Công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong hoạt động Thư viện
[ 08/08/2019 00:00 AM | Lượt xem: 198 ]

Công tác tuyên truyền giới thiệu sách là một hoạt động nghiệp vụ giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc và góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người mới, nền văn hoá mới, xã hội mới; là cầu nối thư viện với bạn đọc.

Đảng chỉ rõ: Sách báo là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hoá. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách là phương tiện phát huy tác dụng của sách báo. Vì vậy, Đảng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền giới thiệu sách: “Vấn đề tuyên truyền, cổ động, mỗi một chi bộ phải lập được một chỗ “bình dân thư xã” hay một cơ quan tương đương để mua sách báo công khai và làm tài liệu nghiên cứu (hiện thời trong số sách báo công khai có nhiều, có tính chất phổ thông và có giá trị, các cấp bộ Đảng, các đồng chí ta nên vận động quần chúng mua nhiều, Đảng sẽ giới thiệu mua sách gì và phê bình sách ấy).”

Công tác tuyên truyền giới thiệu sách thể hiện rõ tính chủ động, tính khoa học, tính sáng tạo của công tác thư viện. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có trình độ văn hoá nhất định, tư tưởng vững vàng, nhạy bén về chính trị, biết vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách mới đạt được hiệu quả cao.

Vậy tuyên truyền giới thiệu sách là gì? Những hình thức tuyên truyền sách hiệu quả mà cán bộ thư viện làm công tác tuyên truyền cần biết?

Theo Từ điển Việt ngữ : Tuyên: đọc to cho mọi người biết;  Truyền : chuyển đi. Tuyên truyền là bày tỏ cho nhiều người biết một đạo lý, một chủ nghĩa, một học thuyết, một việc gì, một sự gì bằng văn- tự ngôn ngữ, mục đích để người ta theo hay hiểu để làm theo.

Tuyên truyền, giới thiệu sách là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhằm truyển bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đó thành nhận thức, niềm tin  tình cảm, cổ vũ đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại.”

 Là họat động tác động vào nội tâm của con người, tác động vào lĩnh vực trí tuệ, ý thức, nhận thức nên khi tác động chủ yếu là dùng lý thuyết, lời nói. Tuyên truyền bao gồm các hình thức :

- Qua phương tiện nghe, nhìn như:  Phát thanh - Truyền hình, phim ảnh, triển lãm, tham quan... Trong đó vai trò của truyền hình mang tính phổ cập, nhanh chóng và rộng rãi trong toàn xã hội.

- Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, nghệ thuật;

- Qua các ấn phẩm như viết sách, báo, bản tin, khẩu hiệu, biểu ngữ...

- Tuyên truyền miệng : Thực hiện thông qua đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên với các hình thức giao tiếp trực tiếp như: Tọa đàm, hội thảo, nói chuyện thời sự, kể chuyện gương người tốt, việc tốt...

- Tuyên truyền tổng hợp (tuyên truyền lồng ghép):  Kết hợp với cổ động, tuyên truyền miệng, phim ảnh, văn nghệ, thơ ca, hò vè…

* Đối với hoạt động giới thiệu sách: Là họat động chủ yếu thông qua những phương thức, công cụ riêng chủ yếu là các biện pháp trực quan tác động trực tiếp vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của quần chúng nhân dân, lôi cuốn họ vào những hoạt động theo mục tiêu đã định. Nó bao gồm các hình thức:

           -  Giới thiệu sách bằng pa nô, mô hình…

           -  Giới thiệu sách bằng các phương tiện thông tin đại chúng.

           -  Giới thiệu sách bằng các hình thức như giới thiệu sách hay, mời diễn giả đến giới thiệu tác phẩm của mình…

Mỗi hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách đều rất quan trọng và có những ưu thế riêng. Tuy nhiên để sử dụng hình thức nào thì phải dựa trên yêu cầu, nội dung, tính chất của vấn đề, từng nội dung, điều kiện khả năng kinh tế, đối tượng, vùng miền… của từng địa phương, cơ sở mà áp dụng, thực hiện.

