nhau chỉ có bốn người, một trong số đó là chị họ của tôi. Tôi và chị học cùng lớp suốt chín năm phổ thông cơ sở, trải bao trò nghịch ngợm, vui buồn, cả những trò chỉ có con trai mới hay chơi: rượt bắt chuồn chuồn, đào bắt dế chọi nhau, bắt ve sầu bỏ vào chai để nhân lên tiếng râm ran trưa hè, trèo cây trộm ổi, mận, khế … Chán rồi thì chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bước, đánh khăng, đánh cù, chơi bi … Chán nữa thì chơi trò đám cưới, tôi là cô dâu, cài vương miện kết từ hoa sao vàng, chú rể luôn là thằng Tèo nhà ở đầu ngõ, chị làm phù dâu, rồi nấu ăn, có vợ có chồng rồi thì phải nấu ăn chứ… Cứ thế mê mải mà bao lần quên cả trông em, em thơ thẩn một mình chán rồi tự leo lên giường ngủ (vì là chị cả nên dù mới bảy tuổi tôi đã phải chăm sóc em gái).
Sân nhà tôi là địa điểm lý tưởng cho mỗi lần tụ tập. Chỉ khổ ông nội tôi trưa cũng chẳng tròn giấc bởi lũ giặc siêu quậy là chúng tôi. Mỗi lần như thế, ông lại chống cái gậy cộp cộp xuống hè nhà quát đuổi. Ông chỉ dọa thế thôi chứ ông hiền khô chả đánh đứa nào bao giờ. Bọn trẻ chỉ tản được một lúc xong rồi đâu lại vào đấy. Lúc tản ra ấy là lúc chúng tôi cùng đi lấy vỏ quế vể để nhâm nhi, gặm nhấm cái cay cay nơi đầu lưỡi, cảm nhận hương thơm đặc trưng chỉ có ở loài này.
Thân với chị là thế, trò chơi nào cũng có mặt cả hai nhưng cũng có lần hai chị em giận nhau đến cả tuần chẳng nói với nhau một lời, đôi khi vì những lý do vớ vẩn. Ai cũng tự ái cao chẳng mở lời xin lỗi trước. Hết giận rồi thương. Sau mỗi lần như thế hai chị em càng thân nhau hơn. Lên cấp ba thì chị em tôi mỗi người một hướng. Chị không đi học mà ở nhà giúp mẹ. Tôi vào mười trường huyện, bạn mới, thầy cô mới, nhiều điều mới lạ … dạy tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Ba năm cấp ba trôi đi nhẹ nhàng. Mùa hè cuối của đời học sinh, mùa hè đáng nhớ.
Ngày Lễ tri ân thầy cô và Lễ trưởng thành cho học sinh khối 12 diễn ra trong nắng vàng rực rỡ, phượng đỏ lửa và bằng lăng tím ngát sân trường. Chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Ba năm – khoảng thời gian không ngắn cũng không dài, đủ ghi dấu bao kỷ niệm thân thương. Chúng tôi chỉ được khóc trong một ngày cho sự chia ly, để rồi sau đó tập trung vào ước mơ bước vào trường đại học. Ước mơ in trong mắt mẹ, ước mơ oằn đôi vai cha.
Trường THPT Văn Quan – Lạng Sơn
Với những nỗ lực hết mình, cánh cửa đại học đã mở ra cho tôi.
Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đón tôi vào một ngày cuối hè, chớm thu. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là ngôi trường thật lớn, thật rộng. Sự thân thiện, tận tình của các thầy cô trong ngày nhập học đã khiến một cô bé vùng núi là tôi bớt đi sự rụt rè, lo sợ. Đó là những tình cảm đầu tiên tôi nhận được để sau này nhanh chóng quen với cuộc sống xa gia đình, bè bạn.
Với mùa hè đầu tiên của đời sinh viên, tạm biệt ngôi trường Đại học Khoa học, tôi lựa chọn về bên gia đình, để cảm nhận những yêu thương, đầm ấm sau bao ngày xa cách, để phần nào đó góp sức lao động cùng gia đình khi đang chính giữa vụ mùa.
Mùa hè thứ hai của đời sinh viên cũng đến. Khi những cánh phượng lại rực lửa là lúc tôi điểm lại những gì mình đã làm được trong suốt một năm học đã qua.
Tôi cùng các bạn sinh viên trong lớp và các thầy cô trong khoa Khoa học Cơ bản, các anh chị sinh viên lớp Khoa học Thư viện K11 đã hân hoan chào đón sinh viên K13 bằng chương trình ấn tượng: “Chào Tân sinh viên”. Tập thể sinh viên của Khoa đã tri ân các thầy cô nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo. Chúng tôi đã có một buổi gặp mặt tất niên đầy ấm áp, thân thương trước khi về đoàn tụ cùng gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Chúng tôi cũng đã rất háo hức tham gia thi nấu ăn, cắm hoa nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 cùng nhiều hoạt động khác do Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tổ chức. Nhằm tôn vinh văn hóa đọc và nhấn mạnh giá trị của sách, Khoa đã tổ chức chương trình ý nghĩa “Sách – đường đến tri thức”, chúng tôi góp sức vào chương trình bằng việc thiết kế những tờ báo tường theo chủ đề của chương trình, đồng thời giới thiệu tới bạn đọc những cuốn sách hay, ý nghĩa. Tôi đã tập làm “phóng viên” với nhiều bài báo đăng trên trang web của Khoa và Trường. Nhiều lắm những việc mà tôi đã luôn cố gắng.
Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
Thả diều trong sân ký túc xá trường Đại học Khoa học
Trung tâm Học liệu – Không gian học tập lý tưởng
Tập thể Khoa học Thư viện K12
Và hơn hết, tôi và rất nhiều bạn sinh viên đã nỗ lực hết mình cho việc học tập. Kết quả đã không phụ lòng mong mỏi của tôi và gia đình. Với sự cố gắng không ngừng, tôi đã giành được một suất học bổng cho học kỳ I. Vinh dự lắm, hãnh diện lắm vì cả Khoa chỉ có ba người được, mà tôi là một trong số đó. Bố mẹ tôi hẳn sẽ rất vui. Nghĩ đến ánh mắt hân hoan của mẹ, nụ cười đầy khích lệ của cha là tôi thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi tự nhủ sẽ duy trì sự cố gắng cho hai năm học còn lại tại Trường và cho cả chặng đường dài phía trước.
Niềm vui của “phóng viên nghiệp dư”
Hè đến, việc trước tiên tôi thực hiện sau khi kết thúc năm học thứ hai vẫn là về bên gia đình. Sau nữa, tôi sẽ tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi cùng các thầy cô và các bạn sinh viên tình nguyện khác của trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tổ chức tại các cụm thi khác nhau.
Hè đến, nhắc nhở tôi nhớ lại những vất vả ngày ôn thi đại học. Tôi đã cố gắng và đã thực hiện được ước mơ của bản thân, của gia đình.
Muốn gửi gắm những lời yêu thương tới các em học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông: “Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực, các em sẽ thành công. Rất nhiều cánh cửa trường đại học đang chờ đón các em, trong đó có trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Dù ở ngôi trường nào, hãy sống hết mình cho đam mê tuổi trẻ”.
Bài và ảnh: Hoàng Châm – KHTV K12
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 9