Thư viện ngày hè
[ 08/08/2019 00:00 AM | Lượt xem: 232 ]

Phượng đã chớm xòe những nụ hoa rực màu đỏ chói, những tán lá xanh theo nhau xà xuống mái ngói nâu loang lổ rêu. Tôi bước chậm theo dãy hành lang vắng, nhìn qua từng cánh cửa gỗ xanh của các lớp học, không gian yên ắng quá! Cảm giác xôn xao thân quen vẫn rất gần đâu đây, mới hôm qua thôi trong những căn phòng kia còn vang lên tiếng nói cười ròn rã, vậy mà hôm nay bàn ghế đã im lìm. Thế là tôi lại trở thành người cán bộ thủ thư nhàn rỗi.

Ngày hè đến, lớp lớp học sinh cùng xếp sách vở lại chuẩn bị cho kỳ nghỉ hứa hẹn nhiều thú vị. Chỉ có tôi, đã bao năm rồi trải qua những ngày hè lặng lẽ, là không bao giờ mong chờ mùa hạ về. Dù những ngày nghỉ hè đó tôi vẫn thường xuyên cùng các bạn đồng nghiệp đến trường tiếp tục công việc xử lý sách, nhưng sự vắng vẻ khiến tôi thiếu hẳn hào hứng. Dù cho có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, để chăm sóc gia đình, có thể thoải mái làm những việc riêng tư... nhưng cảm giác trống vắng cứ quấn lấy, khiến lòng dạ thật nôn nao, hệt như tâm trạng ngày nào tôi rời trường phổ thông trung học...

Tôi làm thủ thư trong một ngôi trường huyện - ngôi trường nằm ngay ngã ba rẽ vào phố núi. Tốt nghiệp trung cấp thư viện, tôi may mắn được về đây công tác, được gần nhà và được làm việc tại nơi tôi hằng mơ ước. Mỗi ngày đi làm, tôi thỏng thả đạp xe trên những con dốc dài mờ sương, ngắm từng nhánh cỏ hoa còn ngái ngủ bên đường. Tôi thường đi sớm để được thảnh thơi hòa mình vào thiên nhiên quang đãng, trong lành, tiếp thêm năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả. Có nhiều em học sinh cũng đến trường sớm như tôi, từng tốp học sinh đi bộ với cặp sách trên vai vừa đi vừa tíu tít cười đùa... Tôi thấy được ở đó tuổi thơ của tôi, thời học sinh đầy thơ mộng hồn nhiên, sống với thế giới trong trẻo của bàn ghế, sách vở không chút muộn phiền.

Không như độc giả vào thư viện khi cửa đã mở, thủ thư đã ngồi ở đó và những cuốn sách đã sẵn sàng từ lâu, người thủ thư phải là người đầu tiên bước vào thư viện, bắt đầu tất cả để khởi động một ngày làm việc mới. Tôi đã thật quen cái không gian im ắng sớm mai với những dãy bàn còn vắng vẻ, những giá sách nằm  lặng im như chưa dứt khỏi cơn mê đêm trước. Mở tung cửa cho ánh sáng tràn vào đánh thức căn phòng, tôi đã lại thấy hương sách quen lan tỏa. Sự phấn khởi trong tôi từ những điều nhỏ bé như thế được tích tụ dần dần thành tình yêu sâu đậm với nghề. Và tôi biết tôi chỉ muốn làm một thủ thư giản dị chứ không muốn làm một việc gì khác nữa, dù trong con mắt nhiều người công việc của tôi thật tẻ nhạt. Có lẽ để có thể yêu nghề người ta phải thực sự sống với nó bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự tận tụy, cống hiến với tinh thần tự nguyện nhất.

Trường huyện không có nhiều trang thiết bị như các trường tỉnh, thành phố. Nơi tôi làm việc chỉ có hai máy tính cũ dành cho cán bộ xử lý sách và lưu giữ tài liệu. Học sinh trường huyện cũng không có nhiều cơ hội được tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau, nên thư viện chính là nơi các em thường tìm đến nhất. Những học sinh nơi đây lại có ý thức học tập rất cao, các em chủ yếu là con em cán bộ công nhân viên chức trong huyện và một số là con nhà nông với ruộng nương cày cấy nên đa phần là chăm ngoan, học giỏi. Trường chuyên này là nơi để các em rèn luyện khả năng nổi trội của mình trong các môn học với mong ước được vào các trường đại học, được tham dự những cuộc thi của huyện, của tỉnh... để tiếp tục con đường khám phá tri thức dài lâu. Ngoài thời gian học trên lớp, các em thường rủ nhau vào thư viện đọc sách để nâng cao kiến thức, củng cố lại những bài đã học, tìm tài liệu ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Thường những sách tham khảo và sách truyện được các em mượn nhiều nhất. Còn mỗi khi có các cuộc thi tìm hiểu sự kiện lịch sử, những tấm gương anh hùng... thì những sách có chủ đề liên quan được các em thi nhau mượn rồi truyền tay nhau chép lại những dẫn chứng cần thiết cho bài dự thi của mình. Ý nghĩa công việc của chúng tôi là được thấy các em đến thư viện mỗi ngày, nâng niu thẻ mượn và tấm phiếu yêu cầu trên tay, ánh mắt ngời sáng mong chờ từng cuốn sách. Tôi cảm thấy như chính mình đang mang đến cho các em niềm vui được khám phá, học hỏi đó, và tôi thầm nhủ cần phải làm tốt hơn nữa công việc của mình. Tôi thường xuyên tham khảo thêm các sách chuyên môn, tích cực tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ thư viện, cập nhật thông tin mới về chuyên ngành của mình để có thể nâng cao hơn kỹ năng xử lý sách, nắm vững hơn đường đi của sách từ lúc bổ sung cho đến khi tới tay bạn đọc. Tôi cũng tranh thủ thời gian đọc những sách có trong thư viện mình đế có thể trả lời những câu hỏi của các em về chủ đề, nội dung sách mà các em cần, hướng dẫn các em lựa chọn sách đúng phương pháp nhằm đem lại hiệu quả cao và tiết kiệm thời gian, công sức cho học sinh. Làm cán bộ thủ thư, nhưng tôi cũng được các em gọi là “cô giáo”. Cảm giác của tôi những lúc ấy thật hạnh phúc và càng thêm yêu nghề, yêu công việc tôi đã gắn bó suốt 18 năm nay.

