Xử lý đồng bộ hiện tượng xâm hại của sinh vật
[ 20/01/2019 00:00 AM | Lượt xem: 157 ]

PHẦN GIỚI THIỆU

Có rất nhiều loại côn trùng và sinh vật khác nhau tấn công bìa, chất hồ dính và các chất khác trong các tài  liệu lưu trữ ở thư viện và kho tư liệu. Do một số loài côn trùng thích sống ở những nơi kín, tối tăm như trong các khu vực lưu trữ, và do nhiều tài liệu không được sử dụng một cách thường xuyên, côn trùng và các loài sinh vật khác có thể gây hư hại nặng cho tư liệu lưu trữ trước khi chúng bị phát hiện.

Các thư viện và kho tư liệu từ lâu nay vốn chỉ dựa vào thuốc diệt côn trùng được sử dụng định kỳ để phòng ngừa và xử lý nạn côn trùng khi hiện tượng xâm hại đã bộc lộ rõ. Tuy nhiên, thuốc diệt côn trùng thường không phòng ngừa được sự phát triển của côn trùng, và việc sử dụng thuốc diệt côn trùng sau khi hiện tượng này đã xảy ra không thể cứu chữa được những hư hại do chúng gây ra. Ngoài ra, thuốc diệt côn trùng cũng đã trở nên kém được ưu chuộng vì con người ngày càng ý thức được rằng những hoá chất trong thuốc diệt côn trùng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của đội ngũ nhân viên làm việc cũng như các tư liệu lưu trữ bằng giấy. Các biện pháp tiêu diệt mới hơn như làm lạnh và giảm ô-xy trong kho, hứa hẹn trở thành những giải pháp thay thế cho việc xử lý nạn xâm hại của côn trùng hiện nay, song cũng giống như thuốc diệt côn trùng, chúng không phòng ngừa được hiện tượng này. Việc phòng ngừa chỉ có thể đạt được thông qua công tác lưu kho và theo dõi nghiêm ngặt.

Ngày càng có nhiều chuyên gia về lưu trữ gợi ý việc sử dụng chiến lược gọi là biện pháp xử lý đồng bộ sự xâm hại của các loài côn trùng, sâu bọ (IPM). Phương pháp này chủ yếu dựa vào các phương tiện không dùng hoá chất (như kiểm soát môi trường, nguồn thức ăn, và các cửa ra vào của toà nhà) nhằm ngăn ngừa và kiểm soát hiện tượng lây lan của côn trùng. Các biện pháp xử lý bằng hoá chất chỉ sử dụng trong tình huống nghiêm trọng, đe doạ tổn thất nhanh chóng hoặc khi các loài sinh vật chỉ bị tiêu diệt khi sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn.

CÁC SINH VẬT CÓ TRONG THƯ VIỆN VÀ KHO TƯ LIỆU

Hầu hết các loài côn trùng sinh sôi trên các tư liệu lưu trữ bằng giấy bị cuốn hút không chỉ bởi bản thân chất liệu giấy, mà còn bởi cả keo và cồn dán, những chất này còn dễ tiêu hoá hơn nhiều so với chất xen-lu-lô dùng để sản xuất giấy. Một số loài côn trùng cũng tấn công cả chất xen-lu-lô (như giấy và bìa) và chất prô-tê-in (như giấy da và da). Sự xâm hại của côn trùng không chỉ gây ra do những thói quen về khẩu vị của chúng; các tư liệu lưu trữ còn bị hư hại bởi các hoạt động đào hầm và làm tổ, cũng như những chất tiết ra từ cơ thể chúng.

Con nhậy, rệp sách và gián là những loài côn trùng thường sinh sống trong các thư viện. Nhậy có thể dài tới 12,5mm; chúng ăn hồ dán giấy, cắn thành lỗ trên giấy (đặc biệt là giấy bóng), và đục thủng các bìa sách và giấy tường để tiếp cận chất hồ dán ở phía dưới. Chúng cũng cắn cả chất liệu vải, chủ yếu là tơ, bông và lanh. Chúng thích sống ở những nơi ẩm, tối, không bị xáo động trong một thời gian dài. Rệp sách thì lại ăn loại nấm mốc siêu nhỏ sinh trưởng trên giấy và vì thế sự hiện diện của chúng thường cho thấy có vấn đề về độ ẩm tại nơi lưu trữ. Chúng nhỏ hơn nhiều so với nhậy (chỉ khoảng 1-2mm), và cũng có thể ăn bột hồ và keo dính, song chúng không tạo lỗ trên giấy.

Gián thì ăn tạp, song chúng đặc biệt thích các chất hồ dính và prô-tê-in; chúng có thể ăn giấy, bìa, hồ dán, da và giấy tường. Gián cắt thành lỗ trên giấy, song còn có thể làm ố giấy bằng thứ chất tiết ra từ cơ thể. Gián thích tiếp xúc với bề mặt từ mọi phía của cơ thể; chúng tìm kiếm những khe hở nhỏ, len vào giữa đồ vật được đóng khung và tường…

Nếu cứ bàn về các loài sinh vật sống trong thư viện thì còn lâu mới hết. Ta có thể tìm thêm các thông tin về sinh vật sống trong thư viện và kho lưu trữ tại các công ty Harmon, Zycherman & Schrock, và Story, giới thiệu tại phần tham khảo ở cuối tài liệu này. Mặc dù các loài sinh vật khác như loài gặm nhấm cũng có thể có tại các thư viện và kho tư liệu, song tài liệu này chỉ chủ yếu tập trung vào công tác phòng chống sự sinh trưởng của các loài côn trùng.

