NGƯỜI GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI DIỆN MẠO THƯ VIỆN VIỆT NAM
[ 10/06/2019 00:00 AM | Lượt xem: 472 ]

SKĐS - Ðó chính là ông Phạm Thế Khang, đương chức Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thông tin.

Quen biết ông muộn nhưng lại cùng ông làm việc trong một cơ quan nhiều năm. Lần đầu tôi biết và hiểu ông là từ hội nghị bàn về thư viện huyện và cơ sở toàn quốc (khu vực phía Bắc) được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa vào giữa năm 1994. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) lại chọn Thanh Hóa làm đơn vị đăng cai. Khi ấy, tỉnh Thanh là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích hoạt động thư viện cấp huyện, cấp xã và đặc biệt là cấp thôn, làng. Thanh Hóa còn nổi tiếng về các hoạt động thư viện và sách báo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Thế Khang - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa - Thông tin.

Tại hội nghị, hàng trăm đại biểu từ các tỉnh, thành phía Bắc có dịp được tận mắt tìm hiểu về các hoạt động thư viện của tỉnh Thanh Hóa. Khi đó ông Phạm Thế Khang đang giữ cương vị Giám đốc Thư viện Thanh Hóa. Hai năm sau, được sự giới thiệu của ông Nguyễn Thế Đức, Giám đốc Thư viện Quốc gia, ông Khang được Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin điều động về Vụ Thư viện, giữ chức Phó Vụ trưởng. Và rất nhanh, chỉ một tuần sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Khang đã tham gia tổ chức Hội nghị Thư viện công cộng toàn quốc tại Đà Nẵng.

Cuối năm 1996, một thời gian không lâu khi về công tác ở Vụ Thư viện, ông Khang đã đề xuất và được cho phép thành lập các liên hiệp thư viện ở 7 khu vực trong cả nước. Đây là một đề xuất, một giải pháp mang tính chiến lược nhằm tập hợp lực lượng và thống nhất chỉ đạo mạng lưới thư viện cả nước thông qua các tổ chức nghiệp vụ theo đặc điểm từng khu vực. Qua tổ chức và hoạt động của các liên hiệp, những người làm nghề thư viện ở các địa phương có dịp gặp gỡ, làm quen, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ. Tình yêu nghề qua đó được nâng lên (đáng mừng là cho đến nay, sau gần 20 năm các liên hiệp thư viện vẫn duy trì và hoạt động ngày một hiệu quả). Có lý do để ông Khang tự tin đề xuất ý tưởng này. Khi còn ở địa phương, vào năm 1993 chính ông là người nêu ra vấn đề và được sự đồng thuận của 7 thư viện các tỉnh trong khu vực nên Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung đã được ra đời.

Đầu thế kỷ 21, ngành thư viện Việt Nam liên tiếp được đón nhận các tin vui mang ý nghĩa lịch sử của ngành. Đầu tiên phải nói tới là sự ra đời của Pháp lệnh Thư viện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lần đầu tiên sự nghiệp thư viện Việt Nam có được một văn bản pháp quy mang tính pháp lệnh. Sau đó là việc Chính phủ cho phép thành lập Hội Thư viện Việt Nam.

Đánh giá một cách công bằng, việc ra đời Pháp lệnh Thư viện là một kết quả tất yếu ròng rã suốt nhiều năm trời trăn trở, đeo đuổi của Bộ Văn hóa (rồi sau đó là Bộ Văn hóa - Thông tin) và của ngành thư viện. Công việc này được manh nha từ hơn 20 năm về trước. Để có được Pháp lệnh Thư viện (có giá trị thi hành từ tháng 4/2001) thì văn bản này đã trải qua 25 lần soạn thảo, bổ sung, góp ý, sửa chữa. Đã qua nhiều đời lãnh đạo và nỗ lực đóng góp của các chuyên viên trong ngành thư viện, nhưng đến khi ông Khang đảm nhận chức Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng ban Biên soạn thì Pháp lệnh Thư viện được bảo vệ thành công, từ cấp Bộ, cấp Chính phủ tới cấp Thường vụ Quốc hội. Ông Phạm Thế Khang đã biết kế thừa thành quả và rút ra nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước, sáng tạo cách làm, kết hợp hài hòa việc xây dựng pháp lệnh với việc chỉ đạo hoạt động ngày càng sôi động và hiệu quả của các liên hiệp thư viện công cộng, các ngành, giới và các trường đại học trong cả nước, tạo nên dư luận xã hội mạnh mẽ, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành. Khi pháp lệnh được ban hành thì ông Khang được lãnh đạo Bộ điều động sang giữ chức Giám đốc Thư viện Quốc gia.

