Cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển
[ 23/03/2018 00:00 AM | Lượt xem: 266 ]
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đã ngày một nóng lên khi các trường công bố hàng loạt các thông tin tuyển sinh hấp dẫn như: Mở thêm nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, đa dạng hóa các loại hình xét tuyển với những tổ hợp mới lạ, điều này được coi là thuận lợi cho thí sinh, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

Phù hợp với năng lực

PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng: Điều tiên quyết là thí sinh phải thông thái khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với năng lực học tập và ngành nghề theo sở thích cá nhân.

Nếu như những tổ hợp xét tuyển truyền thống rất căn bản và đã tồn tại nhiều năm nay, dù gì nó cũng có những ưu điểm, nếu không có những suy tính khác biệt thì lựa chọn tổ hợp truyền thống là điều nên làm.

Còn với những tổ hợp mới, các trường đưa ra là cũng có những tính toán ở sự đặc thù hoặc là ngành nghề hay tạo sức hút đối với người học. Nhưng quan trọng hơn cả là thí sinh phải xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với tổ hợp xét tuyển và ngành học hay không.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 này, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển, với số lượng 4 tổ hợp cho mỗi ngành/nhóm ngành. Đây là điểm mới được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao.

Việc các trường được quyền tự chủ hoàn toàn trong công tác xét tuyển với việc chủ động đưa ra các phương án xét tuyển được coi là thuận cho cả nhà trường và thí sinh vì với cách thức này, sẽ giúp các trường lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất vào học. Còn với người học, đa dạng tổ hợp xét tuyển mỗi ngành và nhóm ngành cũng đồng nghĩa với việc thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển, xét tuyển theo sở thích và nguyện vọng của mình.

Lời khuyên đối với thí sinh của nhiều chuyên gia tuyển sinh là thí sinh cần phải thông thái khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển. Hãy đặt ra những giả thiết trong trường hợp lựa chọn tổ hợp xét tuyển nào đó không phù hợp với năng lực, cứ cho là khả năng trúng tuyển là có thì khi theo học các em sẽ phải chấp nhận những thực tế có thể mình không vừa lòng với ngành học đã chọn lựa, hoặc việc đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp và ngành học đó vượt quá sức mình khiến việc học tập trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ chuyển đổi ngành học hoặc không có khả năng theo học hết chương trình đào tạo. Đây là sự lãng phí không chỉ là tiền của mà còn là thời gian – thứ không lấy lại được đối với mỗi người.

Hướng đến chất lượng

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải – phân tích: Việc Bộ GD&ĐT quy định cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại.

Thực tế cho thấy, việc thiết kế chương trình đào tạo của các trường hiện nay là đa dạng và phóng phú, tất cả đều hướng tới phát triển năng lực tư duy toàn diện của người lao động, theo những yêu cầu ngày càng cao của vị trí việc làm của từng ngành đào tạo. Hiện nay, xu thế chung trong đào tạo của các nhà trường là ngoài lượng kiến thức chuyên ngành căn bản thì các trường cũng trang bị cho sinh viên những kiến thức tổng hợp mà ta hay gọi là “kỹ năng mềm”.

Đánh giá cao chủ trương các trường chủ động xác định tổ hợp xét tuyển là hướng đến trách nhiệm và chất lượng hơn, GS.TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội – cho rằng: Việc lựa chọn tổ hợp tuyển sinh đầu vào có ý nghĩa rất quan trọng đối với các trường và đặc biệt là thí sinh. Nếu các em không có thiên hướng về toán hoặc khoa học tự nhiên sẽ rất khó khăn khi theo học các ngành như toán, công nghệ thông tin, cơ học, tự động hóa… Thế nên việc xây dựng tổ hợp, môn xét tuyển phải phù hợp với ngành/nhóm ngành xét tuyển.

Trước việc có những tổ hợp xét tuyển mới trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 này, những chuyên gia tuyển sinh cho rằng nên lạc quan nhiều hơn là lo lắng vì khi các trường tính toán xây dựng các tổ hợp xét tuyển là đều tính hướng đến chất lượng, chứ không có trường nào làm ngược lại vì sẽ bị đào thải trong một môi trường cạnh tranh ngày càng cao giữa các trường.

Trong bối cảnh thông tin công khai như hiện nay thì việc tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo mà thí sinh muốn theo học, đánh giá xem có phù hợp hay chất lượng không là điều không quá khó. Chính vì vậy, các trường khi mở rộng vào các tổ hợp vẫn cần bám vào những tổ hợp theo khối thi truyền thống như A – C – D… trước đây.


< http://lop12.edu.vn/can-nhac-lua-chon-to-hop-xet-tuyen/ >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 46