THỨC ĂN CỦA CÁC LOẠI CÔN TRÙNG LÀ GÌ?

Tất cả các loài côn trùng đều trải qua một quá trình biến đổi trong vòng đời của chúng; sự tăng trưởng của chúng diễn ra theo một loạt các bước cho đến khi chúng đạt đến giai đoạn trưởng thành. Những giai đoạn khác gồm có giai đoạn trứng, ấu trùng, nhộng, côn trùng non; nhưng không phải mọi loài côn trùng đều trải qua tất cả những giai đoạn này. Nhiều loài, giai đoạn ấu trùng có sức mạnh tàn phá lớn nhất vì đó là thời điểm việc ăn thức ăn của chúng diễn ra nhiều nhất, song những loài khác (như rệp sách) lại tàn phá nhiều nhất trong giai đoạn trưởng thành.

Cũng nên nhớ rằng bản thân các tư liệu lưu trữ không phải là nguồn thức ăn duy nhất cho côn trùng. Có vô số các chủng loại thực phẩm cho côn trùng và các loài sinh vật trong các toà nhà thư viện và lưu trữ. Nguồn thu hút dễ thấy nhất chính là đồ ăn thừa và thức ăn dự trữ của con người tại các văn phòng và trong bếp ăn, ngoài ra còn có rất nhiều nguồn thức ăn khó nhận thấy hơn.

Các loài bọ có thể tấn công da và len, trong đó có cả thảm và chăn. Chúng cũng có thể bị hấp dẫn bởi xác chim chết và/hoặc tổ chim bỏ trống. Một số loài bọ cánh cứng ăn phấn hoa và mật hoa trên các cây hoa, trong khi các loài khác ăn lông rụng và tế bào da của người và động vật. Bọ mạt, một loài côn trùng đông đúc và hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, sinh sống trên biểu bì da người.

Mặc dù một số loài côn trùng có thể không phải là một đe doạ trực tiếp đối với các tư liệu lưu trữ, song sự tồn tại của chúng lại thu hút các loài côn trùng gây hại đến. Một vài loài côn trùng sống trên xác của các loài côn trùng khác. Hầu hết các sinh vật (côn trùng và những loài khác) đều bị hấp dẫn bởi chất thải của người hoặc các động vật khác.

Do phần lớn các toà nhà và các tư liệu lưu trữ đều chứa đựng một nguồn thức ăn vô tận cho các loài côn trùng và sinh vật khác, nên rõ ràng ưu tiên hàng đầu để phòng ngừa hữu hiệu nạn xâm hại của các loài côn trùng là phải xoá bỏ được các nguồn thức ăn và hết sức chú trọng công tác lưu kho một cách nghiêm ngặt.

MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ THÓI QUEN SINH SẢN

Các loài côn trùng có những đòi hỏi rất cụ thể về nhiệt độ, độ ẩm tương đối và các điều kiện môi trường khác để sinh sôi, phát triển. Điều kiện đầu tiên cho sự xuất hiện của chúng là sự tồn tại của những kẽ hở trong toà nhà khép kín, thông qua đó, chúng có thể xâm nhập vào. Và một khi côn trùng đã vào được toà nhà, chúng sẽ tìm ra độ ẩm, nguồn thức ăn và những nơi không bị quấy rầy để sinh sản.

Các lối ra vào

Các cửa sổ và cửa ra vào không gắn kín, hoặc cửa sổ và cửa ra vào thường xuyên để ngỏ, có thể là đường để côn trùng xâm nhập vào. Các khe nứt và khe hở trong tường hoặc móng hay cửa bao quanh các ống dẫn cũng có thể là đường vào của côn trùng. Côn trùng có thể co mình lại để chui qua được những cái cửa cực nhỏ. Lỗ thông hơi và ống dẫn khí có thể là đường vào cho chim chóc, các loài gặm nhấm và côn trùng. Cây trồng quanh toà nhà cũng là nơi sinh sống lý tưởng cho côn trùng, rồi sau đó chúng có thể di dời vào trong toà nhà thông qua các lối ra vào khác nhau. Côn trùng cũng có thể được đưa vào toà nhà trong chính bản thân các cuốn sách và tài liệu.

Môi trường không khí

Đối với nhiều loài côn trùng, nhiệt độ lý tưởng nhất  là từ 68-86oF. Hầu hết các loài côn trùng sẽ chết nếu nhiệt độ ở dưới mức 28oF hoặc trên 113oF trong một khoảng thời gian không dài. Nhìn chung, độ ẩm tối ưu đối với sự sinh trưởng và phát triển của chúng từ 60%-80%. Côn trùng cần có độ ẩm để tồn tại và một số loài (như rệp) phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao.

Nguồn nước

Nhiều loài côn trùng bị thu hút bởi những nơi ẩm ướt. Nguồn nước và nơi côn trùng thường hay sinh sống bao gồm các ống nước chạy qua các tư liệu lưu trữ, nhà vệ sinh, bếp, đài phun nước, nhà kho và thiết bị kiểm soát môi trường. Nước lưu cữu trên mái nhà hoặc tại các vị trí khác cũng có thể làm tăng độ ẩm và tạo môi trường lý tưởng cho côn trùng phát triển.