Tôi còn nhớ vào một ngày cách đây 8 tháng, đó là ngày khai giảng của trường tôi. Hôm ấy tôi vui lắm vì đã được trở lại nhịp sống sôi động sau bao ngày hè vẳng tiếng giảng bài đều đều trong các lớp học, vắng tiếng nô đùa trong những giờ ra chơi... Nắng hôm đó chan hòa, óng như mật, sân trường nở rộ những khóm cúc vàng như từng đốm nắng nhảy nhót vui nhộn. Những em học sinh xúng xính trong bộ đồng phục mới xếp hàng đều tăm tắp đi vào khu vực có biển hiệu ghi tên lớp mình. Tiếng trống giục rộn rã, tiếng hát quốc ca hào sảng, lời tuyên thệ của học sinh hứa hẹn một năm học mới thu được nhiều kết quả cao, và đặc biệt khi thầy hiệu trưởng đọc thư của Bác Hồ gửi các em học sinh lại khiến tôi rưng rưng xúc động dù đã bao lần nghe bức thư đó của Người. Như bao năm khác, tôi cùng các bạn đồng nghiệp mặc áo dài tập trung ở phía trái khán đài. Nhìn xuống sân trường rợp cờ hoa, rợp áo trắng và những khuôn mặt xinh tươi, tôi phấn chấn và mừng vui như mình chính là một học trò được đi học vậy. Bỗng nhiên có một tiếng nói nhẹ vang bên tai tôi “Cô, cô ơi”. Tôi quay lại, một em học sinh đang đứng phía sau, khẽ kéo lấy tà áo tôi và đặt vào tay tôi một chiếc hộp nhỏ, cô bé chỉ kịp nói “Em tặng cô” và chạy nhanh vào đám đông học sinh vẫn đang đứng ngay hàng thẳng lối chuẩn bị tiến vào lớp nghe cô giáo dặn dò kế hoạch học tập sau giờ khai giảng. Tôi bất ngờ quá, không kịp nói gì với em, ngẩn ngơ mất một lúc. Sau đó đọc tấm thiếp của em tôi mới nhận ra đó là Thu Trang,  học sinh lớp 8B đã từng nhờ tôi hướng dẫn tìm tài liệu vào năm học trước. Em viết cho tôi một mẩu giấy nhỏ với lời cảm ơn chân thành vì tôi đã giúp em hoàn thành xuất sác bài dự thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giành được giải nhất toàn tỉnh. Một chiếc khăn mùi xoa thơm ngát hương nhài. Cảm giác của tôi khi áp chiếc khăn vào má thật ấm áp. Không ngờ công việc thầm lặng của tôi còn được các em nhớ tới. Tôi lại càng thấy có thêm động lực để đi tiếp trên con đường mình đã chọn, dù con đường đó không hẳn đã bằng phẳng, không thực sự đem lại cho tôi một cuộc sống đủ đầy.

Hết giờ làm việc, tôi đóng cửa phòng đọc lại và đi một vòng trong khuôn viên. Gặp anh bạn đang lặng lẽ bước ra từ Khoa Toán dãy nhà C cuối sân trường, cũng cảm nhận được nỗi trống vắng từ anh. Chợt thấy vương trên mặt đồng nghiệp mình những nếp nhăn chớm đến, dấu vết của thời gian hằn lại sau những đêm soạn giáo án, những buổi sáng dậy sớm chấm bài, nỗi buồn khi phải xa học trò mình khi kết thúc năm học... Người giáo viên thường được ví như người chèo đò đưa từng lứa học sinh sang sông, rồi biết ai có nhớ quay lại bến sông ngãy cũ... Bỗng nao nao buồn vì thời gian trôi đi nhanh quá, chẳng mấy chốc mình cũng lại phải rời xa ngôi trường thân thương, rời xa phòng đọc gần gũi với sách báo và các bạn đọc hồn nhiên. Nắng đã xuống đến những khóm hồng lúp xúp mọc trước cửa các lớp học. Nhìn lại tất cả một lần nữa, hứa với lòng mình sẽ cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, để không bao giờ phải ân hận khi rời xa các em.

-----------

Thùy Dung - TVQG

< http://nlv.gov.vn/thu-thu-viet/thu-vien-ngay-he.html >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 20