Hội thảo trực tuyến Phát triển văn hoá đọc trong thư viện trường học
[ 01/05/2022 00:00 AM | Lượt xem: 0 ]

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm học 2021 – 2022, thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, ngày 23/4/2022, Bộ môn Thông tin – Thư viện, Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo Khoa học trực tuyến với chủ đề “Phát triển Văn hóa đọc trong trường học”.

Đến dự với buổi Hội thảo Khoa học trực tuyến có PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên; TS. Lê Trung Kiên – Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản; ThS. Hà Thị Thu Hiếu – Phó Trưởng Bộ môn Thông tin Thư viện; cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản; các cán bộ thư viện trường Trung học phổ thông (THPT) của ba điểm cầu chính kết nối với Hội thảo: Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng – Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, Trường THPT Trần Phú – Võ Nhai – Thái Nguyên, Trường THPT Đồng Hỷ - Thái Nguyên; các cán bộ thư viện trường phổ thông tại 6 điểm cầu khác: Trường THPT Thông Nông - Hà Quảng - Cao Bằng, Trường THPT Cách Linh - Quảng Hòa – Cao Bằng, Trường THPT thị trấn Thanh Nhật - Hạ Lang – Cao Bằng, Trường THPT Thông Huề - Trùng Khánh - Cao Bằng, Trường THPT Tĩnh Túc - Nguyên Bình - Cao Bằng, Trường THPT Ba Bể - Ba Bể - Bắc Kạn; đông đảo sinh viên chính quy của Nhà trường; học viên các lớp liên thông ngành Thông tin – Thư viện liên kết đào tạo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước: Nam Định, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Hưng Yên, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, …

Ảnh 1: Khách mời tham dự Hội thảo

Điều 30 Luật Thư viện số 46/2019/QH14 đã được Quốc hội chính thức thông qua ngày 21/11/2019, có hiệu lực thi thành từ ngày 01/7/2020 quy định:

"Phát triển văn hóa đọc

1. Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

2. Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;

b) Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;

c) Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;

d) Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện từ; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin".

Từ xưa tới nay, sách luôn gắn bó với đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đọc sách là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Theo đó, tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. 

Bộ môn Thông tin Thư viện thuộc Khoa Khoa học Cơ bản được thành lập vào tháng 8 năm 2011. Mười một năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, đặc biệt là nhiều thế hệ học viên hệ vừa học vừa làm liên kết đào tạo tại các tỉnh, thành trong cả  nước. Tính đến tháng 4 năm 2022, khoảng 3000 sinh viên, học viên ngành Thông tin Thư viện đã được cấp bằng tốt nghiệp; hơn 1200 sinh viên chính quy và học viên liên thông hiện đang theo học. Bên cạnh hoạt động đào tạo, các buổi hội thảo chuyên đề và thao giảng chuyên môn là hoạt động thường niên của Bộ môn giúp các cán bộ giảng dạy trong Bộ môn có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và trao đổi những kinh nghiệm quý báu, phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên.

Ảnh 2: Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Tiếp nối truyền thống đó, hòa chung với nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức trên cả nước hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, Khoa Khoa học Cơ bản tổ chức Hội thảo Khoa học trực tuyến với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong trường học” với mục đích:

- Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.

- Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên và tôn vinh những những người tham gia quá trình tổ chức và quảng bá sách.

- Phát triển Văn hóa đọc trong các trường phổ thông trên địa bàn các tỉnh trong cả nước nói chung.

Đến với buổi Hội thảo, TS. Lê Trung Kiên đã có bài phát biểu ý nghĩa khai mạc Hội thảo.

Ảnh 3: TS. Lê Trung Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Tiếp nối chương trình, PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái cùng ôn lại ý nghĩa ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, đồng thời ghi nhận những đóng góp quan trọng của Bộ môn Thông tin – Thư viện với sự nghiệp đào tạo của Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên.

Ảnh 3: PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái phát biểu tại Hội thảo

Nội dung chính của buổi Hội thảo là các chia sẻ của các diễn giả tham gia.

Tất cả chúng ta đều mong muốn xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành giáo dục; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong công tác giảng dạy, học tập, xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên và học sinh; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc; củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện, duy trì và đảm bảo chất lượng hoạt động thư viện của nhà trường. Mỗi trường có một đặc thù riêng, về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, về nguồn nhân lực, về đối tượng bạn đọc. Bởi vậy, mỗi cán bộ thư viện ở từng trường sẽ có những ý tưởng, những giải pháp và những kinh nghiệm thực tế để phát triển văn hóa đọc trong trường học.  