Nguồn thức ăn

Thức ăn thừa trong bếp và văn phòng là nguồn thực phẩm cho côn trùng phát triển, đặc biệt nếu thức ăn đó để trong toà nhà và không được che đậy trong một thời gian dài. Cây trồng trong chậu và hoa cắt về, nước ở trong các bình và cây úng nước, cây héo hoặc đang héo, cũng như mật và phấn cây hoa  đều kích thích sự hiện diện của côn trùng.

Điều kiện lưu kho

Một số loài côn trùng gây hại cho tư liệu lưu trữ phát triển mạnh tại các nơi nhỏ, tối, yên tĩnh, hay nói một cách khác, tại những điều kiện môi trường vốn rất bình thường đối với các khu vực lưu kho. Côn trùng sẽ xây tổ làm nơi ẩn náu trong những vùng tối và kín (như các hộp cát-tông), và thường chọn những đống hộp hoặc giấy tờ khác để làm tổ trong một thời gian dài. Côn trùng cũng sống ở những không gian yên tĩnh như các góc tường, phía dưới các giá sách và đằng sau đồ đạc. Bụi bẩn càng tạo thêm nhiều môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. Xác côn trùng chết hoặc chất thải của côn trùng có thể thu hút các côn trùng khác đến. Bụi bẩn và tình trạng bừa bãi khiến ta khó có thể phát hiện ra côn trùng, nên tình trạng này có thể diễn ra trong một thời gian dài mà không gây sự chú ý.

Do vậy, việc kiểm soát sự xâm hại của côn trùng đòi hòi phải xoá bỏ hết ở mức có thể những nơi có khả năng trở thành môi trường phát triển và nguồn thức ăn của côn trùng.

CÁC CHIẾN LƯỢC XỬ LÝ ĐỒNG BỘ SỰ XÂM HẠI CỦA SINH VẬT(IPM)

Các chiến lược xử lý đồng bộ tình trạng xâm hại của côn trùng nhằm khuyến khích tăng cường công tác bảo dưỡng và lưu kho thường xuyên để bảo đảm rằng các côn trùng không tìm được môi trường thuận lợi trong toà nhà dùng làm thư viện hay kho tư liệu. Các hoạt động này bao gồm giám sát và bảo dưỡng toà nhà; kiểm soát điều kiện môi trường; nghiêm cấm đưa đồ ăn và cây xanh vào; vệ sinh thường xuyên; lưu kho hợp lý; kiểm soát tư liệu lưu trữ đầu vào để tránh hiện tượng xâm hại các tư liệu hiện có; và thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời các hiện tượng xâm hại.

Cách tốt nhất là bắt đầu chương trình kiểm soát chính thức sự xâm hại của các loài sinh vật bằng một cuộc khảo sát bước đầu toà nhà cũng như tất cả các khu vực lưu trữ tư liệu. Liệu trước đây đã từng có hiện tượng xâm hại của côn trùng chưa? Nếu có, thì loại côn trùng nào có liên quan và tư liệu nào bị xâm hại? Cách thức nào đã được thực hiện để giải quyết tình trạng này? Bất cứ chỗ nào có thể trở thành nơi cư trú của côn trùng đều phải bị xoá bỏ. Có một số bước ta cần thực hiện để giảm số côn trùng trong thư viện hay kho tư liệu.

Các lối vào

Cửa sổ và cửa ra vào phải được gắn kín; cần thiết có thể tháo mở theo mùa. Cửa ra vào không nên để mở thường xuyên. Cửa quanh ống dẫn cũng cần được gắn kín, các kẽ nứt trong tường hay móng cũng vậy. Lỗ thông hơi phải có lưới chắn để ngăn chim chóc và các loài gặm nhấm. Cần duy trì một khu vực không trồng cây có bán kính 12 inch quanh khu nhà để giảm khả năng xâm nhập của côn trùng. Cây xanh cần được chăm sóc thích hợp và không để úng nước. Nên rải sỏi và làm thấp dần từ toà nhà xuống đối với khu vực quanh móng để tránh tình trạng ngập nước tầng hầm.

Điều kiện môi trường

Môi trường phải luôn ở mức ôn hoà; trong trạng thái mát và khô ráo; các chi tiết cụ thể tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng loại tư liệu khác nhau. Nhiệt độ nên ở mức 68oF hoặc thấp hơn; và độ ẩm tương đối nên duy trì dưới mức tối đa 50%. Việc duy trì điều kiện môi trường theo như gợi ý khi lưu trữ sách vở, tài liệu sẽ giúp kiểm soát được sự tăng trưởng và phát triển của côn trùng.

Nguồn nước

Những ống dẫn trong khu vực lưu trữ và các nguồn nước khác như phòng vệ sinh, bếp hay thiết bị kiểm soát môi trường cần được thường xuyên kiểm tra để đề phòng hiện tượng rò rỉ. Bọc các ống có hơi nước đọng bằng băng cách nhiệt. Đóng các đường ống dẫn không sử dụng hoặc cửa các đường ống. Mái nhà và tầng hầm cần được kiểm tra định kỳ để bảo đảm rằng không có hiện tượng nước tù đọng hay ngập úng. Nếu tình trạng này hay xảy ra thì lại càng cần thiết phải kiểm tra thường xuyên.

