Một vài cảm nghĩ về hội thi “Đi tìm văn hóa đọc”
Tối ngày 23/04, khoa Khoa học Cơ bản - Trường Đại học Khoa học (ĐHKH)
phối hợp với Ngân hàng thế giới (World Bank) và Trung tâm Học liệu tổ chức hội
thi “ Đi tìm Văn hóa đọc” nhằm tôn vinh Sách và Đọc sách tại
hội trường ĐHKH. Tới tham dự buổi lễ có ông Nông Quốc Chinh - Hiệu trưởng ĐHKH,
bà Nguyễn Ánh Nguyệt - Phó Giám đốc Trung tâm Học liệu, ông Phạm Thế Cường -
Chủ thư viện quận Gò Vấp kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ sách Người yêu sách Nguyễn
Huy Tưởng, tham dự chương trình còn có đại diện Ban giám hiệu, Phòng, Ban chức
năng các trường trong Đại học Thái Nguyên, và đông đảo các em sinh viên Khoa
học Thư viện, lớp tiếng Anh tăng cường, đại diện các học viên Khoa học Thư viện
hệ vừa học vừa làm tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang…
Các đại biểu chúc mừng cho thầy trò khoa Khoa học cơ bản - Đại học
Khoa học tròn 5 năm thành lập
Trong cuộc sống hiện đại dường như khái niệm “đọc sách” đã mờ nhạt dần trong tiềm thức của lớp trẻ, sinh viên thời nay chủ yếu dựa vào công nghệ như "một công cụ" để ăn, ngủ, học hiếm khi thấy các em đọc sách bằng chính sự đam mê thực thụ, hay chăng chỉ đến mùa thi các em mới chịu ngồi “nghiền” giáo trình để chống đối với kì thi sắp tới.
Thư viện trường học là nơi chứa đựng một lượng sách, báo, tạp chí, các loại giáo trình đa dạng, nhưng vẫn thiếu vắng bạn đọc, nhiều khi thư viện trở thành nơi tẻ nhạt, đơn điệu. Trái lại, các quán internet, hay dọc theo các dãy phòng trọ thì bạn đọc đang đắm mình với những trò chơi online, trang web vô bổ và với cả những video clip nhạy cảm, kích động… Đây là một thực trạng đáng lo, những cuốn sách cứ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… vẫn nằm yên một chỗ còn bạn đọc thì cứ quay lưng, cuốn theo vòng xoáy của những loại hình giải trí hiện đại
Các phần thi của 3 đội hấp dẫn, cuốn hút khán giả
“Đi tìm văn hóa đọc” chủ đề thật ý nghĩ và thân thiện, hay chăng “văn hóc đọc”
đã lạc mất nơi nào mà giờ ta muốn đi tìm lại? Quả thực, để nhiều bạn đọc tìm
đến với sách cũng là điều không dễ, xong chắc chắn dù ở đâu đó vẫn có những
người trọng sách, hiểu sâu sắc giá trị của chúng trong việc hoàn thiện hơn về
tri thức và nhân cách sống … Hội thi: “Đi tìm văn hóa đọc” chính là một
món quà dành cho những bạn đọc tại Thái Nguyên. Hội thi vinh dự với sự có mặt
của ông Phạm Thế Cường - Chủ thư viện tại quận Gò Vấp kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ
sách Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, một tấm lòng yêu sách đến trọn vẹn cuộc
đời
Trong buổi tọa đàm với sinh viên Đại học Khoa học Thái Nguyên, ông Phạm Thế Cường chia sẻ: “Người ta đến với sách vẫn là để giải trí, như tôi lúc nhỏ may mắn được đọc quyển sách đầu tiên rất hay là Không gia đình, từ đó tôi mê sách và luôn khao khát đọc. Với đa số mọi người cũng vậy. Mới đầu đọc sách phải thấy hay, thấy thích thú trước đã, còn những yếu tố giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức mới từ từ “ngấm” sau!” . Vậy sách đến với ông như một cơ duyên xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng: “ muốn sở hữu những cuốn sách cho mình và chia sẻ đến những độc giả có cùng niềm đam mê”, tuy phải sưu tầm sách ở nhiều nguồn khác nhau, từ một học giả, nhà văn, chợ sách cũ … và đến cả những bà đồng nát như lời ông Cường tâm sự qua những cử chỉ cao đẹp đó
Ông Phạm Thế Cường - Chủ thư viện tại quận Gò Vấp kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ
sách Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng giao lưu với các em sinh viên
Các đội tham dự cuộc thi: "Đi tìm văn hóa đọc"
Cuộc thi với sự tham gia của các em sinh viên chuyên ngành Khoa học Thư viện, ĐHKH, được chia thành 3 đội: Đa phương tiện, Phễu lọc thông tin và Sách điện tử, các đội trải qua các phần thi: Màn chào hỏi, hiểu biết, thi ghép logo và phần thi hùng biện. Ở phần thi nào các bạn sinh viên cũng rất tự nhiên, trả lời tự tin những kiến thức xung quanh về ý nghĩa của việc đọc sách và ngày hội đọc sách
Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã trao giải nhất cho đội Phễu lọc thông tin, giải nhì cho đội Sách điện tử và giải ba cho đội Đa phương tiện, nhưng chắc hẳn thắng hay thua điều đó không còn quan trọng vì các bạn sinh viên đến đây để gặp gỡ, giao lưu và hơn nữa là nhìn nhận rõ hơn về một nét văn hóa mà chính thế hệ của các em phải là những người giữ gìn, phát triển và tôn vinh, bởi: “Văn hóa đọc vừa là cách tiếp cận thông tin, cách học tập, lĩnh hội tri thức bền vững vừa là một nét văn hóa lâu đời gắn liền với con người. Sách luôn là người thầy vĩ đại, người bạn trung thành và gần gũi nhất. Cho dù phương tiện nghe nhìn hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế cho việc đọc sách của con người. Và tất nhiên, không thể mất đi văn hóa đọc”.
Thái Sơn - sưu tầm
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 45