Nguyên tắc cơ bản của công tác tuyên truyền, giới thiệu sách:

Phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Đó là tính Đảng, tính chiến đấu, tính chân thật, khoa học thực tiễn và tính phổ thông, đại chúng.                                   

Nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, giới thiệu sách gồm:

            - Nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, những quan điểm, chủ trương, chính sách của  Đảng, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức khoa học… để tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội.

            - Góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, văn hóa mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

            - Đấu tranh chống mọi thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc từ bên ngoài, những quan điểm nhận thức lệch lạc, bài trừ các loại hủ tục lạc hậu, các biểu hiện phi văn hóa trong nhân dân.

            - Giúp xây dựng văn hóa đọc, phát triển nền văn hoá đọc Việt Nam hiện đại, xây dựng một xã hội ham đọc, để đáp ứng với xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững, có thể xứng ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, khi phát triển đồng loạt nhiều lãnh vực khác nhau liên quan đến hoạt động đọc.

Một số hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách được sử dụng phổ biến

1- Kể chuyện sách thiếu nhi: là hình thức tuyên truyền miệng, một người kể cho nhiều người nghe, trong đó người kể thuật lại nội dung hoặc kể theo nguyên văn trong sách. Người nghe nhận thức được nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm thông qua sự thụ cảm bằng tai mình và giọng nói diễn cảm của người kể. Kể sách là hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ thực hiện, tính linh hoạt cao, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên và người cao tuổi, nhưng lại có sức thuyết phục, sức hấp dẫn mạnh mẽ vì nó tác động trực tiếp vào tình cảm người nghe. Từ trước công nguyên, loài người đã xuất hiện những “kể chuyện gia” chuyên nghiệp. Ở nước ta, thời phong kiến, và tới những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, vẫn còn những người kiếm sống bằng nghề kể sách. Những tác phẩm như Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử... do các “kể chuyện gia” thuật lại trong các phiên chợ ở làng quê từng làm rất nhiều người nghe say mê. Hiện nay, kể sách là một môn học trong các trường tiểu học Việt Nam được học sinh rất thích thú.

Các thư viện đã khai thác triệt để tác dụng của hình thức kể sách trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách của mình bằng các hội thi kể chuyện sách. Các hội thi kể sách đã thu hút được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi tham gia, trở thành sân chơi lý thú của thiếu nhi. Nhiều sách địa chí, sách về danh nhân và truyền thống quê hương được bạn đọc chọn kể đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước.

Chung kết Hội thi Kể chuyện sách thiếu nhi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2015

2- Hội thảotọa đàm giới thiệu sách là hình thức tuyên truyền miệng, trong đó người nói bằng sự phân tích, so sánh, đánh giá tác phẩm, giới thiệu cho người nghe thấy hứng thú và cần thiết tìm đọc tác phẩm đó. Hình thức này gần gũi với bình giảng văn học ở nhà trường và có tính chuyên sâu, có tác dụng lớn trong công tác lãnh đạo việc đọc, nhưng đòi hỏi người nói phải có trình độ cao và nghệ thuật hùng biện. Vì vậy, người tham gia thường là giáo viên, nhà văn, nhà thơ, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn sâu...

Một điểm rất hấp dẫn ở các cuộc hội thảo này là: ngoài tác giả, thư viện có thể mời chính những nhân vật thực ngoài đời được hóa thân vào tác phẩm đến dự. Đây là những bằng chứng rất sinh động về tính hiện thực của tác phẩm.

Thông qua các buổi nói chuyện giới thiệu sách, thư viện đã đem đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị và góp phần dẫn dắt dư luận bạn đọc đối với tác phẩm và nhà văn. Giúp bạn đọc tìm đến tác phẩm nhiều hơn và đọc có suy ngẫm hơn, có chính kiến hơn.