Nguồn thức ăn

Cây xanh và hoa cắt về phải được đưa ra khỏi toà nhà. Nếu không thể, thì cũng nên chăm sóc cẩn thận số cây xanh và duy trì số cây ở mức tối thiểu; song tuyệt đối nên tránh trồng các cây hoa. Tránh tưới quá nhiều nước và theo dõi các cây cẩn thận để phát hiện hiện tượng côn trùng hay mầm bệnh. Nếu các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ giải khát, thỉnh thoảng diễn ra ở vài nơi trong toà nhà, thì phải bảo đảm rằng mọi đồ ăn, thức uống thừa phải được nhân viên phục vụ ăn uống đậy kín hay chuyển ra ngoài. Sau đó, ngay lập tức hút bụi và vệ sinh bếp. Mọi thức ăn phải được lưu giữ trong những hộp thuỷ tinh hay kim loại gắn kín hoặc để tủ lạnh, phải luôn có một túi ny lông đựng rác có miệng gắn kín để đựng đồ ăn thừa. Hàng ngày, rác phải được đưa ra khỏi toà nhà.

Công tác lưu kho

Cần vệ sinh thường xuyên và kỹ lưỡng khu vực lưu kho (và các khu vực khác), ít nhất 6 tháng một lần. Phải kiểm tra mọi khu vực để phát hiện các dấu hiện của hiện tượng xâm hại của sinh vật ít nhất một tháng một lần. Kiểm tra các tư liệu lưu trữ để tìm ra các vết ố và dấu hiệu gặm nhấm của côn trùng (như các lỗ nhỏ trên giấy, hoặc bề mặt giấy hay bìa bị mờ hoặc mất chữ). Kiểm tra các ngưỡng cửa sổ; dưới các giá sách và lò sưởi; trên và dưới các giá; trong các hộp và ngăn kéo để phát hiện các dấu hiệu hoạt động của côn trùng. Tìm ra các đống bụi nhỏ, xác côn trùng chết, phân thải (do côn trùng để vương lại), ổ trứng và côn trùng sống; vệ sinh ngay bất cứ chất thải nào của côn trùng.

Các tư liệu đầu vào

Việc triển khai những thủ tục chặt chẽ đối với số tư liệu nhập mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì những tư liệu này thường trước đó được cất ở tầng áp mái hoặc tầng hầm, nơi thuận lợi cho sinh vật xâm nhập và trú ngụ.

Cần kiểm tra ngay lập tức các tư liệu nhập vào để xem liệu có những dấu hiệu cho thấy sự xâm hại của sinh vật. Công việc này được tiến hành trên một mặt bằng thoáng được phủ giấy thấm hoặc loại giấy nhẹ khác lên. Kéo tất cả các đồ vật ra khỏi thùng lưu giữ hoặc chuyên chở và xem xét bìa, giấy và những vết trũng lõm (nếu có) trên cuốn sách. Kiểm tra khung đỡ, đệm lót, giấy gói và các thứ kèm theo. Tìm kiếm, phát hiện các sinh vật sống, chất thải, ấu trùng, hoặc xác côn trùng.

Chuyển tư liệu vào các hộp lưu trữ sạch cho đến khi ta có thể xử lý các tư liệu này. Nếu có thể, cách ly các tư liệu mới nhập về từ nơi khác ở một nơi cách xa với các tư liệu khác cho đến khi có thể tiến hành xử lý. Nơi cách ly này cũng phải bảo đảm điều kiện môi trường lưu trữ mát, khô, sạch, có giá để…, nhằm ngăn chặn sự phát triển của nấm và côn trùng. Vứt bỏ các hộp cũ khi chất lượng của chúng không còn phù hợp với việc lưu trữ và ta hoàn toàn yên tâm về sự sạch sẽ của những hộp này.

Các hộp lưu trữ sạch có thể tái sử dụng nhiều lần cho việc bảo quản tư liệu tạm thời chừng nào phía trong và ngoài của những hộp này không có bất kỳ dấu hiệu nào của côn trùng. Tất nhiên, sẽ lý tưởng hơn khi các tư liệu nhập về được xử lý và chuyển đi trong các hộp cố định được bảo quản thích hợp. Trên thực tế, thì việc xử lý tư liệu có thể bị chậm trễ, nên cần thường xuyên kiểm tra phần bên trong hộp, ít nhất vài tuần một lần. Một bẫy dính tạm thời có thể đặt vào một cạnh đứng bên trong của mỗi hộp để giúp cho việc theo dõi.

Nếu có dấu hiệu của côn trùng, hãy thông báo cho chuyên gia lưu trữ để được tư vấn chi tiết trước khi tiến hành xử lý ơ công đoạn tiếp theo. Các tư liệu cần được hút bụi kỹ (với điều kiện những tư liệu này không bị xuống cấp hay hư hại) qua một lưới ny lông hay chất liệu mềm khác, nên sử dụng máy hút bụi có khả năng lọc tốt. Vứt bỏ cả bộ lọc và túi đựng rác ra khỏi toà nhà hoặc đựng trong thùng đậy kín chuyên dùng để chứa đồ ăn thừa, và hàng ngày phải đổ rác trong những thùng này.

Theo dõi hoạt động của sinh vật

Để thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm soát sự xâm hại của sinh vật đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi hoạt động của sinh vật. Việc theo dõi thường xuyên bằng cách sử dụng bẫy kiểu lều hay nhà trọ cung cấp thông tin về loại côn trùng, vị trí xâm nhập của chúng, số  lượng côn trùng, nơi cư trú của chúng và lý do vì sao chúng sinh trưởng được. Thông tin này cho phép xác định khu vực có vấn đề và việc triển khai một chương trình xử lý cụ thể hơn với từng loài côn trùng.

