“LÀ CHIẾN SĨ”: NHỮNG TRẢI NGHIỆM VUI CỦA SINH VIÊN K12 KHTV.
[ 01/04/2016 16:12 PM | Lượt xem: 850 ]


Trước ngày tham gia đợt học tập giáo dục quốc phòng tập trung, trong suy nghĩ của tôi và nhiều sinh viên khác nữa là nỗi sợ hãi mơ hồ. Nỗi sợ một môi trường kỷ luật khắc nghiệt, nỗi sợ sự gian truân vất vả, … Thế nhưng, những ngày được “làm chiến sĩ” tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng – Đại học Thái Nguyên (từ 22/2 đến ngày 27/3/2016, do trường Đại học Khoa học tổ chức cho sinh viên K12) đã để lại trong tâm hồn mỗi sinh viên chúng tôi một ấn tượng hoàn toàn khác. Đó là những trải nghiệm thú vị, là một kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên và là một hành trang cần thiết cho quá trình bồi đắp tình yêu Tổ quốc ở mỗi người trẻ.

Vẻn vẹn 33 ngày học tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng mà kỷ niệm cứ ăm ắp. Chúng tôi được trải nghiệm như 1 chiến sĩ quân đội nhân dân thực thụ: ăn, ngủ và mọi sinh hoạt theo giờ, theo tiếng còi hiệu lệnh; mặc quân phục; được học tập, được rèn luyện sức khỏe, thấm thía hơn những hy sinh, những cực nhọc, vất vả của người chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; được có cảm giác nhớ, vương vấn “thế giới bên ngoài”. Ngày trở về, ai cũng đầy tiếc nuối, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ tiếng còi hiệu lệnh cho mỗi hoạt động mỗi ngày.

Ngày đầu tiên vào trung tâm, tôi đã rất lo sợ mình sẽ không chịu đựng nổi cuộc sống ở nơi đây. Tôi phải sống xa những người tôi quen biết, xai tôi đã gắn bó trong gần 1 năm qua, xa những người chị choe chóe trêu đùa, rồi có thể tôi sẽ bị bắt nạt: “sợ…và sợ…”, ý nghĩ đó cứ văng vẳng bên tai.

Nỗi sợ càng tăng lên khi tôi phải một mình xách đồ từ cổng vào khu kí túc D (vì tôi không đi xe của Nhà trường). Tôi vào điểm danh, gặp quản sinh và nhận phòng. Không lâu sau những bỡ ngỡ ban đầu ấy, quân tư trang phục vụ cho học tập và rèn luyện được phát cho mỗi sinh viên: chiếu, chăn màn, quần áo, khăn mặt, sách vở …11h trưa, tiếng còi đầu tiên cất lên. Tôi giật mình không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Khi nghe thầy giáo gọi “Nhà D đi ăn trưa” tôi mới hiểu mỗi lần có tiếng còi là sẽ thực hiện 1 chế độ trong ngày. Lúc đi ăn chúng tôi phải xếp hàng ngay ngắn không được nhốn nháo, quần áo chỉnh tề, lấy quân số khi đi ăn. Thầy nhắc nhở vì là ngày đầu tiên nên thầy dẫn chúng tôi lên nhà ăn. Lên nhà ăn, hiện lên trước mắt tôi là một không gian thật đặc biệt: những dãy bàn ngăn nắp, bát được sắp xếp rất ngọn gàng trên bàn, thức ăn được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

11h30, tiếng còi lanh lảnh vang lên: “Nhà D đi ngủ”. Không quen giấc nên chẳng ai ngủ được. Tôi cứ nằm trằn trọc với những suy nghĩ linh tinh: “Không biết là chiều mình sẽ làm những gì? Khi nào mới ra khỏi nơi quỷ quái này…?” 13h30, chúng tôi được học bài học đầu tiên: gấp chăn màn. Thầy giáo hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ rồi thoăn thoắt thực hành luôn. Chỉ một loáng, chăn màn đã được gấp gọn gàng, đẹp mắt, bắt góc cạnh rất vuông vắn, không có chút nhàu nhĩ nào. Chúng tôi được mục sở thị “tác phong quân đội”, vốn chỉ nghe nói. Tiếp đó, thầy dạy bài thể dục buổi sáng rồi đi kiểm tra nội vụ cá nhân của từng phòng. Háo hức, chúng tôi về phòng phụ giúp nhau gấp gọn chăn màn để ở cuối giường, thực hành ngay những điều thầy vừa dạy. 16h45, chúng tôi ra sân cỏ để chơi trò chơi và tham gia các hoạt động thể thao khác: đá bóng, đánh bóng chuyền, đá cầu. Chúng tôi đã dần quên đi cảm giác xa lạ ban đầu.