3- Tuyên truyền trực quan : Phương pháp tuyên truyền trực quan thông qua sự cảm thụ bằng mắt phù hợp với quá trình nhận thức của con người (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng), giúp bạn đọc nhận thức nhanh và nhớ lâu, kích thích hứng thú đọc nên được các thư viện thường xuyên sử dụng. Trưng bày sách báo là hình thức tuyên truyền trực quan được áp dụng phổ biến và được thực hiện bằng cách trưng bày trực tiếp sách báo cùng những hình ảnh và lời giới thiệu ngắn thể hiện nội dung. Hình thức trưng bày giúp người đọc có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với sách báo, tránh được tâm lý cần tài liệu nhưng ngại tìm, ngại hỏi. Việc trưng bày đơn giản, ít tốn công, không tiêu hao kinh phí. Đây là hình thức trang trí, làm cho thư viện thêm sinh động và hấp dẫn. Nhân những sự kiện lớn trong đời sống chính trị, văn hóa xã hội của đất nước các thư viện thường tổ chức triển lãm sách báo. Đây thực chất cũng là hình thức trưng bày nhưng quy mô lớn hơn, số lượng tài liệu nhiều hơn, được chuẩn bị tỷ mỉ chu đáo hơn và đòi hỏi có kinh phí tổ chức. Sách báo của triển lãm thường được trưng bày trong không gian lớn, được bài trí hoành tráng và được truyên truyền, quảng cáo rầm rộ bằng các pano, áp phích, biểu ngữ và đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng. Để các cuộc triển lãm sách báo sống động hấp dẫn, các thư viện thường kết hợp việc trưng bày các ấn phẩm với việc sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn: các cơ sở dữ liệu dữ kiện có âm thanh, hình ảnh, các băng đĩa chuyên đề…

Pano tuyên truyền Đại hội Đảng của Thư viện tỉnh BR-VT

Có thể nói, các cuộc triển lãm sách báo như một hình thức phục vụ tài liệu dưới dạng kho mở theo chuyên đề, vì ở đây người đọc có thể đọc hoặc photocopy một cách đầy đủ nhất những tài liệu về một đề tài nào đó mà thư viện có khả năng cung cấp. Vì vậy, mỗi khi thư viện mở triển lãm, lượng bạn đọc đến thư viện tăng lên rất nhiều.

Triển lãm có các loại hình sau:

  • Triển lãm sách phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Loại hình triển lãm này thể hiện phổ biến dưới hình thức tài liệu, tư liệu,…
  • Triển lãm văn hóa nghệ thuật có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần, tính thẩm mỹ của người xem.
  • Triển lãm về kinh tế, kỹ thuật: Trưng bày giới thiệu sách nói về những thành tựu về kinh tế, khoa học kỹ thuật…

Ngoài ra thư viện còn làm các bảng pano, áp phích có hình ảnh các cuốn sách để tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện kỷ niệm. Đồng thời xếp sách mô hình, sách nghệ thuật theo các chủ điểm tạo sự mới lạ, sáng tạo truyền tải những thông điệp bổ ích đến người xem.

4- Thi đọc sách là hình thức tuyên truyền giới thiệu sách có tính chất tổng hợp dưới dạng trả lời câu hỏi nhằm thu hút bạn đọc vào việc đọc một số tác phẩm nhất định do thư viện đặt ra. Thường những cuộc thi đọc sách có câu hỏi liên hệ với địa phương, quê hương đất nước nên buộc bạn đọc phải quan tâm tới nhiều vấn đề thời sự, qua đó tăng cường lòng tự hào và tình yêu quê hương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt.         

5- Tuyên truyền giới thiệu sách trên báo và tạp chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng là hình thức giới thiệu những bài viết những cảm nhận về cuốn sách hay để giới thiệu đến cho bạn đọc. Sử dụng báo hình để truyền tải thông điệp của những cuốn sách hay. Ví dụ như: Chương trình mỗi ngày một cuốn sách trên VTV1...

6- Tuyên truyền giới thiệu sách dưới hình thức sân khấu hóa: Hình thức này đòi hỏi cán bộ thư viện phải hiểu biết sâu hơn, đầu tư công sức và kinh phí nhiều hơn, phải có kịch bản chặt chẽ, có người dẫn chương trình và có nhân vật giao lưu. Để tổ chức được những cuộc giao lưu này ngoài việc phải xác định rõ chủ đề giao lưu, và các tác phẩm tiêu biểu còn phải tìm ra các nhân vật, các tình tiết làm nổi bật chủ đề. Tiếp đó là phải xây dựng được kịch bản tốt – khâu then chốt quyết định sự thành bại của cuộc giao lưu.

7- Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách cũng là hình thức tuyên truyền miệng hấp dẫn được các thư viện áp dụng. Hình thức tuyên truyền này thường được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa gồm ba màn: màn chào hỏi, màn tuyên truyền giới thiệu sách, màn thi năng khiếu. Để tổ chức hội thi này thì cần phải thành lập các đội thi. Tiếp đó các đội thi phải lựa chọn một hoặc một chùm tác phẩm hay theo một chủ đề nhất định để giới thiệu... Hình thức tuyên truyền này rất lý thú bởi nó tạo cho bạn đọc cảm giác không những đang xem một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn được trực tiếp cảm nhận được tác phẩm sống động qua cách diễn suất. Thêm vào đó bạn đọc còn luôn bị cuốn hút vào màn tuyên truyền trên sân khấu bởi tâm lý ủng hộ cho đội mình thích. Hình thức tuyên truyền này là một sinh hoạt văn hóa lý thú và bổ ích: nó vừa là hoạt động nghiệp vụ vừa giống một buổi văn nghệ nhẹ nhàng. Một mặt nó rèn luyện khả năng tuyên truyền cho cán bộ thư viện, giới thiệu sâu rộng hơn những cuốn sách hay, sách tốt, nâng cao văn hóa đọc.

8- Tuyên truyền thông qua các sản phẩm thông tin-thư viện là mục lục thư viện, các ấn phẩm thông tin thư mục, các cơ sở dữ liệu... Thông qua các sản phẩm này, bạn đọc được giới thiệu một phần hoặc toàn bộ kho sách của thư viện, tự tìn cho mình các tài liệu phù hợp với nhau cầu.

      Trong tuyên truyền giới thiệu sách, vấn đề mấu chốt là phải chọn đúng các tác phẩm và chủ đề sao cho các tác phẩm được giới thiệu phải thực sự là các tác phẩm có giá trị và chủ đề được chọn phải là các chủ đề được quan tâm. Chỉ có như vậy mới thu hút được sự chú ý của bạn đọc . Điều này đòi hỏi sự nhạy bén, hiểu biết sâu rộng, lòng say mê đọc và khả năng thẩm định giá trị tác phẩm của người làm công tác tuyên truyền. Một điều nên tránh đó là bệnh làm hình thức: “là cho có”. Phải làm sao để “làm cho hay”, “Làm cho hấp dẫn”. Muốn vậy phải biết chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu tuyên truyền, nội dung tác phẩm và đối tượng tuyên truyền.

Nhận thức đúng và làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách giúp các thư viện công cộng phát triển không ngừng, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phục vụ công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh. Tuyên truyền giới thiệu sách cũng là biện pháp quan trọng mà các thư viện tỉnh dùng để kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh các khâu công tác khác của thư viện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức cho bạn đọc, làm tốt chức năng lãnh đạo việc đọc. Sự vận dụng các hình thức tuyên truyền một cách  sáng tạo, phù hợp với thực tế từng thời kỳ và đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong nhiều năm qua là thành tích đáng được ghi nhận của các thư viện tỉnh trong hệ thống thư viện công cộng.

                                                                                          

Tài liệu tham khảo

  1. Thông tin học : Giáo trình dành cho sinh viên ngành Thông tin - Thư viện và Quản trị Thông tin / Đoàn Phan Tân. - In lần thứ 2, có sửa chữa, bổ sung. - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
  2. Đặng Phương Thảo. Tuyên truyền, giới thiệu sách báo biện pháp hữu hiệu chấn hưng văn hóa đọc// Tạp chí thư viện Việt Nam, 2007, số 2, tr.43-47.

-Trần Xuân Chỉnh-

                                                                                              Phòng Nghiệp vụ - Thư viện tỉnh BR-VT


< https://lienhiepthuvienmiendong.vn/index.php/vung-tau/Tin-to >

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 22