Bẫy côn trùng hay được sử dụng nhất là loại bẫy dính, luôn có bán tại các cửa hàng đồ gia dụng và rau quả. Các kiểu bẫy có bán gồm bẫy dẹt, bẫy hình hộp chữ nhật (kiểu nhà trọ) và bẫy hình lều. Nhiều chuyên gia bảo tồn gợi ý sử dụng bẫy lều vì đây là kiểu bẫy dễ dùng nhất. Dù chọn kiểu loại và nhãn mác nào, thì ta cũng cần duy trì tính nhất quán để số liệu thông tin được chính xác.

Cách thức cơ bản để theo dõi như sau: 1) xác định vị trí tất cả các cửa ra vào, cửa sổ, nguồn nước và hơi nóng, cũng như đồ đạc trên một bản đồ mặt sàn của toà nhà; 2) xác định những nơi có thể là lối xâm nhập của côn trùng và đánh dấu vị trị đặt bẫy trên bản đồ mặt sàn; 3) đánh số và ngày tháng các bẫy; 4) đặt bẫy vào những nơi sẽ theo dõi: và 6) điều chỉnh cách đặt và kiểm tra bẫy dựa theo những bằng chứng thu thập được. Đặt lại các bẫy (nếu kết quả bước đầu chưa thu được gì) và thử lại lần nữa.

Nếu nghi ngờ có hiện tượng xâm hại tại một khu vực cụ thể, hãy đặt bẫy ở khu vực này, mỗi bẫy cách nhau 10 bộ. Yêu cầu hết sức cẩn trọng để đảm bảo rằng các bẫy không dính vào tư liệu lưu trữ, vì keo dính có thể gây hư hại cho tư liệu. Sau 48 tiếng, kiểm tra các bẫy sẽ xác định được khu vực bị xâm hại nhiều nhất. Các bẫy cần được kiểm tra hàng tuần trong ít nhất 3 tháng và thay thế 2 tháng một lần, khi chúng đã đầy hoặc khi chúng mất độ dính.

Việc làm hồ sơ có ý nghĩa then chốt; công tác kiểm tra sẽ vô ích nếu thiếu khâu này. Số lượng côn trùng, chủng loại côn trùng, và thời kỳ tăng trưởng của chúng cần được ghi lại với từng bẫy một. Thời gian và vị trí đặt bẫy cũng cần được ghi rõ. Việc ghi chép chi tiết về bất cứ bằng chứng nào khác liên quan đến hoạt động của côn trùng cũng cần được lưu lại, như côn trùng sống hay chết, hoặc chất thải của chúng.

Khi côn trùng bị mắc bẫy, phải xác định để làm rõ nguy cơ gây hại của chúng đối với tư liệu lưu trữ. Có một số tài liệu bổ ích có minh hoạ bằng hình vẽ và mô tả về những sinh vật thường hay sinh sống trong thư viện và kho tư liệu; những tài liệu này được lập thành thư mục. Một nguồn tham khảo tốt nữa cho việc xác minh là chi nhánh Nông nghiệp trong vùng hay cấp bang, nơi thường xác định chủng loại côn trùng miễn phí (côn trùng cần được gửi tới cho họ, và xác của chúng phải còn nguyên vẹn). Những nơi khác có thể cung cấp thông tin bao gồm khoa sinh của một trường đại học trong vùng hoặc bảo tàng lịch sử địa phương có chuyên gia về côn trùng học trong số đội ngũ nhân viên.

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Cần nhớ rằng chỉ cần phát hiện ra một hoặc hai con côn trùng là đủ để công tác theo dõi xác định mức độ nghiêm trọng của hiện tượng; không nhất thiết phải là tình trạng khẩn cấp. Trước đây, khi phát hiện thấy côn trùng, người ta thường sử dụng thuốc diệt côn trùng một cách vô tội vạ.

Nếu xảy ra hiện tượng côn trùng xâm hại nghiêm trọng, hoặc nếu các hiện tượng vẫn xảy ra cho dù đã sử dụng các biện pháp phòng ngừa như đã trình bày ở trên, thì lúc đó ta cần dùng các biện pháp xử lý trực tiếp. Phương pháp này chỉ sử dụng khi đó là giải pháp cuối cùng. Cả hai loại biện pháp xử lý bằng hoá chất và phi hoá chất đều luôn có sẵn, song các phương pháp phi hoá chất cần được sử dụng tại bất cứ nơi nào có thể.

Biện pháp xử lý bằng hoá chất

Các thuốc diệt côn trùng được chia thành nhiều loại, dựa vào cách thức sử dụng và trạng thái lý tính của chúng.

Các biện pháp xử lý bằng hoá chất thông thường được sử dụng để kiểm soát côn trùng bao gồm xịt thuốc; chất thu hút (dụ dỗ côn trùng vào bẫy, đôi khi còn tiêu diệt chúng); dùng mồi và những viên thuốc nhỏ (để côn trùng ăn vào); thuốc xịt tiếp xúc lưu bám (thường được xịt vào các kẽ nứt và khe hở; những chất này giết côn trùng thông qua tiếp xúc và/hoặc bị thuốc thu hút khi chúng đi qua hoá chất diệt còn lưu bám lại); dùng bụi (như a-xít boric hay bụi silic, những chất này làm cho côn trùng mất nước hoặc can thiệp thông qua việc quy định lượng nước bên trong); phương pháp cô đặc kiểu sương mù (cách này sử dụng thiết bị làm ngưng đọng thuốc diệt côn trùng và hình thành dầu trong không khí); xông khí tẩy uế (cách này để tư liệu bị xâm hại tiếp xúc trực tiếp với khí độc); và dải băng dính thuốc diệt côn trùng bằng hơi (côn trùng bị nhiễm thuốc khi đi qua dải băng, vì thuốc bốc lên từ dải này dưới dạng khói). Thuốc trừ rệp (như băng phiến) đôi lúc cũng được sử dụng; song dạng này có tác dụng làm cho côn trùng tránh xa thay vì tiêu diệt chúng.