18h, tiếng còi lại vang lên, chúng tôi tập trung ở ngay trước sân của kí túc và điểm danh quân số rồi đi ăn cơm. Bữa cơm thứ 2 của các “chiến sĩ” có thêm nhiều chuyện, để quên đi cái không khí “chán nản” ở nơi xa lạ này. Chúng tôi kể cho nhau nghe những ngày tết đầm ấm bên gia đình, với mâm ngũ quả, với khoảnh khắc đón giao thừa và đi chơi tết, cùng động viên nhau những ngày huấn luyện sẽ đi qua nhanh thôi mà. 21h30, “tít tít tít - tất cả nhà D đóng cửa đi ngủ”. Vậy là đã hết 1 ngày, chúng tôi không có chút nặng nhọc nào.

Ngày thứ 2, chúng tôi đã có lịch học và cũng là ngày trực đầu tiên của lớp 13 (tên lớp học đặt riêng cho đợt học Giáo dục quốc phòng). 5h30 dậy tập thể dục buối sáng. Đây thực sự là khó khăn đối với sinh viên quen ngủ nướng, nhưng “quân lệnh như sơn”, chúng tôi răm rắp thực hiện để đến 6h là ăn sáng. 6h30, các “tân chiến sĩ” tập trung với tay trái cầm sách tay phải buông tự do bước đều đến giảng đường học. Sinh viên trường Đại học Khoa học được tổ chức thành 3 lớp, đặt tên lớp 13, 14, 15, mỗi lớp học có khoảng 120 sinh viên. 7h, chúng tôi bắt đầu vào học tiết học đầu tiên. Cảm giác hơi lo sợ một chút vì giảng viên mặc quân phục chỉnh tề và vẻ mặt rất nghiêm nghị. Nhưng cảm giác đó qua đi nhanh chóng, sau vẻ mặt nghiêm nghị đó là sự hòa đồng với sinh viên của thầy giáo. Thầy cũng chia sẽ rất thẳng thắn về những kinh nghiệm của những khoá học trước. Hết 45 phút, chúng tôi được ra chơi 5 phút và cứ như thế 10h45 chúng tôi hết tiết quay trở lại với phòng kí túc chuẩn bị đi ăn trưa. Vẫn như hôm đầu, chúng tôi vẫn xếp hàng đi ăn, điểm danh. Có khác là chúng tôi cảm nhận sự gần gũi, sự quan tâm khi nghe thầy giáo hỏi thăm “Tối qua ngủ có ngon không? Cố gắng một vài ngày sẽ quen với nếp sống kỷ luật”.

Một ngày của chúng tôi trôi qua với 10 tiết học. Mỗi một buổi học chúng tôi sẽ được một thầy giảng dạy. Những tiết học có thầy vui tính là y như rằng cười thoải mái, nô đùa nhau khi nghỉ giải lao. Để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng nhất là thầy Dương - giảng viên được coi là đẹp trai và trẻ trung. Thầy dọa cho chúng tôi té ghế từ khi bước vào lớp. Có chuyện gì thầy cũng chỉ có câu “Tai họa” “Đa khoa thẳng tiến”. Sau những câu nói dọa nạt là một thầy giáo vui tính, đáng yêu, biết quan tâm đến sinh viên.

Tất cả đã trở nên thân quen, bình dị. 18h chúng tôi lại đi ăn cơm và bắt đầu vào giờ tự học vào lúc 20 h.

Ngày trực ca luôn là ngày chúng tôi thiếu ngủ. Một số sinh viên không quen nên ngủ gật trong giờ học bị thầy phạt, báo động cả lớp. Sau hiệu lệnh báo động, chúng tôi phải bật dậy, chuẩn bị quân tư trang đầy đủ, sau 2 phút có mặt tại sân trường. Sinh viên bị phạt bò 100m xung quanh trường. Khoảng cách chạy 100m còn có thể thực hiện dễ dàng nhưng bò đúng kĩ thuật như khi đi đánh trận 100m thì quả là khó khăn. Rưng rưng nước mắt cho đồng đội mình bị phạt, cả lớp xin thầy nhưng không được bởi “quân lệnh như sơn”. Lúc đó, chúng tôi thấy thương bạn mình, cảm thấy gắn bó với nhau hơn, biết quan tâm, đoàn kết và ý thức hơn để không vì 1 người mà làm ảnh hưởng đến tập thể. Chúng tôi cùng hứa với thầy sẽ không có lần thứ 2 nữa. 11h chúng tôi dìu nhau về phòng ngủ. Qua lần phạt này chúng tôi mới càng có ý thức hơn, thân thiết với nhau hơn, vì mục đích chung mà phấn đấu.

Một tuần học cũng đã trôi qua. Ngày chủ nhật, chúng tôi được ngủ nướng thêm 30 phút. Chúng tôi thật sự thiếu ngủ vì thay đổi giờ giấc nhưng ngày chủ nhật cũng là ngày ý nghĩa với chúng tôi. Mỗi tuần chúng tôi sẽ có 1 buổi lao động giúp nhà trường và cũng là để rèn sinh viên tinh thần đoàn kết để làm tốt nhiệm vụ đươc giao. Chúng tôi đi cắt cỏ, phát cỏ trồng cây. Có những sinh viên lần đầu tiên được làm công việc này nhưng chúng tôi bảo ban nhau cùng làm để thực hiện tốt công việc được giao.

