Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải thưởng Kovalevskaia cho PGS-TS Vũ Thị Thu Hà (bìa trái) và PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn (bìa phải)
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, bố chị là sĩ quan quân đội, mẹ chị là một giáo viên cấp I. Từ nhỏ, khi còn học ở trường Lương Ngọc Quyến, Tp. Thái Nguyên chị đã sớm mang trong mình ước mơ trở thành cô giáo dạy Toán.
Rồi chị cũng thực hiện được niềm đam mê, mơ ước cháy bỏng của mình. Sau khi đỗ vào khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, chị được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi và trở thành thạc sỹ, tiến sỹ khi chưa quá tuổi 30. Chị tâm sự: “Lúc đó, tôi lại có mơ ước cao hơn, muốn đi nghiên cứu sinh để thoả mãn lòng say mê học Toán của mình. Với Toán, tôi như con “nghiện” vậy. Hiểu được điều đó, chồng tôi (từng là thầy giáo dạy tiếng Anh của mình) ủng hộ rất nhiệt thành”.
May mắn, được sự giúp đỡ của GS. TSKH Nguyễn Tự Cường -Viện Toán học Hà Nội - một trong những nhà khoa học Toán học hàng đầu của Việt Nam chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với 6/7 phiếu suất sắc, được Giáo sư Cường đánh giá rất cao và khen là học trò giỏi nhất.
Năm 2005, chị Lê Thị Thanh Nhàn nhận học hàm phó giáo sư, khi mới 35 tuổi. Chị trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm đó. Khước từ nhiều cơ hội làm việc ở nơi có điều kiện, PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn đã về công tác tại trường Đại học Khoa học, một trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên.
Hiện tại, PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn đang là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, chị đã công bố 16 công trình trên những tạp chí toán quốc tế uy tín được ISI xếp hạng, trong đó có 13 công trình trên tạp chí SCI và 3 công trình trên tạp chí SCIE. Đặc biệt, chị có 5 công trình trên Journal of Algebra - tạp chí quốc tế uy tín thuộc chuyên ngành Đại số, trong đó có những công trình được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn. Chị cũng đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên Thế giới. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 2007, chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và giải thưởng Khoa học của Viện Toán học Việt Nam, một giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm 1 lần cho hai nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.
Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt và là nguồn động viên lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khuyến khích chị em không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.
PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn chụp ảnh lưu niệm cùng ban lãnh đạo ĐHTN
Trong buổi lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia tại Hà Nội vừa qua, trả lời phỏng vấn trong cuộc tọa đàm về chính sách nhằm khuyến khích giảng viên nữ và các nữ sinh viên nghiên cứu khoa học, PGS.TS đã bộc bạch và chia sẻ những vất vả, gian lao của chị em phụ nữ làm khoa học, đặc biệt là phụ nữ đang công tác tại khu vực miền núi:: "nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em. Đúng là, nếu thực sự không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con thì khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học. Cho nên, để có được sự đóng góp thật sự, dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng năm, bằng tháng, bằng sự hi sinh của chính mình và của người thân.
Bằng sự thông minh, đôn hậu và vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn đã thực sự chinh phục được tất cả những người thân, đồng nghiệp và ngay cả những người dù chỉ được tiếp xúc với chị một lần. Chị xứng đáng là tấm gương, là động lực giúp các giảng viên và nữ sinh toàn Đại học trong sự nghiệp NCKH của mình.
PGS. TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc ĐHTN cho biết: “PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực đại số giao hoán ở Việt Nam và trên thế giới. Chị vừa là nhà quản lý giỏi, vừa làm chuyên môn rất nghiêm túc và hiệu quả. Ngoài công tác giảng dạy đại học, cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh, chị đã chủ nhiệm 01 đề tài cấp Nhà nước (quỹ Nafosted), 02 đề tài cấp Bộ. Hiện nay, chị được đánh giá là một trong số 11 thành viên của làng toán học Việt Nam có các công trình công bố quốc tế xuất sắc”.
Một số hình ảnh về PGS.TS LÊ THỊ THANH NHÀN
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 12