Xông khí tẩy uế là một trong những thuốc diệt công trùng độc nhất; các thuốc khác thường được làm ngưng ở dạng lỏng rồi xịt ra để chúng khuếch tán trong không khí. Khí tẩy uế tồn tại trong không khí và có thể dễ dàng lan ra một phạm vi rộng. Ô-xít e-thi-len (ETO), một loài thuốc tẩy uế dạng khí, thường được dùng trong các thư viện và kho tư liệu cho đến những năm 1980; nhiều thư viện có hẳn các phòng chứa ETO. ETO có tác dụng diệt trừ côn trùng ở giai đoạn trưởng thành, ấu trùng và trứng. Nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của những người làm việc trong môi trường tẩy uế, và có những bằng chứng cho thấy rằng ETO có thể làm thay đổi thành phần lý tính và hoá tính của giấy, bìa và da. Chính vì vậy, phạm vi cho phép tiếp xúc với ETO, do chính phủ ban hành đang giảm dần, và hầu hết các phòng chứa ETO hiện nay tại các thư viện đều không đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt này. Một số ETO vẫn còn bám lại trên các tư liệu đã qua xử lý, và khó có thể biết chính xác những nguy cơ lâu dài của chất độc dạng khí này đối với tư liệu lưu trữ cũng như nhân viên làm việc. ETO chỉ nên sử dụng khi đó là giải pháp cuối cùng; tư liệu xử lý cần được chuyển vào một kho cất giữ công nghiệp và để ở đó để khí thoát hết trong vòng ít nhất vài tuần trước khi đưa chúng trở lại thư viện hay kho tư liệu.

Nhìn chung, biện pháp xông khí tẩy uế và các loài thuốc diệt côn trùng khác trước sau đều gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, từ tình trạng buồn nôn, nhức đầu đến các bệnh về đường hô hấp, rồi đến bệnh ung thư. Nhiều cách thức xử lý bằng hoá chất còn có thể không gây ảnh hưởng về sức khoẻ tại thời điểm tiến hành, song lại ngấm dần vào cơ thể gây bệnh tật vài năm sau đó. Nhiều hoá chất cũng có thể gây tổn hại cho các tư liệu qua xử lý và không có biện pháp sử dụng hoá chất nào có tác dụng kéo dài ngăn chặn hiện tượng xâm hại trong tương lai. Càng ý thức được những nguy cơ này, ta càng phải tăng cường chú trọng việc vận dụng những phương pháp kiểm soát hiện tượng xâm hại của sinh vật phi hoá chất.

Các biện pháp xử lý phi hoá chất

Có rất nhiều cách thức xử lý phi hoá chất đã được phát minh để tiêu diệt côn trùng. Biện pháp khả quan nhất là làm lạnh có kiểm soát và áp dụng phương pháp làm thay đổi thành phần không khí. Các phương pháp chưa tỏ ra thành công gồm việc dùng sức nóng, bức xạ gamma và vi sóng.

Làm lạnh có kiểm soát được áp dụng tại nhiều cơ quan lưu trữ trong vòng 15 năm trở lại đây, và các báo cáo về tác dụng cuả phương pháp này cho thấy tính hiệu quả đáng kể của nó. Phương pháp làm lạnh ngày càng được ưa chuộng vì nó không sử dụng hoá chất và do vậy không đe doạ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân viên làm việc tại thư viện. Phương pháp này có thể áp dụng với hầu hết tất cả các tư liệu lưu trữ trong thư viện và không có dấu hiệu gì cho thấy nó gây tổn hại cho tư liệu (theo các tài liệu về kết quả thử nghiệm), tuy nhiên, vẫn còn phải nghiên cứu sâu về vấn đề này. Đối với những đồ vật rất dễ hư hỏng được làm ra bằng cách kết hợp nhiều chất liệu, cũng như các đồ có tính nghệ thuật làm bằng các chất bở, vụn, dễ vỡ, thì ta không nên làm lạnh; cần có sự tư vấn của một chuyên gia về bảo tồn trước khi chọn ra một cách thức xử lý.

Các tư liệu có thể được xử lý trong các tủ lạnh gia dụng hay công nghiệp, tủ làm lạnh bằng hơi hay các tủ lạnh có điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm. Cũng cần để đồ vật vào trong bao và đóng kín trừ khi ta dùng tủ lạnh có điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm chuyên dụng. Các bao phải được đóng kín ngay để không cho côn trùng chui ra. Một số cơ quan lưu trữ còn đóng hộp các tư liệu rồi mới cho vào bao. Việc đóng bao sẽ bảo vệ đồ vật không bị hư hại do những thay đổi về độ ẩm trong các chu kỳ tan giá và tụ nước trên những cuốn sách lạnh khi chúng được đưa ra khỏi tủ.

