Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã rất coi trọng vị trí và vai trò của văn hóa đối với vận mệnh và tương lai của đất nước. Văn hóa được coi là ngọn đuốc sáng dẫn đường, chỉ lối cho dân tộc ta từng bước giành thắng lợi trọng sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để giành độc lập cho dân tộc, giành tự do cho nhân dân. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa thì văn hóa lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức tại phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội vào ngày 24-11 tại Hà Nội và được nhiều chuyên gia văn hóa đặt tên Hội nghị Diên Hồng về văn hóa bởi tầm quan trọng của nó. Hội nghị có sự tham dự đầy đủ của những người đang làm văn hóa, những nhà quản lý tới những người sáng tạo văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa.
Tham dự Hội nghị, trong bài phát biểu của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò soi đường cho quốc dân đi; và nhấn mạnh mong muốn sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Mượn lời tiền nhân: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, Tổng bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Điều này được Tổng bí thư khẳng định nhiều lần trong suốt bài phát biểu.
Hội nghị năm 2021 là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, văn hoá luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển của đất nước. Trong xây dựng văn hoá lấy trọng tâm là chăm lo cho con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.
Hội nghị đã đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan trọng hơn, hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới với những giá trị mạnh mẽ.
Đó là những con người Việt Nam gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, phát triển toàn diện, yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức mạnh mẽ, biết thượng tôn pháp luật… Văn học nghệ thuật được phát huy giá trị mạnh mẽ hơn trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước được phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị cũng được đặt ra mục tiêu góp phần vào ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống, đưa văn hóa vào trong chính trị và kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, bảo vệ di sản… như dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đang xây dựng.
Với những nội dung được đưa ra trong Hội Nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta tin tưởng rằng Văn hóa Việt Nam thời hiện đại sẽ kế thừa, tiếp biến trên nền tảng truyền thống yêu nước, thương nòi, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong tiến trình dựng nước và giữ nước, định hướng, dẫn dẫn dắt và mở ra chân trời tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.
Tin bài: Lý Thu Huyền
Đang cập nhậtLượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 39