PGS.TS Nông Quốc Chinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên): Đủ tin cậy để sử dụng kết quả của kỳ thi làm căn cứ tuyển sinh
Phương án này đáp vừa đúng với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, vừa giảm được gánh nặng thi cử và số lượng các kỳ thi quốc gia, vừa phát huy được tính tự chủ của các trường đại học.
Việc các trường đại học có đủ năng lực được giao trách nhiệm tổ chức tại các cụm thi như coi thi, chấm thi… sẽ giúp cho kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra nghiêm túc, kết quả thi đủ độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng khác yên tâm sử dụng làm căn cứ tuyển sinh (nếu không muốn tổ chức kỳ thi riêng).
Ngoài ra, việc phát huy vai trò của các trường đại học và các sở GD&ĐT tại các cụm thi để tổ chức nghiêm túc và nâng cao chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia cũng sẽ tác động đến học sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc.
Về nội dung thi, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí) như vậy là hợp lý và tránh được tình trạng học lệch. Đây cũng là các môn học nền tảng, rất cần cho việc học tập ở hầu hết các trường đại học ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên tôi cũng rất mong Bộ sẽ có phương án xử lý kết quả thi thật phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi về tuyển sinh cho các trường khó khăn trong công tác này.
Ngoài ra, Bộ cần có hướng dẫn và thông tin sớm về việc bố trí các cụm thi, ra đề, chấm thi, phương thức xét tuyển của các trường... để thí sinh biết và chuẩn bị, tránh những thay đổi đột ngột gây bất lợi cho các thí sinh, nhất là thí sinh thuộc vùng sâu, vùng xa.
Tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù để thu hút học sinh vào học các ngành nghề ít có khả năng xã hội hoá như các ngành khoa học cơ bản. Hiện các địa phương và đất nước vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này nhưng có rất ít học sinh giỏi theo học.
PGS.TS. Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế:Không sợ học sinh học lệch
PGS.TS. Nguyễn Thám
Với phướng án tổ chức kỳ THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố sẽ giảm áp lực đối với học sinh và xã hội. Ngoài ra, với phương án này sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các em học sinh. Cụ thể sẽ giảm áp lực đối với học sinh và xã hội.
Từ thực tế những năm trước cho thấy, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học, cao đẳng rất gần nhau, do vậy không chỉ có thí sinh có tâm lý lo lắng mà phụ huynh cũng hồi hồi không kém. Nhiều em có bị rối loạn tâm lý do áp lực thi cử. Chính vì vậy, với kỳ thi “2 trong 1” chúng tôi thấy rằng khá là hợp lý.
Ngoài ra, việc xét tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia và điểm học tập trung bình lớp của 12 sẽ hạn chế bớt hiện tượng học lệch khi chọn các môn thi tự chọn.
Nhiều người băn khoăn lo lắng vì giảm số môn thi vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho các em học sinh học tủ, học lệch. Tuy nhiên tôi cho rằng điều đó sẽ không xảy ra vì thực tế để được xét công nhận tốt nghiệp THPT ngoài yếu tố dựa trên kết quả 4 môn thi tối thiểu còn phải căn cứ vào điểm trung bình cả năm học lớp 12.
Vấn đề còn lại là công tác tổ chức thi: Đề thi cần có sự phân hóa năng lực của thí sinh từ mức độ trung bình đến khá và giỏi. Việc làm này sẽ phân loại được năng lực học tập của học sinh.
Với những học sinh có học lực trung bình hoặc dưới trung bình một chút cũng có thể đỗ tốt nghiệp THPT còn những học sinh khá giỏi sẽ có cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng của mình.
Mặt khác, việc ra đề có tính phân loại sẽ tạo điều kiện cho những trường tốp trên sẽ tuyển được học sinh đạt điểm giỏi còn những trường tốp giữa sẽ tuyển sinh được những thí sinh có điểm sát với điểm giỏi và những trường tốp dưới có thể tuyển được những thí sinh theo điểm thấp hơn một chút.
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 8