Cũng cần hết sức đề phòng khả năng chịu lạnh của côn trùng; một số côn trùng có thể thích nghi với nhiệt độ lạnh nêu chúng đã ở trong những nơi mát trước khi bị làm lạnh hoặc nếu việc làm lạnh xảy ra quá chậm. Hiện chưa nghiên cứu xong lĩnh vực này; do đó chưa thể biết được liệu các sinh vật thường sống trong thư viện có khả năng chịu lạnh không.

Khi chưa có những số liệu chính xác, tư liệu cần phải được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ của phòng cho đến khi bắt đầu làm lạnh. Không nên buộc quá chặt các tư liệu để trong tủ lạnh, vì điều này có thể làm chậm quá trình làm lạnh. Vấn đề phải được quan tâm nhất là tư liệu cần được làm lạnh một cách nhanh chóng. Nhiệt độ tủ lạnh phải đạt 0oC trong vòng 4 tiếng và -20oC trong vòng 8 tiếng. Theo báo cáo, thông thường thì việc xử lý đạt hiệu quả thành công khi đạt tới nhiệt độ -29oC trong một thời gian là 72 tiếng. Tuy nhiên, hiện ta chưa biết được liệu tăng nhiệt độ cao hơn thì trong thời gian ngắn hơn có đạt được kết quả tương tự hay không; có các báo cáo cho thấy rằng việc áp dụng để nhiệt độ ở 20oC trong 48 tiếng đồng hồ cũng thu được thành công.

Phải làm tan chậm các tư liệu lưu trữ (đưa trở lại 0oC trong 8 tiếng) rồi mới đưa dần lên bằng với nhiệt độ phòng. Toàn bộ quá trình này sau đó nên được lặp lại để bảo đảm tính hiệu quả của nó. Các đồ vật cần tiếp tục được đóng bao (một số cơ quan lưu trữ để chúng ở tình trạng đóng bao trong vòng từ 6-8 tháng) cho đến khi công tác theo dõi môi trường cho thấy hiện tượng côn trùng đã được giải quyết xong. Cũng cần duy trì việc lập hồ sơ chi tiết về từng giai đoạn.

Giống như các biện pháp xử lý bằng hoá chất, phương pháp làm lạnh không có tác dụng kéo dài. Nếu tư liệu lưu trữ không được cất giữ ở nơi có điều kiện bảo quản tốt, thì tình trạng xâm hại của côn trùng hầu như chắc chắn sẽ lại xảy ra.

Biện pháp thay đổi thành phần không khí đã được áp dụng rộng rãi trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm để kiểm soát tình trạng xâm hại của sinh vật. Tên gọi của nó dùng để chỉ một số quá trình: giảm lượng ô-xy, tăng lượng các-bon đi-ô-xít, rồi sử dụng khí trơ, chủ yếu là khí ni-tơ. Rất nhiều các cuộc thử nghiệm đối với biện pháp làm thay đổi thành phần không khí đã được các tổ chức về văn hoá thực hiện trong vòng 10 năm trở lại đây, nhìn chung đều thu kết quả thành công. Mặc dù việc thay đổi thành phần không khí hứa hẹn khả năng thực thi lớn, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu tiếp để xác định thời gian và biện pháp áp dụng tối ưu đối với từng loài côn trùng cụ thể. Hiện phương pháp này chưa gây những tổn hại rõ nét đối với các tư liệu lưu trữ, song vẫn đang tiến hành một số ít nghiên cứu về những ảnh hưởng lâu dài sau này. Cũng có nguy cơ tiềm tàng có thể đe doạ các nhân viên tiếp xúc với lượng các-bon đi-ô-xít ở mức cao nếu áp dụng biện pháp này, nhưng không có ảnh hưởng kéo dài nào đối với các tư liệu lưu trữ.

Thay đổi thành phần không khí có thể được vận dụng: 1) trong phòng tẩy uế theo kiểu truyền thống hay trong lồng khí tẩy uế có thể di chuyển được hoặc; 2) trong các bao ny lông lâu bị thẩm thấu. Với một phòng hay một lồng khí, cần chuẩn bị tư liệu để tiến hành xử lý (như cách ly, làm hồ sơ và đưa vào phòng xử lý), không khí được hút ra khỏi phòng, rồi bơm vào khí các-bon đi-ô-xít (với tỷ lệ khoảng 60%) hoặc khí ni-tơ (để thu được một không khí có thành phần ô-xy dưới 1%). Khi đã đạt được tỷ lệ không khí như mong muốn, vẫn phải tiếp tục duy trì điều kiện môi trường tại một nhiệt độ và độ ẩm tương đối cụ thể trong một khoảng thời gian cần thiết.

Khi đã chấm dứt việc áp dụng biện pháp này, phải hút khí ra, đào thải khí các-bon đi-ô-xít hay ni-tơ ra, thông khí cho phòng, đồng thời chuyển tư liệu ra nơi cách ly để có thể đánh giá được tính hiệu quả của biện pháp. Quá trình xử lý tư liệu trong các bao ny lông lâu bị thẩm thấu cũng tương tự như vậy, trừ việc tư liệu đóng kín trong các bao với lượng ô-xy sót lại sẽ làm giảm thành phần ô-xy trong không gian khép kín của bao xuống thấp hơn mức côn trùng cần để hô hấp. Trong một vài trường hợp, các túi được tẩy rửa bằng ni-tơ rồi mới đóng kín.

