7 giờ 30 phút ngày 28/10/14, tôi đi dự giờ thao giảng Hội thi Những giờ giảng hay của giảng viên Lê Trung Kiên đại diện cho khoa Khoa học cơ bản. Hội thi Những giờ giảng hay trường Đại học Khoa học do Công đoàn trường đã bước vào mùa thứ 3, cũng là lần thứ 3 khoa Khoa học cơ bản tham gia so tài cùng với các khoa, bộ môn trong toàn trường; và tôi lần thứ 3 được vinh dự làm thành viên ban giám khảo đại diện cho Công đoàn khoa.
Là một giảng viên của Khoa Khoa học cơ bản, tôi đã dự rất nhiều giờ giảng, của tất cả các giảng viên trong khoa. Nhưng mỗi lần dự giờ thao giảng Hội thi Những giờ giảng hay của cán bộ Khoa tôi vẫn luôn có những ấn tượng khó phai. Năm thứ nhất, tôi “bị choáng” với giờ giảng phong phú cuốn hút đầy màu sắc ứng dụng công nghệ cao của cô Quế bộ môn Tiếng Anh. Năm thứ hai tôi “phục sát đất” trước tài biến hóa một giờ giảng Triết học khô – khó – khổ thành sôi nổi hào hứng của cô Nguyên bộ môn Chính trị . Năm nay, Khoa học cơ bản tiếp tục gửi đến hội thi một giờ dạy đặc biệt thuộc học môn Cầu Lông. Thầy Kiên sẽ làm gì trong môn học của học phần Giáo dục thể chất 3?
Tò mò và háo hức, tôi đến địa điểm thi sớm, nhưng đã thấy đoàn đại biểu, ban giám khảo hội thi cùng thầy và trò lớp PHE113 – L04 có mặt gần như đầy đủ. Với đặc thù là môn học giáo dục thể chất, nơi học tập được thực hiện ngoài trời, sân Ký túc xá trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông. Không khí cuối thu trong lành cùng không gian xanh mát đẹp đẽ của địa điểm học làm cho tất cả mọi người đều cảm thấy thật khoan khoái. Cảnh quan và không khí ấy giúp tôi hoàn toàn không còn bận tâm rằng việc học tập tại Sân Ký túc xá thực tế vẫn chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện sân bãi của nhà trường còn hạn chế. Và rằng việc dạy và học thực sự rất phong phú có đâu chỉ diễn ra ở giảng đường, với bàn ghế, bảng đen và phấn trắng… Trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn luôn có những điều tốt đẹp.Và điều kiện đặc thù nào cũng có những cái đáng yêu riêng của nó.
Sau phần mở đầu nhận lớp, kiểm tra sĩ số, thầy và trò hô vang khẩu hiệu “KHỎE” và thực hiện khởi động chung, khởi động chuyên môn. Tôi nghe đâu đó trong đoàn đại biểu có tiếng bình luận nho nhỏ, “Đó! Dạy giáo dục thể chất mới có thế, chứ mình đi dạy có bao giờ được chúc khỏe đâu. Thật là hay!”.
Không ít người vẫn xem nhẹ môn thể dục, dễ mà, nhàn mà. Nhưng nếu ai đã dự giờ giáo dục thể chất, lại là giờ Giới thiệu kỹ thuật phát cầu cao xa bằng mặt phải vợt của thầy Kiên ngày 28/10 vừa qua chắc chắn sẽ phải thay đổi suy nghĩ đó. Cầu lông là môn thể thao thông dụng nhưng không kém phần phức tạp. Mặc dù giảng viên đã giới thiệu và làm mẫu kỹ thuật rất kỹ lưỡng, chuẩn mực nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng thực hiện được ngay. Nhiều bạn từ chỗ hăng hái xung phong lên thực hành đã chuyển sang lung túng ngại ngùng vì kỹ thuật khó hay thành quả giao cầu dở tệ. Tuy vậy, sự động viên hài hước và chỉ dẫn tận tình của thầy giáo sớm giúp các bạn lấy lại tinh thần, và tự tin tập luyện cho đến thành công. Những tràng cười giòn tan của cả thầy và trò khiến không khí học tập thêm phần tích cực.
Tiết học được đẩy lên cao trào về cuối buổi với phần luyện tập kỹ thuật Bước 3 bước đỡ cầu trái phải. Từng tốp từng tốp sinh viên đồng loạt di chuyển, đón và đánh trả cầu theo hiệu lệnh lúc nhanh lúc chậm của thầy giáo trẻ. Phần thực hành đều đặn, nhịp nhàng và đẹp mắt khiến những người quan sát hay mơ mộng như tôi liên tưởng đến những bài đồng diễn thể thao quyến rũ. Chẳng thế mà môn Cầu lông còn có một tên gọi mỹ miều khác là Vũ cầu.
Theo dõi thầy và trò thả lỏng, hồi tĩnh và xuống lớp mà tôi thấy trong lòng có chút gì nuối tiếc. Tiết học phần lớn là lý thuyết, còn “hàn lâm” lắm, học trò chưa được vận động, được học mà chơi nhiều như vẫn thấy ở môn Thể chất. Nhưng biết làm thế nào được, một tiết học chỉ có 50 phút thôi, chúng tôi chỉ dự giờ một tiết học thôi. Lần sau nếu có điều kiện, tôi sẽ đề nghị dự thêm nữa, để theo dõi phần thực hành của thầy trò lớp giáo dục thể chất. Và chúng tôi sẽ đề xuất với hội thi, với các khoa, mạnh dạn đưa thêm các tiết học đặc thù, các môn thực hành vào hội giảng, thế mới hiểu hết và có biện pháp phù hợp phát triển hoạt động chuyên môn của nhà trường. Và nếu chúng ta thành lập những câu lạc bộ thể thao, tạo những sân chơi thể thao nghệ thuật cho sinh viên thì sao nhỉ?...
Ngồi viết những dòng này, tôi thầm cảm ơn thầy và trò lớp PHE113-L04 đã cho tôi “mở mang tầm mắt”. Một giờ học nhỏ mà đem lại thật nhiều cảm xúc, suy nghĩ và gợi mở biết bao ý tưởng, kế hoạch. Cảm ơn những thầy cô trong Công đoàn trường đã rất tâm huyết trong quá trình xây dựng và tổ chức Hội thi Những giờ giảng hay, để tôi được hiểu hơn về bạn bè đồng nghiệp mình, để thấy mình, còn nhiều việc để làm lắm… cho mình, cho công đoàn viên của mình, và cho các em sinh viên thân yêu của tôi.
Tin bài: Đinh hiển
Lượt truy câp: 3757896
Trong ngày:
Đang online: 20