 Tham gia Hội thảo, các đồng chí Trần Thị Khuyên – Cán bộ thư viện Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng – Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk; đồng chí Lâm Thị Thế - Cán bộ thư viện Trường THPT Trần Phú – Võ Nhai – Thái Nguyên; đồng chí Nguyễn Thị Thúy Vân - Trường THPT Đồng Hỷ - Thái Nguyên đã trao đổi với Hội thảo những khó khăn, thuận lợi trong thực tế hoạt động thư viện của mình, từ đó, đề xuất các giải pháp đã và đang thực hiện tại đơn vị nhằm phát triển văn hóa đọc. Đây cũng là các kinh nghiệp để các đồng nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau.

Ảnh 4: Đồng chí Trần Thị Khuyên – Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng – Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trình bày tham luận

Ảnh 5: Đồng chí Lâm Thị Thế – Trường THPT Trần Phú – Võ Nhai – Thái Nguyên trình bày tham luận

Ảnh 6: Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Vân - Trường THPT Đồng Hỷ - Thái Nguyên trình bày tham luận

Với vai trò tổ chức Hội thảo, ThS. Hà Thị Thu Hiếu đã có tham luận rất ý nghĩa về thực trạng văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay thông qua phần thống kê, khảo sát. Trên cơ sở khảo sát thực trạng đó, ThS. đã gợi ý nhiều giải pháp ý nghĩa nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung và trong hoạt đông thư viện trường học nói riêng.

Ảnh 7: ThS. Hà Thị Thu Hiếu - Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên trình bày tham luận

 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, rất nhiều thành viên tham gia Hội thảo trực tuyến đã gửi tới Ban Tổ chức các câu hỏi xoay quanh vấn đề phát triển văn hóa đọc trong trường học. Các băn khoăn này đều được ThS. Hà Thị Thu Hiếu và ThS. Nguyễn Minh Nguyệt, bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực thư viện, giải đáp với tâm thế rất nhiệt tình, sẵn sàng sẻ chia.

Ảnh 8: ThS. Hà Thị Thu Hiếu, ThS. Nguyễn Minh Nguyệt - Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên chủ trì phần thảo luận

Thông tin về tuyển sinh của Nhà trường cũng là nội dung quan tâm của nhiều bạn cán bộ thư viện trường THPT tại các điểm cầu các tỉnh, thành khác nhau. Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 20 ngành đào tạo theo 4 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2022; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập được ghi trong học bạ THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học công lập như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Nhà trường có nhiều chế độ chính sách dành cho sinh viên thuộc diện chế độ chính sách như và phần học bổng rất lớn (lên tới 1 tỷ đồng). Năm học 2022 – 2023, Khoa Khoa học Cơ bản tuyển sinh 2 ngành: 1 là ngành Thông tin Thư viện với 2 chuyên ngành Thư viện – Thiết bị trường học và Thư viện – Quản lý văn thư; 2 là ngành Quản lý Thể dục thể thao. Những thông tin này đã được ThS. Hà Thị Thu Hiếu chia sẻ khá chi tiết, cụ thể trong cùng buổi Hội thảo Khoa học trực tuyến.

Sau thời gian tổ chức khẩn trương với nhiều nội dung trao đổi thiết thực, Hội thảo Khoa học trực tuyến với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong trường học” do Bộ môn Thông tin Thư viện – Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã thành công tốt đẹp.

Hy vọng, với những kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội thảo, các cán bộ thư viện trường phổ thông sẽ có những gợi ý hữu ích cho bản thân trong quá trình hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị mình công tác.

Đây là hoạt động nghiệp vụ thường niên của Bộ môn Thông tin Thư viện – Khoa Khoa học Cơ bản – Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên được tổ chức. Chúng ta cùng kỳ vọng, trong thời gian tới, các cán bộ, giảng viên của Bộ môn sẽ có sức khỏe tốt, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên và sẽ tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn hữu ích cho các đồng nghiệp cùng tham gia.

Bài: Trịnh Thị Hiên

Ảnh: Ban Truyền thông Khoa Khoa học Cơ bản

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 36