Đọc sách tại thư viện công cộng. Ảnh minh họa (Bộ VH,TT&DL)

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và kết quả ngành thư viện đã đạt được trong việc góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua, từ đó xác định phương hướng, vai trò và nhiệm vụ của từng loại hình thư viện trong năm năm tới.

Tại hội thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ 2011 đến nay, ngành Thư viện Việt Nam tổ chức được nhiều hoạt động có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, tiêu biểu như: Ngày Hội Sách và Văn hoá đọc; Chung kết Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách chủ đề “Âm vang Điện Biên” – Chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - 2014; Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện giai đoạn 2011 – 2015 tiếp tục được duy trì, cung cấp gần 2 triệu bản sách cho thư viện tỉnh xây dựng kho sách luân chuyển, sách hạt nhân cho các thư viện cấp huyện với tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, hoạt động thư viện Việt Nam nói chung và hệ thống thư viện công cộng nói riêng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành một số chỉ tiêu, kế hoạch ngành đạt ra. Các thư viện đã đạt được những thành tựu trong công tác giữ gìn di sản văn hóa thành văn của dân tộc; phát triển vốn tài liệu của thư viện, triển khai một số dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu sử dụng sách báo ngày càng cao của cộng đồng. Nhờ đó, chất lượng phục vụ trong và ngoài thư viện đã được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc xây dựng phong trào và hình thành thói quen đọc sách báo trong nhân dân. Hoạt động thư viện ngày càng đi vào chiều sâu, bám sát, phục vụ đắc lực, thiết thực, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được các cấp lãnh đạo địa phương, các ngành  đánh giá cao, xã hội thừa nhận và ủng hộ. Tính đến tháng 12/2014 có hơn 37 triệu bản sách; 9.000 tên báo, tạp chí. Mỗi năm, hệ thống này bổ sung mới khoảng hơn 700.000 bản sách. Hệ thống thư viện – thông tin, chuyên ngành phát triển, có khoảng 5 triệu bản sách, hơn 10.000 tên tạp chí, hơn 20.000 báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học...

Cùng với những thành tựu đã đạt được, hoạt động thư viện ở Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức và tồn tại một số bất cập như:  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện còn chưa hoàn thiện; hệ thống văn bản hiện hành còn nhiều bất cập cả về thể loại văn bản (chưa có Luật Thư viện) cũng như nội dung các quy định; các văn bản cụ thể quy định về đầu tư, cơ chế chính sách đối với thư viện chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho thư viện phát triển.

Mạng lưới thư viện ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Mặc dù trong những năm qua, các thư viện đã cố rất nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của bạn đọc, với yêu cầu phát triển của người sử dụng, trình độ phát triển thư viện Việt Nam so với các nước phát triển trong khu vực còn có khoảng cách khá xa.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, trong 5 năm tới, các thư viện Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thêm dịch vụ mới, tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, không ngừng vươn tới chân thiện mỹ./.

Hà Thảo