Sinh hoạt Khoa học thường kỳ của Bộ môn Chính trị
[ 14/04/2012 14:00 PM | Lượt xem: 1810 ]

Được sự quan tâm và chỉ đạo của nhà trường, Seminar khoa học được đưa vào chương trình làm việc và trở thành hoạt động thường niên của khoa Khoa học cơ bản. Mỗi năm, các bộ môn trong khoa sẽ luân phiên thực hiện seminar với các hình thức nhóm hay cá nhân báo cáo, nhằm trao đổi thông tin khoa học và mở ra các hướng nghiên cứu và tiếp cận mới, nâng cao chất lượng dạy và học của giảng viên và sinh viên. Năm học 2011 – 2012, Bộ môn chính trị tổ chức thực hiện seminar định kỳ với sự tham gia của tất cả cán bộ, bước đầu đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực.


Các đề tài seminar được các báo cáo viên lựa chọn tương đối đa dạng, gắn liền với các vấn đề chính trị - xã hội hiện nay ở Việt Nam, như “Ảnh hưởng của kinh tế tri thức đến kết cấu của hình thái kinh tế - xã hội” của báo cáo viên Lê Thị Sự. Đồng chí đã phân tích sự xuất hiện và ảnh hưởng của kinh tế tri thức đối với các nhân tố lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Mặc dù chỉ mới hình thành vào những năm 70 của thế kỷ XX ở các nước tư bản phát triển, song kinh tế tri thức đang khẳng định tính vượt trội và vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của các quốc gia; đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Báo cáo viên nhấn mạnh, sự ra đời của kinh tế tri thức một mặt thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tạo ra năng suất lao động cao hơn; mặt khác cũng làm sâu sắc hơn tình trạng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội. Báo cáo viên đã khẳng định, kinh tế tri thức không phủ nhận lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của triết học Mác mà nó tạo ra những tiền đề, điều kiện mới cho sự phủ định xã hội tư bản chủ nghĩa và đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, nhằm phát triển con người toàn diện.


Báo cáo viên Cao Thị Phương Nhung cũng lựa chọn một nội dung mang tính thời sự ở nước ta, đó là “Thực trạng và giải pháp giải quyết vấn đề lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay”. Tín ngưỡng, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, gắn liền với đời sống tinh thần của một bộ phận dân cư. Mọi người có quyền theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Báo cáo viên đã tập trung phân tích nhưng âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch trong và ngoài nước,  nhằm vào tôn giáo để tuyên truyền, kích động dân chúng, bôi xấu Đảng, Nhà nước và làm lệch lạc nhận thức của bộ phận người theo đạo. Trong công tác đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo ở nước ta phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của Đảng; đồng thời phải gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, làm cho quần chúng tín đồ, giáo sĩ, chức sắc tôn giáo chấp hành tốt và nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu chống phá và lợi dụng tôn giáo của kẻ địch.


Đồng chí Trương Thị Thảo Nguyên đã trình bày báo cáo của mình về “Thực trạng và giải pháp của việc thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện nay”.  Báo cáo viên đã trình bày những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện dân chủ cơ sở ở nước ta hiện nay. Có thể nói xây dựng chế độ dân chủ nhân dân được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công và cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh chống thực dân, đế quốc cũng như trong điều kiện đất nước hòa bình. Sinh thời Hồ Chí Minh từng nói, “nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, dân chủ “là của quý báu nhất” trên đời của nhân dân. Thực hành dân chủ rộng rãi theo Hồ Chí Minh là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Vận dụng những tư tưởng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không ngừng tổ chức và hiện thực hóa những nội dung của dân chủ trên các bình diện của đời sống xã hội. Ngày 18/12/1998, Bộ chính trị đã ra chỉ thị số 30 xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo nền tảng pháp lý đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng vi phạm dân chủ ở cơ sở còn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để. Báo cáo viên cũng nhấn mạnh những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và đề ra những giải pháp nhằm tăng cường thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trong những giải pháp, đồng chí nhấn mạnh đến việc nâng cao trình độ dân trí và tăng cường sự quản lý của Nhà nước, thực hiện tốt hai hình thức là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.


Tại mỗi buổi Seminar, các đồng chí trong Bộ môn đã cùng trao đổi, thảo luận những nội dung của đề tài báo cáo và tiếp tục có những tìm tòi trong quá trình nghiên cứu của bản thân. 


Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, đồng chí Phan Thị Hòa – Phó Khoa Khoa học cơ bản đã phát biểu, đánh giá cao sự chuẩn bị và làm việc nghiêm túc của báo cáo viên và bộ môn, khẳng định các đề tại đưa ra có tính khoa học và thực tiễn cao. Đồng chí nhấn mạnh, Seminar là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, mang lại những trải nghiệm quý, giúp cho mỗi cán bộ giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, rèn luyện và bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ học tập – giảng dạy. Đó là những ghi nhận và chỉ đạo của Ban lãnh đạo Khoa để Bộ môn chính trị tiếp tục rút kinh nghiệm và tổ chức các buổi Seminar tiếp theo có chất lượng cao.


Những hình ảnh của buổi sinh hoạt:

< Trịnh Thị Nghĩa >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 22