Một vài suy nghĩ xuất phát từ hội thi “Những giờ giảng hay”
[ 21/10/2013 08:37 AM | Lượt xem: 894 ]

Một vài suy nghĩ xuất phát từ hội thi “Những giờ giảng hay”

            “Những giờ giảng hay” là hội thi do Công đoàn trường Đại học Khoa học tổ chức lần thứ nhất vào năm học 2012 – 2013. Năm học 2013 – 2014, Công đoàn trường tiếp tục tổ chức Hội thi này nhằm tìm ra những giảng viên giỏi, những giờ dạy hay lập thành tích kỷ niệm 11 năm thành lập trường Đại học Khoa học 24/20/2002 – 24/10/2013 và chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2013.

            Hội thi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và tham gia hết mình của các giảng viên đến từ các khoa/ bộ môn trong toàn trường. Các khoa/ bộ môn tiến hành thao giảng trong khoa/ bộ môn mình sau đó tìm ra một giờ dạy xuất sắc nhất và dự thi ở trường cùng những cá nhân xuất sắc nhất đến từ các khoa/bộ môn khác. Trong lúc này, khi tôi đang viết lên những suy nghĩ cá nhân mình thì Hội thi vẫn đang diễn ra sôi nổi, chưa có một kết quả cuối cùng nào được thông báo. Các giảng viên tham gia dự giờ những giờ giảng hay rất đông đảo. Điều mọi người quan tâm nhất của Hội thi không phải là giải thưởng, mà là bản thân học hỏi được những gì từ giờ giảng của các đồng nghiệp? Với tư cách là một giảng viên đứng lớp hơn 7 năm nay, thành tích chưa có gì đáng để tự hào, bản thân tôi cũng không phải là giảng viên thay mặt khoa/ bộ môn tham gia hội thi này ở cấp trường. Nhưng với những gì tôi biết, tôi được học, được đọc, được trải nghiệm, dự giờ các đồng nghiệp, được lắng nghe ý kiến từ phía các em sinh viên, trao đổi với các đồng nghiệp, những thế hệ thầy cô đi trước và trực tiếp nhất là từ kết quả của Hội thi “Những giờ giảng hay” lần thứ nhất, tôi mạnh dạn chia sẻ quan điểm của mình về một người thầy giỏi với những giờ giảng hay:

            1. Người thầy có chuyên môn vững vàng

Người thầy giỏi chỉ có thể có một giờ giảng hay khi người thầy đó có trình độ chuyên môn tốt, kiến thức vững. Khi đó người thầy ấy mới có khả năng logic các kiến thức, dẫn dắt học trò của mình đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Người thầy làm chủ được kiến thức môn học sẽ không bao giờ vội vàng mà luôn luôn điềm tĩnh để xây dựng những bài giảng với nội dung kiến thức “đủ để các học trò xây dựng nền móng”, xong cũng cần “đủ để kích thích sự to mò, tìm tỏi, khám phá” tri thức mới của các em vì khi ấy người thầy biết phân chia kiến thức thành 03 loại để giảng dạy: kiến thức cơ bản phải biết, kiến thức nên biết và kiến thức có thể biết.

            2. Người thầy có phương pháp gợi mở

Người thầy giỏi cần lắm một phương pháp giảng dạy hiệu quả. Nếu chỉ uyên thâm về chuyên môn thôi thì đó là một nhà nghiên cứu giỏi chứ chưa là người thầy giỏi. Người thầy giỏi cần có phương pháp giảng dạy tốt. Đó là phương pháp truyền đạt kiến thức cơ bản cho học trò dễ tiếp cận, dễ hiểu. Đồng thời, người thầy ấy cần đặt ra các câu hỏi gợi mở, kích thích sự quan tâm, chú ý của các em. Từ đó các em có thể tự khám phá những tri thức mới ngay cả khi không có thầy cô hướng dẫn nữa. Để làm được điều đó, người thầy cần phân biệt được đối tượng học của mình để biết các em cần học gì và cần biết kiến thức ở mức độ nào.

Người thầy có phương pháp tốt luôn luôn không lặp đi lặp lại một cách dạy học hay sử dụng đơn điệu một phương pháp. Người thầy có phương pháp giỏi luôn biết biến hóa bài giảng của mình khi đứng trước các đối tượng học khác nhau. Cùng với kiến thức chuyên môn, người thầy cần có hiểu biết xã hội và những ngành học khác để liên hệ thực tiễn giúp các em học trò hiểu rằng: Mọi tri thức đều có giá trị đối với tất cả mọi người, hiểu biết cả kiến thức không chuyên ngành cũng không bao giờ là thừa thãi.

                                                       Thầy và trò khoa KHCB

3. Người thầy tâm lý với học trò, giàu lòng vị tha và có khiếu hài hước

Khảo sát bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp sinh viên, tôi nhận được các câu trả lời từ phía các em là: các em thích học những thầy cô tâm lý. Thầy cô tâm lý với học trò là thầy cô hiểu học trò của mình ở độ tuổi nào, đặc điểm tâm, sinh lý của các em là gì và dù có thế nào ‘giương cao, đánh khẽ”, giàu lòng vị tha luôn khiến các em tôn trọng thầy cô và yêu thích những giờ học hơn. Đồng thời, không thể phủ nhận, thầy cô có khiếu hài hước luôn nhận được sự khen ngợi từ phía các học trò. Các em dễ tìm tới thầy cô để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình về môn học cũng như cuộc sống. Kể cả khi đã xa rời ghế nhà trường, người học trò luôn ghi nhớ nhất là kí ức về những giờ học nhiều tiếng cười, hài hước và hóm hỉnh. Người thầy ấy cũng từ đó mà tiến gần với các em hơn, người thầy ấy vì thế được các học trò của mình luôn nhớ tới với sự tôn trọng, gần gũi chứ không phải sợ sệt, xa cách.


            Tự nhận mình chưa phải là người thầy đạt được cả 03 điều trên, nhưng tôi luôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời dạy học của mình. Khép lại cảm nhận của mình, tôi xin được trích dẫn lời của một cuốn sách  “Điều gì tạo nên một giáo viên giỏi?” của UNESCO xuất bản:

 ““Nếu cho tôi con cá và tôi sẽ có cá ăn trong một ngày, nếu dạy tôi cách câu cá, tôi sẽ có cá ăn suốt đời”. Đây chính là triết lý dành cho một người thầy giỏi. Người thầy cần kiên nhẫn và dễ mến, linh hoạt và uyên bác; có khả năng chịu đựng, thoáng trong tư duy và có khả năng hài hước. Nhiệt tình và thích thú giảng dạy; là người chân thật, giàu trí tưởng tượng và sáng tạo; có khả năng tổ chức, khiêm tốn, nguyên tắc và hữu ích.”

 Bài và ảnh: Phương Nhung (Khoa KHCB)

 

Khoa Khoa học cơ bản

(0208).3648.433

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 21