Ngoài những giờ học tập rèn luyện tất cả đều có phút thư giãn của riêng mình. Chúng tôi tụ tâp nhau ở căng tin, cùng uống nước cùng xem phim, cùng trêu đùa “Ôi trời ơi, lâu lắm rồi tớ mới lại thấy tivi, sướng thế”, “tớ thèm xúc xích” … tranh nhau nói thật là vui. Đặc biệt, ngày 8/3 - ngày Quốc tế Phụ nữ, sinh viên nam nhà D tổ chức cho tất cả sinh viên nữ - một ngày thật ý nghĩa.

Tuy là không được trọn vẹn, không được ở bên người mình yêu thương song đó cũng là 1 niềm hạnh phúc nho nhỏ cho các chiến sĩ nữ chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy được yêu thương.

Chúng tôi phải kết thúc 3 học phần chỉ trong ngày rưỡi vì vậy ai cũng vùi đầu vào học bài. Nhưng quy định là quy định, 11h tối tất cả tắt đèn nhưng có thể mở đèn học. Trực ban chúng tôi thấy được sự cố gắng của tất cả mọi người. Có phòng bật đèn học cả đêm luôn để học. Điều này cho thấy sự cố gắng, chăm chỉ học tập của tất cả sinh viên trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Tôi tự hào là một trong số đó.

Nhớ lúc đi trực, mỗi nhóm trực có khoảng 6-7 người cùng 1 ca được chia đều trong cùng 1 lớp. Trời rét căm căm và lại còn mưa, ai cũng đều đã mặc ấm, đội mũ nhưng dường như không thể cản lại được cái lạnh. Chúng tôi ngồi xích lại với nhau cho đỡ lạnh, tựa vai nhau cùng trực, nói chuyện cho cái rét bớt đi. Chúng tôi thấy thấm thía hơn hai chữ “đồng đội”. Thấm thía hơn sự vất vả, nhọc nhằn của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Có những khi tuần trực đúng tuần thi, ai cũng đều mang theo 1 cuốn sách hoặc vở để ôn bài. Lúc đó chẳng ai thấy buồn ngủ nữa. Dù lo cho việc học nhưng không ai bỏ bê ca trực và vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thầy quản sinh rất tận tình chăm lo cho sinh viên ngay cả lúc ăn uống ngủ nghỉ. Khi có người bị ốm thầy đến tận phòng thăm hỏi động viên “Ăn uống đầy đủ uống thuốc để mau khỏi bệnh nhá”. Có hôm vì có các em bé cấp 1-2 tham gia khóa học “Chúng tôi làm chiến sĩ”, lịch ăn của chúng tôi thay đổi 11h30 mới được ăn chúng tôi than vãn, thầy động viên chúng tôi cố gắng. Tất cả những gì thầy làm cho chúng tôi đều muốn tốt cho chúng tôi. Chúng tôi được rèn luyện được kỉ cương, kỉ luật, nêu cao tinh thần, rèn luyện bản lĩnh chính trị để khi vào quân đội sẽ không phải bỡ ngỡ, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Cũng đến lúc chúng tôi phải xa nơi này - nơi yêu thương theo đúng nghĩa quân đội. Tất cả kỉ niệm một thời. Chúng tôi sẽ chia xa sau ngày thi cuối cùng. Ngay sau khi thi xong tất cả về phòng dọn dẹp quân tư trang của mình để 10h30 chuẩn bị ở dưới sân lên xe Nhà trường rồi “về với thế giới”.

Cảm giác thật lạ, nôn nao, rạo rực. Lúc đó, chúng tôi không muốn rời đi chút nào. Khuôn mặt ai cũng hiện lên sự tiếc nuối.

Chúng tôi tham gia đợt học tập Giáo dục quốc phòng vào thời điểm mà “Hậu duệ mặt trời” (một bộ phim có chủ đề về quân đội Hàn Quốc) đang là tâm điểm của giới trẻ Việt Nam, được xem nhiều và cũng gây nhiều tranh cãi. Tôi không xem phim, và cũng không bình luận. Chúng tôi chỉ thấy yêu hơn, trân trọng hơn những chiến sĩ quân đội của mình, thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc. Bác Hồ đã từng viết: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho tổ quốc, cho nhân dân” (Trích 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên). Nếu rèn đạo đức, học tập và rèn sức khỏe là yêu nước thì chúng tôi tự hứa với lòng mình sẽ luôn phấn đấu không ngừng với tất cả sức trẻ của mình.

Mấy hình ảnh của các “sinh viên - chiến sĩ” K12 KHTV:













Bài và ảnh: Hoàng Châm – KHTV K12


Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 74