Ngoài ra, hiện nay, người ta đã tiến hành có các thử nghiệm biện pháp làm thay đổi về thời gian, nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Do những yêu cầu đòi hỏi để đạt tới một tỷ lệ có thể chấp nhận được về khả năng tiêu diệt, dường như còn chưa thống nhất theo chủng loại côn trùng bị tiêu diệt cũng như cách thức áp dụng, nên chưa có những hướng dẫn chung đối với việc áp dụng biện pháp làm thay đổi thành phần không khí. Thông thường, ta nên liên hệ với một chuyên gia lưu trữ để xin lời khuyên trước khi tiến hành biện pháp làm thay đổi thành phần không khí.

Biện pháp dùng sức nóng cũng có thể tiêu diệt côn trùng một cách hiệu quả; cách thức này đã được vận dụng rộng rãi trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và y dược. Nhiệt độ ở mức 140oF trong ít nhất một tiếng sẽ tiêu diệt hầu hết các côn trùng. Tuy nhiên, không nên sử dụng sức nóng để tiêu diệt những côn trùng trong các tư liệu lưu trữ bằng giấy, vì sức nóng ở mức cần thiết để tiêu diệt côn trùng sẽ làm tăng đáng kể quá trình ô-xy hoá và làm giảm tuổi thọ của giấy; chất liệu giấy có thể bị giòn, nếu không cũng bị hư hại.

Phương pháp sử dụng bức xạ gamma được sử dụng để thanh trùng mỹ phẩm, thực phẩm và nông sản, thiết bị y tế và thiết bị dùng trong bệnh viện và phòng thí nghiệm. Phương pháp này đe doạ ảnh hưởng ít nhiều tới con người trong quá trình thực hiện, song lại không lưu lại bức xạ trên chất liệu xử lý. Phương pháp bức xạ gamma có thể chống côn trùng hiệu quả, nhưng hiện vẫn chưa xác định được liều lượng tối thiểu đủ để tiêu diệt đối với các loài côn trùng khác nhau và liệu liều lượng này có bị ảnh hưởng bởi các biến số như điều kiện môi trường và tính chất của tư liệu bị xâm hại. Quan trọng hơn cả là nghiên cứu đã cho thấy phương pháp bức xạ gamma có thể tạo ra quá trình ô-xy hoá và làm xơ cứng các phân tử xen-lu-lô; điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng các tư liệu làm từ giấy. Do đó, ta không nên vận dụng phương pháp này.

Đã có những đồn đại về tính hiệu quả của việc sử dụng vi sóng để tiêu diệt côn trùng, lưu truyền trong giới làm thư viện trong vòng vài năm trở lại đây. Biện pháp sử dụng vi sóng đã được thực hiện thành công trong các ngành thực phẩm, nông nghiệp và dệt may để kiểm soát côn trùng, song không nên vận dụng phương pháp này đối với các tư liệu lưu trữ trong thư viện. Vi sóng có khả năng xâm nhập hạn chế và không thể xâm nhập vào các cuốn sách dày. Tính hiệu quả của vi sóng còn phụ thuộc vào chủng loại côn trùng, mức độ và tần suất của bức xạ. Các lò vi sóng có rất nhiều mức khác nhau, nên rất khó xác định thời gian và nhiệt độ tiêu chuẩn cho việc xử lý. Lập luận chính phản bác phương pháp vi sóng là nguy cơ gây tổn hại tới các tư liệu đưa vào xử lý. Bằng chứng từ rất nhiều thử nghiệm cho thấy giấy và bìa có thể bị cháy; những thứ đi kèm bằng kim loại như ghim dập có thể gây chập điện; còn các chất kết dính có thể chảy ra, làm giấy rời ra khỏi bìa ở một vài cuốn sách.

Phương pháp làm lạnh và thay đổi thành phần không khí hiện nay vẫn cho thấy là những giải pháp hứa hẹn mang tính hiệu quả nhất, để thay thế cho biện pháp dùng thuốc diệt côn trùng truyền thống. Tuy vậy, những phương pháp này vẫn mang tính thử nghiệm cho đến khi hoàn thành thêm nhiều nghiên cứu khác nữa, vì thế cho nên ta cần được tư vấn bởi một chuyên gia về công tác lưu trữ trước khi thực hiện bất cứ một biện pháp xử lý nào.

KẾT LUẬN

Tài liệu lưu trữ tại thư viện và kho tư liệu có thể bị đe doạ bởi rất nhiều loài sinh vật chuyên xâm hại các tư liệu làm từ giấy hoặc các chất liệu khác. Cách thức để kiểm soát hiện tượng xâm hại của sinh vật mà lại ít gây tổn hại nhất tới tư liệu và con người, chính là những biện pháp phòng ngừa và theo dõi thường xuyên. Nếu hiện tượng xâm hại xảy ra, ta cần thực hiện cách xử lý được áp dụng với từng loài côn trùng cụ thể cũng như chủng loại tư liệu bị xâm hại. Cần tránh sử dụng các biện pháp xử lý bằng hoá chất trừ khi đó là giải pháp cuối cùng. Các công nghệ mới như phương pháp làm lạnh bằng hơi và thay đổi thành phần không khí hứa hẹn nhiều khả năng, sẽ trở thành những giải pháp thay thế cho phương pháp xử lý sử dụng hoá chất./.

< http://luutruvn.com/index.php/2016/04/12/xu-ly-dong-bo-hien- >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 41