Nếu việc ra đời của Pháp lệnh Thư viện có một phần đóng góp quan trọng của ông Phạm Thế Khang thì sự kiện thành lập Hội Thư viện là quá trình hoạt động tích cực và khéo léo của cá nhân ông. Tư tưởng, ý đồ lập hội đã được thai nghén từ việc tổ chức thành lập của các liên hiệp thư viện. Nhiều hoạt động của từng liên hiệp đã được mở rộng với quy mô liên kết giữa các liên hiệp. Đây chính là những bước tập dượt về công tác tổ chức, tạo điều kiện để cho bước đi của việc đề xuất thành lập Hội Thư viện sau này.

Đóng góp của ông Phạm Thế Khang với sự nghiệp thư viện Việt Nam còn ở dấu ấn trong việc góp phần mở rộng quan hệ nghề nghiệp với các tổ chức quốc tế và các nước trong châu lục và thế giới. Việc Thư viện Quốc gia Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Thư viện quốc tế (IFLA), là thành viên của Diễn đàn Thư viện Đông Nam Á (CONSAL) là những bước ngoặt đưa vị thế thư viện Việt Nam ra thế giới. Thư viện Quốc gia Việt Nam gia nhập tổ chức này có sự đóng góp tích cực của ông Khang với cương vị Vụ trưởng Vụ Thư viện thời điểm đó.

Ông Phạm Thế Khang vừa được tặng Cúp , Bằng khen trong Lễ tôn vinh danh hiệu trí thức KH&CN tiêu biểu của Liên hiệp các hội KHKTVN năm 2015.

Tháng 3/2003, được sự cho phép của Bộ Văn hóa - Thông tin, sự đồng thuận của Trung tâm Thư viện tin học hóa trực tuyến Hoa Kỳ (OCLC) và sự hỗ trợ của Tổ chức Từ thiện Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies), Thư viện Quốc gia Việt Nam, khi ông Khang là Giám đốc, đã cho tiến hành dịch khung phân loại thập phân Deway, ấn bản rút gọn 14 (DDC 14) để sử dụng rộng rãi, đem lại lợi ích to lớn cho các thư viện của Việt Nam. Với việc áp dụng MARC 21, A ACR2 và DDC 14, Thư viện Việt Nam đã thực hiện một cuộc cách mạng về chuẩn hóa nghiệp vụ theo chuẩn chung quốc tế, hòa nhập và tạo tiền đề để thống nhất nghiệp vụ trong cả nước, mở ra những triển vọng cho hoạt động của ngành thư viện Việt Nam trong tương lai.

Tháng 4/2009, được sự ủy nhiệm của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đứng ra tổ chức và tổ chức thành công Đại hội Thư viện các nước Đông Nam Á (CONSAL). Đây là lần đầu tiên thư viện Việt Nam đăng cai tổ chức một đại hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với cả ngàn đại biểu đến từ 27 nước và nhiều tổ chức thông tin - thư viện quốc tế.

Năm 2010, ông Phạm Thế Khang thôi chức vụ Giám đốc Thư viện Quốc gia nghỉ hưu theo chế độ. Và liền đó ông đã được bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam thay Chủ tịch Hội tiền nhiệm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần.

Là một cựu chiến binh, là thương binh đã để lại một bên tay trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông Phạm Thế Khang có tác phong giản dị, tính cách chân thành, khiêm nhường, thận trọng và rất nhiệt tình trách nhiệm với công việc. Hơn nữa ông còn là người biết quan tâm đến đồng nghiệp, không chỉ trong các cơ quan từng do ông phụ trách mà còn đối với địa phương, cơ sở. Mỗi khi phát hiện thấy những vấn đề cần giải quyết, ông không ngần ngại. Không giải quyết trực tiếp được thì kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Như mới rất gần đây thôi, khi thấy một vị Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện có hiện tượng tiêu cực trắng trợn, ngang nhiên giữ lại tất cả số tiền thưởng kèm theo bằng khen (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng cho một số thư viện đại học) với lý do dùng số tiền đó để bồi dưỡng cho vụ và quan hệ với Bộ, rồi cá nhân trực tiếp đứng ra cầm mà không một ai khác biết, đã gây bức xúc cho cán bộ và dư luận trong ngành. Sau khi tìm hiểu chắc chắn, thấy chính xác ông Phạm Thế Khang liền thay mặt Hội kịp thời có công văn gửi tới Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phản ánh và kiến nghị xử lý.


< http://suckhoedoisong.vn/nguoi-gop-phan-lam-thay-doi-dien-ma >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 26