ĐỌC SÁCH, NẾP SỐNG VĂN MINH
[ 22/04/2013 00:00 AM | Lượt xem: 1458 ]

Đọc sách, nếp sống văn minh


Con người có đời sống rất hữu hạn, lại không có nhiều thời gian để ngồi trên ghế nhà trường mãi. Nên đọc, nghe, nhìn cho nhiều là để kéo dài thêm đời sống hữu hạn của mình. Trong đó, đọc sách là một nếp sống đẹp, nó giúp con người bổ sung thêm kiến thức, nhận thức, tình cảm và kéo dài đời sống của mình bằng kinh nghiệm sống của cuộc đời của các nhân vật trong trong sách.

Một du khách đọc sách trong lúc nghỉ chân tại điểm du lịch

Lê-nin bảo: “Học! Học nữa! Học mãi”. Cụ Đỗ Phủ cũng bảo: “Đọc sách vở muôn quyển – Hạ bút như có thần”. Nhà văn Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế quyên góp sách của bạn bè, của mình để xây dựng thư viên cho xã Phong Hiền, huyện Phong Điền quê anh. Mới đợt đầu mà đã có tới 500 cuốn sách, để thanh niên, học sinh làng quê có sách đọc. Tôi cũng đang kêu gọi trí thức, văn nghệ sĩ cả nước ủng hộ sách để xây dựng thư viện ở Trường PTCS Ngư Thủy Trung quê tôi, vì các em học sinh làng biển nghèo, ít có điều kiện đọc sách.

Ra đường, hay ở bến xe, bến tàu, trên máy bay, tàu hỏa, xe đò, ta thường thấy các du khách nước ngoài tay luôn cầm cuốn sách mở, họ chăm chú đọc, dù xung quanh ồn ào, họ cũng mặc kệ. Tôi từng thấy ở quán bánh khoái Thượng Tứ, Huế nhiều du khách Châu Âu ngồi bên ngoài đợi trống bàn để vào quán ăn, họ lặng lẽ mở sách đọc, không câu nệ chỗ ngồi, bàn ghế. Tại sao người Tây họ mê sách đến vậy? Đi sang các nước châu Âu, ta thấy dân họ đọc sách ở phòng đợi sân bay, ở ga tàu điện ngầm, ở vườn hoa,…Vì từ nhỏ họ đã sống với sách. Họ được bố mẹ thường xuyên mua sách cho đọc. Trong ngân khoản mua sắm cho con hàng ngày, sách bao giờ cũng được chú trọng hàng đầu. Người ta không chỉ nuôi con bằng bánh mỳ, thịt, sữa, mà còn nuôi con bằng sách. Theo thông tin của nhà văn Nguyên Ngọc, nền giáo dục ở Phần Lan hiện nay đang được nhiều người nhất trí công nhận là chuẩn mực vào bậc nhất thế giới, kể cả Mỹ cũng phải tìm đến học. Khi một đứa bé vừa được sinh ra thì quà tặng đầu tiên dành cho nó là một giỏ sách. Đúng là một mỹ tục của đất nước văn minh và hạnh phúc.

Vậy người Việt có mê sách không ? Người Việt có rất nhiều người mê sách. Nhiều người nhờ sách mà nên danh tiếng. Nhà thơ Phùng Quán lúc nhỏ ở làng Thanh Thủy Thượng (Thủy Dương) mới học hết tiểu học Pháp, mò cua bắt ốc, rồi 15 tuổi đã đi theo Vệ Quốc Đoàn, làm gì có sách để đọc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, về Hà Nội, Phùng Quán mới lao vào đọc sách. Anh tự bồi dưỡng thêm tiếng Pháp để đọc sách văn chương Pháp. Anh đã đọc sách đêm ngày để trở thành nhà văn nổi tiếng. Nhà bác học Lê Quý Đôn bảo rằng: “Muốn viết một cuốn sách phải đọc một ngàn cuốn sách!”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự: “Tôi suốt ngày đọc sách”. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng hầu hết, các nhà xuất bản nhà nước lại do tư nhân chi phối. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in. Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại. Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Rồi tái bản đi, tái bản lại mấy lần vẫn bán hết. Đó là sự thật.

Nhưng ở xứ ta bây giờ, có một sự thật buồn là cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, cả nhà văn, sinh viên, nhiều người ít đọc sách quá. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ có khoe tủ sách đâu. Xã hội ta hiện nay, có hai đối tượng cần phải được đọc nhiều thì họ lai đang mất dần thói quen đọc sách. Đó là các quan chức và học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên thì bị nhồi nhét kiến thức trên lớp quá nhiều, rồi bài tập về nhà làm không xuể, thời giờ đâu mà đọc sách. Tôi quan tâm đến các quan chức, bởi họ là những người điều hành cơ quan, điều hành xã hội. Sự tác động của họ vào xã hội rất lớn, bởi thế cần phải có một tầm nhìn cao rộng. Họ đọc sách không phải chỉ để thưởng thức văn chương mà là để hiểu lòng dân. Hiểu đời sống thực sự là như thế nào. Với những nhà lãnh đạo, đọc sách là một cách vi hành . Nhà văn Nguyên Ngọc bảo: “Tôi được biết, có những người lãnh đạo ở cấp cao, sau giờ làm việc ban ngày, tối chỉ tập trung đánh tu lơ khơ suốt đêm, chẳng bao giờ cầm đến một cuốn sách”. Tôi biết, một số nhà văn cũng rất nhác đọc sách. Nhà thơ Phạm Khải đã viết bài báo Khi nhà văn không chịu làm… độc giả, kể về một nhà văn đã phải bức xúc lên tiếng “tố cáo” một ủy viên BCH Hội Nhà văn về việc vị này lười đọc sách. Quả thật có nhiều nhà văn, nhà báo, bạn tặng sách cứ vứt đấy, hết năm này qua năm khác, không chịu đọc. Thế thì làm sao có chữ mà viết văn, làm thơ, viết báo?

Phải có một cuộc vận động trong đoàn thanh niên, đội thiếu niên, trong nhà trường và mỗi gia đình: “Đọc sách để nâng cao dân trí”. Bởi trí tuệ của loài người nằm hết ở trong sách. Nên dành thì giờ cho các em đọc sách. Phần thưởng cho học sinh xuất sắc, học sinh giỏi các cấp hàng năm, không nên mua vở tập và tiền, mà nên thưởng bằng sách cho các em đọc. Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc. Để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ thì cha mẹ hãy là người bắt đầu. Đoàn thanh niên phải tổ chức cuộc vận động, mỗi thanh niên một năm hãy đọc lấy một cuốn sách. Rồi tiến tới mỗi tháng một cuốn sách.v.v..

Vâng, sách sẽ dạy cho con em chúng ta thành người tử tế hơn cả những bài học công dân, chính trị khô khan trên lớp.

                                                                                   Thái Sơn ( sưu tầm )

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 39